Tính là “quân” của khoá 95-98, nhưng lớp Văn chúng tôi nhiều đứa đã học ở trường từ 1993, vì hồi ấy Phổ thông năng khiếu Hải Hưng lấy khối Toán từ lớp 7, khối Văn từ lớp 8. Lớp 8, mấy đứa lóc nhóc tràn sang không gian “hàng xóm láng giềng” từ trường chuyên thị (ấy là quen miệng gọi thế - khối chuyên của Phổ thông cơ sở Ngô Gia Tự được tính là chuyên thị xã Hải Dương). Đây là sự “di chuyển” trong mơ của bất cứ đứa học trò chuyên thị nào. Bởi cũng đều đối diện với chùa Phong Hanh, cũng cũ cũ nhỏ nhỏ, nhưng khi chúng tôi học lớp 6, lớp 7 ở lớp A (Toán), lớp C (Văn) thì cánh cổng bên phải kia luôn có một sức hấp dẫn ghê gớm, và những ông anh, bà chị ra vào hàng ngày ở cánh cổng ấy tự động mang một dáng vẻ đáng ngưỡng mộ vô cùng.

Vậy là tôi và bạn bè gắn bó với Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng, sau là Phổ thông trung học chuyên Nguyễn Trãi trong 7 năm - đoạn đường không hề ngắn của những tháng năm đẹp nhất. Hơn 20 - gần 30 năm đã qua, ký ức về ngôi trường xưa còn lại trong lòng mỗi đứa, hẳn là những gì sâu nặng mà tâm trí lựa chọn để ở lại cùng với hồn mình. Đối với tôi, những tháng năm ấy gắn với một người, từ một người - mà dẫu sau này, mối dây liên hệ với cô có mờ nhạt đi thế nào, thì ấn tượng đẹp đẽ về cô vẫn luôn là những gì tôi thật lòng trân trọng: cô Hoàng Hải - cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi trong suốt 3 năm THPT.

1. Cô Hải với chúng tôi, trong phòng học lớp 12 văn
Cô Hải với chúng tôi, trong phòng học lớp 12 Văn

Chúng tôi biết cô Hoàng Hải trước khi trở thành “quân ruột” của cô. Khi chúng tôi học lớp 9, cô về trường và dạy Văn lớp 10 Lý (thầy Tuyên chủ nhiệm). Có vài điều khiến cô trở thành một “nguồn tò mò” cho lũ con gái lớp Văn đông miệng và lắm chuyện.

Thứ nhất, cô rất xinh. Không phải vẻ đẹp quý phái kiêu bạc như cô Phương Mai, cũng không đài các đầy sức sống như cô Quỳnh Anh hay cá tính ấn tượng như cô Bạch Ngọc,… Cô Hoàng Hải không trang điểm mấy khi, cô xinh đẹp mộc mạc, tự nhiên - nhưng cuốn hút lạ lùng bởi vẻ buồn buồn lạnh lạnh. Đặc biệt, dáng người cô rất đẹp. Hồi ấy thịnh hành kiểu quần cạp liền, cô lại hay sơ-vin với áo sơ mi các loại. Ồ, lũ chúng tôi đã hút mắt nhìn theo khi cô đi dọc hành lang không biết bao nhiêu ngày. Giản dị, bình thản và … không dễ gần.

Thứ hai, không khó để nhận ra các anh chị (nói đúng hơn thì là các anh, vì hình như lớp Lý hồi đó không có mấy chị, tôi không nhớ chị nào lớp Lý thầy Tuyên cả) yêu cô vô cùng tận. Một thứ tình cảm gần giống như tôn sùng. Chúng tôi hồi đó đi học rất kính các thầy cô, không dám bông đùa bừa bãi hay có những cư xử, ý nghĩ thất lễ bao giờ. Nhưng bảo rằng rất yêu, rất yêu thầy cô thì nói thật rằng ít có. Có lẽ vì kính nên hơi xa. Vậy nên, lòng yêu thương nồng nhiệt mà các anh chị dành cho cô khiến chúng tôi vừa ngưỡng mộ vừa lạ lẫm.

Lên lớp 10, chúng tôi nhận giáo viên chủ nhiệm mới: cô Hoàng Hải. “Chúng tôi” lúc này không hoàn toàn là “chúng tôi” của năm trước, bởi đã có một trận thi tuyển khá khắc nghiệt: Ai có giải quốc gia lớp 9 thì lên thẳng, một số bạn không đỗ lùi ra học ở Hồng Quang và vài trường khác; thêm rất nhiều bạn từ chuyên Thanh Hà, từ Nam Sách, Kim Thành, Kim Động, Mỹ Văn, Phù Tiên,… (lúc đó vẫn là tỉnh Hải Hưng; năm sau mới tách tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, thì các bạn Kim Động, Mỹ Văn, Phù Tiên được lựa chọn ở lại học tiếp hay về Hưng Yên học, nhưng đang yên chỗ rồi nên chẳng ai chuyển cả). Nhưng độ ồ…à…uầy… của “chúng tôi” khi thấy cô thì vẫn không thay đổi.

2 Mười hai văn con khỉ - Không một đấng râu mày - A ha, thế mà hay - Chị em ta bá chủ
   Mười hai văn con khỉ - Không một đấng râu mày - A ha thế mà hay - Chị em ta bá chủ

Như thế, chúng tôi thuở ấy là khoá chủ nhiệm đầu tiên của cô Hoàng Hải ở trường. Cô giáo trẻ măng và một bầy học trò toàn con gái.

Văn mẫu sẽ viết “Ở gần rồi, chúng tôi mới thấy cô không lạnh như vẻ bề ngoài, mà bên trong cô là …v.v và v.v…”. Không hẳn thế. Tôi không nghĩ những cảm xúc ấm áp chúng tôi có bên cô là từ những gì giấu kín, mà cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy rằng, 3 năm cô trò chúng tôi cùng đi hết chặng đường THPT thực sự là 3 năm cả hai bên đều từng bậc, từng bậc thay đổi bản thân mình. Với chúng tôi, đương nhiên rồi, tuổi 16-17-18 hồi ấy còn non lắm. 3 năm ấy là đoạn đời chúng tôi mò mẫm tự tìm kiếm chính mình, tự khẳng định chính mình. Còn với cô, chủ nhiệm 23 đứa con gái chỉ kém mình có 7 tuổi, toàn đứa ương ương dở dở ở đúng cái tuổi dở dở ương ương, dẫn chúng nó đi qua từng biến cố, từng cơn chao đảo, từng cuộc thi lớn nhỏ đủ loại, … tôi cứ mường tượng rằng, độ “nhập cuộc” ấy đã khiến cô thay đổi rất nhiều bản tính khép kín và bình lặng của mình.

3. Chúng tôi, 12 Văn của khóa 95-98
Chúng tôi, 12 Văn của khoá 95-98

Lớp chúng tôi với cô thường không có những trận cười thả ga hay những trò đùa nghịch nhăng cuội kiểu nhất quỷ nhì ma. Cô Hoàng Hải dạy Văn hay lắm, lối văn vừa bay bổng vừa mạch lạc, vừa sâu sắc vừa chỉn chu - giờ học luôn nhè nhẹ, nghiêm túc và đúng kiểu “học ra học”. Thì cũng phải thôi, cứ mỗi tháng một lần thi khảo sát (chúng tôi quen gọi là “thi tháng”), kết quả ấy tính trực tiếp vào học bổng của học kỳ sau, rồi làm căn cứ chọn đội tuyển liên tục. Việc dạy và học áp lực ra trò, nhất là ở môn chuyên. Cô Hải rèn cho chúng tôi nếp nghĩ về việc học như là một nhiệm vụ đương nhiên. Không có quá nhiều bài tập, nhưng phải rất trách nhiệm với bài vở của mình, và phải luôn luôn cố gắng. Và vào thời điểm lũ chúng tôi cảm thấy mình căng thẳng nhất, oải nhất - thì sẽ có một bất ngờ gì đó xuất hiện đúng lúc để mỗi cái đầu sắp bùng nổ, mỗi đôi mắt sắp sập xuống vì mệt sẽ cảm thấy mát dịu lạ thường. Chẳng hạn, một chùm ngọc lan trắng tinh, thơm ngát vào buổi chiều nắng gay nắng gắt. Chẳng hạn, một chiếc khăn mùi xoa nhỏ xinh trước ngày tuyển Văn vào trận thi Học sinh giỏi quốc gia,… Món quà của cô Hoàng Hải thường là vậy. Lặng im, tinh tế, ấm áp đến ngỡ ngàng. Mỗi đứa chúng tôi nhận sự chia sẻ ấy của cô để học được cách thu xếp sự bình yên trong lòng mình.

Hồi ấy, chúng tôi nhận ra cô đã vì chúng tôi mà gác lại cả những chuyện trọng đại của mình. Cô giáo trẻ mà, còn chúng tôi cũng đã 17,18, có đứa trong lớp cũng đã có bạn trai - nên rất quan tâm đến việc … bạn trai của cô thế nào. Gặp rồi, nhăn nhở chào “Em chào chú!” và săm soi xem liệu “chú” có xứng với “cô mình” (chẳng hiểu sao lại nghênh ngang cho mình cái quyền đánh giá ấy, nhưng nó giống như chấp niệm ngoan cố “cô là của chúng em”).  Rồi hóng hớt, biết cô chú đã xem ngày, biết cái khoảng ngày ấy là ngay vào đợt tăng tốc ôn thi Quốc gia. Rồi chẳng thấy đám hỏi, đám cưới nào cả. Mấy đứa tuyển Văn nhìn nhau thở dài: “Hiểu rồi!” Cô không bao giờ kể gì những chuyện này mà toàn chúng tôi tự quan sát rồi tự đoán, đúng sai đến đâu chẳng biết, chỉ ngấm ngầm cảm kích và áy náy. Tiếp đấy, khi chúng tôi thi xong, nhà cô (hay nhà chồng cô tôi không nhớ rõ) lại có việc hiếu. Một năm sau, đám sinh viên năm nhất mới khăn gói quả mướp nhảy tàu từ Hà Nội về Hải Dương ăn cưới cô giáo, vui rổn rảng rộn ràng.

Cô Hải luôn có cách để từng đứa cảm nhận được sự quan tâm riêng và những chia sẻ chân thành. Đặc biệt là những cô học trò xa nhà, ở với bạn biền biệt trong ký túc xá. Có đứa nhớ nhà khóc ti tỉ. Có đứa tiết kiệm, chắt bóp đến từng đồng cơm canh. Có đứa buồn chuyện gia đình. Có đứa tự gây áp lực, học đến bạc mặt. Cô không giỏi khuấy động sôi nổi, mà tâm sự với từng mảnh một, giống như một người chị lớn thấu hiểu. Mấy đứa ở ký túc thỉnh thoảng đạp xe ra nhà cô, cô lấy toàn kẹo ngon ra mời. Ngại, chẳng đứa nào dám ăn, toàn để lúc về cô gói cho hết cả đĩa. Thế rồi lúc đi thì đi cùng nhau, mà lúc về mạnh đứa nào đứa ấy phóng, vì vội về phòng để ... ăn kẹo. Tranh nhau như trẻ tranh quà. Cái Quyên khóc hứt hứt với cô, kể về ông anh nổi loạn và cuộc khắc khẩu bất tận giữa anh với bố. Chẳng biết cô nói gì mà nó tự nghĩ thấy yên tâm hẳn. Cô tặng nó cái áo - nó giữ như một kỷ niệm đến mãi sau này, nhưng cô cho tiền nó nhất quyết không nhận, còn bắt cô hứa không được kể với bố rằng nó ăn có 500 đồng 1 bữa. Cái Liên ngơ ngác nghe nhà báo tin mẹ nó … sinh em bé. Con chị 17 tuổi phát hoảng, và ngượng ngùng với tất cả mọi người. Cô Hải rất tự nhiên hỏi thăm nó về mẹ và em, dặn nó về nhà thì cho cô gửi lời chúc khỏe mạnh. Cái Giang, cái Hậu thì ngủ ngặt ngủ nghẽo trong giờ Văn của cô, và bị cái Thành ngồi cạnh mách: “Nó toàn học đến 2 giờ sáng”. Cô lẳng lặng để yên cho chúng nó ngủ, không gọi không mắng không hỏi gì cả. Thế là mấy con bé tự biết thân biết phận mà điều chỉnh giờ giấc của mình (sau khi được đà lấn tới nốt, ngủ quay một mạch đến hết tiết).

4. Quyên - cô Hải - Ngọc Minh - Quỳnh Hoa
Quyên - Cô Hải - Ngọc Minh - Quỳnh Hoa

Có lẽ so với lứa con cái bây giờ, 3 năm cấp 3 của chúng tôi thật là bình lặng. Để nhớ về một điều gì đó vô cùng ấn tượng thì không nhiều, nhưng cái cách cô Hoàng Hải dạy Văn và làm chủ nhiệm đã cho chúng tôi một khoảng thanh xuân vừa đủ trong lành để nhẹ nhõm, vừa đủ tự do để mơ mộng, vừa đủ tin cậy để thấy trong lòng mình luôn ấm êm,…

Tôi gần cô hơn một số bạn khác trong lớp. Một phần vì tôi có chị gái ngang tuổi với cô nên dễ trò chuyện. Một phần vì nhà tôi ở khá gần nhà cô, nên thỉnh thoảng - cả khi đã hết năm học lớp 12, tôi và ông anh trai sinh đôi, học lớp Lý, lại mò đến nhà cô chơi. Tôi còn nhớ căn gác nhỏ nhỏ tầng 2 trong cái ngõ nhỏ nhỏ ở một phố chợ. Trong không gian riêng biệt và nhỏ bé như thế, cô vui vẻ, cởi mở và thật là gần gũi. Cô cũng từng đến nhà tôi. Đấy là khi có kết quả thi Học sinh giỏi quốc gia lớp 12, cả gia đình tôi ngóng trông vô cùng, hồi hộp vô cùng. Bởi lúc ấy, giải Ba quốc gia trở lên là con đường duy nhất để đỗ thẳng Đại học, mà lại được lựa chọn bất kỳ trường Đại học nào trong khối (còn giải Khuyến khích sẽ có một vé vào thẳng trường Cao đẳng). Làm gì có mạng để tra, cũng đâu ai có điện thoại để mà gọi. Chỉ hóng đến trường hỏi các thầy cô thôi. Thế rồi cô Hoàng Hải bất ngờ xuất hiện trên con đường dài loằng ngoằng dẫn vào nhà tôi, đi cùng với chú Hoàng - bạn trai cô. Ôi trời, cô mang đến một tin … chấn động: tôi giải Ba còn anh trai tôi giải Nhì! Chưa bao giờ tôi thấy cô rạng rỡ và đẹp như thế!

Năm ấy, tuyển Văn do cô Hoàng Hải lãnh đội có 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. Trong lớp còn có một đội tuyển Địa lí (thầy Nguyễn Hoàng Đạo lãnh đội) và một đội tuyển Lịch sử (thầy Phan Kế Tấn lãnh đội) - do chưa có các lớp chuyên Sử Địa nên 2 tuyển này lấy hết trong lớp chuyên Văn. Các bạn ấy cũng giành rất nhiều giải. Có nghĩa là khoá đầu tiên cô Hoàng Hải chủ nhiệm đã khép lại vô cùng rực rỡ. Có nghĩa là thời tuổi xanh của chúng tôi đã cùng cô đặt dấu chấm cuối trang vở học trò bằng bao nhiêu nụ cười và bao nhiêu niềm kiêu hãnh hồn nhiên.

Khi từ biệt mái trường, một đứa trong số chúng tôi đã viết bài thơ về lớp, có đoạn thế này:

"Sư mẫu - cô Hoàng Hải

Vừa giỏi lại vừa xinh

Thần tượng của bọn mình

Bao giờ được như thế!"

Chị gái tôi - trò Văn của cô Diễm Loan - đọc xong thì cười trêu: “Eo, nịnh cô giáo thế!” Tôi hơi sững lại một chút, rồi thành thực trả lời: “Không, viết thật đấy! Bọn em yêu quý và phục cô ấy thật!” Rất nhiều năm đã qua, trong tôi vẫn chưa bao giờ xao động về sự thành thực ấy. Cô Hoàng Hải là hoài niệm, là hình ảnh không phai về ngôi trường Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng - chuyên Nguyễn Trãi. Đối với riêng tôi, cô còn là một phần không nhỏ làm nên cách tôi sống, cách tôi cư xử với nghề dạy học, cách tôi chọn khoảng bình yên cho chính mình và những người ở xung quanh.

Cô - cô là thanh xuân của chúng tôi thuở ấy!

*Tác giả: Nguyễn Thị Huyền Hậu

Cựu học sinh chuyên Văn, niên khoá 1995-1998

 

Thông tin chi tiết về cuộc thi viết "Nhắn gửi thanh xuân" nằm trong dự án Kỷ yếu "Nhắn gửi thanh xuân" và xuất bản sách nói do Hội cựu học sinh thực hiện xem TẠI ĐÂY