Xuyên suốt từ thời gian học hè cho đến hiện tại, khi năm học mới đã bắt đầu, các hoạt động giáo dục tại trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi vẫn tiếp tục diễn ra dưới hình thức online. Chắc hẳn với nhiều bạn học sinh, đây là một cản trở không hề nhỏ, bởi không được trực tiếp tham gia lớp học ảnh hưởng ít nhiều đến tinh thần học tập của các bạn. Thế nhưng đâu phải là không có cách để biến việc học online trở nên thật thú vị và hiệu quả? Hãy cùng chúng mình tìm hiểu xem 3 CNT_ers dưới đây đã làm như thế nào để phát huy tốt nhất khoảng thời gian học trực tuyến này nhé!
Muốn làm việc năng suất, bao giờ cũng phải có kế hoạch đề ra!
Đây không phải là một phương pháp quá xa lạ. Trên thực tế, đa số đều đồng ý rằng thói quen vạch sẵn mục tiêu và những việc cần làm là một trong những chiếc chìa khóa dẫn đến thành công. Nhưng mất bao nhiêu lâu để xây dựng nên một bản kế hoạch học online thật chỉn chu và phù hợp cho bản thân?
Đối với bạn Đào Thanh Ngân (lớp chuyên Địa khóa 2019-2022), thời gian đầu, bạn mất khoảng hơn 30 phút cho một kế hoạch: “Khi ấy mình vẫn chưa biết mình phải học gì và phân chia thời gian như thế nào để tận dụng được hết 24 tiếng mình có trong một ngày. Mình phải chỉnh sửa rất nhiều lần mới đưa ra được một bản kế hoạch hợp lý cho bản thân. Nhưng khi đã quen rồi, mình chỉ mất từ 15-20 phút để viết kế hoạch cho một tuần và từ 5-10 phút viết to-do list cho một ngày”.
Còn với bạn Trương Diệu Hiền (lớp A1 khóa 2020-2023), lập kế hoạch cho bản thân trong thời gian học online là một trải nghiệm vô cùng thú vị: “Thật ra lúc mới bắt đầu làm thì sẽ cảm thấy việc lập kế hoạch cực kỳ phức tạp và tốn thời gian, thậm chí còn dễ nản. Nhưng khi đã làm quen rồi thì mình thấy công việc này cũng không lấy nhiều thời gian nghỉ ngơi của mình. Thông thường với kế hoạch nền cho một tuần học online, mình mất khoảng 20 đến 30 phút để làm và hoàn thiện trên app. Tất nhiên trong lúc thực hiện kế hoạch sẽ có nhiều công việc hay deadlines mới xuất hiện, mình cũng bổ sung ngay vào bản kế hoạch để không bỏ sót”.
Nhưng xây dựng kế hoạch như thế nào thì mới gọi là hiệu quả?
Mỗi người sẽ có một định nghĩa riêng về từ “hiệu quả”, nhưng cái gốc chung mà tất cả chúng ta hướng đến là làm việc năng suất để hoàn thành được những gì đề ra. Và như vậy, việc xác định được cơ sở, lý do để viết kế hoạch là một bước cần thiết để nâng cao tốc độ học tập cũng như chất lượng học tập.
Theo như bạn Thanh Ngân chia sẻ, bạn xây dựng kế hoạch học online dựa trên 2 cơ sở chính: trên mục tiêu của bản thân và trên điểm mạnh điểm yếu: “Về mục tiêu, mình chia nhỏ thành mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Mục tiêu dài hạn là mục tiêu bản thân mình muốn đạt được trong tương lai. Để có được điều đó, mình cần hoàn thành những mục tiêu ngắn hạn trước. Còn về điểm mạnh, điểm yếu, đây là điều mà mỗi cá nhân cần phải nắm rõ. Ví dụ, mình cảm thấy bản thân không có năng khiếu về các môn tự nhiên và có năng khiếu về các môn xã hội hơn. Vì thế, mình sẽ chú trọng các môn đó, dành nhiều thời gian hơn cho nó. Những môn học còn lại, mình sẽ đặt ra một điểm số nhất định và phù hợp với khả năng của mình.”.
Nếu như bạn Ngân dựa trên các khía cạnh, cơ sở, thì ở một góc nhìn khác, bạn Lê Hải Linh (lớp chuyên Tin khóa 2020-2023) xây dựng kế hoạch dựa vào những lý do cụ thể và có ý nghĩa với cá nhân bạn: “Mình muốn đỗ được trường đại học mà mình mong muốn, đây là lý do trước nhất. Thứ hai, năm học trước kết quả của mình chưa được ưng ý lắm nên mình đã quyết định áp dụng phương pháp học này để thay đổi bản thân. Và một điều rất quan trọng là do những năm gần đây dịch bệnh khá căng thẳng, mình không được học trực tiếp nhiều. Nếu không chủ động sắp xếp thời gian trang bị cho mình những kiến thức, kĩ năng trong học tập thì mình sẽ đi giật lùi so với những cá nhân khác”.
Có thể sử dụng những công cụ gì để hỗ trợ viết kế hoạch cá nhân?
Không chỉ giới hạn ở việc sử dụng bút, giấy, cho đến hiện tại, rất nhiều các ứng dụng và website đã được ra mắt với mục đích giúp đỡ con người tổ chức, sắp xếp cuộc sống hợp lý.
Với Diệu Hiền, sự mới mẻ và đa dạng luôn là thứ cuốn hút bạn. Chính vì vậy, Diệu Hiền đã thử rất nhiều công cụ để lập kế hoạch rồi mới đưa ra lựa chọn cuối: “ Đến bây giờ mình đang sử dụng song hành 3 ứng dụng để lên kế hoạch cũng như theo dõi công việc:
- Thứ nhất là "Google calendar": Ứng dụng này giúp mình theo dõi thời gian và nhắc nhở mình công việc theo lịch được sắp xếp sẵn. Trước khi sử dụng app này, mình cũng dùng quyển lịch nhỏ để theo dõi sự kiện trong tuần, tháng; nhưng từ khi cài đặt ứng dụng trên điện thoại và laptop, mình thấy tiện hơn rất nhiều.
- Thứ hai là "Notion": Đây là ứng dụng mà mình mới sử dụng 1 tháng gần đây và mình cực kì thích nó. Mình có thể làm kế hoạch theo các mục như Học Tập, Cá nhân, Câu lạc bộ... và lập kế hoạch chi tiết mỗi mục. Giao diện ứng dụng thì dễ nhìn, đẹp "hợp gu" mình lắm và lập kế hoạch trong điện thoại hay máy tính cũng đều rất tiện lợi.
- Cuối cùng là một ứng dụng đếm giờ và kiểm soát nhịp độ công việc: "Pomodoro timer". Hiện nay cũng có rất nhiều app hay website giúp các bạn quản lý thời gian và chia quãng nghỉ với phương pháp Pomodoro này”.
Còn với Hải Linh, bạn ưa thích việc thể hiện bản thân trên những trang giấy qua những nét vẽ và màu sắc: “Mặc dù hiện nay có khá nhiều ứng dụng trên điện thoại giúp mình lên kế hoạch, có nhiều template rất xinh nhưng mình vẫn thích làm theo kiểu truyền thống hơn: sử dụng sổ và bút màu. Vì khi ấy, không đơn thuần là viết một cái to-do list rồi bắt bản thân cứng nhắc làm theo, mà đó còn là nơi để mình cắt dán, vẽ vời sáng tạo theo ý thích của mình”.
Không thể tránh khỏi trở ngại, vậy vượt qua nó như thế nào?
Việc lên kế hoạch học tập nghe có vẻ hấp dẫn là thế, nhưng để bắt tay vào làm chắc chắn sẽ không thể tránh được những khó khăn. Một vài người sẽ gặp những vướng mắc như không biết ưu tiên việc gì trước việc gì sau, không biết làm gì dù cho bản thân có quá nhiều vấn đề cần xử lý. Đây chỉ là một vài nguyên nhân chính trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lập ra kế hoạch rồi lại bỏ dở không tiếp tục thực hiện.
Thanh Ngân chia sẻ: “Thời gian đầu mình gặp khó khăn về việc phân chia kế hoạch học tập sao cho hợp lý. Mình lập to-do list rất dài và không thể thực hiện hết được. Đó là sai lầm của mình và việc phân chia thời gian cho mỗi môn học cũng chưa thực sự hiệu quả. Việc sai sót như thế khiến các vấn đề khác của mình bị ảnh hưởng như các deadlines không kịp hoàn thành hay thời gian cho gia đình bạn bè cũng bị ảnh hưởng. Nhưng mình không để điều đó ảnh hưởng đến quyết tâm học tập của bản thân, và đây là một số cách mình vượt qua nỗi lo ấy:
- Mình vẫn luôn xây dựng niềm tin đối với bản thân mình. Mình tin là mình sẽ làm được nếu mình không bỏ cuộc.Và mục tiêu là động lực để mình tiếp tục cố gắng.
- Sau những sai sót về việc lập kế hoạch, mình đã tự điều chỉnh lại cho phù hợp với thời gian của bản thân. Khi lập to-do list, mình cũng chia rõ phần cần hoàn thành và phần có thể làm thêm sau khi hoàn thành những nhiệm vụ chính.
- Mình tìm đến những anh chị đi trước, những người có kinh nghiệm để hỏi thêm về cách học, phương pháp học và nên học ai, học như thế nào… Sau đó mình sẽ tự tham khảo và trải nghiệm, từ đó mình sẽ biết mình hợp với cách học nào.
- Mình follow những tài khoản và kênh Youtube studygram và học hỏi từ họ. Nhiều lúc họ cho mình rất nhiều động lực và giúp bản thân mình cảm thấy tích cực hơn.
- Ngoài ra mình có bạn bè, gia đình ở cạnh. Mọi người luôn ủng hộ mình và giúp đỡ mình rất nhiều. Mình thực sự yêu quý mọi người”.
Hay với Diệu Hiền, bạn đã học theo nhiều phương pháp lập kế hoạch như viết ra giấy, cắt dán trên giấy hay một số app vẽ trực tiếp khác nhưng lại không theo kịp tiêu chí ban đầu bạn đề ra là nhanh - gọn - tiện ích: “Sau đó thì mình cũng tìm hiểu và nhận ra bản thân phải lựa chọn những công cụ thật sự phù hợp với mình, sau rất nhiều lần lần tìm tòi trên mạng thì mình cũng đã chọn lọc được ra thứ mình cần. Bài học rút ra là chúng ta nên xác định các tiêu chí ngay từ đầu và tìm kiếm các công cụ sát theo tiêu chí đó”.
Sau khi tạo cho bản thân thói quen viết kế hoạch học tập, các bạn học sinh nhận được điều gì?
Những điều tốt đẹp mà một kế hoạch chi tiết và chỉn chu đem lại cho các bạn là không hề ít. Đó không chỉ là một thói quen, đó còn là một cách sống và một cơ hội để rút ra những kinh nghiệm quý báu cho bản thân. Nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 như hiện tại, khi tương tác giữa các giáo viên và học sinh bị giảm đi, tính tự giác của mỗi cá nhân càng được đề cao hơn nữa.
Với Hải Linh, qua việc xây dựng kế hoạch học tập, bạn đã có thêm được kỹ năng sắp xếp thời gian cho từng việc, vừa cải thiện điểm số, vừa có thêm khoảng thời gian để giải trí vì bạn thích hội họa.
Về phần Thanh Ngân, bạn đưa ra quan điểm rõ ràng về những gì bạn hiểu ra từ thói quen này: “Đã lập kế hoạch học tập thì cần xây dựng một cách rõ ràng và cụ thể để có định hướng rõ ràng hơn với mục tiêu của bản thân, đồng thời xem xét và điều chỉnh kế hoạch sao cho hợp lý trong quá trình thực hiện. Kế hoạch (nhiệm vụ) trong một ngày không nên quá dài, chỉ cần hoàn thành những nhiệm vụ chính của ngày hôm đó là tương đối rồi, nếu không bạn sẽ cảm thấy rất dài và chán nản. Sau mỗi tuần cũng nên đánh giá kế hoạch mình thực hiện đã hoàn thành hết hay chưa và mức độ hoàn thành có như dự kiến không. Mình thường có thói quen mua đồ gì đó cho bản thân khi mình đạt được một thành tích hay hoàn thành tốt nhiệm vụ đó. Điều đó giúp mình có động lực hơn và mình yêu bản thân mình. Và điều quan trọng nhất là bản thân không được phép bỏ cuộc. Hãy tin tưởng vào bản thân là bạn có thể làm được”.
Như vậy, chúng ta vừa được đọc những dòng chia sẻ đến từ 3 CNT-ers về việc lập kế hoạch học tập trong khoảng thời gian học online này, đồng thời có cái nhìn sâu sắc hơn về giá trị của một thói quen, một cách sống có ích. Cảm ơn 3 bạn đã nhận lời phỏng vấn, mong rằng qua bài viết này, các bạn học sinh có thể tìm ra phương pháp tốt để tối ưu hóa thời gian học trực tuyến, biến nó thành cơ hội phát huy năng lực bản thân!
Nguồn: Ngân, Hiền, Linh, Trang
Tác giả: Cát Dương