Trong cuộc đời mỗi con người, có lẽ thời cắp sách tới trường là thời gian đáng nhớ, hồn nhiên nhất. Nhớ lại thời học sinh cấp 3, dường như vẫn còn nguyên trong tôi cái cảm giác hồi hộp ngày đi xem điểm thi vào trường PTNK Hải Hưng, còn nguyên cái cảm xúc vui sướng, tự hào khi cầm trên tay giấy báo nhập học vào ngôi trường danh giá nhất tỉnh, nơi ươm mầm cho bao thế hệ học trò xuất sắc của xứ Đông. 

1.Trường
Trường Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng được thành lập vào tháng 9/1984, nằm khiêm tốn trong một khoảnh đất chật hẹp, đối diện chùa Phong Hanh trên phố Nguyễn Văn Tố. Giai đoạn đầu, cô Nguyễn Bạch Vân là Hiệu trưởng nhà trường. Đến khi tôi vào lớp 10, (khóa 1991-1994) thì cô Bạch Vân đã nghỉ hưu và thầy Đặng Tự Ân lên làm Hiệu trưởng.

ANH1
Cô Nguyễn Bạch Vân – Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường

Hồi ấy, điều kiện cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu thốn đủ thứ. Các phòng học lợp ngói cũ, trời mưa còn dột, chật chội, thiếu ánh sáng, và hạn chế tầm nhìn vì trường bị “kẹp” giữa một bên là nhà dân, một bên là trường Cấp 2 Ngô Gia Tự. Từ cổng bước vào có hai phòng học hai bên, chừa ra một khoảng sân ở giữa khoảng 50m2, đủ để cả trường tập trung mỗi khi chào cờ. Khoảnh sân nhỏ ấy dẫn đến khu nhà 2 tầng, dưới là Hiệu bộ, bên trái là một phòng học, trên tầng là phòng nội trú cho học sinh ở xa. Vòng sang phía phải sân có một lối đi nhỏ, một phòng học, một phòng ở của gia đình chú Thủy bảo vệ với cái kẻng trứ danh. Ở đó có một khoảnh sân nhỏ và một nhà ăn tập thể cho các bạn nội trú. Đi vài bước ra phía sau có thêm ba phòng học lợp ngói đã cũ, một cái bể nước giữa sân cạnh cây long não cổ thụ. Năm lớp 10, lớp tôi học ở phòng học lợp ngói phía sau, nhìn ra cây long não đó. Năm lớp 11, lớp tôi được học ở phòng phía trước cạnh khu Hiệu bộ. Giờ giải lao, chúng tôi thường ra chơi cạnh gốc cây bên bể nước sân sau, hít hà cái mùi tinh dầu thơm hắc của cây long não. Thỉnh thoảng có dịp đặc biệt như liên hoan hay tổng kết năm học thì các lớp lại ra gốc cây này chụp ảnh vì đây là nơi rộng và đẹp nhất trường! Giờ nhớ lại hồi ấy thấy sao mà thương lạ! 

ANH2
Một lớp học ở khu trường cũ trên phố Nguyễn Văn Tố (lớp Văn- Nga 1986-1989)

Đến cuối năm lớp 11, chúng tôi được huy động đi lao động ở địa điểm mới của trường: nào dọn vệ sinh, bê gạch, kê bàn ghế vào các phòng học… Tuy mệt mà ai cũng hân hoan. Năm chúng tôi học lớp 12, trường chính thức được chuyển sang địa điểm mới ở 142 đường Thanh Niên, ngay cạnh bờ hồ với công viên Bạch Đằng thơ mộng. Quả là một địa điểm lí tưởng: vừa gần đường chính, con đường đẹp và lãng mạn nhất của Hải Dương, lại vừa có tầm nhìn thoáng rộng.Bọn con gái lãng mạn tha hồ ngắm cảnh, làm thơ, mặc áo dài trắng chụp ảnh cùng hàng liễu thướt tha ven hồ trong những dịp khai giảng hay tổng kết năm học.

anh5
Năm lớp 11 lớp tôi đi lao động chuẩn bị ra trường mới
Trong ảnh là các bạn (Thu Hà, Việt Nga, Đinh Thu Hiền, Bích Hạnh)

2. Lớp học và bạn bè

Hồi ấy mỗi lớp chỉ khoảng 15-20 học sinh. Khóa tôi chỉ có 4 lớp chuyên: Văn, Toán, Lý, Anh-Nga. Lớp tôi là lớp chuyên Văn do cô Phạm Diễm Loan (sau này cô được công nhận là Nhà giáo ưu tú, rồi được giữ chức tổ trưởng tổ Văn) chủ nhiệm. Lớp tôi có 19 “con vịt giời” cả thảy, một con số không thể đẹp hơn! Bọn con gái chúng tôi thường đùa nhau thế. Còn nhớ lớp tôi có 14 đứa ở thị xã, còn lại 5 đứa ở dưới huyện lên, phải trọ học. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại xin đăng kí suất cơm trưa ở căngtin trường cho biết mùi kí túc. Cơm kí túc thì cũng đạm bạc thôi: một món canh, một món mặn thường là đậu kho thịt ba chỉ, hoặc lạc rang, một đĩa rau luộc theo mùa. Cô phụ trách căng-tin thường bảo chúng tôi “ăn nhiều vào để lấy sức mà học cho tốt”! Những bữa cơm ấy sao mà ngon đến thế! 
Còn nhớ, năm cuối cấp, rồi những ngày học đội tuyển quốc gia, đứa nào đứa nấy gầy đi trông thấy. (Hồi đó tôi được có 35kg!). Các buổi chiều và tối, chúng tôi thường ra thư viện tỉnh để mượn sách tự học, tự nghiên cứu, bổ sung thêm kiến thức. Ngoài ra, tôi cũng hay đến nhà Bích Hạnh, Nhi còi để học nhóm, tự ra câu hỏi bốc thăm rồi làm giáo viên, kiểm tra, cho điểm lẫn nhau. Hôm nào thuộc bài sớm, chúng tôi hay tự thưởng cho mình bằng cách ra ăn ốc ở đầu ngõ gần nhà Nhi. Nhớ lại hồi ấy sao mà vui thế! 

Năm lớp 12 được ra trường mới thì phòng học lớp tôi ở góc trong cùng tầng 2 – bên “lò gạch đỏ chót” (chúng tôi hay gọi cái cầu thang ở trường mới như thế). Lớp khuất như vậy nên chúng tôi cũng ngại ra ngoài, ngại tiếp xúc với các bạn lớp khác. Trong lớp chỉ có Việt Nga và Đinh Thu Hiền là có vẻ “quảng giao” hơn cả.

anh6
Tập thể lớp 12 Văn chúng tôi gồm 19 "con vịt giời" chụp ảnh cùng cô giáo chủ nhiệm - NGUT Phạm Diễm Loan

Còn một kỉ niệm hồi lớp 12 mà chắc lớp tôi chả ai quên đó là đứa nào cũng thích đi chơi, năm cuối cấp lại càng muốn đi chơi xa cho có kỉ niệm. Tôi bảo: nói theo lời cụ Nguyễn Tuân thì: "Đi là thay đổi thực đơn cho giác quan". Cả lớp gật gù, lấy làm phải lắm và nhất định là sẽ "giang hồ" một chuyến. Một ngày chủ nhật, cả lớp tôi rủ nhau đạp xe đi tận động Kính Chủ ở Kinh Môn chơi. (Có đứa còn cả gan nói dối bố mẹ là đi học thêm nữa chứ!). Đạp xe gò lưng, mướt mồ hôi khoảng hơn 2 tiếng cũng đến nơi. Rồi thì leo trèo, ngắm cảnh, chán chê thì giở đồ ăn ra đánh chén. Lúc về lại lên nhầm phà Rừng, tí nữa thì lạc sang Quảng Ninh! May mà bà cụ bán nước trên phà mau miệng hỏi han chứ không thì...thật là hú vía!!! Cả bọn về đến nhà thì trời cũng tối sầm. Các phụ huynh nhao nhác đến nhà nhau tìm con. Đúng là một chuyến đi đáng nhớ! Tiếc là hồi ấy không có máy ảnh để ghi lại kỉ niệm khó quên này. 

3. Thầy cô

Năm lớp 10, cô Diễm Loan chủ nhiệm chúng tôi. Mới đầu chưa quen với cách dạy học và kiểm tra của cô, đứa nào cũng sợ xanh mắt. Hồi hộp nhất là lúc cô kiểm tra bài cũ: bao giờ cô cũng hắng giọng, giương “mục kỉnh” lên rồi chậm rãi đọc từ họ rồi mới đến tên đệm, tên chính. Chẳng hạn cô đọc “Nguyễn…” là tất cả những đứa họ Nguyễn run bắn lên, dù có thuộc bài, còn những đứa họ khác thì thở phào nhẹ nhõm. Rồi cô cũng là người phát động phong trào thi sáng tác thơ văn trong học sinh, còn duy trì đến tận bây giờ.
Năm lớp 11 thì cô bị ốm, phải nằm viện điều trị thì thầy Lê Bá Liên dạy Văn và chủ nhiệm thay. Đến năm lớp 12, cô Loan lại quay trở lại chủ nhiệm lớp và dẫn dắt đội tuyển quốc gia.
Ngoài ra, chúng tôi còn được học rất nhiều thầy cô dạy giỏi khác như: thầy Hoàng Năng Thân- NGƯT dạy Toán mà lại rất giống một nhà hiền triết. Thầy hay dùng đủ loại phấn màu để vẽ hình bằng cả một tình yêu với Toán học. Thầy Nguyễn Hoàng Đạo dạy Địa là một người thầy có vốn kiến thức sâu rộng, lại rất gần gũi, thân thiện với học trò. Thầy có nhiều sở thích như bơi lội, du lịch, văn chương... làm bọn con gái lớp Văn chúng tôi mỗi khi nghe Thầy kể chuyện lại mắt tròn mắt dẹt và mơ ước được đi xa đi nhiều như Thầy. Đặc biệt Thầy có phương pháp dạy học trò cách vẽ lược đồ , bản đồ địa lí Việt Nam vô cùng nhanh, đẹp và chính xác. Có thể nói, bên cạnh môn Văn của cô Diễm Loan, môn Sử thầy Tấn dạy, thì thầy Đạo và môn Địa lí đã giúp chúng tôi và bao thế hệ học trò trường Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng cũ (nay là trường THPT chuyên Nguyễn Trãi Hải Dương) thêm yêu và tự hào về Tổ quốc mình. 

ANH7
CLB Thơ văn Hoa Mùa Đông do thầy giáo Phạm Phan Chẩn - Tổ trưởng tổ Văn làm chủ nhiệm CLB

Ngoài ra, chúng tôi còn nhớ mãi công ơn của các thầy cô khác đã dạy dỗ chúng tôi nên người như cô Xuyên, thầy Tình dạy Giáo dục công dân ân cần, tâm huyết. Cô Tâm, thầy Lượng dạy Sinh học rất vui tính. Thầy Thạo, thầy Quang dạy Lý, vừa tâm lí, vừa đàn hát rất hay. Thầy Tuyên, thầy Vũ Anh dạy Toán nghiêm khắc nhưng cũng có lúc rất thoải mái. Thầy Văn dạy Toán và làm Bí thư Đoàn vừa đẹp trai, hát hay lại vui tính.. Cô Bích Hà dạy Hóa, thầy Tuấn dạy Thể dục rất hiền. Hai cô Hải đều dạy tiếng Nga hay kể chuyện và dạy những bài hát tiếng Nga làm chúng tôi thêm yêu nước Nga, thấy nước Nga xa xôi cũng trở nên thật gần gũi và thơ mộng... Các Thầy Cô giống như những người Cha, người Mẹ thứ hai, luôn tận tình chỉ bảo, dạy dỗ không chỉ cung cấp kiến thức mà còn dạy chúng tôi cả cách làm người. Chính các Thầy Cô đã góp phần hình thành nên nhân cách của nhiều thế hệ học sinh: biết sống có lý tưởng, chủ động, tự giác, tự trọng trong học tập và trong cuộc sống. Các Thầy Cô đã chắp thêm đôi cánh ước mơ cho biết bao thế hệ học sinh bay thật cao, thật xa...

4. Trở về trường cũ

Tháng 6.1998, tôi tốt nghiệp khoa Ngữ văn- ĐHSPHN. Đến tháng 8.1998, tôi may mắn nhận được quyết định trở về công tác tại ngôi trường cấp 3 yêu dấu- lúc đó cô giáo Nguyễn Lan Phương là hiệu trưởng nhà trường. Tôi nối nghiệp các thầy cô- tính đến nay đã 22 năm rồi đấy! Thật xúc động và tự hào khi lại được cùng các thầy cô đứng trên bục giảng để tiếp tục giảng dạy cho các thế hệ học trò. Trường tôi giờ có 120 cán bộ, giáo viên và có tới hơn 50 giáo viên là cựu học sinh. Cao điểm có tới 4 thế hệ thầy trò cũng đứng trên bục giảng.

ANH8
Các thế hệ lãnh đạo nhà trường từ thời Phổ Thông Năng Khiếu Hải Hưng xưa và THPT Chuyên Nguyễn Trãi Hải Dương hiện nay

Ngoảnh đi ngoảnh lại thấy thời gian trôi thật nhanh! Năm 1997, khi tách tỉnh Hải Hưng thành Hải Dương và Hưng Yên thì trường mang tên mới là THPT chuyên Nguyễn Trãi Từ năm 2007, khi cô Nguyễn Lan Phương về nghỉ hưu, thầy Phan Tuấn Cộng lên làm Hiệu trưởng, trường lại chuyển ra địa điểm mới ở đường Nguyễn Văn Linh thuộc phường Tân Bình, rộng gấp 12 lần so với địa điểm ở đường Thanh Niên. Từ năm 2015, khi thầy Cộng về nghỉ hưu thì thầy giáo Trịnh Ngọc Tùng được bầu làm Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng nhà trường. Học sinh bây giờ ngày một năng động, tự tin, trưởng thành hơn, được hưởng nhiều điều kiện học tập thuận lợi hơn thế hệ chúng tôi hồi trước. Các em được tham gia nhiều loại hình CLB khác nhau: từ CLB Thơ văn, Văn nghệ, CLB Truyền thông, CLB Hội họa, đến các CLB TDTT như bóng đá, bóng rổ, cầu lông, bóng bàn... lại có cả nhà đa năng to như Nhà thi đấu Tỉnh nữa! Nhiều thế hệ học sinh của các thầy, của tôi cũng đã quay về trường nối nghiệp các thầy cô. Còn các thầy cô thì ngày một già đi. Nhiều thầy cô dạy chúng tôi ngày ấy đã lần lượt nghỉ hưu. Có những người đã ra đi mãi mãi… 

Từ lúc là một học sinh của trường, giờ đây con trai tôi cũng đã trở thành học sinh lớp 11 chuyên Nga và tôi đã trở thành phụ huynh học sinh rồi đấy. Thời gian trôi qua thật nhanh.
Mong rằng các em học sinh thế hệ hôm nay hãy nối tiếp tấm gương học hành giỏi giang, thành đạt của những thế hệ đi trước nhé! Chúc các em phấn đấu học tập và rèn luyện thật tốt, để: "NGÀY HÔM NAY CÁC EM TỰ HÀO VỀ TRƯỜNG THÌ NGÀY MAI TRƯỜNG LẠI TỰ HÀO VỀ CÁC EM!

anh9
Bây giờ tôi đã là phụ huynh học sinh của trường - Con trai tôi đang học lớp 11 chuyên Nga!

Người dự thi: Nguyễn Thị Lan Anh

Cựu học sinh lớp chuyên Văn khóa 1991-1994 - PT Năng khiếu Hải Hưng,

GV Ngữ Văn - THPT chuyên Nguyễn Trãi - Hải Dương.

Để chia sẻ những câu chuyện, kỉ niệm về một thời áo trắng tại mái trường PTNK Hải Hưng (xưa), THPT chuyên Nguyễn Trãi (nay), mời độc gia tham gia cuộc thi viết "Chuyên Nguyễn Trãi trong tôi" lần II, thông tin chi tiết truy cập đường link https://chuyennguyentrai.edu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-chuyen-nguyen-trai-trong-toi-lan-thu-ii-tin1173