Trong cuộc đời, trên hành trình vô tận, có khi nào ta chợt nhiên lắng lại, chợt nhiên nhớ đến những ngày tháng xa xưa, đã qua trong cuộc đời mà còn mãi nơi trái tim… Ta thấy mình như giọt nước, hăm hở, mải mê, hối hả chảy về khơi xa, bỗng dưng thèm được một lần về lại ngọn nguồn xưa cũ; hòa vào trong cái mát lành của tuổi trăng rằm… Nơi nỗi nhớ tôi thường quay về, có tên TRƯỜNG NĂNG KHIẾU HẢI HƯNG…

Tôi nhớ gì ở ngôi trường ấy? Ngôi trường nằm cạnh hồ Bạch Đằng mênh mông sóng nước, thấp thoáng những lùm cây trong công viên thơ mộng… Ngôi trường đi vào thơ thầy giáo dạy Lịch sử Phan Kế Tấn: Vui sướng vì ta có ngôi trường mới…mà đứa nào cũng chép trong vở Lịch sử, xin chữ kí thầy nhưng có lẽ chẳng đứa nào còn giữ được…Những ngày đầu tiên nhập học lớp Mười, sân trường còn lổn nhổn gạch đá. Dãy nhà xe thấp lè tè, nép mình sát bức tường mỏng. Tôi nhớ gì? Sân trường thưa thớt bóng cây, cây phượng còi cọc, sau ba năm học chưa bói được đóa hoa đầu tiên. Chỉ có đầu hồi, ngay gần cổng vào có cây trứng cá, tán lòa xòa chạm cả ban công tầng hai, nơi lớp văn chúng tôi tọa lạc. Sát lan can tầng một, những cây bàng mới trồng, lá xanh bóng. Sau ba năm, cây vội vàng lớn, cho chúng tôi tán lá nho nhỏ, đủ để ngồi bên dưới chụp tấm hình kỉ niệm ngày chia tay… Tôi không biết, mình nhớ gì… Phải chăng, tôi nhớ cái cầu thang ốp gạch đỏ rất nổi? Tôi nhớ hành lang dài và hẹp, cứ mưa là ướt nước? Hay tôi nhớ những ô cửa kính trong suốt? Cũng có thể, đôi lúc là hình ảnh dãy nhà vệ sinh nhỏ bé, chật chội và ẩm thấp phía sau trường, mùa xuân cỏ um tùm, đầy sâu róm… Thế đấy, nỗi nhớ của con người kì lạ như thế đấy. Có những tiểu tiết với người khác là thoáng qua, nhưng với mình lại rất đậm.

ANH1
Thầy Phạm Phan Chẩn và học sinh lớp Văn.

Một ngôi trường mới xây, không có gì đặc sắc, mà sao thế hệ học trò chúng tôi lại cứ thao thức nhớ về? Hình như, chúng tôi không chỉ nhớ những căn phòng vô tri, dù có hấp dẫn như văn phòng Đoàn của thầy Văn (luôn có bánh kẹo, nhất là kẹo cốm); dù có “đáng sợ” như phòng của thầy (cô) Hiệu trưởng (bị gọi vào là run lắm!); dù có trang trọng như phòng Hội đồng (những khi được gọi vào phòng hội đồng để họp, tôi thấy mình rất “oai”)… Tất cả trở thành nỗi nhớ, vì nơi đây có những người thầy, người cô hồn hậu, luôn sát cánh bên chúng tôi.

Tôi nhớ gì ở ngôi trường ấy? Trong nỗi nhớ của tôi, hình ảnh thầy cô hiện lên trìu mến và yêu thương. Đó là thầy Phạm Phan Chẩn, người thầy luôn thủ thỉ động viên chúng tôi trong mỗi bước đường. Chúng tôi chưa hết học kì một năm lớp Mười, thầy đã nghỉ hưu. Nhưng suốt những năm tháng sau đó, thầy luôn quan tâm, luôn dạy dỗ chúng tôi. Những lời thầy khuyên, những việc thầy làm cho chúng tôi, lứa con út của thầy, đã giúp chúng tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi nhớ thầy Nguyễn Hoàng Đạo, thầy giáo dạy môn Địa lý của chúng tôi. Đôi lúc, chúng tôi thấy ngộp thở vì thầy…khó tính quá! Vẽ bản đồ không đúng tỉ lệ, thầy mắng cho, thầy bắt vẽ lại cho đến khi nào tiến bộ mới thôi. Nhưng khi vào phòng thi, tôi thầm biết ơn cái sự “khó tính” của thầy! Nhìn tấm bản đồ chúng tôi vẽ trên giấy, bạn cùng phòng thi cứ đòi “mượn” để “in”, tô lại! Bản đồ các bạn vẽ trông như…củ khoai, chứ không ra hình nước Việt Nam rất rõ, rất gọn như chúng tôi. Trong dòng chảy của nỗi nhớ, làm sao mà quên được thầy Tấn dạy Lịch sử. Thầy chiều chúng tôi hết mức. Biết bao buổi chiều học ôn thi, thầy cho chúng tôi tiền mua ngô luộc, ngô nướng. Lũ học trò vô tâm nhận quà của thầy, mà chẳng biết, có bữa nào thầy phải nhịn ăn không… Thầy lúc nào cũng động viên, khen ngợi chúng tôi. Đến tận bây giờ, thầy vẫn khen chúng tôi trên facebook. Thầy có trí nhớ tuyệt vời…

ANH2
Lễ Tổng kết năm học 1995-1996

Khi đã đứng trên bục giảng, nhìn những học trò rất mực đáng yêu, tôi lại càng nhớ thầy cô. Một cách tự nhiên, cách dạy dỗ, sự quan tâm đến học sinh của thầy cô đã thấm vào chúng tôi, giúp chúng tôi “làm nghề” bằng tình yêu thương vô bờ bến. Thầy Lập dạy Vật lí đã rất kiên nhẫn với những học trò lớp Văn. Thầy khiến môn Vật Lí không còn đáng sợ. Thầy kể chúng tôi nghe truyện của Victo Hugo, thầy đọc những câu thơ của R. Tagore mà thầy tâm đắc: “Trái tim ta là chim sa mạc. Đã thấy trời trong mắt của em…”. Thầy trẩy hàng rổ táo khi chúng tôi đến thăm thầy; rồi thầy đành cười hiền, vì chúng tôi không ăn rổ táo đó, mà cứ chạy ra tận gốc cây… Những người thầy, người cô đi qua đời học sinh chúng tôi, đã để lại dấu ấn đậm nét, là một phần khi chúng tôi nhớ trường xưa. Làm sao lớp Văn chúng tôi có thể quên giờ Sinh học hôm đó. Thầy Lượng nghiêm mặt hỏi cô học trò bàn trên cùng: Ai cho cô giấu cặp của tôi? Cô học trò tái mặt, vội vã thanh minh. Thầy dịu giọng: Thế em đã hết nấc chưa? Chúng tôi vỡ òa, cứ tưởng thầy mắng thật, mắng oan…

ANH3
Lớp 12 Văn niên khóa 1993-1996, Ngày chia tay.

Thử một lần lật giở cuốn album cũ, bạn sẽ thức dậy rất nhiều kí ức, những nỗi nhớ mà cuộc sống bận rộn đã che lấp đi bỗng trở về, đầy đủ và vẹn nguyên. Triền miên trong kí ức đó, sẽ có lúc ta bất giác mỉm cười: ừ, sao ngày xưa mình nghịch ngợm thế! Chắc thầy Tuấn rất bực mỗi khi đến giờ Thể dục, thấy học trò lớp Văn tha thướt áo dài… Chẳng thế mà có lần, dù cố tình mặc áo dài ngày có giờ Thể dục, trò vẫn bị thầy kiểm tra nhảy cao. Những tà áo dài buộc túm lại, những tiếng cười khúc khích cố nén. Tất cả đã qua, chỉ còn đọng lại trong tim những tình cảm trong trẻo như pha lê. Tình cảm ấy ùa về khi thấy trên facebook cô bạn cùng khóa những tấm hình “ngày xưa”…

Biết nói bao nhiêu cho vừa, cho đủ, cho hết những xúc cảm về mái trường xưa. Đó không chỉ là mái trường, nơi nâng cánh những ước mơ, tiếp cho ta niềm tin yêu cuộc sống… Đó còn là nơi lưu giữ những ngày tháng đẹp đẽ, trong trẻo, hồn nhiên khóc cười. Thời gian như chiếc kính vạn hoa, nhìn vào đó, ta thấy trường xưa, thấy tuổi xưa cứ lung linh, rực rỡ sắc màu.

Người dự thi: Nguyễn Thị Phương Thảo

Lớp chuyên Văn, niên khóa 1993 – 1996

Để chia sẻ những câu chuyện, kỉ niệm về một thời áo trắng tại mái trường PTNK Hải Hưng (xưa), THPT chuyên Nguyễn Trãi (nay), mời độc gia tham gia cuộc thi viết "Chuyên Nguyễn Trãi trong tôi" lần II, thông tin chi tiết truy cập đường link https://chuyennguyentrai.edu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-chuyen-nguyen-trai-trong-toi-lan-thu-ii-tin1173