Cho đến bây giờ khi đã trưởng thành, và tôi tin rằng ngay cả sau này khi tôi thêm nhiều tuổi nữa, đối với tôi quãng thời gian gắn bó với trường chuyên Nguyễn Trãi vẫn luôn là một kí ức sống động và tươi đẹp. Đặc biệt hơn cả khi chuyên Nguyễn Trãi không chỉ là nơi đã chứng kiến những năm tháng tuổi thơ đầy mơ mộng, mà còn là nơi đánh dấu những bước chân đầu tiên của tôi trên con đường sự nghiệp sau khi tốt nghiệp Đại học.

Em thấy không tất cả đã xa rồi

Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ

Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế

Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say… (*)

Cho đến bây giờ khi đã trưởng thành, và tôi tin rằng ngay cả sau này khi tôi thêm nhiều tuổi nữa, đối với tôi quãng thời gian gắn bó với trường chuyên Nguyễn Trãi vẫn luôn là một kí ức sống động và tươi đẹp. Đặc biệt hơn cả khi chuyên Nguyễn Trãi không chỉ là nơi đã chứng kiến những năm tháng tuổi thơ đầy mơ mộng, mà còn là nơi đánh dấu những bước chân đầu tiên của tôi trên con đường sự nghiệp sau khi tốt nghiệp Đại học.

ANH1
Biển trường xưa – trường PT Năng khiếu tỉnh Hải Hưng

Ngày ấy, năm học 1994-1995, chúng tôi là 10 cô gái và 1 chàng trai lớp chuyên tiếng Pháp đầu tiên của tỉnh Hải Dương - lớp 8 tại trường Phổ thông Năng khiếu tỉnh. Điều thú vị là hầu hết các thành viên trong lớp đều chuyển ngang sang từ trường cấp 2 Lê Hồng Phong bắt đầu từ một “vụ bạo động” khiến cho gần chục cô bé bị Ban giám hiệu trường LHP triệu tập lên phòng Hiệu trưởng và “quạt” cho một trận tơi bời vì nghịch ngợm, thậm chí bị doạ “đuổi khỏi trường”. Vừa sợ, vừa tức vì bị mắng oan, nhóm cô bé vô tình bị liệt vào danh sách “thành phần bất hảo” đã họp lại, thống nhất một việc vô cùng kinh khủng thời đó: quyết ra đi, cùng chuyển trường! Nói là làm, các cô xách xe đạp đi dò la thông tin, thì được biết: trường Phổ thông năng khiếu tỉnh Hải Hưng (PTNK) mở lớp tiếng Pháp đầu tiên! Như bắt được vàng, các cô lập tức đăng kí thi luôn không suy nghĩ, chỉ với vốn tiếng Pháp vô cùng ít ỏi được học tại lớp 6, lớp 7. Cả lũ đỗ hết! Việc chuyển trường này có thể nói là một bước ngoặt lớn đối với chúng tôi, cả trong quá trình học tập lẫn sau này khi chúng tôi đã trưởng thành.

Suốt 5 năm học tập dưới mái trường PTNK ấy, tôi đã cùng bạn bè trải qua biết bao cung bậc cảm xúc, có buồn có vui, có thất bại có thành công, có giận hờn có yêu thương, nhưng hơn hết đọng lại vẫn luôn là những kỉ niệm thật dấu yêu.

ANH2
Hội thi Học sinh thanh lịch của trường năm 1996

ANH3

Ra trường, tôi có may mắn được trở về trường Phổ thông năng khiếu cũ, khi đó đã đổi tên thành trường PTTH chuyên Nguyễn Trãi, với vai trò là giáo viên tiếng Pháp. Mặc dù chỉ được giảng dạy ở trường 1 năm tròn nhưng với tôi đó là một năm thật sự có ý nghĩa. Ngày mùng 5/9/2003, tôi ngồi ở sân trường trên hàng ghế giáo viên, lần đầu tiên dự buổi lễ chào cờ cùng các thầy cô giáo trên bục sân khấu, thật sự là một cảm giác thiêng liêng và xúc động. Nhìn xuống dưới sân trường tôi thật sự bồi hồi nhớ lại quãng thời gian 4 năm trước khi còn là một cô học trò đứng dưới sân trường cùng các bạn, mà chỉ 4 năm sau đã đứng đây với một vai trò, một trọng trách mới. Thật sự xúc động và tự hào.

Năm tôi về trường là một năm rất đặc biệt vì có 3 tháng tôi phải một mình dạy cả 3 lớp chuyên Pháp, đó là thời điểm thầy Cường đi Pháp tập huấn còn cô Vân thì nghỉ sinh em bé. Đối với một giáo viên trẻ măng vừa mới rời ghế đại học được vài tháng thì đó thực sự là một thử thách không nhỏ chút nào. Vừa tham gia dạy chuyên môn, vừa làm quen với sổ đầu bài, sổ ghi điểm, giáo án, lịch công tác… khiến cho thời gian đầu tôi không khỏi có sự bối rối trong công việc. Nhưng thật may mắn là với kiến thức chuyên môn nóng hổi vừa ra trường, cộng với sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình về kiến thức, phương pháp làm việc của các thầy cô trước thời gian nghỉ, tôi cũng cầm cự được cho tới khi hai thầy cô quay trở về giảng dạy. Mà đâu chỉ có những thứ “mới” đó, tôi còn phải làm quen với việc đứng giảng trên lớp, làm quen với việc giao tiếp với học sinh hay xử lí các tình huống “khó”. Tôi còn nhớ hồi đó lớp 10 Pháp là lớp nghịch lắm, có một cậu học trò tên Long rất hay nói chuyện trong lớp, không chịu ghi chép bài, rồi thái độ không hợp tác khi giáo viên yêu cầu. Nói thế nào cũng không được, có lần tôi quyết định cho bạn ra ngoài hành lang “để đứng nói cho hết chuyện rồi vào”. Nghĩ lại kể ra mình cũng “đanh đá” ra phết đấy chứ.

Trở về trường giảng dạy, được tham gia vào các hoạt động chuyên môn, các hoạt động ngoại khóa với các thầy cô giáo cũ, tôi hạnh phúc lắm, như thể được khám phá một thế giới mới mẻ đầy màu sắc vậy. Không chuyến đi nào tôi không tham gia cùng các thầy cô vì tôi thầm nghĩ không biết còn được làm việc với các thầy cô bao lâu nữa, nên cố gắng tham gia càng nhiều càng tốt. Trong đó chuyến đi để lại trong tôi nhiều kỷ niệm nhất là chuyến đi Côn Minh, Vân Nam. Hay những lần đi coi thi, chấm thi tập trung cùng các thầy cô. Cứ thế, tôi làm việc bằng vốn sống ít ỏi, bằng kinh nghiệm hầu như chưa có gì, nhưng luôn tràn đầy năng lượng và một trái tim nhiệt huyết.

ANH4
Lễ khai giảng chào mừng năm học mới

Tròn một năm sau ngày về trường, ngày 5/9/2004, tôi lại bần thần ngồi trên bục sân khấu cùng các thầy các cô dự buổi lễ khai giảng, nhưng với một tâm thế hoàn toàn khác: đây sẽ là buổi chào cờ cuối cùng của tôi ở nơi đây, từ ngày hôm sau tôi không còn là giáo viên của trường THPT chuyên Nguyễn Trãi nữa mà chuyển công tác đi nơi khác. Sau buổi chào cờ đó là buổi họp đầu năm. Cuối buổi, tôi có được cơ hội nói lời cảm ơn và chào tạm biệt các thầy cô, tôi đã nói “Quãng thời gian được làm việc với các thầy các cô là hành trang vô cùng quý báu để em tiếp tục làm việc ở cơ quan mới”. Ngay sau đó, tổ Ngoại ngữ đã tặng tôi một chiếc túi màu hồng xinh xắn với lời dặn “Đây là thứ để em đựng hành trang cho mình em nhé!”.

Cho đến thật nhiều năm sau tôi vẫn mang những hành trang đó bên mình, là tình cảm của các thầy cô giáo cũ, là tình cảm của các con học trò đầu tiên, là tình cảm của bạn bè đồng nghiệp cùng trang lứa mà tôi luôn trân trọng. Và thật kì lạ, mỗi khi nhớ đến trường lớp cũ, nhớ đến thời học trò cắp sách tới trường, nhớ đến thời giáo viên trẻ với giáo án và phấn trắng trên tay, thì những vần thơ của bài “Chiếc lá đầu tiên” lại ngân lên trong tôi những nốt nhạc dịu dàng:

Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào
Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy
Mùa hoa mơ rồi đến mùa hoa phượng cháy
Trên trán thầy, xin tóc chớ bạc thêm.
Thôi đã hết thời bím tóc trắng ngủ quên
Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ
Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ
Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi
Em đã yêu anh, anh đã xa rồi
Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi
Anh nhớ quá, mà chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên.(*)

(*) Trích thơ Chiếc lá đầu tiên của tác giả Hoàng Nhuận Cầm

 

Người dự thi: Nguyễn Thảo Hương

Cựu học sinh chuyên Pháp niên khóa 1996 – 1999

Để chia sẻ những câu chuyện, kỉ niệm về một thời áo trắng tại mái trường PTNK Hải Hưng (xưa), THPT chuyên Nguyễn Trãi (nay), mời độc gia tham gia cuộc thi viết "Chuyên Nguyễn Trãi trong tôi" lần II, thông tin chi tiết truy cập đường link https://chuyennguyentrai.edu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-chuyen-nguyen-trai-trong-toi-lan-thu-ii-tin1173