(Kính tặng các thầy, cô giáo cũ của chúng em.)

Trong cuộc đời mỗi con người, có lẽ thời cắp sách tới trường là thời gian đáng nhớ, hồn nhiên nhất. 

Năm học lớp 9B- lớp chọn Văn ở trường Ngô Gia Tự (tiền thân của trường THCS Lê Quý Đôn ngày nay), tôi và bạn Ngọc Vân đều được giải cao trong kỳ thi chọn HSG môn Văn của tỉnh Hải Hưng và được tuyển thẳng vào lớp 10 trường THPT Hồng Quang (chúng tôi đã ra trường Hồng Quang nộp hồ sơ tuyển thẳng). Nhưng vì tình yêu với văn chương và muốn thử sức mình xem có thi đỗ vào lớp chuyên Văn của trường Phổ thông Năng khiếu tỉnh Hải Hưng không nên chúng tôi lại nộp đơn thi vào ngôi trường danh giá ấy. Thật may mắn là chúng tôi đều thi đỗ vào lớp chuyên Văn của tỉnh. Thế là cả hai lại ra trường PTTH Hồng Quang lấy hồ sơ về nộp vào trường Năng khiếu tỉnh. (Tôi và Ngọc Vân học cùng nhau từ lớp 1 đến Đại học và về dạy cùng trường đến tận bây giờ).

Mỗi khi nhớ lại kỷ niệm này, dường như vẫn còn nguyên trong tôi cái cảm giác hồi hộp ngày đi xem điểm thi vào trường Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng; còn nguyên cái cảm xúc vui sướng, tự hào khi cầm trên tay giấy báo nhập học vào ngôi trường danh giá nhất tỉnh, nơi ươm mầm cho bao thế hệ học trò xuất sắc của xứ Đông.

Năm tôi học lớp 10 (1991-1992), cô Phạm Diễm Loan dạy chuyên Văn và chủ nhiệm chúng tôi. Cô là người dạy Văn có phong cách rất riêng với vốn kiến thức uyên bác, cách giảng bài vô cùng say sưa. Tôi có ấn tượng cô Diễm Loan như người nghệ sỹ đang “phiêu” trên bục giảng! Cô đọc rất nhiều sách và truyền cảm hứng cho chúng tôi chăm chỉ ra Thư viện tỉnh Hải Dương (ở phố Nguyễn Du) đọc sách. Cô hướng dẫn chúng tôi cách ghi chép những gì quan trọng như trích dẫn thơ văn, tóm tắt nội dung các tác phẩm hoặc những nhận xét, đánh giá của các nhà phê bình văn học về các tác phẩm văn học được học trong nhà trường vào sổ tay văn học, (đến giờ tôi vẫn giữ những cuốn sổ tay ngày ấy). Mới đầu chưa quen với cách dạy học và kiểm tra của cô, đứa nào cũng sợ xanh mắt vì cô rất nghiêm! Hồi hộp nhất là lúc cô kiểm tra bài cũ: bao giờ cô cũng hắng giọng, giương “mục kỉnh” lên rồi chậm rãi đọc từ họ rồi mới đến tên đệm, tên chính. Chẳng hạn cô đọc “Nguyễn…” là tất cả những đứa họ Nguyễn run bắn lên, dù có thuộc bài, còn những đứa họ khác thì thở phào nhẹ nhõm. Cô cũng là người phát động phong trào thi sáng tác thơ văn trong học sinh, còn duy trì đến tận bây giờ. Hồi đó tôi được giải Ba trong một cuộc thi viết, được cô tặng một cây bút Kim Tinh, cứ rưng rưng nhớ mãi!

Năm chúng tôi học lớp 11 thì cô Diễm Loan bị ốm, phải nằm viện điều trị thoái hóa đốt sống cổ. Thầy Lê Bá Liên dạy Văn và chủ nhiệm thay. Thầy rất hiền, hay cười, cách giảng bài của thầy nhẹ nhàng mà sâu sắc và tình cảm. Sau đó một thời gian, thầy chuyển công tác sang Sở Giáo dục và đào tạo rồi về làm Hiệu trưởng trường Cao đẳng Hải Dương (nay thầy cũng đã nghỉ hưu). Năm chúng tôi học lớp 12, cô Diễm Loan khỏi ốm, lại quay trở lại chủ nhiệm lớp và dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Đó là những ngày tháng cô trò chúng tôi miệt mài bên những trang sách, những giờ học đội tuyển căng thẳng khiến tôi lúc ấy chỉ còn có 35 kg!

 Cô giáo chủ nhiệm – NGƯT Phạm Diễm Loan cùng tập thể lớp 12 Văn (1991-1994) tại ngôi trường mới xây ở 142 đường Thanh Niên
Thầy Lê Bá Liên và chúng tôi năm lớp 11 (11/1992) chụp bên chùa Phong Hanh, đối diện trường PTNK HH cũ. Hồi ấy vì khuôn viên trường chật chội nên chúng tôi hay sang chùa chơi và ngồi ôn bài ở đó.

Ngoài cô Loan và thầy Liên, chúng tôi còn được học rất nhiều thầy cô dạy giỏi khác như: thầy Phạm Phan Chẩn- lúc đó là tổ trưởng tổ Văn, thường xuyên tổ chức CLB Thơ văn cho HS các lớp chuyên Văn chúng tôi được sinh hoạt theo các chủ đề. Tôi nhớ mãi các thầy dạy Toán như thầy Hoàng Năng Thân - NGƯT, thầy Chu Thừa Tuyên (sau này là Phó Hiệu trưởng), thầy Trần Vũ Anh, thầy Nguyễn Thành Văn (Bí thư Đoàn trường). Lớp tôi được học nhiều thầy dạy Toán là vì từ năm 1993 thầy Thân bị ốm, phải nằm viện nhiều nên các thầy tổ Toán thay phiên nhau dạy. 

Hồi ấy, chúng tôi sợ môn Toán gần chết! Sao mà người ta lại nghĩ ra cái môn học lắm con số, kí hiệu và công thức này thế? Dân Văn chúng tôi thì ai nấy đều hãi hùng khi vào giờ Toán của thầy Hoàng Năng Thân - Nhà giáo ưu tú - Đại biểu Quốc hội khoá 4. Ai đã từng là học sinh chuyên Toán của Thầy sẽ biết Thầy dạy tuyệt vời thế nào! Được học Thầy là một diễm phúc đối với dân chuyên Toán, Lí...Chỉ có dân Văn chúng tôi là không hiểu được hết bài giảng của Thầy. Thầy vô cùng uyên bác, lắm lúc trông như một nhà hiền triết, có cái nhìn sao mà xa xăm...đặc biệt mỗi khi giảng khản cổ mà bọn con gái lớp Văn chúng tôi hầu hết không tài nào hiểu được ...(vì mất gốc Toán cơ bản!). Thầy thường chỉ ra những lỗi sai "đồng dạng", "sai ngớ ngẩn" trong bài giải môn Toán của lũ con gái chuyên Văn. Rồi thầy yêu cầu chúng tôi chép phạt công thức Toán 100 lần cho nhớ bài! 

Bạn Minh Hải còn chế nhạc cho cả lớp nghêu ngao:

"Chiều hôm nao thầy Thân bắt phạt
Mười chín em phải chép trăm lần
Dường như đâu công thức toán Hình
Mà thầy giao đã lâu...”

Nhưng ấn tượng nhất là trong giờ Hình học, thầy Thân tỉ mẩn vẽ hình bằng đủ loại phấn màu. Lúc ấy tôi và lũ bạn chả hiểu để làm gì mà phải cầu kì với một cái hình như thế!? Đến khi đi dạy mới thấy thấm thía là Thầy đã vẽ hình bằng cả một tình yêu với Toán học mà cái lũ học trò vô tâm và nông cạn là tụi tôi hồi nào đâu có hiểu! Sau này, tôi may mắn được về trường làm đồng nghiệp của các Thầy, được dạy lớp em Hoa- cô con gái duy nhất của Thầy, (bây giờ đang công tác trong Công an tỉnh Hải Dương). Còn Thầy thì đã ra đi mãi mãi vì căn bệnh ung thư quái ác!

Hai người thầy của chúng tôi: thầy Nguyễn Hoàng Đạo (trái) và thầy Phan Kế Tấn (phải) là đôi bạn thân thiết đã mấy chục năm chụp ảnh kỷ niệm ở ngôi trường chuyên Nguyễn Trãi - địa điểm đường Nguyễn Văn Linh

Thầy Phan Kế Tấn dạy Lịch sử rất hay. Mỗi bài học thầy lại nhắc chúng tôi không được quên công lao của các bậc tiền bối, của ông cha ta bao đời xây nền độc lập. Thầy hay định nghĩa: “Lịch sử là những gì đã trải qua, đã diễn ra trong một thời gian không kể ngắn dài”. Đặc biệt, thầy còn biết làm thơ. Thầy sáng tác thơ rất tài. Mỗi khi viết xong một bài, thầy lại hào hứng đọc cho chúng tôi nghe. Chúng tôi nhớ mãi là bài thầy viết về ngôi trường mới (ở 142 đường Thanh Niên, bên bờ hồ Bạch Đằng lộng gió) với niềm vui, niềm tự hào khôn xiết:

“Ôi vui lắm! Trường ta thật đẹp
Toà nhà cao đồ sộ, rộng dài
Kiêu hãnh nhìn hồ lăn tăn gợn sóng
Rực trời Đông, đón ánh ban mai...”
 

Mỗi cuối tuần thầy về quê ở Tứ Kỳ, thầy lại mang táo, ngô lên cho chúng tôi ăn để lấy sức học nữa. Những buổi học ấy sao mà vui đến thế! Thầy còn hay kể chuyện về anh con trai lớn là bộ đội đóng quân ở xa làm cái Đinh Thu Hiền và Nguyễn Thị Việt Nga cứ tranh nhau nhận làm con dâu của thầy! 

Thầy Nguyễn Hoàng Đạo dạy Địa là một người thầy có vốn kiến thức sâu rộng, lại rất gần gũi, thân thiện với học trò. Thầy có nhiều sở thích như bơi lội, đạp xe, du lịch, văn chương... làm bọn con gái lớp Văn chúng tôi mỗi khi nghe Thầy kể chuyện lại mắt tròn mắt dẹt và mơ ước được đi xa, đi nhiều như Thầy. Tôi đã từng có lần mơ ước được trở thành giáo viên dạy Địa lí như thầy vậy. Đặc biệt, Thầy có phương pháp dạy học trò cách vẽ lược đồ , bản đồ địa lí Việt Nam vô cùng nhanh, đẹp và chính xác. Tôi còn nhớ, lúc làm bài thi tại Đại học Sư phạm, tôi đã làm giám thị và các bạn thí sinh ngồi bên ngạc nhiên như thế nào khi vẽ rất nhanh bản đồ Việt Nam, chính xác từng milimet! Thậm chí, hồi đó nhắm mắt cũng có thể chỉ ra vị trí địa lí từng tỉnh, thành phố; từng vùng đất; những con sông và các khu công nghiệp... 

Có thể nói, bên cạnh môn Văn của cô Diễm Loan, môn Sử thầy Tấn dạy, môn Địa của thầy Đạo đã giúp chúng tôi và bao thế hệ học trò trường Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng cũ (nay là trường THPT chuyên Nguyễn Trãi Hải Dương) thêm yêu và tự hào về Tổ quốc mình.

Một buổi sinh hoạt CLB Thơ văn do thầy Phạm Phan Chẩn tổ trưởng tổ Ngữ văn chủ trì. Trong ảnh có thầy Chẩn, cô Diễm Loan, thầy Thanh, thầy Quang, cô Mai, 1 số học sinh khóa trên khóa dưới và tập thể lớp 11 Văn chúng tôi ngày ấy.
Đồng phục nữ sinh của chúng tôi ngày ấy: áo dài trắng trong những ngày đại lễ và đeo phù hiệu học sinh. Sân trường mới ở 142 đường Thanh Niên còn ngổn ngang gạch vữa. Năm lớp 12 chúng tôi được học ở địa điểm này. Trong ảnh là tôi, Dương Bích Hạnh và Lục Tú Nhi.

Ngoài ra, chúng tôi còn nhớ mãi công ơn của các thầy cô khác đã dạy dỗ bao thế hệ học sinh nên người như cô Nguyễn Thị Xuyên, thầy Phạm Văn Tình dạy Giáo dục công dân rất nhẹ nhàng, ân cần, tâm huyết. Cô Vũ Minh Tâm, thầy Nguyễn Đình Lượng dạy Sinh học rất vui tính. Thầy Lê Văn Lập dạy Lý rất nhẹ nhàng, dễ hiểu. Thầy Nguyễn Công Thạo dạy Lý rất nghệ sỹ và chụp ảnh rất đẹp (sau này thầy chuyển lên Hà Nội, là Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ - Hà Nội). Thầy Nghiêm Vinh Quang dạy Lý, vừa tâm lí, vừa đàn ghita và hát rất hay, giờ thầy đang là tổ trưởng tổ Vật lý của trường. Thầy Chu Thừa Tuyên, thầy Trần Vũ Anh dạy Toán nghiêm khắc nhưng cũng có lúc rất thoải mái. Thầy Tuyên hát bài “Tình ca” như ca sỹ. Thầy Nguyễn Thành Văn dạy Toán và làm Bí thư Đoàn vừa dí dỏm, tâm lí lại vừa hát hay, phong cách trẻ trung. Thầy còn hay mua kẹo dưới căng-tin nhà chú Thủy bảo vệ để dỗ bọn con gái lớp Văn chúng tôi học Toán. Sau này, thầy Văn chuyển công tác lên Hà Nội rồi là Hiệu trưởng trường THPT chuyên Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội, giờ thầy cũng đã nghỉ hưu. Cô Nguyễn Bích Hà dạy Hóa, sau chuyển công tác lên trường Hà Nội Amstecdam, giờ cô cũng đã nghỉ hưu. Cô Bích Hà có giọng nói nhẹ nhàng và mái tóc đen dài óng ả, còn cho chúng tôi bí quyết dưỡng tóc bằng bồ kết và chanh. Thầy Nguyễn Văn Tuấn dạy Thể dục rất hiền, thường cho chúng tôi chạy bộ vòng quanh hồ Bạch Đằng, vừa chạy vừa ngắm cảnh. Hai cô Nguyễn Thanh Hải và Nguyễn Thị Hải dạy tiếng Nga đều rất hiền, hay cười, hay hát. Các cô thường kể chuyện và dạy chúng tôi những bài hát tiếng Nga như “Nụ cười”, “Kachiusa”, “Chiều Matxcova”, “Triệu bông hồng”,... làm chúng tôi thêm yêu nước Nga; thấy nước Nga mộng mơ tuy xa xôi cũng trở nên thật gần gũi và thân thiết... 

Năm lớp 12, chúng tôi vinh dự được cùng hội đồng sư phạm đón Chủ tịch nước Lê Đức Anh về thăm trường (1994). Ảnh này đã được báo Nhân dân và nhiều tờ báo khác đưa lên trang nhất hồi đó.

Các Thầy Cô giống như những người Cha, người Mẹ thứ hai, luôn tận tình chỉ bảo, dạy dỗ không chỉ cung cấp kiến thức mà còn dạy chúng tôi cả cách làm người. Còn nhớ, hồi ấy học sinh nào mà trót giở tài liệu trong giờ kiểm tra mà bị bạn bè, thầy cô phát hiện thì đó là một nỗi nhục nhã lớn bởi đã phụ công dạy bảo của thầy cô. Chỉ cần nhìn ánh mắt buồn rầu pha lẫn sự thất vọng của thầy cô là đã đủ để ăn năn, hối hận và không bao giờ dám tái phạm nữa. Chính các Thầy Cô đã góp phần hình thành nên nhân cách của nhiều thế hệ học sinh PTNK Hải Hưng (xưa) - THPT chuyên Nguyễn Trãi (nay); luôn bồi đắp cho học sinh khát khao, chủ động, tự giác, tự trọng trong học tập. Các Thầy Cô đã chắp thêm đôi cánh ước mơ cho biết bao thế hệ học sinh bay thật cao, thật xa.

Thật may mắn là sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội khoá 1994-1998, tháng 8/1998 tôi và Ngọc Vân đều được trở lại trường làm giáo viên Ngữ văn, nối nghiệp các thầy cô và nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm lớp. Có những khoá tôi dạy và chủ nhiệm, các em đã kỷ niệm 15 năm, 20 năm ra trường. Nhiều khoá tôi dạy cũng có các em học sinh thi vào Sư phạm rồi quay trở về trường nối nghiệp các thầy cô. Cả con trai tôi cũng đã trở thành học sinh rồi cựu học sinh của trường, cũng được chắp cánh ước mơ từ mái trường này. Biết nói sao cho hết công ơn của các thế hệ thầy cô nhà trường.

Cô trò lớp tôi chủ nhiệm đầu tiên (khóa 2000-2003) kỷ niệm 20 năm ngày ra trường. Các em đều đã trưởng thành, có vị trí trong xã hội.

Thoáng cái mà đã mấy chục năm, trường sắp kỷ niệm 40 năm thành lập. Tôi về công tác tại trường cũng đã được 26 năm. Các thầy cô xưa dạy chúng tôi có người đã đi xa mãi mãi, những người còn sống cũng hơn 70, ngoài 80 tuổi cả rồi. Cô Phạm Diễm Loan và cô Nguyễn Thanh Hải sau này đều được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý: Nhà giáo ưu tú.

Giờ bồi hồi nhớ về những kỷ niệm tuổi hoa niên, lại ước được quay ngược bánh xe thời gian hơn 30 năm về trước, để được học các thầy các cô thêm một lần nữa, để lại được sống với tuổi mộng mơ... Dù là cựu học sinh, cựu phụ huynh học sinh hay là giáo viên của trường thì đối với tôi, trường Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng xưa- chuyên Nguyễn Trãi Hải Dương nay- với hình bóng những người thầy người cô tuyệt vời ấy- mãi mãi là vùng ký ức tươi đẹp, vẹn nguyên trong trái tim tôi.

 

* Tác giả: Nguyễn Thị Lan Anh

Cựu học sinh chuyên Văn khoá 1991-1994, Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng

Giáo viên Ngữ văn THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương

Tác giả Nguyễn Thị Lan Anh

Thông tin chi tiết về cuộc thi viết "Nhắn gửi thanh xuân" nằm trong dự án Kỷ yếu "Nhắn gửi thanh xuân" và xuất bản sách nói do Hội cựu học sinh thực hiện xem TẠI ĐÂY