Tôi đã nghĩ đến một viễn cảnh mỗi khi lớp mắc lỗi hay xếp thứ hạng thấp, là chúng tôi sẽ được nghe một bài “Văn tế” đọc xong là cũng hết 44p59s. Chắc lúc đấy tôi nghĩ hơi xa xôi, nhưng biết đâu lại thế thật. Lo lắng là điều tất yếu.
“Nguyễn Trãi trong tôi? Lại cuộc thi gì nữa đây!”
“Thôi chả viết đâu, phiền lắm, chắc kiểu gì lớp chả có đứa tham gia.”
Thật lòng mà nói, đối với tôi, khi lần đầu nghe về cuộc thi này, cảm xúc của tôi cũng như vậy. Không một chút hào hứng. Vì sao ư? Chắc có lẽ vì đối với tôi, một học sinh lớp 11, giờ đây đã chả còn những háo hức, thích thú khi nghe đến những cuộc thi của trường đề ra. Nhưng, nghĩ lại thì, mọi ấn tượng sâu sắc, những kí ức đẹp đẽ tươi sáng nhất có lẽ đã bị cất giấu trong một cái hộp nào đó trong trái tim tôi, để rồi, đêm nay, tôi mới bỗng mở nó ra sau khi đọc các bài viết của các anh chị tiền bối cũng như các thầy cô giáo của Nhà trường. Đó đều là những bài viết vô cùng xúc động và hoài niệm. Chắc có lẽ, nhờ những bài viết ấy đã cho tôi thêm động lực để viết ra những ấn tượng, những điều đẹp đẽ đã bị ẩn sâu trong chính tôi về mái trường mang tên Chuyên Nguyễn Trãi.
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi trở thành học sinh của trường chuyên Nguyễn Trãi, ngôi trường vinh dự mang tên vị anh hùng lừng lẫy của dân tộc Việt Nam, không phải sự khang trang hay đầy đủ về cơ sở vật chất mà chính là cô giáo chủ nhiệm lớp.
Chắc không riêng gì mình tôi có ấn tượng như vậy. Trước đây, tôi đã quen với việc giáo viên chủ nhiệm của mình là giáo viên dạy Toán, hoặc ít nhất là môn tự nhiên. Nhưng, lên cấp 3, giáo viên chủ nhiệm của tôi lại là giáo viên dạy Văn.
Tôi đã nghĩ đến một viễn cảnh mỗi khi lớp mắc lỗi hay xếp thứ hạng thấp, là chúng tôi sẽ được nghe một bài “Văn tế” đọc xong là cũng hết 44p59s. Chắc lúc đấy tôi nghĩ hơi xa xôi, nhưng biết đâu lại thế thật. Lo lắng là điều tất yếu. Mọi thứ dần được chính tôi đẩy lên cao trào khi cô bắt đầu bước vào lớp trong buổi gặp mặt đầu tiên. Cô của tôi tuy không còn quá trẻ trung nhưng vẫn toát ra khí chất của hot girl một thời. Tôi cũng không nhớ rõ lắm, nhưng khá chắc lúc ấy cô mặc một chiếc áo dài tay trắng với chân váy màu đen, đặc biệt nhất là cô có giọng nói nhỏ, nhẹ và đầy trìu mến. Cô bắt đầu giới thiệu và chúc mừng chúng tôi đã vượt qua kì thi đầu vào để trở thành một thành viên trong ngôi nhà lớn Chuyên Nguyễn Trãi. Đó là tất cả những gì ấn tượng về lần đầu tiên gặp cô.
Nhưng các bạn biết không, đó là chuyện không có gì to tát, cái ấn tượng mạnh nhất đó là khi cô giảng bài. Nói thật là đây là lần đầu tôi học văn và tưởng chừng như choáng nặng. Bởi lẽ mỗi khi cô phân tích dù chỉ một câu thơ thôi, cô có thể “bắn” ra cả tá từ đồng nghĩa cùng với vô vàn từ mà từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa một lần nghe qua. Có thể nói, để đạt được trình độ như vậy, chắc tôi phải học thuộc cả quyển từ điển tiếng Việt may ra mới bằng một phần của cô.
Cô tôi nhìn có vẻ hơi lãnh đạm nhưng thực chất cô lại là một người nhạy cảm và yêu quý học trò hết mực, hay nói với chúng tôi: “Cô rất thích dạy các học sinh khối tự nhiên đặc biệt là chuyên Tin. Các em rất dễ thương và đáng yêu, dễ thương lắm ấy, rất năng động và sôi nổi. Nhưng kiềm chế bản thân, kiềm chế cái tôi, nghĩ tới sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau mới là yếu tố giúp cho một tập thể ngày càng một tốt hơn.” Đôi lúc cô cũng giận lắm, giận vì học trò mình nói không nghe, giận vì mỗi khi mình nhìn vào học trò, nỗi tức giận ấy sao lại nguội lạnh nhanh quá. Tôi hiểu điều đó. Vì tôi biết rằng, cô luôn hi sinh hết mình vì chính chúng tôi, luôn muốn những điều tốt đẹp nhất đến với chúng tôi, luôn coi chúng tôi như con đẻ của mình. Người mẹ thứ hai của chúng tôi là vậy đó, một người nhà giáo cống hiến hết mình vì sự nghiệp trồng người, một giáo viên luôn yêu quý học trò, cố gắng để các em học sinh của mình có được những điều tốt đẹp nhất.
Các bạn không tin có một người nhà giáo tận tâm như vậy ư? Là một học sinh của lớp, tôi muốn kể cho các bạn một câu chuyện, một thời điểm, những khoảnh khắc, những phút giây mà tôi không thể nào quên trong cuộc đời của người học sinh. Đó là thời điểm chúng tôi chuẩn bị kết thúc học kì I lớp 10 với một chuỗi kỉ lục đứng nhất từ dưới lên. Sợ hãi, bất an như với những giáo viên chủ nhiệm cũ là tâm trạng của những ai như tôi lúc đó. Và điều mà chúng tôi lo sợ cuối cùng cũng đến, ngay buổi sinh hoạt đầu tiên của tuần, không khí trầm lặng đã bao trùm lên cả lớp học. Cả lớp yên ắng đến lạ thường. Không còn tiếng xì xào nói chuyện, không còn sôi nổi như mọi khi, không ai dám hé miệng dù chỉ một lời, chỉ ngồi đấy đếm từng phút dài tựa như cả thập kỷ trôi qua. Tíc tắc… Tíc tắc… Tíc tắc . Vậy là đã như thế được 30 phút, dường như chỉ nghe thấy tiếng gió thổi vi vút qua những tán lá ngoài cửa sổ, chúng như đang nói với chúng tôi về những nỗi buồn, thất vọng, những sầu cảm của một người nào đó về chính chúng tôi. Cô vẫn ngồi yên, không nói với lớp dù chỉ một lời từ đầu tiết đến giờ.
Bỗng dưng cô nhẹ nhàng đặt bút xuống, bỏ chiếc kính gọng vàng bóng loáng thường đeo xuống bàn, nói nhỏ:
“Các em có biết, điều đáng sợ nhất trong cuộc sống này là gì không? Đó là sự im lặng. Vậy theo các em, khi người ta giận mà mà im lặng có nghĩa là gì không?”
Cả lớp đồng thanh: “Là hết giận rồi ạ.” Bầu không khí nặng trĩu lúc bấy giờ bỗng dưng tan biến, tôi cảm thấy thoải mái hơn hẳn và hòa vào với niềm vui của lớp vì ngỡ rằng cô thật sự đã không còn giận chúng tôi nữa. Lúc ấy, cô chỉ mỉm cười và nói khẽ: “Là người ta giận quá rồi đấy, chả còn muốn nói gì nữa.” Và, cô hết giận thật!
Sự im lặng của cô chắc có lẽ là điều đáng sợ nhất và cũng là ấn tượng cuối cùng về cô. Chả cần phải quát mắng hay nặng lời, chỉ cần một khoảng không trống vắng, thinh lặng. Đó là nơi để mà chúng tôi tự vấn bản thân, đó cũng là nơi để cô giấu đi cảm xúc, sự tức giận và có cả nỗi buồn. Ai nói học sinh mình mắc sai lầm giáo viên chỉ giận mà không buồn chứ? Ừ thì giận có, buồn cũng có, và đôi khi còn có cả nước mắt nữa. Và không chỉ một hai lần, đôi khi điều đó còn xảy ra khi chúng tôi không hề hay biết. Nhưng cô không bao giờ giận chúng tôi quá lâu, bởi cô hay bảo chính chúng tôi đã làm cô nguôi giận. Chính nhờ sự dễ thương mà tôi cũng chả biết nó ở đâu trên con người tôi đã góp phần khiến cô vui vẻ trở lại.
Tôi bỗng cảm thấy sao mình lại quá may mắn. May mắn vì được gặp cô, được làm học sinh của cô, được lắng nghe những bài giảng, bài phân tích đầy cảm xúc của cô. Nhờ có cô, mà giờ đây tôi mới có thể viết lên những dòng văn này, mới có thể mở chiếc hộp ký ức để chia sẻ với các bạn ngày hôm nay.
Lời cuối bài, tôi muốn dành để cảm ơn cô của mình: “Cảm ơn cô vì sự hy sinh, tình yêu thương mà cô đã luôn dành cho chúng em. Dù em biết chỉ còn một năm nữa, chúng em sẽ như những chú chim bay về bốn phương, mỗi người một ngả nhưng sẽ mãi ghi nhớ những lời cô dạy, những lần chỉ bảo ân cần của cô!”
“Đời người tựa như một chiếc máy bay giấy chở ước mơ bay lên cao mãi. Điều quan trọng không phải là bay được bao xa, mà là bay như thế nào, bay đến đâu. Cô mong rằng dù cho sau này, các em có nhớ đến cô hay không, nhưng hãy sống là một người lương thiện và thành công trên con đường các em đã chọn.”
Người dự thi: Phạm Trường Minh
Lớp 11 Tin, niên khóa 2018 - 2021
Để chia sẻ những câu chuyện, kỉ niệm về một thời áo trắng tại mái trường PTNK Hải Hưng (xưa), THPT chuyên Nguyễn Trãi (nay), mời độc gia tham gia cuộc thi viết "Chuyên Nguyễn Trãi trong tôi" lần II, thông tin chi tiết truy cập đường link https://chuyennguyentrai.edu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-chuyen-nguyen-trai-trong-toi-lan-thu-ii-tin1173