Mùa hè, mùa của những chùm phượng vĩ đỏ rực một khoảng sân, mùa thi cử của học sinh cuối cấp và cũng là quãng thời gian nghỉ ngơi của học trò sau một năm vất vả. Ba năm dưới mái trường trung học phổ thông tựa như nhịp cầu nối giữa giai đoạn thơ thiếu và nấc thang trưởng thành. Nó mang lại những xao xuyến, thích thú nhưng cũng chứa chan cả những buồn thương, nuối tiếc khôn tả.
Tôi còn nhớ mãi lời căn dặn mang trong đó bao hi vọng và mong mỏi trong buổi đầu đi học của người mẹ: “...bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra” (Cổng trường mở ra - Lý Lan). Cái “thế giới kỳ diệu” ấy phải chăng chính là hành trình tìm kiếm, khám phá cuộc sống muôn màu, tự chuẩn bị hành trang bước chân vào thế giới muôn hình? Ở đó, không phải là những câu chuyện thần thoại hay cổ tích được thêu dệt bằng trí tưởng tượng mà là một điều gì rất chân thật, gần gũi, ẩn chứa nhiều xúc cảm trong sáng, thấm thía tận sâu trong hồn người. Đó là kỷ niệm về buổi đầu đi học, mới bước chân vào ngưỡng cửa của ngôi trường mơ ước, đứa nào đứa nấy vừa hớn hở vừa bồn chồn khi nghĩ về những đổi thay của môi trường học với bạn mới, thầy mới, môn học, là những cuộc liên hoan ai nấy đều vui vẻ, thoải mái trò chuyện, là giờ học căng thẳng, mệt mỏi trước các kì thi,... 30 con người với 30 cá tính khác nhau từ xa lạ thành thân quen, từ người dưng thành gắn bó như một gia đình. Học với nhau hơn hai năm, có lẽ ai trong lớp tôi cũng cảm thấy gắn bó và từng một lần tự hào, hãnh diện về những gì lớp đạt được. Và trong cuộc hành trình chinh phục “thế giới mới” ấy, giáo viên chủ nhiệm lớp tôi - cô Trang vừa là người dẫn đầu, vừa là người bạn đồng hành cùng chia sẻ với lớp bao niềm vui và khó khăn.
Từ hồi tiểu học, tôi đã quen với những câu chuyện cảm động về người thầy nhưng khi bước vào ngưỡng cửa trung học phổ thông, đủ chín chắn và được gặp cô, tôi mới thực sự hiểu được hết những gì người ta vẫn thường ngợi ca về giáo viên. Nhiều người thường coi sự tận tuỵ, thành tâm với học sinh của người giáo viên như một lẽ đương nhiên, một điều tất yếu, nhưng để có được điều đó phải là cả một sự suy ngẫm, là cả mong muốn thấu hiểu và tấm lòng bao dung vì học sinh của mình. Sống động và thán phục biết mấy khi nhìn người giáo viên đứng trên bục giảng say sưa trao truyền kiến thức đến với học sinh của mình. Nhưng, hơn cả một bài giảng, hơn cả những trang giáo án, cô dạy cho tôi cách sống, gieo vào lòng tôi hạt giống của những điều cao đẹp để sống mạnh mẽ ở đời. Bài học của cô “Hạnh phúc không nằm ở đích đến mà nằm ngay trên hành trình mà chúng ta đi” hay cả quan niệm “nếu muốn xem một người có thành công hay không phải so với mục tiêu của họ”, “môn chuyên không phải là thước đo duy nhất để định hình giá trị của các em” không phải là lời an ủi sáo rỗng mà chính là phương hướng, là động lực để chúng tôi phát huy được thế mạnh của mình. Để rồi, tôi hiểu rằng mỗi bài văn mình viết, mỗi tác phẩm được học đều là những cách sống làm người, là tư duy để có thể tiến bước về phía trước.
Thời gian lặng lẽ trôi, những ngày tháng dưới mái trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi không còn dài, bước vào năm cuối cấp đầy biến động với bao kì vọng, tôi bỗng thấy xao xuyến và bồi hồi biết mấy với những kỉ niệm mình đã trải qua ở chốn thân yêu này. Tôi lo sợ trước những bước đi của năm tháng đang ngày tiến bước làm phôi phai đi những trong trẻo, vui tươi khi còn được ngồi trên ghế nhà trường, trong sự bao dung và yêu thương của cô giáo, bên cạnh bạn bè với sự quan tâm và nhiệt tình. Vậy nên ngại gì không sống hết mình cho những khoảnh khắc hiện tại, tận hưởng những gì đang có, xây đắp ngay bây giờ cho mình bao giá trị tốt đẹp xung quanh. Bởi:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”.
(Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên)
*Tác giả: Đinh Phương Linh
Lớp chuyên Văn, niên khoá 2022-2025
Thông tin chi tiết về cuộc thi viết "Nhắn gửi thanh xuân" nằm trong dự án Kỷ yếu "Nhắn gửi thanh xuân" và xuất bản sách nói do Hội cựu học sinh thực hiện xem TẠI ĐÂY