“Tùng…tùng...tùng...tùng”

Hồi trống dài vang lên giữa cái nắng chói của chiều hè 2024, xua tan đi sự lo lắng trong ánh mắt của người phụ nữ trung niên, đánh dấu cho 12 năm nỗ lực đèn sách của người học trò cuối cấp. Sân trường nhộn nhịp hơn bao giờ hết, tất cả đều đang rất vui kia mà nhưng sao vẫn buồn thế? À hoá ra là sự chia ly! Sau hôm nay người sĩ tử ấy chẳng còn phải trải qua những đêm dài trằn trọc, đến mất ăn, mất ngủ, cũng không còn phải dậy thật sớm như mọi ngày nữa, tất bật khoác lên mình chiếc áo đồng phục ấy nữa, họ không còn được là học sinh nữa. Và rồi, những cảm giác kỳ lạ, những suy tư cứ nổi lên trong tớ, một đứa trẻ cứ được chị Ngân cùng khối trêu “Hết năm nay chị đi đại học, năm sau mày lại to đầu nhất trường rồi, sắp lớn rồi khóc ít thôi”, như những đợt sóng.

anh1
“Sau hôm nay người sĩ tử ấy chẳng còn phải trải qua những đêm dài trằn trọc”

Bỗng nhiên tớ thấy sợ quá, sợ áp lực, sợ thời gian, sợ phải lớn, sợ chia ly. Những điều tớ sợ, thật ra không đáng sợ như vậy, đó chỉ là những thứ ai rồi cũng phải trải qua để trưởng thành, chuyện nhỏ của sau này ấy mà. Tự an ủi mình là vậy, nhưng lòng tớ chẳng thể nào yên. Bởi, tớ còn một nỗi sợ lớn hơn…

Mưa nắng thất thường mấy ngày cuối tháng Sáu năm nay, liệu có trở lại vào năm sau không? Vậy mình sắp thi đại học thật sao, nhưng mình cũng mới vào trường kia mà, thật là chẳng sẵn sàng chút nào? Vừa nằm dài, tớ vừa nghĩ về nỗi sợ của quãng thời gian trước đây.

Từ nhỏ tới khi học hết lớp chín, tớ chỉ quanh quẩn mấy nơi gần nhà trong cái thị trấn nhỏ của mình. Mẹ tớ bận lắm, nên những lần mẹ thật rảnh để đưa tớ lên thành phố Hải Dương chơi, chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Chuyên Nguyễn Trãi với tớ vì vậy cũng khá lạ lẫm, mãi tới khi anh chị đậu cấp 3 về trường nhận thưởng, ấn tượng về bộ đồng phục của chuyên làm tớ nung nấu giấc mơ học chuyên. Năm ấy, tớ cố gắng rất nhiều, nhưng tới khi được phát đơn điền nguyện vọng tớ chẳng muốn thi chuyên nữa, tớ sợ trượt chuyên, sẽ xấu hổ lắm.

“Chẳng có gì là xấu hổ cả, thi chuyên nếu đỗ thì là cơ hội tốt của con, còn không sẽ là một trải nghiệm, con không mất gì cả.” - đấy là lời của mẹ nói với tớ. Câu nói ấy khiến tớ có thêm động lực hơn hẳn. Ngày thi, tớ bước vào cánh cổng của Nguyễn Trãi với tâm thế vô lo, vô nghĩ, tớ nhủ mình chẳng có gì để mất cả. “Mất chứ, phí hết công sức mẹ đưa đón tớ mỗi tối, mẹ phải xin nghỉ làm, về sớm vì mình mà mình làm cái gì thế này” tớ như rơi vào tuyệt vọng ngày nhận điểm, thế này là trượt chắc. Nhưng rồi may mắn mỉm cười, chuyên Tin đến với tớ như một phép màu, làm nỗi sợ của tớ biến mất.

anh2
Một nơi để trở về

Lên cấp 3, tớ được lên phố, xa gia đình, ký túc xá là ngôi nhà mới của tớ. Ngày ấy, tớ có một nỗi sợ ngây ngô lắm. Lắp nhiều thiết bị điện sẽ gây ảnh hưởng đến cả ký túc xá, không có máy giặt, bình nóng lạnh, điều hoà,... khiến tớ sợ lạnh, sợ nóng, tóm gọn lại tớ nghĩ mình sẽ không thể sống được vì bất tiện, tớ thấy như đang tập dượt cho cuộc sống sinh viên. Sẽ rất khó khăn đấy, vì ở nhà cũng chỉ học, việc gì cũng có mẹ lo, tớ không nghĩ sẽ phải trải nghiệm sớm như vậy. Nỗi sợ ấy không xảy ra, vì bao nhiêu thế hệ học sinh xa nhà vẫn sống tốt và vì túi tiền của mẹ tớ và các bác phụ huynh khác đã nhẹ đi một phần. Thương con, bố mẹ bớt đi nhiều chút, và chúng tớ có thêm chiếc điều hoà, tủ lạnh mới tinh cùng đầy đủ tiện nghi khác.

Tớ có một nỗi sợ khác nữa, tớ sợ học. Nghe thì thật buồn cười, vì nếu sợ học thì tớ đi học để làm gì chứ? Việc học xảy ra mỗi ngày như một thói quen, và học tập là cả đời mà tớ lại sợ. Ngày cấp 2, tin học với tớ là những phần mềm soạn thảo, thiết kế powerpoint thuyết trình,..  nhưng khi học chuyên, đó lại là câu chuyện khác. Chúng tớ học lập trình và thú thật khi mới nhập môn, tớ chẳng hiểu gì cả. Tớ cứ tự nhủ, việc học tin này cũng giống như việc học tiếng việt năm tiểu học thôi, biết mặt chữ rồi biết đọc,biết viết, vậy chỉ cần một thời gian nữa tớ sẽ hiểu môn tin.

Đời không như là mơ, những ngôn ngữ, những thuật toán, những dòng báo lỗi đầy khắp màn hình, các bạn trong lớp thì vẫn chạy, nhưng tớ như đứng yên. Lúc ấy tớ thấy mình kém cỏi biết bao nhiêu, tớ mông lung, tớ không biết mình đang theo đuổi điều gì, liệu lựa chọn của tớ có đúng đắn không. Tớ không thể hoàn thành các bài tập môn tin được giao,cũng không trả lời được những câu hỏi, mỗi lần mở máy để làm bài, tớ bật khóc vì chẳng thể hiểu nổi đề bài, tớ thấy nặng nề và bắt đầu có ý nghĩ từ bỏ. Tớ nói với mẹ, và mỗi lần như vậy câu chuyện đều kết thúc trong sự căng thẳng và chiếc gối ướt đẫm nước mắt của tớ. Tớ cho rằng mẹ không hiểu tớ, nghĩ rằng mẹ chỉ đang áp đặt tớ và vì thế tớ và mẹ dần có khoảng cách. Tớ dần không còn thói quen muốn chia sẻ với mẹ về mỗi ngày đi học như trước, tớ chẳng hay hỏi thăm gọi điện về nhà mỗi tối,... Tớ biết mẹ cũng rất buồn, nhưng tớ vẫn cứ ngang bướng, nổi loạn vì cái suy nghĩ mẹ sẽ chẳng bắt ép mình được nữa.

Bẵng đi một thời gian, mẹ tớ chẳng còn nhắc đến việc học chuyên nữa, mẹ để tớ tự lựa chọn điều tớ yêu thích và phù hợp với tớ. Mẹ cho tớ học thêm trên đồng tiền đánh đổi bằng mồ hôi và sức khoẻ của mẹ. Chi phí học của tớ và em gái, tiền chi tiêu của gia đình đổ dồn lên bờ vai nhỏ của mẹ. Mẹ bận rộn và khắc khổ hơn những người bạn cùng lớp cấp 3 rất nhiều. Một tối hôm ấy, tớ hỏi mẹ: “Sao mẹ không đi học đại học hả mẹ, mẹ kể con rằng năm 96 mẹ phải đạp chiếc xe cà tàng gần 20 cây để đi học ở mấy lò luyện thi mà? Rõ ràng mẹ đã cố như vậy mà vẫn không chọn đại học. Con thấy các cô chú bạn mẹ, ai đi học họ cũng thành đạt mà không thành đạt thì cuộc sống với kinh tế cũng đầy đủ, nếu mẹ như vậy thì không phải lo nghĩ nhiều như bây giờ.” Mẹ nhìn tớ, ánh nhìn dịu dàng cũng đầy kỳ vọng :” Nghĩ lại mẹ cũng thấy tiếc, hồi ấy mẹ cứ nghĩ cho kinh tế gia đình trước, ông bà không có để mẹ đi đại học, lúc ấy mẹ chỉ nghĩ sao kiếm được tiền là được. Có thể mẹ thua kém bạn bè, mẹ không tự hào về điều gì ở bản thân cả, không học vấn, nghề nghiệp bình thường, nhưng mẹ tự hào về con, mẹ tự hào vì mẹ không bỏ cuộc vì mẹ có con. Mẹ xin lỗi vì cứ ép buộc con, mẹ cứ cho rằng mẹ không bỏ cuộc, thì con cũng sẽ không trốn tránh, nhưng mẹ sai rồi. Con không giỏi môn tin thì vẫn còn môn khác mà, có rất nhiều con đường nhưng mẹ nghĩ con nên tự lựa chọn.”.

Tớ quay về phòng và rồi tớ oà khóc. Nỗi sợ lớn nhất của tớ là thấy mẹ buồn, tớ sợ mẹ thất vọng. Mọi nỗi sợ khác, mẹ có thể xoá tan cho tớ, nhưng chính tớ làm mẹ buồn thì ai có thể giúp tớ và giúp mẹ đây. Tớ không muốn từ bỏ nữa, tớ muốn chạy vì thời gian vẫn cứ trôi, tớ tự hào vì mẹ tớ, tớ muốn mẹ tự hào, vì tớ biết trong những câu chuyện của mẹ với đồng nghiệp mẹ rất hãnh diện khi nhắc về tớ.

*Tác giả: Trương Minh Hiền

Học sinh chuyên Tin, niên khoá 2022-2025 

 

Thông tin chi tiết về cuộc thi viết "Nhắn gửi thanh xuân" nằm trong dự án Kỷ yếu "Nhắn gửi thanh xuân" và xuất bản sách nói do Hội cựu học sinh thực hiện xem TẠI ĐÂY