Có những cuộc gặp gỡ chỉ là cái duyên vô tình nhưng đem đến cho ta bao quả ngọt. Và cuộc gặp gỡ của tôi với chuyên Nguyễn Trãi chính là mối thiện duyên ấy. Gần 30 năm trước, tôi đã may mắn gặp và yêu Chuyên Nguyễn Trãi, để rồi hôm nay con gái tôi tiếp tục nối bước mẹ viết tiếp tình yêu với mái trường này. Và tôi cũng hy vọng tình yêu ấy chỉ có điểm khởi đầu chứ không có điểm kết thúc.
Ngày đầu tiên tôi đặt chân vào cánh cổng trường chuyên Nguyễn Trãi là năm 1992, năm tôi học lớp 9. Ngày ấy trường có tên là PT Năng khiếu Hải Hưng. Cho đến tận bây giờ, sau gần 30 năm nhìn lại tôi vẫn thấy việc mình đến với ngôi trường này là một mối nhân duyên tình cờ nhưng vô cùng tốt đẹp. Nói “tình cờ” bởi trước khi đến đây tôi chưa từng có ý niệm hay quyết tâm “Phải đỗ bằng được vào trường PT Năng Khiếu Hải Hưng” như bao bạn bè cùng trang lứa. Ngày ấy, chúng tôi là những học sinh lớp 8B trường THCS Ngô Gia Tự. Lớp tôi là lớp chọn Văn, chúng tôi vẫn hiểu nôm na là lớp chuyên Văn của thị xã, còn PT Năng Khiếu Hải Hưng là trường chuyên của toàn tỉnh. Ngày ấy trường tuyển sinh từ lớp 9. Bao bạn bè trong lớp nô nức đi mua hồ sơ, miệt mài ôn thi với hy vọng trúng tuyển. Còn tôi thì cứ dửng dưng, bình chân như vại bởi tôi không muốn thay đổi môi trường học tập, không muốn xa cô giáo trường Bình Minh-giáo viên dạy Văn đồng thời là chủ nhiệm lớp-mà tôi vô cùng yêu mến, và cũng còn bởi một điều này nữa: nhà tôi lúc ấy rất nghèo, bố mẹ đều là công nhân, kinh tế gia đình khó khăn nên hàng tháng trong các khoản đóng góp tôi bao giờ cũng là đứa nộp chậm nhất lớp, thậm chí có lần cô giáo còn phải nộp hộ bởi bố mẹ tôi “chưa có lương”. Vì vậy tôi không muốn tự dưng bố mẹ phải chi thêm một khoản chi phí phát sinh cho cái gọi là “mua hồ sơ dự thi”. Vả lại học lớp chuyên của thị xã với tôi cũng là tốt lắm rồi. Thế nên, tôi đặt mình trong tâm thế của người ngoài cuộc đứng nhìn các bạn hăm hở trong cuộc đua để nâng mình lên một tầm cao mới. Cho đến ngày cuối cùng của hạn nộp hồ sơ, không thấy tên tôi cô giáo mới gọi tôi ở lại để hỏi lý do. “Vì sao em không dự thi?”. Tôi cúi gằm mặt, nhìn xuống đất tránh ánh mắt cô, chân di di viên sỏi lý nhí trả lời “Các bạn học giỏi đều đi hết, em muốn ở lại với cô”. Cô nhẹ nhàng đặt tay lên vai tôi ôn tồn “Em muốn ở lại để làm vua xứ mù ư?”. Câu nói của cô, ánh mắt của cô khiến tôi cảm thấy mình như người có lỗi. Và rồi sau đó tôi là người cuối cùng nộp hồ sơ dự tuyển.
Ngày nhận kết quả báo trúng tuyển, lòng tôi ngổn ngang bao cảm xúc nhưng trên hết vẫn là nỗi tiếc nuối đối với cô và ngôi trường cũ. Ngày ấy, trường PT Năng Khiếu còn nghèo lắm. Hầu hết các phòng học đều là nhà cấp 4, lợp ngói đã cũ, chỉ có duy nhất một nhà 2 tầng vừa là nơi làm việc của Ban giám hiệu vừa là phòng học của một số lớp “may mắn”. Vì là trường năng khiếu của tỉnh nên có những học sinh tuyến huyện lên học và ở trọ khu nội trú ngay trong trường. Lớp 9 văn chúng tôi may mắn được học ở khu nhà 2 tầng. Nói “may mắn”, nhưng ngày đầu tiên đặt chân vào lớp học chúng tôi nhìn nhau nén tiếng thở dài. Phòng học chật như một cái hộp, có duy nhất một cửa ra vào và 2 cái cửa sổ nhìn xuống mảnh sân sau bé tí tẹo có một bể nước và một cái cây to (tôi không nhớ rõ là cây gì, hình như là cây long não). Gần như suốt kỳ 1 của năm học lớp 9, chúng tôi không nguôi thương nhớ về trường xưa, về cô giáo cũ và mãi sau này khi lên cấp 3, đọc Tam quốc chúng tôi mới thấy mình thật giống Quan Vũ “thân tại Tào doanh, tâm tại Hán”. Vì hai trường nằm sát cạnh nhau nên cứ trống ra chơi là chúng tôi rủ nhau ba chân bốn cẳng chạy về trường Ngô Gia Tự để được lên “lớp mình”, được gặp cô (dù nhiều hôm hụt hẫng vì chẳng thấy cô đâu). Và đến khi nghe tiếng trống trường Năng Khiếu lại vội vàng ù té chạy như một đàn vịt tranh nhau về chuồng.
Cạnh lớp học của chúng tôi là một phòng ở nội trú của các anh lớp chuyên Lý khóa trên. Những giờ ra chơi mà không kéo nhau về trường cũ thì chúng tôi xúm đen xúm đỏ trước phòng trọ của các anh, tò mò nhìn vào, nghịch ngợm tìm gậy khều tung mọi thứ. Có lần làm đổ cả nồi cơm nguội các anh đạy vội vì đến giờ lên lớp. Cả bọn nhìn nhau hoang mang, ân hận, rồi sau đó hò nhau góp tiền đi mua mấy ổ bánh mì không cuộn vào tờ giấy viết vội vài lời xin lỗi... Năm học lớp 9 của chúng tôi đã trôi qua như thế. Nó trôi đi trong sự bình lặng, trong nỗi nhớ trường xưa và những trò đùa tinh nghịch của con gái lớp Văn mà chẳng dịu dàng, nữ tính chút nào.
Sang năm học lớp 10, chúng tôi được chuyển về khu trường mới. Dãy nhà 3 tầng khang trang chạy dài, một đầu giáp hồ Bạch Đằng, đầu còn lại giáp phố Canh Nông. Trong mắt chúng tôi lúc ấy, ngôi trường giống như một tòa lâu đài rực rõ. Chúng tôi say sưa, tự hào chiêm ngưỡng và hỉ hả trong lòng “Phải thế chứ! Trường Năng khiếu của cả tỉnh cơ mà!”. Không chỉ chúng tôi tự hào, mà thầy cô cũng vui mừng không kém. Thầy Phan Kế Tấn, giáo viên dạy môn Lịch sử đã làm một bài thơ về trường. Bài thơ rất hay, chúng tôi tranh nhau chép vào sổ tay và ngâm nga đọc:
Ôi vui lắm! Trường ta thật đẹp
Tòa nhà cao đồ sộ rộng dài
Kiêu hãnh nhìn hồ lăn tăn gợn sóng
Rực trời Đông, đón ánh ban mai.
Phòng học khang trang, bàn ghế thẳng hàng
Tường xanh dịu mắt với màu lam
Bốn mùa gió thổi hiu hiu mát
Khoan khoái trong lành suốt hành lang.
Cửa sổ vàng chanh. Long lanh màu kính
Lấp lóa gương của chính sơn hồng.
Nền lát gạch hoa, trần vôi trắng xóa.
Khách qua đường cũng ngẩn ngơ trông
(Trích “Mái trường mến yêu” – Thầy giáo Phan kế Tấn, giáo viên Lịch sử)
Vì trường mới cách khá xa trường cấp 2 cũ nên giờ ra chơi chúng tôi chẳng đủ thì giờ mà kéo nhau về. Vả lại thời gian 1 năm dù sao cũng đủ để chúng tôi nguôi ngoai nỗi niềm xưa cũ và mở lòng đón nhận cái mới. Giờ đây trường PT Năng Khiếu Hải Hưng mới thực sự là nhà.
Chẳng biết có phải tại chúng tôi cầm tinh con ngựa nên số vất vả hay không. Chỉ biết rằng chúng tôi phải thay rất nhiều giáo viên dạy môn chuyên, đồng thời cũng là giáo viên chủ nhiệm. Từ thầy Chẩn, cô Hằng, thầy Nhiễu đến cô Loan, cô Ngọc, thầy Thanh. Thậm chí có năm, trong một học kỳ chúng tôi bị thay đến 3 lần giáo viên dạy chuyên. Các thầy cô thì cười và động viên “Nhất lớp mình, được học toàn các thầy cô tinh hoa của tổ”. Còn chúng tôi thì chẳng thích như thế tẹo nào. Cứ vừa mới làm quen, vừa mới gắn bó, vừa yêu thì lại phải chia tay và bắt đầu làm quen với thầy cô mới. 3 năm “gian khổ” như thế cứ thấm thoắt trôi qua. Chúng tôi lớn dần và trưởng thành lên trong từng bài giảng của thầy cô. Những giờ học chuyên ngồi như nuốt từng lời thầy cô giảng; những tiết Toán, Lý, Hóa thì ngồi im phăng phắc như “những vị La Hán chùa Tây Phương” để rồi “tim đập chân run” giật mình hoảng hốt khi nghe tiếng thầy Lập gọi tên, hay tiếng bước chân cô Loan nhẹ nhàng bên cạnh; những giờ Địa, giờ Sử luôn đầy ắp tiếng cười bởi sự vui tính, tâm lý của thầy Đạo, thầy Tấn. Nhưng có lẽ háo hức nhất với lớp Văn chúng tôi là những câu lạc bộ thơ học trò được tổ chức thường kỳ hàng tháng. Được thầy cô thắp lên tình yêu văn chương, chúng tôi hăm hở sáng tác. Những câu chuyện không có gì mới, những bài thơ chưa có gì sâu nhưng bao giờ cũng được thầy cô đón nhận với tất cả sự chân thành và những lời động viên, khích lệ khiến chúng tôi ảo tưởng rằng mình sắp trở thành nhà văn, nhà thơ thực thụ. Chúng tôi làm tập san của lớp. Chúng tôi nắn nót viết vào đó những sáng tác đầu đời. Chúng tôi nâng niu những “đứa con tinh thần” như nâng niu báu vật.
Ngày chia tay, đứa nào cũng tỏ vẻ cứng cỏi nhưng cuối cùng thì ôm nhau khóc như mưa. Tạm biệt mái trường PTNK Hải Hưng, chúng tôi vào đời với hành trang kiến thức và ước mơ mà thầy cô trao tặng. Mỗi đứa chọn một con đường khác nhau nhưng cùng chung một khát vọng muốn khẳng định chính mình:
“Những bài kiểm tra nằm trong cặp sách ngủ ngoan
Cả điểm kém chỉ xấu hổ với tiếng cười chúng bạn
Ngày mai ơi, ta sẽ vươn lên
Ta - không - chịu - là- hạt - sạn.
Xin gửi lại ngôi trường những cái TÊN”
(Trích “Tâm sự” – Đinh Thu Hiền, cựu học sinh chuyên Văn niên khóa 91-94).
19 năm sau ngày chúng tôi ra trường, năm 2015 trường chuyển về địa điểm mới bây giờ. Khuôn viên to hơn, đẹp hơn, quy mô trường lớp cũng mở rộng hơn rất nhiều. Với chúng tôi, những lứa học sinh đã từng gắn bó với ngôi trường cũ thì đây là một sự mất mát lớn không gì bù đắp. Những lần họp lớp, chúng tôi vẫn tìm về ngôi trường cũ. Dẫu chỉ là đứng ngoài cổng cố kiễng chân nhìn vào bên trong mong tìm lạichút kỷ niệm xưa cũ, hay chụp hình bên cạnh tên cổng trường giờ đã lốm đốm rêu phong. Và rồi đến cái niềm vui nho nhỏ cuối cùng ấy cũng không còn nữa. Người ta đã phá bỏ hoàn toàn ngôi trường 3 tầng khang trang, nơi lưu giữ bao nhiêu kỷ niệm của bao thế hệ học sinh mà không hề nuối tiếc. Chỉ có chúng tôi, mỗi lần đi qua mảnh đất trống lại thấy lòng nhói đau khi ký ức cũ ùa về.
Giờ đây, tôi vẫn có duyên gắn bó với Chuyên Nguyễn Trãi nhưng trong một tâm thế hoàn toàn khác. Mỗi năm, tôi vẫn có cơ hội được đặt chân vào trường ít nhất 3 lần trong các dịp họp phụ huynh. Con gái tôi, theo bước chân mẹ, tiếp tục trở thành học sinh chuyên Văn Nguyễn Trãi. Ngày biết tin con thi đỗ, tôi cười “Vậy là từ bây giờ mẹ con mình là bạn đồng môn”. Bạn bè có người chúc mừng, có người chép miệng, lắc đầu “Chưa chán nghiệp Văn hay sao mà để con nối bước? Sao không cho con học Ngoại ngữ để sau này dễ kiếm việc làm, lương cao?”. Tôi thì chỉ nghĩ “Để con được tự do lựa chọn, được sống với niềm đam mê và những gì con thích”. Và trong phút chạnh lòng, tôi chợt nhớ đến lời tâm sự của thầy Nguyễn Hoàng Đạo, giáo viên dạy môn Địa lý của chúng tôi rằng “Học sinh chuyên Nguyễn Trãi có thể không giàu, không thành đạt nhưng chắc chắn sẽ trở thành những người tử tế”. Vâng! thầy ơi, để trở thành người tử tế tưởng dễ mà cũng thật khó lắm thay. Và chính các thầy, chính mái trường này đã dạy chúng em làm được điều đó.
Có những cuộc gặp gỡ chỉ là cái duyên vô tình nhưng đem đến cho ta bao quả ngọt. Và cuộc gặp gỡ của tôi với chuyên Nguyễn Trãi chính là mối thiện duyên ấy. Gần 30 năm trước, tôi đã may mắn gặp và yêu Chuyên Nguyễn Trãi, để rồi hôm nay con gái tôi tiếp tục nối bước mẹ viết tiếp tình yêu với mái trường này. Và tôi cũng hy vọng tình yêu ấy chỉ có điểm khởi đầu chứ không có điểm kết thúc. Ừ! Biết đâu….
Người dự thi: Đặng Thị Minh Hậu
Lớp chuyên Văn niên khóa 1993 –1996
Để chia sẻ những câu chuyện, kỉ niệm về một thời áo trắng tại mái trường PTNK Hải Hưng (xưa), THPT chuyên Nguyễn Trãi (nay), mời độc gia tham gia cuộc thi viết "Chuyên Nguyễn Trãi trong tôi" lần II, thông tin chi tiết truy cập đường link https://chuyennguyentrai.edu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-chuyen-nguyen-trai-trong-toi-lan-thu-ii-tin1173