“Sau này con của con nhất định phải cho theo học trường điểm!”

Đó là lời con gái tôi đúng lúc trên TV đang phát phóng sự với nhiều ý kiến trái chiều về trường chuyên, lớp chọn khiến tôi nhớ lại thời học sinh đã học chuyên từ lớp 5 đến hết phổ thông của mình.

Trường Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng thành lập vào cuối năm 1984, khi chúng tôi đang sắp kết thúc kỳ I của lớp 7 chuyên toán tỉnh. Hồi đó có 3 lớp cấp 2: 6T, 7T, 8T còn cấp 3 gồm 6 lớp 10, 11, 12: Toán-Lý và Văn-Nga.

Lễ thành lập trường vào một ngày đông lạnh. Gần 200 học sinh cùng những giáo viên đầu tiên của trường ngồi trên khoảng sân nhỏ hẹp liền với dãy nhà tập thể của trường Ngô Gia Tự ở số 7 Nguyễn Văn Tố. Chỗ các thầy cô ngồi là bàn ghế tựa bọc phoocmica do UNICEF viện trợ làm bàn ghế cho phòng học, còn chúng tôi được ngồi trên những băng ghế gỗ, lòng hớn hở và kiêu hãnh vì đã có một ngôi trường của riêng mình: “Phổ thông Năng Khiếu Hải Hưng”. Cho dù khi đó chỉ là trường trên giấy mà chưa hề có cơ sở vật chất gì. Khối cấp 2 vẫn tiếp tục học nhờ Ngô Gia Tự còn khối cấp 3 tại Hồng Quang như trước. Chỉ mỗi dịp sơ kết, tổng kết hay khai giảng thì cả trường mới được “Đoàn tụ”.

Tập thể 12 toán lý khoá 86-89 cùng thầy Phó hiệu trưởng Đặng Tự Ân, thầy chủ nhiệm Chu Thừa Tuyên và thầy Nguyễn Bá Đang. Ảnh chụp tại sân trường ở số 7 - Nguyễn Văn Tố.

Năm học sau có thêm 8 Văn. Cả 2 lớp chuyển ra học nhờ khu hiệu bộ của Hồng Quang vì trường đang xây dựng. Khi đó bọn con gái mới lớn chúng tôi được mở rộng tầm mắt thấy các soái ca của trường Hồng Quang (nói thật, con trai của Năng khiếu tỉnh hồi đó đầu to mắt cận chỉ biết học thôi, chả ga lăng chút nào).

Nam sinh các lớp toán, lý, Nga của khối 86-89. Ảnh chụp trước cửa dãy phòng học 12 toán và 12 văn.

Trải qua kỳ thi cam go để lại vào được lớp 10 của trường, ai cũng hớn hở vì không còn phải đi học nhờ nữa. Dù cho phố Nguyễn Văn Tố cứ mưa là lụt, vào được tới trường thầy trò quần áo ướt sũng vì lội nước, dép treo trên ghi đông xe đạp nước rỏ tong tong; các phòng học mới chỉ xây xong phần thô và vừa dỡ coppha. Tường trần trụi và trần cũng chưa trát, đâu đó còn dính vài mảnh cót ép lơ lửng mà bọn con trai lấy đó làm trò tiêu khiển thi nhau nhảy lên để dứt dần mòn cho đến khi hết. Còn bảng đen là một mảng tường được trát xi măng quét hắc ín, trời nồm đổ mồ hôi ròng ròng thì đó vẫn là TRƯỜNG CỦA CHÚNG TA! 

Ngày ấy học sinh của trường phần lớn là con nông dân, giáo viên nên rất nghèo. Được tỉnh cấp cho học bổng 19đ 2 hào/tháng và cho mua bù với gạo sổ thành 15kg/tháng theo giá 4 hào. Đấy là món tiền bản thân tự kiếm được đầu tiên trong đời với bao vui sướng và tự hào. Chương trình học rất nặng, mỗi năm chọn lại 1 lần mà mỗi khóa chưa tới 50 học trò. Nhớ ngày học lớp 7, mỗi tuần chính khóa 10 tiết toán, có buổi sáng học 3 tiết toán liền, mà ngày xưa hầu như không có ăn sáng, áo quần mỏng manh, phòng ốc trống trải gió rít ù ù. Thầy Đặng Văn Hãng chủ nhiệm lại ở ngay gian tập thể trước phòng học. Mỗi khi trống giờ, trò chưa kịp reo mừng thì thầy đã chạy lên tranh thủ dạy ngay với những bài toán khó kinh hoàng. Hồi ấy nhiều khi rất oải nhưng sau này ra làm nghề rồi mới hiểu: lòng yêu nghề, tâm huyết với học trò của thầy là thứ mà mình không sao có được.

Lớp 12 lý khoá 86-89 chụp tại số 7 - Nguyễn Văn Tố.

Trường học sinh ít, chương trình rất khó cùng cách cho điểm và xếp loại khắt khe thời ấy nên học sinh giỏi vô cùng hiếm. Mỗi kỳ tổng kết cô Bạch Vân - hiệu trưởng lại đọc tên tất cả hơn 100 học sinh tiên tiến. Điều đặc biệt của đặc biệt là cô nhớ cả họ và tên của hầu hết học sinh toàn trường cũng như gia cảnh từng người. Ngày đó đôi khi được cô dạy một vài tiết chuyên đề Vật lý; bằng một cách tài tình nào đó không cần lời nói, cô làm tôi hiểu ra: là con gái thì dù là dân toán lý vẫn cần phải ăn mặc chỉn chu và giỏi nữ công gia chánh!

Ngoài việc thi chọn lại, mỗi tháng trường còn sát hạch một lần mà không hiểu sao các thầy cô có đủ sức lực và thời gian để kịp ra đề, coi thi, chấm thi và chữa đề triền miên như vậy. Còn nhớ có lần kiểm tra giờ hóa của cô An, tôi bí quá đã nhòm vào vở trong ngăn bàn xem cái kết quả cân bằng của phương trình hóa học cho nhanh. Sau đó nghe được đứa bạn bàn bên bảo: “Cô nhìn thấy mày giở vở và cô lắc đầu”. Vâng, cô không bắt tài liệu, không ghi sổ đầu bài, không trừ điểm mà rất nhiều ngày sau đấy đi học, tôi vẫn không dám nhìn vào đôi mắt bình thản của cô. 

Trường ít giáo viên. Ngoài môn chuyên, các môn còn lại cả khối học chung. Những hôm như vậy lại được kéo bàn ghế từ phòng nọ sang phòng kia, cố ý câu giờ và tìm cách ngồi gần cạ cứng. Cũng vì việc học chung mà nảy nở khá nhiều mối tình học trò giữa con trai lớp Toán-Lý và con gái lớp Văn-Nga (mặc dù ngày ấy yêu đương trong trường là một trọng tội).

Thầy cô dù dạy môn chuyên hay môn phụ cũng đều là giáo viên có tiếng ở các trường cấp 3 trên toàn tỉnh được chọn về đã mang tới cho chúng tôi bao điểu ngỡ ngàng. Thầy Chu Thừa Tuyên chủ nhiệm và dạy toán đã khiến học trò hiểu thế nào là vẻ đẹp của toán học và sự ảo diệu của các hình vẽ không gian, đồng thời cũng cho tôi thấy: Dân toán không chỉ là khoa học, chính xác mà còn rất lãng tử và nhiều tài lẻ nữa. 

Thầy Phạm Phan Chẩn chỉ với 3 câu hỏi về hình ảnh “Buồm Trăng” trong bài “Đoàn thuyền đánh cá” đã làm cho cô học trò 14 tuổi nhận ra sự đa chiều trong cảm nhận thi ca. Cũng chính thầy giúp cho tôi hiểu vì sao “AQ chính truyện” lại được xếp vào một trong những truyện hay nhất thế giới mặc dù rõ ràng tác phẩm đó chẳng có chút hấp dẫn nào đối với học sinh lớp 10. 

Thầy Nguyễn Hoàng Đạo dạy địa vô cùng nghiêm khắc nhưng rất yêu nghề, đã dẫn dắt học sinh tới bao đỉnh núi cao, bao chân trời mơ ước. 

Thầy Phan Kế Tấn được đùa là giáo sư sử học, ăn mặc cũ kỹ nhàu nhò nhưng những dòng chữ thầy viết trên bảng lại tuyệt đẹp như chữ trong các bức thư bằng tiếng Pháp mà ta thấy trong phim. Thuở đó sách vở, tài liệu rất hiếm, các thầy cô chuyên Toán phải dịch từ tạp chí tiếng Nga để lấy bài dạy chúng tôi. Nhà trường có sáng kiến cho học sinh khối chuyên toán học thêm giờ “Dịch sách”. Còn nhớ thầy Văn - người trẻ nhất tổ Toán chuyên, nổi tiếng “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”. Với đầu bài: “Cho đường tròn trái tim O…”, thầy vừa cười: “Các bạn phải dịch là: “tâm O” vừa đưa bàn tay thon dài duyên dáng đặt lên ngực trái đã khiến bao trái tim thiếu nữ loạn nhịp…

Không có sân bãi nên môn thể dục được chuyển qua học cờ vua. Món này rất hấp dẫn học sinh Toán-Lý. Thầy trò xúm quanh cái bàn cờ bằng giấy sắp rách vì quá nhiều nếp gấp. Mỗi khi thắng thầy, cả bọn lại nhảy quẫng lên reo hò đắc chí. Giờ nghĩ lại mới thấy dù là học trò trường nào thì cũng có thời rất trẻ trâu. Học vừa nhiều vừa khó nên có khi rất nản. Các lớp Toán còn đỡ chứ lớp Văn học trò nghỉ giữa chừng về quê học khá nhiều vì bên đó toàn con gái, tuổi lại quá nhỏ, đi học xa nhà khổ trăm đường. Sau này khi mới đi dạy, nhiều khi tôi không khỏi cay đắng vì: Học nhiều và khó thế làm gì để đổi lại với lương hợp đồng không đủ nuôi sống 1/3 con người thế này. Nhưng khi thi đỗ vào dạy Năng khiếu thị xã cũng như dễ dàng và tự tin vượt qua các kỳ thi chuyên ngành, tôi hiểu không phút giây nào mình từng trải qua là không có ý nghĩa, không kiến thức nào mình đã học là vô ích. 

Dù chương trình học như thế nhưng các hoạt động phong trào vẫn rất sôi nổi. Đặc biệt có “Nhóm ca khúc chính trị” của các chàng trai Toán-Lý và tiết mục đọc thơ của tôi - dân Toán Lý lâu năm của trường không thiếu vắng trong bất kỳ chương trình văn nghệ nào. Và cũng nhờ có chị Quỳnh Anh khi đó là Bí thư Đoàn trường mà bọn con gái đội văn nghệ lần đầu được thấy khi dùng phấn son thì mình xinh đẹp lên như thế nào. Giờ hơn 30 năm ra trường mỗi khi họp khóa, các bạn vẫn nhắc tôi đọc lại những bài thơ năm ấy dù nay giọng đã khá là khò khè. Những lúc đọc tới “Sân trường đêm rụng xuống trái bàng đêm…” hay “Cháy hết mình phượng ơi, rụng xuống rồi còn đỏ…” tôi đều bất giác mỉm cười vì thực ra ngày ấy trường đâu có bàng hay phượng gì. Sân chơi cũng chả có, luôn đầy vôi cát gạch vữa vì trường đang xây dở. Có duy nhất một cây long não thân rất to, vỏ xù xì mà tán lá lại bé tí. Thân cây tách làn 2 nhánh cách mặt đất chừng 1m tạo thành hình chữ Y nên vẫn được gọi là chữ Yêu! Cái cây tình yêu duy nhất là nơi bao lớp học sinh của trường chụp ảnh nên giờ có nhắc lại chuyện xưa không thể thiếu chuyện: Dưới gốc cây long não. Sau này trường xây mới cạnh hồ bơi, nghe đâu thiết kế đạt giải nhất về hạng mục cho trường nội trú thì mình đã ra trường mất rồi. 

Đội văn nghệ cùng thầy Ân, thầy Liên và chị Quỳnh Anh. Ảnh chụp dưới gốc cây long não tại sân sau của trường.

Bốn mươi năm đã qua từ cái ngày đông giá thành lập trường ấy, bao lứa học trò đã qua cổng trường này, thầy cô tuổi đã cao, người còn người mất. Tôi hẹn với hai đứa con nhớ thu xếp để cùng mẹ về dự ngày thành lập trường, một cái hẹn không chỉ với thanh xuân của chính mình vì con trai giờ lại là bạn đồng môn của mẹ. Rất tự hào vì cả 3 mẹ con đều trưởng thành từ ngôi trường này cùng với đó là lòng biết ơn và tự hào vì đã được là học trò của các thầy cô nơi đây - những người đã đem bao nhiệt huyết, trí tuệ, tâm hồn, đạo đức nghề nghiệp để mùa phượng sau rực rỡ hơn mùa phượng trước, thanh xuân của thế hệ hôm nay tươi đẹp hơn thanh xuân của thế hệ đã qua. 

              

                                                                           Hà Nội, mùa hè năm 2024.

 

*Tác giả: Phan Thu Nga

Cựu học sinh Chuyên Lý khoá 1986-1989

Tác giả Phan Thu Nga trong chương trình chào mừng 26/3
Tác giả Phan Thu Nga chụp tại cổng trường

Thông tin chi tiết về cuộc thi viết "Nhắn gửi thanh xuân" nằm trong dự án Kỷ yếu "Nhắn gửi thanh xuân" và xuất bản sách nói do Hội cựu học sinh thực hiện xem TẠI ĐÂY