Tôi kể với mọi người rằng mình học Triết từ hồi cấp 3, như một môn học chính thức trong Thời hóa biểu, mà chẳng ai tin. Không biết chương trình Phân ban thử nghiệm hồi ấy thực hiện trong mấy năm, ở một phạm vi như thế nào, mà ngay cả những bạn cùng tuổi với tôi ở các nơi khác cũng không hề nghe gì đến nó. Còn ở trường Nguyễn Trãi (lúc đó còn tên là trường PT Năng khiếu Hải Hưng, 2 năm sau, khi tôi học lớp 12, mới đổi thành Nguyễn Trãi), chúng tôi lên đến lớp 10 là tự động được phân vào ban C. Lớp Văn mà, chẳng ban C thì biết ban nào bây giờ?

Ban C là thế nào? Là cuốn sách giáo khoa Toán mỏng dính, mỗi tuần học 2 tiết. Là suốt 3 năm không có 1 tiết nào Vật lí, Hóa học, Sinh học. Là 2 tập sách Văn dày cộp, 2 cuốn Lịch sử, Địa lí dày cộp. Và có môn Triết học. 

*Phân ban ở đây là gom cứng cả lớp, có nguyên 1 bộ sách giáo khoa cho chương trình ban C như thế. Còn các bạn ban A - như ở trường Nguyễn Trãi thì lớp Toán, Lý mặc định ban A - sẽ không học Sử, Địa, Triết, và ngược lại là sách Toán Lí Hóa dày như hòn gạch. Ban B của các bạn lớp Hóa Sinh học như thế nào thì tôi quên mất rồi.

Đấy, tôi học Triết từ cấp 3. Lớp 10 học tất tật về các trường phái triết học từ cổ điển đến trung đại, từ phương Tây sang phương Đông. Lớp 11 học triết học Mác Lê-nin và nếu tôi nhớ không nhầm thì lớp 12 học cả logic học. 

Tôi vốn ham hóng cái mới, được học thêm một cái gì đó mới mẻ sẽ rất hứng thú. Ở trường Phổ thông Năng khiếu, tôi đã 3 lần hóng cái mới như thế: Hồi lớp 8 tôi được học vẽ, cô giáo tên gì tôi không nhớ, nhưng cô dạy cách pha màu, cách phân biệt màu nóng màu lạnh và dạy 1 thuật ngữ đối với tôi là mới mẻ vô cùng: “chép tranh”. Đến lớp 9 tôi được học Nhạc. Trường kí hợp đồng với một cô giáo dạy Nhạc rất trẻ, cô chơi Organ rất hay (có hội hè gì, cô sẽ đứng sân khấu chơi đàn khiến cả trường lác mắt. Tôi còn nhớ thầy Tô Hải tròn tròn dạy Toán cười tít cả mắt khi nhận ra cô đang đàn bài hát trong phim “Khát vọng” chiếu trên TV lúc bấy giờ). Cô dạy chúng tôi đọc nhạc, xướng âm, dạy vài bản nhạc cổ điển; và lúc ấy tôi rất tự hào nhìn nốt nhạc biết dò ra nó có cao độ, trường độ thế nào, biết nhận ra (duy nhất) một bản nhạc kinh điển là Giao hưởng số 40 của Mozart. Thế mà hết một học kì, cô đi lấy chồng, không dạy nữa, và tôi đứt đường học nhạc đến tận bây giờ. Rồi đến lớp 10, cái mới là Triết.

Thế nên dễ hiểu, tôi vô cùng hào hứng với môn Triết học.

Thầy giáo dạy Triết lớp 10 mới tinh, còn rất trẻ, tên là thầy Thiên (thầy là chồng của cô Thanh Huyền dạy Văn). Thầy Thiên hiền lắm, đẹp trai nữa. Dáng thầy nhỏ nhỏ, có 1 cái răng vênh vênh trông buồn cười mà lại duyên duyên. Thỉnh thoảng thầy hát cho bọn tôi nghe, bài “Ngựa hoang”, hát xong thầy co cẳng chạy bắn ra khỏi lớp sợ lũ học sinh trêu dai. Cũng có lúc, những trò đùa “vô tri” của lũ con gái lớp Văn khiến thầy đứng cười mãi. Kiểu đùa nhăng nhít thế này: khi thầy giảng về triết học Lão tử, rằng ông ấy khuyến khích cách sống nhẹ nhõm không nợ nần, rằng “Người ném cho ta quả đào, ta sẽ ném trả lại người quả mận” - thì nhất định chúng tôi học thành “Người ném cho ta quả đào, ta sẽ ném trả lại người cái hột”!

Thầy Thiên bây giờ

Còn thầy dạy Triết lớp 11, 12 thì quen lắm - thầy Tình vốn dạy Giáo dục công dân ở trường từ lâu. Ngày đầu tiên vào lớp, thầy có câu giới thiệu bất hủ “Tôi tên Tình họ Phạm”! 

Thầy Phạm Tình và con gái hiện cũng là cô giáo tại chuyên Nguyễn Trãi

Mỗi thầy một phong cách khác nhau, một thầy bay bổng một thầy chỉn chu, một thầy nhẹ nhàng một thầy cần mẫn, một thầy luôn lo đối phó với những oái oăm của mấy đứa con gái lớn đùng còn một thầy thì như ông bố bao dung, “chúng mày nghịch gì thầy biết hết”. Nhưng thật sự, cả hai thầy đều dạy học bằng toàn bộ tâm huyết của mình. Sau này, tôi học môn Triết nhiều lần (ở đại học, khi ôn thi cao học và khi học cao học), nhưng tôi luôn hiểu, cái gốc Triết học của mình và sự hứng thú với môn học này, thậm chí cả cái cách tôi đối diện với các loại Triết học, thực ra đã hình thành từ hồi cấp 3 với thầy Thiên, thầy Tình cả rồi.

Thầy Thiên cho chúng tôi nhận ra, Triết học vô cùng rộng lớn và phong phú. Nó nằm trong tinh thần, trí tuệ của con người đã từ lâu lắm, nó là cách mà con người quan niệm, lí giải về tự nhiên, xã hội, tư duy. Những trường phái triết học khác nhau thực chất là những cách quan niệm, lí giải khác nhau mà thôi. Thầy cũng chỉ cho chúng tôi thấy, đầu óc của người phương Đông và người phương Tây rất khác nhau, bằng chứng là triết học phương Tây thì thuần chủng triết học, còn triết học phương Đông luôn nằm lẫn lộn, tán loạn trong rất nhiều thứ khác nữa, như tôn giáo, chính trị, xã hội,… Thầy kể chuyện rất hay về Phật giáo, Đạo giáo; về Ấn Độ và Trung Quốc cổ đại - cái thời mà trăm nhà còn đều đang mò mẫm đi tìm và khẳng định tư tưởng của mình. Thầy khiến tôi mê tít quan niệm triết học của Lão tử - cái ông bình chân như vại thích sống kiểu “nước nhỏ dân ít” (phải đúng là tư tưởng Lão tử, chứ không phải biến hình sang Trang Tử sau này, hoặc đạo Lão tu tiên). Thầy cũng ảnh hưởng tới tôi của tận bây giờ, khi đọc kinh Tân ước hay đến gần với Phật giáo - nhưng luôn dùng con mắt lí trí để tìm biết xem kinh sách thể hiện quan niệm thế nào về con người, xã hội hơn là đi tìm một tôn giáo làm điểm tựa cho tinh thần. 

Cả những bài dạy Triết của thầy Tình cũng thêm phần tạo nên một tôi tỉnh táo như thế. Bởi khi đó, bọn trẻ 16, 17 tuổi của những năm 90 “ngố” hơn trẻ bây giờ nhiều lắm. Điều các thầy dạy hết lòng, mà lũ học trò đang trắng tinh lại cũng học hết dạ, thì kiến thức sẽ giống như cái nền móng được tạo thành lớp đầu tiên, khó mà lay chuyển. Những chữ nghĩa đến sau sẽ chỉ chồng xếp tiếp lên thôi chứ không thay đổi đầu óc mấy khi. Thầy Tình nói về những thứ nội hàm và ngoại diên, chu diên và không chu diên,…Chúng tôi nghe thầy răm rắp và sắp xếp vào đầu một cách rành rọt. Thầy giảng giải về các khái niệm duy vật, duy tâm; về biện chứng, siêu hình; về vật chất, ý thức; về nhất nguyên luận, nhị nguyên luận,… Và như bất kì một người thầy mẫu mực nào của thế hệ trước, thầy Tình khẳng định chắc chắn sự đúng đắn của tư duy duy vật biện chứng, theo cách mà Marx và Elgels đã viết. Chúng tôi tin thầy, đương nhiên rồi. Nên thành ra tôi có thấy hối lỗi với những người bạn ngoan đạo và thành kính của tôi đến thế nào thì cũng đành phải nhận rằng, những phép màu hay những điều huyền diệu trong kinh sách, đến lúc này đối với tôi vẫn đành “kính nhi viễn chi” - dù tôi trân trọng thực lòng những điều đẹp đẽ ấy.

Thành thật mà nói, về sau này, lời thầy dạy chữ nhớ chữ quên. Cũng thành thật thêm, về sau này, các thầy cô khác dạy Triết học đã phủ thêm lên bài vở của hai thầy rất nhiều thứ khác. Có thể sâu hơn, rộng hơn. Có thể sắc sảo hay thực tế hơn. Có thể khiến tôi vỡ vạc ra nhiều điều, mở mang tầm mắt ra nhiều chốn. Rồi rời trường học, rời giảng đường, thì kiến thức trong các môn, từ các thầy đâu có phân chia thành từng luồng - tất cả đã tổng hòa trong đầu óc mình thành một vốn hiểu biết chung chung. Bao nhiêu thứ lí thuyết va đập với cuộc đời, có thứ chọn ở lại để làm thành “vốn văn hóa” cho mình, có thứ được chính mình điều chỉnh mà hiểu cho đúng, có thứ đã …quên sạch. Nghĩa là bài vở của cái thời học sinh cấp 3 xa xa - là môn chuyên mà mình “cày cuốc” ngày đêm hay là một môn học khác chuyên nhưng mình rất thích - cũng sẽ đều chỉ còn là những vệt hằn thoảng ẩn thoảng hiện trong trí nhớ. 

Thế nhưng hẳn là trong lòng mỗi người vẫn luôn có một vài “cái neo” để nối lại khoảng cách thời gian, hay nối lại hai bờ nhớ - quên khi thì đau đáu, khi lại ngẫu nhiên đến khó hiểu. Tôi chẳng lí giải được rõ ràng tại sao mình lại nhớ những bài học vỡ lòng Triết học của thầy Thiên, thầy Tình hơn hẳn rất nhiều môn học khác. Chỉ biết rằng, đối với tôi, Triết học chưa bao giờ là môn học khó hiểu hay rối rắm, và các thầy giáo dạy Triết chưa bao giờ là những ông lão lẩm cẩm, kì cục như trong các câu chuyện buồn cười phổ biến. 

Chắc là do tôi may mắn. Tôi có thầy Thiên, thầy Tình là những người thầy dạy Triết đầu tiên - khi tôi còn học cấp 3, ở trường Năng khiếu Hải Hưng, rồi trường Nguyễn Trãi Hải Dương. 
 

Chúng tôi, 12 Văn của khoá 1995-1998

*Tác giả: Nguyễn Thị Huyền Hậu

Chuyên Văn, niên khoá 1995-1998

 

Thông tin chi tiết về cuộc thi viết "Nhắn gửi thanh xuân" nằm trong dự án Kỷ yếu "Nhắn gửi thanh xuân" và xuất bản sách nói do Hội cựu học sinh thực hiện xem TẠI ĐÂY