Hết lớp 8 trường Ngô Gia Tự, tôi thi đậu vào lớp 9 chuyên Văn trường Phổ thông Năng khiếu tỉnh Hải Hưng. Một giai đoạn mới của cuộc đời học sinh mở ra, nhiều háo hức và cũng cần rất nhiều cố gắng.
Cô giáo chủ nhiệm lớp 9 của lớp chúng tôi là cô Nguyễn Bạch Ngọc. Cô Ngọc hiền ơi là hiền, và luôn lắng nghe các chia sẻ tâm tình của học sinh. Chúng tôi thường qua nhà cô chơi vào buổi chiều. Chuyện của lũ trẻ mới lớn toàn các thứ linh tinh, nhỏ nhặt, nhưng cô luôn để tâm và đưa các lời khuyên.
Tôi nhớ nhất có lần cô giảng về Truyện Kiều, tới đoạn Thúy Kiều xúc động trước mộ Đạm Tiên, cách diễn đạt của cô rất hay khiến cả lớp ồ lên. Cô khuyến khích chúng tôi đọc nhiều lần Truyện Kiều để hiểu thêm được ý tưởng của đại thi hào Nguyễn Du.
Năm chúng tôi học lớp 10 cô Phạm Diễm Loan dạy Văn và chủ nhiệm lớp. Năm lớp 11, cô Diễm Loan nghỉ ốm thì thầy Lê Bá Liên dạy Văn và chủ nhiệm thay. Thầy Liên tâm lý vô cùng. Học trò chuyên Văn toàn là nữ, mà cũng rất nghịch ngợm, nhưng thầy Liên lúc nào cũng “hoan hỉ”. Thầy nhiệt tình giảng dạy, và không nề hà những ngày cuối tuần giải đáp tất cả những thắc mắc của học trò.
Năm chúng tôi học lớp 11, do thời điểm ấy không có lớp 12 vì cải cách giáo dục, nên chúng tôi nằm trong đội tuyển thi Học sinh giỏi toàn quốc cho lớp 12. Thầy Liên tập trung thời gian ôn luyện cho chúng tôi đi thi.
Bữa ấy, vào buổi chiều, thầy Liên tới nhà tôi. Nhìn thấy thầy dắt xe tới cổng, tôi rất ngạc nhiên vì hoàn toàn không có sự báo trước. Chắc thầy phải hỏi nhiều người lắm mới tìm được nhà của học trò, vì nhà của cha mẹ tôi khi ấy nằm trong con ngõ nhỏ, sâu hun hút. (Mà thời đó thì làm gì có điện thoại).
Tôi ra chào thầy, thầy đưa tay ra bắt: “Chúc mừng em nhé. Đoạt giải Ba toàn quốc rồi đó!”. Khỏi phải nói tôi khi ấy “mừng hết lớn” thế nào. Thầy trò ngồi uống nước trà ăn mừng.
Khi chúng tôi lên lớp 12, thầy Lê Bá Liên chuyển công tác sang Sở Giáo dục, cô Phạm Diễm Loan chủ nhiệm lớp chúng tôi. Bất cứ học trò nào từng học thời điểm đó, đều ấn tượng với cách giảng dạy của cô Loan. Cô truyền tải kiến thức sang học trò một cách mê say, sâu sắc và có phong cách riêng. Sau mấy chục năm theo nghề viết, giờ nhìn lại, tôi thấy thật hạnh phúc cho bất cứ học trò nào đã từng được cô Loan giảng dạy môn Văn. Không chỉ là kiến thức, chúng tôi được nhìn, được chạm vào văn chương với các góc cạnh lấp lánh và đa chiều.
Thời đi học, lớp chuyên Văn của chúng tôi toàn nữ nhi mà quậy phá kinh hồn. Nguyễn Thị Việt Nga, Dương Thị Bích Hạnh, Lục Tú Nhi, Nguyễn Thị Lan Anh, Hoàng Thị Quyên, Phạm Thị Quỳnh, Nguyễn Tường Vân, Thu Hà, Vân Anh, Thục … Các “con giời” này thường xuyên nghĩ ra đủ trò để nghịch. Bữa thì thách đố nhau ăn đậu hũ, kết quả Lục Tú Nhi “đạt” giải Nhất với hơn 20 miếng đậu. Và sau đó thì Nhi đau bụng phải nghỉ ở nhà hai ngày! Báo hại chúng tôi bị phụ huynh giáo huấn một bài học. Bữa thì tôi vừa mở sách ra, kêu hú hồn vì bên trong là mấy con sâu róm đen thùi lùi đầy lông lá bò lổm ngổm. Đây hẳn là “sản phẩm” của Nguyễn Thị Việt Nga và Dương Thị Bích Hạnh vì hai “tiểu yêu” này biết tôi rất sợ sâu róm. Bữa thì chúng tôi phân công người rủ Thu Hà đi ăn chè, người thì mở nhật ký ra để coi bạn viết rất lãng mạn về 1 người bạn trai cùng khóa.
Đã 34 năm trôi qua kể từ ngày tôi bước chân vào trường Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng, thời gian cùng công việc đầy ắp đã khiến bộ nhớ của tôi bị “full”. Nhưng đôi khi, ngay cả trong giấc mơ, tôi vẫn có cảm giác lo toát mồ hôi trước khi vào một kỳ thi. Và thỉnh thoảng nhớ lại các trò quậy phá của tuổi học trò mà cười sảng khoái cùng bạn bè cũ.
Xin trân trọng cảm ơn các thầy cô giáo cũ, trong đó có hai thầy cô làm công tác quản lý, không trực tiếp giảng dạy chúng tôi, nhưng tôi đặc biệt quý trọng. Đó là thầy Hiệu trưởng Đặng Tự Ân và cô Hiệu phó Nguyễn Lan Phương. Họ đã cống hiến tuổi thanh xuân, năng lực và trách nhiệm của họ, cho ngôi trường Phổ thông Năng Khiếu Hải Hưng.
Trường giờ đây đã chuyển đi nơi khác. Tên gọi cũng đã thay đổi. Tôi có thể là người hơi cố chấp. Nhưng trong cảm xúc của tôi, dưới mái trường Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng, mới chính là kỷ niệm.
Như bài thơ “Khúc mưa” thiệt hay của nhà thơ Đỗ Trung Quân:
“Tháng sáu
Mưa
Giá trời đừng mưa
anh đừng nhớ
Trời không mưa và anh không nhớ
anh còn biết làm gì?...
Em như hạt mưa trên phố xưa
Nuôi kỷ niệm bám hoài trí nhớ
Kỷ niệm như rêu...
Giẫm vào anh trượt ngã …”
* Tác giả: Đinh Thu Hiền
Cựu học sinh chuyên Văn, khóa 1990-1994, PTNK Hải Hưng.
Phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam, Văn phòng đại diện miền Nam. Hiện sống tại TPHCM.
Thông tin chi tiết về cuộc thi viết "Nhắn gửi thanh xuân" nằm trong dự án Kỷ yếu "Nhắn gửi thanh xuân" và xuất bản sách nói do Hội cựu học sinh thực hiện xem TẠI ĐÂY