Chuyên Nguyễn Trãi không biết khóc. Nhưng tôi biết, cả gia đình này sẽ luôn luyến tiếc khi mỗi một lứa học sinh rời đi. Giống như chúng tôi, cũng sẽ day dứt và bịn rịn, trước lúc chia tay mới nhận ra mình yêu chuyên Nguyễn Trãi tha thiết nhường nào. Bong bóng sẽ vỡ theo nước mắt, nhưng chuyên Nguyễn Trãi sẽ mãi là trạm dừng thật đẹp trong ký ức của tôi.

Chong chóng xoay đều trên rào sắt…

ANH1
Lễ tri ân năm học 2018-2019
Cre: Room Media

Tiếng bật khóc của các anh chị khoá 16-19 bắt đầu rõ ràng hơn phía dưới. Trên bục, giọng thầy hiệu trưởng ấm áp xen lẫn nghẹn ngào: “Các em, từ hôm nay các em đã trưởng thành…”

ANH2
Lê tri ân năm học 2018-2019
Cre: NMC

Lễ tri ân năm tôi lớp 10, tôi gục đầu vào vai một chị cùng khối, để yên cho chị vỗ nhẹ lưng, hoà vào với những tiếng thổn thức xung quanh mà khóc đến không ngừng. Lũ chúng tôi, cái thuở mới vào trường, đơn thuần và chưa từng trải mùi tiếc nuối, khóc lóc thút thít phần vì không nỡ xa đàn anh đàn chị, phần vì không kìm lại được khi thấy biển người quanh mình đều đang nức nở.

ANH3
Lễ tri ân năm học 2019-2020
Cre: Room Media

Cái vỗ lưng đều đều của đàn chị theo tháng năm cũng nhẹ dần rồi tan biến hẳn. Một ngày khi tôi ngẩng đầu lên, chợt nhận ra tiếng khóc đã dứt, lớp học quanh tôi xôn xao, bên ngoài trời đổ nắng và tiếng ve sầu da diết từng hồi. Không phải ve, đó là tiếng của hạ. Một vài đứa bạn cùng bàn đã gục xuống vì không thể chống đỡ nổi tiết cuối. Trên bục, tôi giật mình nhìn góc bảng xanh nhoè nét phấn trắng: “Lớp 11A1, sĩ số 47…”

Cô giáo dạy Tiếng Anh kiêm môn đạo đức của tôi, dằn nét phấn vàng chữa bài trên bảng, thở dài nói với chúng tôi một câu tôi đã nghe đến thuộc lòng: “Một số bạn nên xem lại cách học ngay đi. Năm nữa là các em thi rồi. Ba năm cấp 3 thực sự ngắn lắm.”

Người ta vẫn bảo đó là câu duy nhất thầy cô không lừa chúng tôi. Nhưng tôi biết, không phải vậy, sự thật là thầy cô không bao giờ lừa chúng tôi cả.

Chỉ là chúng tôi quá non nớt để có thể hiểu được. Hoặc là, kể cả biết thầy cô nói đúng, vẫn cố tình vờ như không hiểu.

Bồng bột, ương ngạnh để rồi nhận ra, để rồi hối tiếc, phải chăng đã trở thành cái luật bất thành văn của tuổi trẻ?

Khi tôi đến giai đoạn “nhận ra”, mới hay bản thân đã chuẩn bị kết thúc tuổi 17. Tiếng tôi khóc sụt sùi trên vai đàn chị trong buổi lễ tạm biệt năm ngoái hãy còn văng vẳng, chuyên

Nguyễn Trãi lại đã chuẩn bị một lễ tri ân khoá 17-20 ra trường.

Lễ Tri ân…

Ba tiếng đó vọng lại trong tôi những dư âm thật hoài niệm của mùa hè. Tôi bỗng nhiên nhìn xuống logo trên ngực áo sơ mi trắng. Con số 2018-2021 xanh thẫm, hình in đã mờ, vẫn ở nơi ngực trái tôi những năm tháng tôi ngẩn ngơ lang thang khắp hành lang thư viện vào buổi chiều rảnh rỗi, đã theo tôi suốt những lần trực ban nhìn áo tôi và mỉm cười ghi tên, con số thật đặc biệt và thiêng liêng của từng thế hệ.

Kì thực những con số trên ngực áo học sinh đều biết nói. Số hiệu niên khoá của tôi nói với tôi rằng: một năm nữa thôi, chúng tôi sẽ không còn bị trực ban ghim mặt trừ điểm nữa rồi.

Nghĩ đến đây, bên dưới ngực áo lặng im, trái tim tôi không ngừng run rẩy.

Tuổi 17, khi tôi tỉnh dậy, tôi vẫn được nghe những lời thầy cô đã nói cả ngàn lần.

Nhưng ở tuổi 17, tôi không còn ương ngạnh cố tình giả ngốc.

Tuổi 17, tôi không rõ bằng cách nào, có lẽ thật tàn khốc, nhưng tôi đã “nhận ra”.

Lễ tri ân năm lớp 11, tôi biết chúng tôi sẽ lại khóc. Nhưng chúng tôi hôm ấy không chỉ sẽ khóc vì chia tay những người anh chị rất mực thân thiết, không chỉ khóc vì xung quanh mọi người đang khóc, chúng tôi sẽ còn khóc vì chính mình, khóc vì dần dần “nhận ra”: những chuyến bay của anh chị ngày hôm nay, rất sớm thôi sẽ quay lại đây đưa khoá chúng tôi rời đi.

Lễ tri ân tuổi 18, tôi mường tượng ra, chúng tôi sẽ khóc, chắc chắn, nhưng vì điều gì? Hai năm tất bật chuẩn bị tri ân tạm biệt khoá trên, sẽ đến lúc chúng tôi đứng dưới khán đài nghe lời tạm biệt cho chính mình. Đàn em khoá dưới sẽ luyến tiếc chúng tôi? Thầy cô trong trường sẽ luyến tiếc chúng tôi? Chuyên Nguyễn Trãi liệu có luyến tiếc không những đứa học trò nghịch ngợm, lười biếng và vô tình, đến tận lúc sắp đi mới hiểu được trưởng thành là quá trình khắc nghiệt đến thế.

Lễ tri ân tuổi 18, chúng tôi có lẽ sẽ cười nói giả lả như không có gì, nhưng phút cuối khi buổi lễ kết thúc, lại bàng hoàng mà rơi nước mắt, cũng có thể là gào lên như con nít mà ôm lấy nhau, xin lỗi thầy cô vì đã lười học quậy phá, xin lỗi hậu bối vì anh chị còn chưa kịp nâng đỡ các em, xin lỗi Chuyên Nguyễn Trãi, chúng tôi “nhận ra” muộn rồi, thời gian có thể quay ngược trở lại được không?

Tôi nhất định sẽ như đứa trẻ không muốn bị đuổi khỏi chuyên Nguyễn Trãi. Chỉ cần ở lại nơi này một ngày, chỉ một ngày nữa thôi… Trở lại đoạn thời gian bản thân xấu xí cũng được, khờ khạo cũng được, dù là đánh đổi điều gì, tôi biết tôi nhất định sẽ.

Những cô gái tuổi 16, 17 chúng tôi, ngày ấy từng bật khóc trước gương nhìn chính mình tóc tai ngốc nghếch rối bời, tự hỏi vì sao đổi lấy một câu đồng ý của người mình thích cũng không thể.

Sau này, vẫn là chúng tôi, vào buổi sớm ngày lễ Tri ân cuối cấp, có lẽ sẽ nhìn nhau tươi tắn trong tà áo dài trắng, tay cầm những cành hướng dương vàng rực mà lẳng lặng rơi nước mắt, khi nhận ra tất cả đều đã đến lúc trở nên xinh đẹp, nhận ra đã đến lúc trưởng thành, đến lúc phải rời đi. Khi ấy, hẳn phía sau những đôi mắt tô điểm kỹ lưỡng và bộ trang phục thướt tha nhất năm tháng thiếu thời, tâm hồn chúng tôi lại rối bời và thật ngốc nghếch.

Chong chóng sẽ khẽ xoay trên hàng rào sắt. Chúng tôi sẽ khóc vì hối hận, vì nuối tiếc, vì đau lòng khi biết trước sẽ phải chia cách những mối tình áo trắng,… Hoặc cũng có thể, những giọt nước mắt vào ngày trưởng thành vốn dĩ không cần lý do.

Nhưng chúng tôi đều sẽ chung nhau một điểm, chính là nhận ra lễ Tri ân hôm đó - là thời điểm thật tốt để chúng tôi có thể ôm nhau mà khóc, trước khi cuộc đời mài giũa tất cả thành những người trưởng thành vô tình và đáng sợ. Tôi từng đọc ở đâu đó, “Chúng ta của tuổi 18, không sợ xa cách không thể gặp lại, chỉ sợ có thể gặp lại nhưng chẳng còn nhận ra nhau”. 

ANH4
Lễ tri ân năm học 2018-2019
Cre: NMC

Ngoài kia tiếng trống trường vẫn vang lên từng hồi thật giòn và chậm, khiến lũ học sinh nhởn nhơ nghĩ mình còn nhiều tháng ngày để mà dông dài, không hề hay biết quỹ thời gian đang rút ngắn vô tình, đếm ngược tới ngày rời khỏi Chuyên Nguyễn Trãi.

Tuổi 17, tôi thức dậy, và “nhận ra” tình yêu lạ lùng của mình với chuyên Nguyễn Trãi, nhận ra thời gian như chiếc đồng hồ cát sắp chảy cạn, nhận ra lễ Tri ân mỗi năm chính là một niềm mong, cũng là nỗi sợ hãi kín đáo nhen nhóm trong lòng.

Là tôi nhận ra, cũng có khi, là tuổi 17 đã nhận ra. Tri ân tới, bong bóng đến lúc vỡ tan rồi.

Tri ân năm 16 tuổi, chúng tôi ngây ngô chỉ biết sụt sùi vì thấy xung quanh mình ai ai cũng thổn thức.

Tri ân năm 17 tuổi, chúng tôi khóc vì không muốn đối mặt, vì lờ mờ ngộ ra, sắp sửa đến lượt mình.

Tri ân năm 18 tuổi, chúng tôi sẽ khóc, khóc vì biết bong bóng cũng sẽ đến lúc vỡ tan trong không khí, bản thân dù không muốn cũng sẽ có một ngày phải chấp nhận từ bỏ những cố chấp và suy nghĩ ấu thơ, đi qua cửa nhà đa năng nhận tấm passport, theo những lộ trình và ước mơ khác nhau mà rời trường.

Mỗi một giọt nước mắt rơi xuống trong lễ Tri ân lại đánh dấu thêm một mốc trưởng thành vô hình mà chúng tôi không hề hay biết, cho đến khi chúng tôi chạm ngưỡng 18 tuổi, giật mình nhận ra tiếng ve cuối cấp thật nôn nao và hoa phượng bất chợt rực rỡ hơn bao giờ.

Tri ân năm nay, tôi biết nước mắt sẽ lại rơi không thể kìm nén. Thật phũ phàng, nhưng không ai có thể cưỡng lại sự quy luật để ngăn mình lớn khôn cả.

Chuyên Nguyễn Trãi không biết khóc. Nhưng tôi biết, cả gia đình này sẽ luôn luyến tiếc khi mỗi một lứa học sinh rời đi. Giống như chúng tôi, cũng sẽ day dứt và bịn rịn, trước lúc chia tay mới nhận ra mình yêu chuyên Nguyễn Trãi tha thiết nhường nào. Bong bóng sẽ vỡ theo nước mắt, nhưng chuyên Nguyễn Trãi sẽ mãi là trạm dừng thật đẹp trong ký ức của tôi.

Tôi biết, ngày chúng tôi tri ân tuổi 18, trời sẽ đẹp, tôi sẽ khóc, chúng tôi sẽ trưởng thành lên một nấc.

Và ở trên hàng rào sắt, chong chóng sẽ khe khẽ xoay đều…

Người dự thi: Nguyễn Thị Nhung

Lớp 11 A1 niên khóa 2018 - 2021

Để chia sẻ những câu chuyện, kỉ niệm về một thời áo trắng tại mái trường PTNK Hải Hưng (xưa), THPT chuyên Nguyễn Trãi (nay), mời độc gia tham gia cuộc thi viết "Chuyên Nguyễn Trãi trong tôi" lần II, thông tin chi tiết truy cập đường link https://chuyennguyentrai.edu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-chuyen-nguyen-trai-trong-toi-lan-thu-ii-tin1173