Ngày xưa khi tôi còn bé, bé lắm… vẫn được mẹ đưa ra Công viên Bạch Đằng chơi cầu trượt, chơi thú nhún vào những buổi chiều lộng gió. Tôi cười tít mắt và vui với trò chơi của mình, nhưng vẫn nhớ, rất nhớ mẹ chỉ sang bên đường và bảo: “Kia là trường cấp 3 của mẹ đó con! Hãy cố gắng sau này là học sinh trường PTTH Chuyên Nguyễn Trãi nhé?”.
Ký ức trường Chuyên Nguyễn Trãi trong tôi có từ rất sớm, qua lời kể của mẹ. Mẹ là một cựu học sinh lớp Văn, khóa 1999-2002, mẹ đã không theo con đường văn chương như nhà báo, cô giáo, mà mẹ tôi làm Công an. Nhưng tôi biết “chất Nguyễn Trãi” đã ngấm trong con người mẹ qua từng nét chữ mềm mại, đẹp như viết giấy khen, từng lời ăn tiếng nói, từng hành động nhân văn đối với người thân, đồng đội hay quần chúng Nhân dân, biết bao người có hoàn cảnh khó khăn luôn được mẹ tôi giúp đỡ. Những kỷ vật xa xưa, tập album ảnh đã cũ theo thời gian, cuốn lưu bút ngày ra trường đã nhòe mực hay đồ lưu niệm khi đi họp khóa, họp lớp vẫn được mẹ đặt ở vị trí trang trọng trong ngôi nhà nhỏ của tôi.
Tôi đã yêu trường Chuyên Nguyễn Trãi như mẹ tôi yêu trường, yêu say đắm như mối tình đầu của mẹ, người ấy bây giờ là bố tôi. Tôi cũng ước ao được khoác trên mình đồng phục trường Chuyên. Trước tôi, chị họ tôi, em họ tôi cũng đã đỗ và khẳng định mình trong môi trường thân thiện mang tên Danh nhân văn hóa vĩ đại- Nguyễn Trãi. Điều đó thôi thúc tôi. Tôi đã học. Tôi đã đỗ. Niềm vui vỡ òa của cả gia đình, đặc biệt là mẹ khi tôi đỗ chuyên Pháp, khóa 2023- 2026.
Xin phép được gọi thân thương là “Trường chúng tôi”. Trường đã thay đổi địa điểm, không còn ở đường Thanh Niên như thời mẹ học, giờ đây đã đổi sang khu đô thị mới, trên trục đường thênh thang Nguyễn Văn Linh, Bà Triệu. Đưa tôi đi nhập học, mẹ nghẹn ngào nhớ về ngày xưa, trường lớp còn khó khăn, không có sân bãi tập thể dục, ký túc xá chật chội, những ngày mưa ngập lụt phải xắn quần đến đầu gối, không có bếp ăn tập thể, mẹ và bạn bè ăn cơm “bụi” đến nhẵn các quán ăn trên đường Quang Trung, Chợ Con. Ngày nay, cơ sở vật chất của trường khang trang hơn, rộng rãi hơn, đặc biệt chế độ đãi ngộ cho thầy và trò và sự đầu tư toàn diện cho giáo dục được các cấp quan tâm hơn rất nhiều. Nhưng có thể nói, dù ở thời kỳ nào, trường Chuyên Nguyễn Trãi mãi là cái nôi học tập, rèn giũa con người, tạo tiền đề cho sự trưởng thành, phát triển của bao thế hệ học trò.
Đã có những lúc tôi thấy áp lực, đôi chút căng thẳng vì mẹ luôn muốn tôi tốt hơn, giỏi hơn, khẳng định mình hơn. Có lẽ, là do tôi không hiểu được được cảm giác ở ký túc xá, đi xa nhà cả tuần, cả tháng mới về, cảm giác đói cơm, đi bộ đi học, không điều hòa máy lạnh… Nhưng tôi và mẹ - chúng tôi luôn cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức chuẩn mực của người học sinh. Và trên hết là cùng có cảm xúc Yêu quý, Trân trọng và Tự hào khi được là học sinh trường Chuyên Nguyễn Trãi. Chúng tôi đã vui vẻ, ấm áp tranh nhau gọi “Thầy”, “Cô” khi gặp Thầy Tùng, cô Thanh, thầy Nghị, cô Lương, cô Ngà, cô Huyền, cô Hoàng Vân, cô Thu Hằng… Mà lạ thay, lẽ ra tôi phải gọi là bà giáo, ông giáo mới đúng chứ? Hai mẹ con, hai thế hệ học sinh trong một ngôi trường là như vậy đó! Tôi tin chắc rằng, nhiều cặp mẹ con đã và đang là học sinh trường Chuyên Nguyễn Trãi cũng sẽ có cảm giác như chúng tôi.
Giờ đây khi đang là học sinh của Trường Chuyên Nguyễn Trãi, tôi thấy mình thật nhỏ bé bởi “Bể học vô cùng” và thành tích xuất sắc của lớp lớp bao thế hệ học sinh nhà trường. Tôi được tiếp xúc với môn học mới, thầy cô, bạn bè mới. Tôi cũng tích cực tham gia các câu lạc bộ, những hoạt động trải nghiệm của nhà trường. Tự tôi đã thay đổi. Thay đổi trong nhận thức, trong tư duy và phương pháp học tập. Say mê học nhưng vẫn tìm cho mình những niềm vui của tuổi trẻ.
Tôi yêu trường, yêu lớp, yêu thầy cô, bạn bè theo cách riêng của tôi, trong trái tim của cô học sinh 16 tuổi, tôi thấy trách nhiệm của mình góp phần giữ gìn, xây dựng truyền thống 40 năm qua của Nhà trường.
Và tôi sẽ viết tiếp ước mơ của mẹ…
*Tác giả: Đồng Ngọc Thu
Chuyên Pháp, niên khóa 2023- 2026
Thông tin chi tiết về cuộc thi viết "Nhắn gửi thanh xuân" nằm trong dự án Kỷ yếu "Nhắn gửi thanh xuân" và xuất bản sách nói do Hội cựu học sinh thực hiện xem TẠI ĐÂY