Có người đã nói: trong cuộc đời con người có 3 điều may mắn “Đi học gặp được thầy giáo tốt; Đi làm gặp được lãnh đạo tốt; Trong cuộc sống có được bạn bè tốt”. Với con, được là học sinh của thầy không chỉ là điều “may mắn” mà hơn thế đó là “Hạnh phúc” bởi nếu không được gặp thầy con đã không được là con của ngày hôm nay

“Con là hòn đá con con

Nhờ thầy mà biết vuông tròn thế gian”

Thầy kính yêu!

Khi con ngồi đây, viết những dòng này thì thầy đã đi xa, thật xa…và chúng con chỉ còn được gặp thầy trong nỗi nhớ, niềm thương của một miền tâm linh khắc khoải.

ANH1
Thầy Phạm Phan Chẩn – người Thầy, người Cha chúng con trọn đời yêu kính

Còn nhớ, ngày đầu tiên con gặp thầy là khi con bước chân vào lớp 9 Văn trường PTNK Hải Hưng. Giờ đây, mỗi khi nghĩ lại những năm tháng ấy, chúng con không khỏi ân hận vì đã trót gây bao lỗi lầm, để thầy phải phiền lòng vì những đứa con bướng ương, đầy cá tính. Lớp 9 Văn năm ấy là khóa cuối cùng thầy dạy và chủ nhiệm trước khi về nghỉ hưu. Thầy vẫn yêu thương gọi chúng con là “con út”.  Phải chăng vì là “con út” cấn cơm cấn sữa nên chúng con đã làm thầy nhiều phen buồn lòng? Chúng con học không giỏi bằng các anh chị khóa trước nhưng chúng con lại nghịch ngợm và ham chơi hơn. Chúng con đã từng rủ nhau trốn tiết, cùng thay nhau bỏ ngô rang vào túi áo vest của thầy, cùng nhau “đình công” không hoàn thành bài tập… Trước tất cả những lỗi lầm ấy của tụi con thầy đều bao dung, chỉ lắc đầu cười thật hiền “Đúng là những con ngựa bất kham”. Tuổi 15, chúng con ương ngạnh, hiếu thắng nhưng nông cạn và hời hợt trong suy nghĩ. Thầy đã chấp nhận những điều đó với tấm lòng của một người Thầy, người Cha. Thầy đã kiên nhẫn uốn nắn chúng con từng ngày, từng ngày như người trồng cây chăm chút, uốn nắn từng mầm non cứ muốn bứt mình vượt ra ngoài khuôn khổ. Không thể kể hết những nỗi phiền lòng mà chúng con đã gây ra cho thầy nhưng với riêng con có lẽ một kỷ niệm mà suốt đời con không quên đó là những ngày học đội tuyển thi quốc gia. Thầy thì lo lắng và dồn bao tâm huyết (vì đây là năm cuối), còn chúng con thì cứ nhởn nhơ như không. Chúng con nào biết cái áp lực của người thầy, người cô khi cầm đội tuyển. Cái cảm giác này phải nhiều, thật nhiều năm sau (khi đã đứng trên bục giảng và gánh trên vai trọng trách chúng con mới được nếm trải). Để đầu tư cho chất lượng đội tuyển, thầy đã cất công mời cả giáo sư trên Hà Nội về dạy chúng con. Buổi sáng hôm ấy con đi học nhưng ngồi cả buổi chẳng thấy thú vị gì. Có lẽ cái tầm của chúng con còn non quá nên không thể hiểu những lời giảng của một vị giáo sư. Nhưng tại thời điểm đó, con không hiểu nên cho điều ấy là vô bổ. Và thế là chiều hôm ấy con viết giấy xin phép nghỉ học, bỏ ra thư viện tỉnh ngồi đọc sách. Thầy biết chuyện. Nhưng thật lạ! Thầy không hỏi, không căn vặn, cũng không một lời trách phạt. Chỉ có đôi mắt thầy là buồn, thật buồn. Còn con, vì ương bướng, vì cho rằng mình đúng nên cũng không có một lời giải thích hay xin lỗi. Cũng may, kỳ thi năm ấy, con và một bạn nam trong lớp may mắn đạt giải khuyến khích. Đó cũng như một lời xin lỗi muộn màng  con gửi đến thầy.

ANH2
Căn nhà số 60 Chương Dương là bến đỗ bình yên của chúng con mỗi khi trở về

Sang năm học lớp 10, thầy chia tay chúng con về nghỉ hưu. Kể từ khi ấy, lớp chúng con đã lần lượt gặp gỡ biết bao thầy cô giáo. Ở bất cứ bến đỗ nào, chúng con đều thấy chông chênh bởi tình cảm với thầy đã trở nên quá sâu đậm. Và đến lúc ấy, chúng con mới giật mình, mới tiếc nuối, mới ân hận. Mặc dù chúng con chỉ được học thầy hơn một năm, nhưng thầy vẫn luôn bên cạnh và dạy dỗ chúng con suốt cả cuộc đời. Những năm sau này, dù đã ra trường, lên đại học, thậm chí ra công tác và xây dựng gia đình chúng con vẫn luôn tìm về bên thầy mỗi khi có thể. Địa chỉ 60 Chương Dương đã trở thành bến đỗ để chúng con - những đứa con út bướng bỉnh, nghịch ngợm - có thể tìm về bất cứ khi nào. Dưới mái nhà ấy chúng con được vui, được buồn, được động viên, khích lệ, được dạy dỗ dù đã khôn lớn, trưởng thành. Con vẫn nhớ những ngày đầu chập chững vào nghề, đối diện với hiện thực khắc nghiệt, với những  thị phi, những câu chuyện buồn của ngành giáo dục con đã hoang mang, đã hơn một lần đánh mất niềm tin vào con đường mình đã chọn. May thay, chính lúc ấy thầy đã giữ con lại trên bờ vực của sự chênh chao bằng lời dạy qua những câu Kiều giản dị mà thấm thía

“Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần đất xa

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”

Thầy vẫn tâm sự “Cuộc đời dạy học của thầy chẳng có thành tích gì vượt trội. Thầy không đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú hay Nhà giáo Nhân dân. Thầy chỉ là thầy. Đơn giản thế thôi”. Vâng! Thầy chỉ là thầy, một con người giản dị, chân thành, giàu lòng vị tha. Một người cha hiền hậu, bao dung trước mọi lỗi lầm của con trẻ và thậm chí có đôi khi thầy như một người bạn tri kỷ để chúng con có thể “trút bầu tâm sự”mọi khúc mắc trong lòng.

ANH3
Sinh nhật thầy cũng đồng thời là ngày họp lớp

Không biết từ khi nào chúng con có thói quen tìm về bên thầy những lúc buồn, lúc khó khăn, thất bại. Và bất kể lúc nào, thầy cũng đều lắng nghe, chia sẻ, và cho chúng con những lời khuyên bổ ích. Thật lạ! Dù gặp chuyện buồn đến cỡ nào. Dù gặp khó khăn nhường nào, chỉ cần đến thầy, nói chuyện cùng thầy là khi trở về chúng con đều thấy lòng nhẹ nhõm, thấy những nỗi buồn và sự thất bại chỉ là chuyện nhỏ. Lòng nhẹ thênh, chúng con có thể đối diện với tất cả bằng một tâm thế thoải mái và chủ động hơn bao giờ hết. Con còn nhớ năm 2011, con sinh cháu thứ 2. Nhưng thật đau lòng, cháu chỉ ở với con trên cuộc đời này hơn 1 tháng. Hơn 1 tháng mẹ con con đã ròng rã, kiên cường chiến đấu với bệnh tật, giành giật sự sống từ tay tử thần. Nhưng cuối cùng con cũng phải buông tay. Ngày đưa bé con về, con đã không thể khóc. Bởi bao nhiêu nước mắt con đã khóc cạn trong những đêm thức trắng nơi bệnh viện. Nỗi đau tưởng đã hóa đá. Tối đó, thầy cùng vợ đã vượt gần 20km xuống tận nhà động viên con. Nhìn thấy thầy, con chỉ nghẹn ngào thốt được hai tiếng “Thầy ơi” rồi òa khóc như một đứa trẻ. Con đau đớn nhưng thấy ấm lòng bởi con biết thầy vẫn luôn dõi theo chúng con trên mọi nẻo đường đời. Vẫn luôn ở bên cạnh để nâng đỡ chúng con trước những buồn đau, thất bại. Và chỉ riêng điều này thôi cũng khiến chúng con ghi lòng tạc dạ suốt cả cuộc đời.

ANH4
Nụ cười ấm áp và tình cảm yêu thương của thầy là điều  chúng con mãi khắc ghi

Bây giờ thì thầy đã đi xa. Bao nhiêu yêu thương đành gói gọn trong nỗi nhớ. Nhưng với riêng con thì thầy vẫn luôn sống mãi bởi

“Con là hòn đá con con

Nhờ thầy mà biết vuông tròn thế gian”

Ơn thầy con không sao có thể nói hết. Thầy không chỉ cho con tri thức, thầy còn cho con niềm tin vào bản thân, vào cuộc đời. Thầy dạy cho con cách sống cứng cỏi, có trách nhiệm với chính mình. Con còn nhớ mỗi khi chúng con gặp khó khăn, cần đến thầy là thầy luôn luôn giang rộng vòng tay giúp đỡ. Nhưng có một lần duy nhất khi con phạm sai lầm, loay hoay không dám đối diện với hậu quả, con tìm đến thầy như một sự trốn tránh, thầy đã im lặng để con học cách đối diện và tự chịu trách nhiệm với lỗi lầm mình đã gây ra . Con đã buồn, đã thất vọng, đã hờn trách… Và phải tới ngày ra trường, trong trang lưu bút con mới hiểu hết tấm lòng của thầy. “ Biết bao điều đáng nhớ. Và con có nhớ lần con “du lịch” Tứ Kỳ? Thầy đã chẳng thể che chở cho con bé hiền lành, ngốc nghếch của thầy. Con buồn - Hình như con có hờn dỗi? Nhưng lại như cứng cỏi và khôn lớn hơn một tí… Để nay, nó đang cười ròn, lũn cũn qua cổng trường Sư phạm và sắp thành đồng nghiệp trẻ của thầy

Vừa Minh vừa Hậu con ơi!

Đường đời vàng nắng, tình người xanh xuân

Dù xa, xa mãi, mãi gần”

Những dòng lưu bút thầy viết đã theo con suốt quãng đời thanh xuân và sẽ còn đồng hành cùng con suốt cả cuộc đời để con biết mình phải sống sao cho đúng và hơn nữa nó cũng nhắc nhở con về một niềm hạnh phúc giản dị mà thiêng liêng khi được là học trò của thầy.

ANH5
Nét chữ thân thương trong trang lưu bút đã đi cùng con qua bao năm tháng

 Giờ đây, thầy có thể yên lòng vì các bạn lớp mình đều rất thành đạt thầy ạ! Có bạn làm sếp, có bạn mở công ty, những bạn nối nghiệp thầy đều khẳng định được chỗ đứng ở những trường có tiếng. Con biết, trong mọi nỗ lực, cố gắng  và thành công của các bạn đều có một phần lý do để được tự hào “Mình là học sinh của thầy Chẩn”. Còn con? Con chỉ là một giáo viên dạy Văn bình thường của một trường tuyến huyện. Thành tích dạy học chẳng có gì đáng nói. Nhiều lúc con tự nhủ “Không biết thầy có thất vọng vì cái sự bình thường ấy của con”? Nhưng có một điều con tin chắc là ở một nơi nào đó rất xa, thầy vẫn nhìn con, cười thật hiền và dặn dò “Hãy sống cuộc đời bình thường nhưng không tầm thường con nhé!”

 Hải Dương, những ngày trời đầy nắng

 

Người dự thi: Đặng Thị Minh Hậu

Cựu học sinh chuyên Văn niên khóa 1993  - 1996

 

Để chia sẻ những câu chuyện, kỉ niệm về một thời áo trắng tại mái trường PTNK Hải Hưng (xưa), THPT chuyên Nguyễn Trãi (nay), mời độc gia tham gia cuộc thi viết "Chuyên Nguyễn Trãi trong tôi" lần II, thông tin chi tiết truy cập đường link https://chuyennguyentrai.edu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-chuyen-nguyen-trai-trong-toi-lan-thu-ii-tin1173