“Trường xưa đã cho tôi thật nhiều mơ ước…”
Thêm một mùa hoa.
Thêm một Mười Hai.
Bao cô cậu học sinh đến lượt mình đang đi qua những suy nghĩ Mười Hai đang viết cho mình những khúc ca Mười Hai thiết tha, sôi nổi.
Và thời gian, vẫn chờ chạy đua cùng các bạn.
Cũng thời gian, một ngày nào đó sẽ cho bạn gặp lại chính mình.
Tháng Tư.
Trời chưa gì mà đã gay gắt suốt ngày đổ lửa. Nắng chưa gì đã cứ nôn nao. Cây bàng trước cổng trường hẳn đã xoè đủ những tán lá rộng dày xanh thẫm. Những sắc hoa sặc sỡ mùa hè chắc cũng đã gọi nhau trên những ngả đường trong thành phố... Và khúc ca Mười Hai đang vang lên đoạn sôi nổi nhất, thiết tha nhất của mình…
Cả giảng đường chưa có đến 30 người.
Tôi thấy lòng mình bồi hồi lạ.
* * *
Những ngày của học sinh lớp 12.
Lớp học bỗng dưng đông đủ. Một vài đứa hay trốn học lớp tôi đến lớp nhiều hơn. Vì ở lớp thật vui, có bao nhiêu trò quậy phá tưng bừng. Vì sợ chẳng còn mấy thời gian lên lớp, nghe thầy giảng, rí rách những câu chuyện trong ngăn bàn! Cũng vì ở lớp có những đứa bạn chăm chỉ, nhìn chúng nó cày lý thuyết Lý để thấy lo lo...
Tôi vẫn đến lớp như mọi ngày. Tôi vẫn học, vẫn lo, vẫn toe toét cười đùa cả khi lo lắng nhất, vẫn đứng ngoài hành lang nhìn ra “khung trời 12 Toán” như mọi ngày. Nhưng cái Thảo lớp trưởng thỉnh thoảng lại bảo: “Dạo này tớ thường có cảm giác mệt mỏi, có cảm giác mình đang già đi - cậu cười nữa đi... thấy cậu cứ toe toét cười là tớ thấy mình trẻ lại”.
Tôi rất vui vì điều đó. Tôi đã lên kế hoạch cho mình. Cũng chẳng còn thời gian mà chơi như trước nữa. Phải học, phải ngủ, phải chơi, phải có những khoảng thời gian suy nghĩ lung tung hay chẳng để làm gì cả. Tôi thường bắt đầu một ngày mới bằng bài tập thể dục từ rất sớm. Nhiều lúc tôi thực sự chạy đua với thời gian… Nhưng thời gian – có đủ tự tin và từng trải. Thời gian cứ bình tĩnh, cứ cho tôi có cảm giác chạy được trước, rồi mới lặng lẽ cho ra trong không gian những báo hiệu của riêng mình. Để tôi phải giật mình thảng thốt…
Một hôm tôi thấy những quả bàng xanh vừa mới bé xíu xiu đã giương to căng bóng. Một hôm tôi thấy cây vông bên đường nhen lên một đốm lửa đỏ. Hôm sau cả cây đã bùng lên đỏ rực. Bẵng đi vài hôm, cây bằng lăng bé bé cạnh hồ trổ ra bông hoa tim tím e dè mà ngạo nghễ…
Tôi sợ cái kiểu lặng lẽ ẩn mình chờ đợi, rồi bất chợt xuất hiện như vậy của thời gian... Nhưng cũng đến lúc tôi cũng chẳng biết sợ là gì nữa. Cứ hết sức mình mà học. Cứ hết sức mình mà chơi. Cứ hết sức mình mà buồn, mà vui. Và nhiều khi ngạo nghễ đứng trước khung trời này, lặng yên nhìn thời gian trôi đi... Rồi bỗng giật mình bàng hoàng, khi những bông phượng thắm đỏ bỗng chốc lan từ cành này sang cành khác, cây nọ sang cây kia, cháy bùng cả một khoảng trời rực đỏ - không sao dập được.
* * *
Ngày chia tay, lớp tôi hát karaoke ngoài công viên. Tôi cũng gào lên với mấy đứa một lúc, bê ghế lung tung nói chuyện với mấy đứa, rồi lại ngồi một mình. Tôi đang ngồi dưới những tán cây mình vẫn thường ngắm từ xa. Nhìn qua hồ, thấy phòng học lớp mình đặt trên ngọn bàng xanh, nhỏ bé và cứ thấp thoáng bóng dáng của mình trong những giờ chơi. Hình như tôi đã khóc – khi thấy những điều thân thiết sắp đi qua.
Quang từ nãy lặng lẽ, bỗng nhiên nói, mắt vẫn đăm đăm nhìn đâu đâu:
- Tớ không muốn nhớ những ngày tháng này. Cả trường mình nữa… tớ có quá nhiều nỗi buồn ở nơi đây, có quá nhiều thất bại…
Không hiểu sao lúc đó tôi bảo: Tớ rất thích một câu hát.
- Bài ”Bồ câu không đưa thư” phải không? Quang hỏi ngay.
- Gần đây tớ mới hiểu được bài hát này.
Có lẽ là thế. Tôi cảm thấy thế. Khi thấy mấy đứa bạn gái ôm nhau khóc. Khi tôi thấy Minh toét cứ đăm chiêu, nhìn Hoài lặng lẽ. Là khi Nga nói với mấy đứa tôi rằng nó thích ngồi sau xe Đức mãi mãi... Là những ánh mắt thiết tha lạ lắm. Là những câu nói nhiều ý. Là những cái bắt tay rất chặt... Tôi không ngạc nhiên khi Quang nói, vì tôi đã thấy nhiều người trong lớp thỉnh thoảng mơ màng hát khe khẽ:”Bồ câu không đưa thư, hay lòng ai không dám. Bồ câu không đưa thư, cho lòng ai bàng hoàng thẫn thờ...” (*). Sẽ là thế, những luyến tiếc, những hoài nghi, những chờ mong Mười Hai muôn thuở... Đi qua lớp 12 không có bóng hình một cậu bạn để thỉnh thoảng nghĩ tới - cũng chẳng có gì là đáng tiếc. Nhưng lúc này tự dưng tôi có cảm giác trống rỗng. Bọn bạn sẽ nhớ về ngày hôm nay với rất nhiều vị. Có chờ mong, hoài nghi, có thất vọng, có niềm vui... và cả thắc thỏm, lo âu nữa. Những cảm xúc Mười Hai dồn cả vào ngày hôm nay - một ngày đặc biệt - một ngày sát những kì thi mà ai cũng cho phép mình sống trọn vẹn với bao xúc cảm khác nhau. Quang có ngạc nhiên không khi tôi bảo:
- Tớ thích câu “trường xưa đã cho tôi thật nhiều mơ ước” cơ. Quang có nhớ bài hát ấy không? “Dòng thời gian trôi qua mau tựa như giấc mơ. Kỉ niệm ấu thơ trong tôi sẽ mãi không phai. Dù mai cách xa nhưng tôi vẫn mãi không quên, trường xưa đã cho tôi thật nhiều mơ ước…”(**) Tớ không muốn quên đâu. Và tớ sẽ không quên được những tháng ngày ở đây đâu.
Chắc là Quang hiểu. Vì tôi thấy Quang gật đầu mỉm cười.
* * *
Đi qua Mười Hai.
Thêm một mùa hoa.
Hôm nay tôi đang sống lại những nghĩ suy ngày ấy của mình. Sáu năm dưới mái trường này, sáu năm sống với chính mình. Thành công, thất bại, buồn vui, suy nghĩ. Những gì đã đi qua đều lắng xuống cả nhưng tôi đã trưởng thành với những suy nghĩ Mười Hai. Trong suy nghĩ của tôi có gia đình, thầy cô, bè bạn, có biết bao con người, có ngày hôm qua, ngày hôm nay, và cả những điều đang chờ tôi phía trước.
Bây giờ, tôi cảm ơn mình ngày đó. Vì giờ đây tôi vẫn tin vào những điều mình đã đi qua. Trong thâm tâm, tôi luôn cảm ơn trường cũ – đã cho tôi gắn bó với thành phố nhỏ, cho tôi bạn bè, thầy cô, và cho tôi thật nhiều mơ ước.
* * *
Thêm một mùa hoa.
Thêm một Mười Hai.
Bao cô cậu học sinh đến lượt mình đang đi qua những suy nghĩ Mười Hai đang viết cho mình những khúc ca Mười Hai thiết tha, sôi nổi.
Và thời gian, vẫn chờ chạy đua cùng các bạn.
Cũng thời gian, một ngày nào đó sẽ cho bạn gặp lại chính mình.
(*) Lời bài hát “Bồ câu không đưa thư" của Nguyễn Văn Hiên,
(**) Lời bài hát “Ngôi trường dấu yêu" của Ngô Anh Huy.
Thương mến tặng các bạn học sinh lớp 12 trường chuyên Nguyễn Trãi - Tỉnh Hải Dương
Hà Nội tháng 4/2003
Người dự thi: Lê Hải Yến
Cựu học sinh lớp chuyên Toán niên khóa 1996 - 2002
-------------
Một số tâm sự thêm của mình về tác phẩm: Tên một số bạn đã được thay đổi (ngay từ khi viết vào năm 2003, một năm sau khi ra trường). Bên cạnh những “thất bại" như bị ai đó từ chối tình cảm đầu đời, học sinh Chuyên còn có khá nhiều áp lực về thất bại từ chuyện thi đội tuyển, thi HSG hay nhiều các cuộc thi khác… Mình ở Hưng Yên, đến TP Hải Dương học lớp chuyên Toán từ lớp 7 (khi đó trường còn tên là Trường Năng Khiếu Tỉnh Hải Hưng), nên trải nghiệm, cuộc sống của mình ở thành phố gần như gắn liền với trường, với khu Nội trú cho học sinh. Thực sự trường đã cho mình gắn bó với thành phố này.
Để chia sẻ những câu chuyện, kỉ niệm về một thời áo trắng tại mái trường PTNK Hải Hưng (xưa), THPT chuyên Nguyễn Trãi (nay), mời độc gia tham gia cuộc thi viết "Chuyên Nguyễn Trãi trong tôi" lần II, thông tin chi tiết truy cập đường link https://chuyennguyentrai.edu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-chuyen-nguyen-trai-trong-toi-lan-thu-ii-tin1173