Nhà thơ Chế Lan Viên có câu thơ khiến nhiều người tâm đắc:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.

                  (Chế Lan Viên – Tiếng hát con tàu)

Có lẽ, ai cũng thấy mình trong câu thơ giàu màu sắc triết lí ấy. Bởi lẽ, ai cũng từng có những vùng đất đã trở thành máu thịt, trở thành một phần đẹp đẽ trong tâm hồn… Mà thật lạ, càng đi xa, càng nhiều thời gian trôi qua, cái vùng đất khi ta ở lại càng lung linh trong kí ức. Với chúng tôi, những học sinh niên khóa 1993 – 1996, ngôi trường PHỔ THÔNG NĂNG KHIẾU HẢI HƯNG, sau này đổi tên là trường CHUYÊN NGUYỄN TRÃI, là một phần trong tâm hồn chúng tôi, là chốn đong đầy thương mến…

ANH1
Biển trường một thời

Một vùng đất chỉ trở thành tâm hồn ta, khi ta gắn bó, khi ta yêu thương. Một ngôi trường khiến ta yêu, đâu chỉ bởi khung cảnh đẹp đẽ với những phòng học, những hàng cây, góc sân trường…hay những hội những hè sôi động… Nơi đó, có bạn bè ta, những người chia sẻ với ta bao điều trong học tập và cuộc sống; những người khiến ta vui nhưng cũng khiến ta bực; có những người khiến ta rưng rưng nước mắt khi nghĩ đến chia xa; nhưng cũng có những người ta nghĩ – không bao giờ ta muốn gặp lại. Thế mà, trong bản nhạc rộn ràng của cuộc sống, ở những nốt lặng nhớ nhung, tất cả đều hiện lên, da diết trong lòng ta… Nơi đó, có những người thầy, người cô không chỉ mở cho ta những chân trời tri thức, mà còn uốn nắn cho chúng ta những bước chập chững vào cuộc sống. Những người thầy, mà thuở còn cắp sách, thế nào cũng có lần ta oán thán, sao thầy cho nhiều bài tập thế, ta trách móc, sao thầy bắt làm bài kiểm tra đột xuất thế, ta nghĩ thầy hành hạ học sinh, thầy yêu cầu cao quá… Thế nhưng, khi xa rồi, ta quên hết những ấm ức rất mực trẻ con ấy; lại chỉ nhớ đến những tình cảm nồng hậu của thầy. Chúng tôi nhớ rất nhiều thầy cô của mình, mỗi khi có dịp cùng nhau ôn lại kỉ niệm xưa cũ. Lớp văn của tôi, trong câu chuyện về trường cũ, chúng tôi không chỉ nhắc đến thầy cô chủ nhiệm, thầy cô dạy môn thi Đại học, thầy cô rất hiền hay bị chúng tôi trêu… mà còn luôn nhắc tới một người thầy rất mực gần gũi với chúng tôi, dù thầy dạy môn mà chúng tôi rất thù địch: môn Lý. Đó là thầy Lập.

ANH2
Gặp lại thầy cô sau 20 năm ra trường
Thầy Lê Văn Lập – GVCN lớp tôi (bên trái hàng đầu)

Khi tôi mới đi dạy, có học sinh về nói với bố mẹ: cô giáo con trẻ lắm, cô chưa đến bốn mươi tuổi đâu! Học sinh, đôi khi không để ý đến tuổi tác của thầy cô, chỉ biết thầy cô rất trẻ hoặc đã già, mà không đoán được thầy cô bao nhiêu tuổi. Ấy là tôi nghĩ đến thầy Lập, khi chúng tôi học ở trường, chẳng khi nào chúng tôi nghĩ đến tuổi tác của thầy. Khi đó, thầy ngoài bốn mươi? Hay nhiều hơn? Tôi không biết! Tôi chỉ biết, mặt thầy đã xếp những nếp nhăn. Đuôi mắt thầy đã nhiều vết chân chim. Mỗi khi thầy cười, những vết chân chim ấy nheo lại, khiến đôi mắt cũng cười theo. Đôi mắt thầy biết cười, lấp lánh những niềm vui và sự trìu mến yêu thương. Nhưng, tôi cũng đọc được trong đôi mắt ấy nỗi lo lắng và cả nỗi buồn, khi chúng tôi bỏ bê môn học, chỉ chạy theo môn chuyên.

Mỗi tuần, thầy chỉ có 1 đến 2 tiết ở lớp chúng tôi. Nhưng không vì thế mà chúng tôi thấy xa cách với thầy. Giọng nói trầm ấm mà nhẹ nhàng của thầy luôn khiến chúng tôi, những học sinh tuổi ngựa từng bị thầy Nhiễu chủ nhiệm năm lớp Mười gọi là…giặc, ngoan ngoãn hơn, bớt nghịch ngợm những trò tai quái. Tôi vẫn nhớ dáng thầy hơi gầy, lưng khom khom; tay xách chiếc cặp đen, tay cầm cây thước gỗ đi vào lớp tôi. Khi cả lớp đứng chào thầy, vẫn có tiếng nhí nhéo đâu đó, thầy cầm cây thước, dộng nhẹ xuống mặt bàn và không nói năng gì. Chỉ khi nào chúng tôi trật tự, thầy mới cho ngồi xuống. Mãi sau này, khi đứng trước những lớp học trò, mắt đen láy nhìn lên bảng mà chân vẫn còn kều nhau, tay vẫn còn cấu chí, thi thoảng lại có tiếng cười – dù cố nén – vẫn bật ra… tôi mới thấy hết sự bao dung của các thầy cô đã từng dậy chúng tôi. Rõ ràng, thầy biết hết những trò nghịch ngợm của chúng tôi, nhưng thầy chỉ nhắc nhở mà không phạt… Chúng tôi, có lẽ cũng là những học trò biết điều, nên không bao giờ lấn lướt, lợi dụng sự bao dung ấy để phá phách, nên không khiến các thầy cô phải buồn phiền.

Có lớp nào như lớp Văn chúng tôi không? Giờ học Vật lý, chúng tôi hí húi…làm thơ. Để rồi, khi thầy hỏi về những Cảm ứng từ, những bước sóng, những định luật… chúng tôi chỉ biết…cười. Thầy cũng…cười, nhưng nụ cười như…mếu (trong trí nhớ của tôi là vậy). Có lẽ vì thầy thấy đầu óc chúng tôi đang treo ngược trên mây trên gió; mất công thầy giảng lại từ đầu. Có lẽ vì thế, thầy đã đổi “chiêu” để dạy lớp Văn chúng tôi. Vào lớp, nhiều khi thầy chưa kiểm tra bài cũ ngay, thầy hỏi: Các em có biết thơ của Tagore không? Không à? Lớp Văn mà không biết? Thơ của ông ấy hay lắm đấy, triết lí mà tự nhiên… Rồi thầy chép miệng, đọc:

Trái tim ta là chim sa mạc

Đã thấy trời trong mắt của em

Khi đọc những câu thơ ấy, có lẽ thầy nhớ về những tháng ngày tuổi trẻ của mình, về thời mà những câu thơ ấy gợi lên những rung động tột cùng…

Có lớp nào như lớp Văn của chúng tôi không? Khi mà người mang đến cảm hứng văn học lại là thầy dạy Vật lý! Có lẽ, các tiết học môn chuyên, với chúng tôi là nhiệm vụ, là yêu cầu bắt buộc, là sự cạnh tranh điểm môn chuyên… nên chúng căng thẳng hơn. Còn trong giờ Lý, với giọng đọc say sưa của thầy Lập, chúng tôi chỉ là những người thưởng thức văn chương. Có lần, thầy đố chúng tôi: Đố các em, câu thơ này của ai:

Em có thế nào thì cứ thế mà đến

Chớ có loay hoay sửa soạn áo quần…

Chúng tôi, gần như tất cả, hỏi lại thầy: Của Tagore phải không ạ? Đôi mắt thầy thoáng ngạc nhiên: Lớp này đọc thơ của ông ấy rồi hả? Đấy, phải thế chứ! Chúng tôi hinh hích cười với nhau, thầy thích thơ Tagore, bọn tôi đoán bừa thôi mà!

Đúng là những học trò lớp Văn! Ra trường, mọi kiến thức môn Vật lý về điện trường, cường độ dòng điện, từ trường, khúc xạ, sóng âm, dòng điện xoay chiều… và nhiều nhiều thứ hay ho khác…chúng tôi…quên sạch, nhưng lại nhớ rất rõ về thằng gù trong “Nhà thờ Đức bà Paris”, về Giăng Van Giăng trong “Những người khốn khổ” của Victo Hugo mà thầy kể. Thầy có điệu kể chuyện rất lạ, thầy không kể trơn tru từ đầu đến cuối. Thi thoảng thầy lại à một tiếng rồi bổ sung cho đoạn thầy kể sót. Thầy làm chúng tôi tò mò về câu chuyện, tự tìm mà đọc.

Nếu chỉ có thế thôi, hình ảnh thầy cũng đã đủ để lại dấu ấn đậm nét trong lòng những học trò lớp Văn chúng tôi khi ấy. Nhưng, còn hơn thế, thầy mang đến cho chúng tôi những tình cảm ấm áp như tình cảm của người cha dành cho con, với tấm lòng yêu thương và bao dung vô cùng. Thầy thủ thỉ với chúng tôi về việc, phải chịu khó mà học, không thi đỗ dù bài kiểm tra, điểm phẩy cao, thì cũng vứt đi! (Chắc thầy biết chúng tôi lén hỏi bài các bạn lớp Lý) Thầy đi đi lại lại giữa các dãy bàn, trông chúng tôi làm bài kiểm tra. Đôi lúc, thầy nhíu mày, đôi lúc thầy lắc đầu… Và có tiếng thở dài khe khẽ… Có lẽ, chúng tôi đã học không tốt môn của thầy, bài kiểm tra rất cơ bản mà chỉ những đứa thi khối A, khối D mới làm tốt, những đứa còn lại thi khối C rất…be bét. Thầy rất hiền, nhưng lên bảng làm bài, đáng được bao nhiêu thầy cho bấy nhiêu điểm. Thầy chẳng thiên vị ai, kể cả lớp trưởng! Thầy nói với chúng tôi về tình yêu, về sự cẩn trọng, sự tỉnh táo trong tình cảm… Thầy nói với chúng tôi, có thích ăn táo không, mấy cây táo nhà thầy quả chín rồi đấy! Chúng tôi hồn nhiên đến để…phá. Vậy mà thầy và vợ thầy không hề trách mắng chúng tôi, lại còn thích thú nhìn chúng tôi chí chóe nhau. Cái thời mọi người còn chưa bận rộn quá, người ta sống chậm hơn bây giờ, tình cảm nhẹ nhàng mà thấm sâu như thế!

Người thầy vĩ đại có thể là người dạy giỏi, có nhiều học sinh thành công; có thể là những người âm thầm khêu lên ngọn lửa yêu thương tốt đẹp trong mỗi học trò, góp cho xã hội những con người tử tế. Những người thầy, người cô dưới mái trường NKHH – CHUYÊN NGUYỄN TRÃI, chính là những người thầy vĩ đại trong tim chúng tôi!

ANH3
Giờ chào cờ đầu tuần ở sân trường PTNK Hải Hưng

Cuộc sống, với những vòng quay mải miết và vô tận, cuốn chúng ta đi nhanh hơn chúng ta tưởng. Chúng tôi, càng ngày càng xa tuổi mười tám của mình, xa mái trường từng gắn bó, yêu thương. Thầy cô của chúng tôi, mái tóc càng ngày càng thêm bạc. Chúng tôi cũng không thường xuyên về thăm thầy cô của mình được. Chỉ những dịp kỉ niệm thành lập trường, kỉ niệm ngày ra trường…chúng tôi mới được trở thành những cô trò nhỏ, ríu rít bên thầy cô. Nhưng trong tim chúng tôi, thầy cô luôn là những người cho chúng tôi những bài học làm người, là những người khiến cho NĂNG KHIẾU HẢI HƯNG – CHUYÊN NGUYỄN TRÃI trở thành chốn đong đầy thương mến.

Người dự thi: Nguyễn Thị Phương Thảo

Cựu học sinh chuyên Văn niên khóa 1993 - 1996

Để chia sẻ những câu chuyện, kỉ niệm về một thời áo trắng tại mái trường PTNK Hải Hưng (xưa), THPT chuyên Nguyễn Trãi (nay), mời độc gia tham gia cuộc thi viết "Chuyên Nguyễn Trãi trong tôi" lần II, thông tin chi tiết truy cập đường link https://chuyennguyentrai.edu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-chuyen-nguyen-trai-trong-toi-lan-thu-ii-tin1173