Sự gắn bó của một tập thể ba mươi tám con người nằm ở những gì độc nhất và không thể nhầm lẫn. Nó nằm ở những trò đùa mà chỉ có người trong lớp mới hiểu, ở những cái tên và biệt danh chỉ có người trong lớp mới biết, ở những chương trình đố vui độc đáo chỉ có những người trong lớp từng trải qua, và ở những xúc cảm không thể nói ra lời.

Dường như mới chỉ hơn hai năm trước thôi, tôi bước vào chuyên Nguyễn Trãi, với điểm môn chuyên chỉ thiếu không phẩy hai là chạm mức tuyệt đối. Lòng tôi lâng lâng như Tản Đà một đêm kia được gọi lên hầu trời: 

“Trời lại phê cho: “Điểm thật tuyệt!

Điểm trần được thế chắc có ít!”

(Hầu trời, Tản Đà)[1]

Tản Đà gần với tôi lắm. Tiên sinh đã cùng tôi chia sẻ một nỗi khát vọng thiết tha, nỗi khát vọng thoát ly ra khỏi cái tù túng, cái giả dối, cái khô khan của khuôn sáo.[2]Tôi có tiếng là ngông, tôi không làm theo cái lẽ thường tình người ta vẫn hay làm. Mà ở đời không có gì đáng ghét hơn là những kẻ không giống mình. Đời tôi bơ vơ, nhưng không giống như Tản Đà, hồn tôi không còn nơi nương tựa.Bất lực trước cuộc đời, tôi tìm đến thơ Huy Cận. Tôi vùi mình trong cái mạch sầu mấy nghìn năm vẫn ngấm ngầm trong cõi đất này.[3] Ấy mà buồn thế vẫn chưa xong. Tôi sống mãnh liệt quá, nồng nàn quá. Cái buồn lặng lẽ và u uẩn không hợp với con người tôi một chút nào. Không buồn, tôi lại thành vật vã. Tôi tưởng như mình đã lạc vào vườn Thơ Điên của Hàn Mặc Tử. Vườn thơ rộng rinh không bờ bến, càng đi càng ớn lạnh:[4]

“Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?

Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?

Sao bông phượng nở trong màu huyết,

Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?”

(Những giọt lệ, Hàn Mặc Tử)

Nhưng rồi mùa xuân đến, mang theo ngày hội trại 26 tháng 3. Đến Hàn Mặc Tử còn rung động trước cảnh sắc mùa xuân để rồi viết ra bài “Mùa xuân chín”, với giọng thơ trong sáng đến không ngờ, huống chi tôi chỉ là Hàn Mặc Cảm! Tôi điên mãi làm sao được? Ngày hôm ấy, sự khăng khít của tập thể lớp Anh lần đầu chạm được tới tâm hồn tôi. Tôi đi ra khỏi vườn Thơ Điên và đi vào lều trại cùng cả lớp:

“Sao anh không về trại 10 Anh?

Có sách cho thuê sách mới toanh

Bao nhiêu thắc mắc giải đáp hết

Lời nhắn tình yêu gửi thật nhanh.”

(Đây trại 10 Anh, Hàn Mặc Cảm)[5]

ANH1
Một thời đại mới của chuyên Anh
(Trại năm lớp 10 chuyên Anh khóa 17-20)

Rồi từ ấy, tôi không một mình nữa. Chính trong tập thể lớp Anh ấy tôi tìm được những tri kỉ ở đời. Tâm hồn tôi được mở rộng thêm ra nhiều lắm. Trước kia tôi chỉ biết tới thơ Việt Nam, các bạn đưa tôi vượt biên đến với “Tam quốc diễn nghĩa”. Tôi không còn là Hàn Mặc Cảm nữa. Bây giờ tôi lại đam mê Xuân Diệu. Vào những tháng ngày cuối năm này, trong những nụ cười đã có mầm mống của những giọt nước mắt sẽ rơi. Đang hạnh phúc vui vẻ cùng nhau đấy, mà đã sợ hãi nghĩ đến lúc chia tay ngay đấy. Chưa bao giờ tôi lại đồng cảm với Xuân Diệu đến thế, chưa bao giờ tôi lại nhạy cảm như thế với những bước chuyển của thời gian: 

“Nhanh với chứ, vội vàng lên với chứ!

Chuyên Anh ơi, tình non sắp già rồi.”

(Giục giã, Xuân Diệu)[6]

ANH2
Lớp tôi trước phòng học của mình tầng 4 nhà C 

Trải nghiệm ở chuyên Nguyễn Trãi là một trải nghiệm cá nhân. Nó là thứ riêng tư và độc nhất với một con người hay với một tập thể. Như lớp chuyên Anh 2017-2020 của tôi vậy. Dĩ nhiên chúng tôi có những khoảnh khắc mà ai ai cũng có thể chia sẻ được: sống chết vì những trận bóng đá, hò hét nổ trời để cổ vũ kéo co, vô địch cuộc thi bắn tên lửa nước, đi du lịch Mộc Châu cùng cả lớp, đạt thủ khoa những lần thi thử, tổ chức cả lễ Tây lẫn lễ Tàu - từ Halloween, Giáng sinh đến Trung thu; đến cả những ngày kỉ niệm dành cho các bạn nam và các bạn nữ. Nhưng sự gắn bó của một tập thể nằm ở những gì độc nhất và không thể nhầm lẫn. Nó nằm ở những trò đùa mà chỉ có người trong lớp mới hiểu, ở những cái tên và biệt danh chỉ có người trong lớp mới biết, ở những chương trình đố vui độc đáo chỉ có những người trong lớp từng trải qua, và ở những xúc cảm không thể nói ra lời.

ANH3
Hội trại năm lớp 10 chuyên Anh 17-20

Ấy là lớp tôi đấy, một thời đại mới của lớp chuyên Anh. Một lớp chuyên Anh nơi mọi người đều lịch sự và rất ít khi xảy ra xích mích, một lớp chuyên Anh thay vì đề phòng nhau thì chúng tôi chấp nhận lẫn nhau. Những tính cách rất riêng, những mảng màu khác biệt, tất cả đều được tôn trọng, và trên hết, tất cả đều là một phần không thể thiếu của tập thể gồm ba mươi tám con người này. 

 

* Chú thích và trích dẫn:

Nhan đề được cải biên từ đoạn trích “Một thời đại mới trong thi ca” của Hoài Thanh.

[1]: Bản gốc thay hai chữ “điểm” bằng hai chữ “văn”.

[2], [3]: Trích - “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh.

[4]: Trích lời mở đầu của Hàn Mặc Tử cho tập Thơ Điên.

[5]: Bản gốc: Đây thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

 [6]: Bản gốc thay ba chữ “Chuyên Anh ơi,” bằng “Em em ơi”

 

Người dự thi: Hà Hoàng Thùy Linh

Lớp 12 Anh, niên khóa 2017 - 2020

 

Để chia sẻ những câu chuyện, kỉ niệm về một thời áo trắng tại mái trường PTNK Hải Hưng (xưa), THPT chuyên Nguyễn Trãi (nay), mời độc gia tham gia cuộc thi viết "Chuyên Nguyễn Trãi trong tôi" lần II, thông tin chi tiết truy cập đường link https://chuyennguyentrai.edu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-chuyen-nguyen-trai-trong-toi-lan-thu-ii-tin1173