TÁC PHẨM: NGƯỜI NGHỆ SĨ CỦA TRƯỜNG HỌC
Lúc nhỏ, tôi chưa từng nghĩ bản thân có thể viết được điều gì đó nên hồn. Trong suy nghĩ non nớt của tôi những ngày trung học, thứ xa vời nhất không phải tia nắng cuối ngày tắt dần trên tầng mây cao vút, mà là nét bút hình số 8 màu đỏ trên góc bài làm của thầy Tiến, thầy giáo dạy Ngữ Văn cái thời cấp Hai trẻ dại và ngông nghênh của tôi.
Thầy Tiến trạc 50 tuổi. Tôi đoán thế chứ không biết rõ. Đám học sinh không ai biết tuổi thật của thầy, chỉ biết thầy là một ông già ít khi cười với mái đầu bạc đi phân nửa và những vệt nhăn hằn sâu nơi khoé mắt. Mỗi lần giảng bài, thầy thường kết bằng câu “Các em hiểu không?” và chắc chắn chúng tôi đã hiểu, thầy mới chuyển sang cái khác.
Cũng không đứa nào nhớ thầy đã dạy ở đây bao nhiêu năm. Học sinh thường là lũ trẻ ngây thơ và vô tình. Với chúng tôi, trường học chỉ là nơi dừng chân ngắn hạn. Nhưng với thầy cô, với thầy Tiến, trường học là bến đỗ nửa đời người. Thi thoảng nhìn ra sân trường, tôi lại thấy thầy Tiến đứng dưới gốc cây bàng, chắp tay sau quần nhìn lên tán lá sum suê với những tiếng ve nỉ non và ánh mặt trời xuyên qua kẽ lá. Thầy thật giống như cây bàng già, chẳng biết đã ở đó bao nhiêu năm, chỉ luôn lặng lẽ vươn cành đưa chồi non lên nhìn bầu trời và đón nhận ánh sáng, giống như ngôi trường THCS Nguyễn Lương Bằng năm ấy, đã nuôi lớn tâm hồn thơ dại của tôi, bám rễ vào tiềm thức tôi và che chở tuổi thơ tôi bằng một bóng xanh dập dờn.
Môn của thầy Tiến là Ngữ Văn, nhưng với chúng tôi thầy đã dạy rất nhiều hơn thế.
Những lúc không làm bài tập về nhà, đám chúng tôi vẫn hay nhanh miệng xin lỗi rồi hứa sẽ không tái phạm. Tôi vẫn nhớ có lần thầy ngưng lại mất mấy giây rồi từ tốn nói: “Thuốc không chữa được bệnh là thuốc vô dụng. Lời xin lỗi mà không sửa chữa được cuộc đời các em thì gọi là gì?”
Ngày đó tôi là đứa láu cá, thường hay bỏ bài tập rồi năn nỉ xin thầy cô bỏ qua. Tôi nhận ra nếu tôi khéo léo xin thì sẽ trót lọt, bởi các thầy cô đều dễ tha thứ cho những đứa trẻ có thái độ hối lỗi. Nhưng sau này đứng trước mặt thầy Tiến và nói lời xin lỗi, tôi lại nhận lại được một câu nhẹ nhàng nhưng thấm thía của thầy:
“Em không nên xin lỗi thầy, cũng không nên có tư tưởng trả nợ bài cho thầy. Em nên xin lỗi bản thân em. Vô trách nhiệm với tương lai là có lỗi với chính cuộc đời mình. Khi em nghĩ em nợ thầy, em sẽ chỉ trả cho xong bài lần này, rồi bài lần sau em lại thiếu. Nhưng nếu em hiểu em nợ chính mình một thái độ học tập đúng, em tự nhiên sẽ có ý thức quay đầu lại. Em hiểu không”
Sau đó, tôi đã không bao giờ nói những câu xin lỗi sáo rỗng và lặp lại sai phạm nhiều lần nữa. Thầy Tiến dạy chúng tôi biết, xin lỗi là để sửa, không phải là cái khiên giúp tôi ẩn núp trốn tránh trách nhiệm của mình.
Tôi vẫn luôn học rất kém môn Văn. Tôi tự nghĩ bản thân không có năng khiếu, và thường nhìn ra ngoài trời không hề tập trung nghe giảng. Có lần thầy Tiến đi xuống đến chỗ tôi, thấy tôi đang nhìn ra thẻo trời rộng hắt hiu nắng bên ngoài cửa sổ. Thầy bất chợt hỏi tôi:
- Có đẹp không?
Tôi giật mình nhưng vẫn ngoan ngoãn trả lời:
- Dạ có thưa thầy.
- Cảnh này có làm em nghĩ đến điều gì không?
Tôi trầm ngâm mất một lúc, rồi ngẩng lên đáp lại câu hỏi của thầy Tiến:
- Em nghĩ đến đường chân trời thầy ạ.
- Nơi đó trông như thế nào?
- Không có nhà cửa gì cả ạ, chỉ là khoảng đồng vô tận và những vùng nắng chiếu xuống từ những lỗ hổng mây trời.
Thầy Tiến mỉm cười nhìn tôi:
- Em rất có tố chất nghệ sĩ, tại sao lại không thích học môn Văn?
Tôi hơi kinh ngạc khi nghe thầy nhận xét, tôi chưa từng nghĩ tới điều đó, có chăng tôi chỉ là con bé mộng mơ lơ đãng, hai chữ “nghệ sĩ” hình như cao siêu quá chăng? Khi ấy tôi đáp lời thầy:
- Em không thích sự khuôn mẫu trong chương trình Ngữ Văn ạ. Tại sao khi bình văn, đề là ý kiến của chúng em nhưng phải giống đáp án của thầy cô hả thầy?
Thầy Tiến sững người nhìn tôi mất một lúc, đồng tử thầy hơi giãn ra, và tôi thấy trong mắt thầy phản chiếu hình ảnh tôi đang ngây thơ thắc mắc, là tôi của những ngày ngơ ngác khờ khạo.
Lần đó tôi nghĩ thầy sững lại do khó xử vì câu hỏi muôn đời bế tắc ấy, nhưng sau này khi đã trải qua nhiều chuyện, gặp nhiều người và trở nên dày dạn hơn, về thăm lại trường, thầy Tiến bảo tôi: “Ngày đó thầy sững sờ không phải vì câu em nói, mà bởi thầy nhìn thấy điều gì đó trong mắt em, điều gì đó giống thầy của những ngày trẻ dại, vừa ngô nghê chân thật vừa có sự ham muốn thấu cảm với văn chương.”
Nhưng đó là chuyện nhiều năm sau này, còn buổi học hôm đó sau khi tôi mạnh dạn hỏi, thầy đã xoay người bước lên bục giảng và nói với cả lớp bằng giọng trầm khan, rành rọt, những lời mà mãi sau này tôi vẫn còn thuộc lòng, dù chỉ được nghe đúng một lần năm mười bốn tuổi:
“Cái các em cần bám vào gọi là chân lí văn học, đã được thảo luận và đúc rút thành những điều đúng đắn nhất về một tác phẩm. Trong cuộc đời, ý kiến cá nhân là quan trọng, nhưng nó phải dựa trên cơ sở của chân lí và đạo lí xã hội.
Những kiến thức về tác phẩm mà thầy dạy các em chỉ là những gì đúng đắn đã được rút ra cho các em hiểu về tác phẩm. Nếu em thuyết phục được người đọc rằng suy nghĩ của em là có căn cứ, em hoàn toàn có thể bình thêm vào bài những cảm nhận của riêng em. Nhưng nếu thấy những nhận xét mang tính cá nhân của các em chưa thích đáng, thầy cô sẽ phải giúp em sửa lại.
Giống như sau này ra ngoài xã hội, tự do ngôn luận phải đi kèm với sự đúng đắn và chừng mực. Nếu em có bản lĩnh làm cho ý kiến của em trở nên thuyết phục, đó là lúc cá tính của các em được đón nhận. Thầy chỉ muốn nói, thứ được đón nhận đó thường sẽ là điều đúng đắn. Sau này các em có trở thành ai, các em có quan điểm riêng, nhưng các em vẫn cần bám vào cái khung quy chuẩn “đúng đắn” của cuộc đời để hành xử. Các em hiểu không?”
Những ngọn gió đưa mùi hoa sữa qua khung cửa sổ cũ kỹ, quện vào tóc tôi và mơn man không khí lặng yên trong lớp học. Chúng tôi đều ngạc nhiên và trầm ngâm sau lời giải thích của thầy Tiến.
Tôi nhìn ra thẻo trời ngả dần về màu tím sẫm có những tàn hoa sữa bay bay bên ngoài khung cửa, suy nghĩ miên man những gì thầy nói. Trường tôi không có phượng vĩ, chỉ ngan ngát hương hoa sữa và rợp lá bàng xanh. Tôi đã sớm quen với những dãy nhà cũ có mùi thơm nhè nhẹ phả vào qua chấn song cửa sổ, tôi đã sớm yêu ngôi trường này bằng một thứ tình yêu đơn thuần và mộc mạc nhất. Để rồi những năm tháng sau này, dù những môi trường tôi học có hiện đại hơn, tân tiến hơn, tôi vẫn không bao giờ quên được THCS Nguyễn Lương Bằng nằm lặng lẽ ở thị trấn Thanh Miện đơn sơ trên đất Hải Dương của những điều bình dị.
Ngôi trường ấy có hương thơm dịu dàng quấn lấy tâm trí tôi suốt mấy năm trung học, có màu hoài niệm của những tiết học dạy chúng tôi nhiều hơn là kiến thức sách vở, có thanh âm của tiếng phấn miết bảng và tiếng giảng bài trầm khàn của những người thầy tận tuỵ, dày công như thầy Tiến.
Những tiết học trầm lắng và nhẹ nhàng của thầy Tiến dần dà khiến chúng tôi có cái nhìn khác về môn Ngữ Văn và cuộc sống. Thầy không bao giờ ép buộc chúng tôi phải làm theo quy tắc, thầy dạy chúng tôi hiểu rõ tính đúng đắn của những quy tắc để rồi tự chúng tôi thay đổi. Thầy hay bảo: “Tôi muốn các em tự mình hiểu rõ rồi hành động, thay vì ép các em hành động trong khi không hiểu nguyên do. Con gà con chui ra khỏi vỏ trứng vì một lực tác động từ bên ngoài, nó sẽ chết, nhưng nếu là lực từ bên trong, nó sẽ phá vỡ vỏ trứng để nhìn thấy được thế giới. Áp đặt các em là giết chết khả năng tự quyết định của các em, các em hiểu chứ? ”
Có cái gì đó vẫn đang thay đổi trong tâm trí bồng bột của đám trẻ con tuổi mười ba, mười bốn như chúng tôi, qua những bài học sâu xa mà thấm thía của thầy Tiến. Nhất là tôi, tôi chưa từng nghĩ bản thân có thể viết được cái gì đó nên hồn, tôi từng mặc định mình không hợp để học Văn dù chưa một lần cố gắng. Nhưng những năm tháng cấp Hai đã dần dạy tôi rằng định kiến sẽ khiến ta trở nên hạn hẹp. Do góc nhìn phiến diện với môn Văn mà tôi chưa bao giờ học một cách nghiêm túc. Tôi dần suy rộng ra, môn nào cũng vậy, lĩnh vực nào cũng vậy, phải nhìn nhận một cách kĩ càng trước khi có thành kiến, hơn nữa cố gắng thử sức không bao giờ là thừa trong cuộc đời này cả.
Thầy Tiến chẳng mấy khi cười, nhưng ánh mắt thầy luôn chứa đựng nét nhẹ nhàng trìu mến ở trong đó. Thầy bảo nếu ngày xưa không chọn dạy học, có lẽ thầy đã trở thành nghệ sĩ. Tôi từng nhìn thấy hình ảnh người thầy tóc ngả bạc ngồi trên bục giảng gảy chiếc ghi-ta. Nét mặt thầy vừa bình thản, vừa ngậm ngùi. Có lẽ thầy có cả một câu chuyện đằng sau ước mơ dang dở nhiều năm trước. Thầy chưa bao giờ kể, nhưng thầy từng đặt tay lên vai tôi và dặn dò: “Em rất mạnh mẽ, nếu được, hãy dùng năng lượng ấy theo đuổi đến cùng giấc mộng của mình. Đừng như thầy, dù thầy rất yêu bục giảng và yêu các em, nhưng đôi khi thầy vẫn phải thở dài vì không thể thực hiện giấc mơ nghệ sĩ.”
Ngày đó giá như, giá như tôi đủ lời lẽ để nói với thầy, tôi sẽ nói: “ Thầy vẫn luôn là nghệ sĩ của ngôn từ, và của việc truyền cảm hứng. Cho dù thầy cầm bút vì giáo án chứ không phải soạn nhạc, chỉ là thầy đã truyền lửa cho chúng em bằng giáo dục thay vì âm nhạc mà thôi.” Nhưng tôi của tuổi mười bốn không biết đáp sao với sự tiếc nuối của thầy, đành lặng im nhìn bóng lưng thầy cô đơn trên hành lang phòng học. Trường Nguyễn Lương Bằng xào xạc tiếng gió. Có lẽ ngôi trường biết phải nói gì, nhưng lại không thể cất tiếng, còn tôi được ban cho giọng nói, nhưng lại bỏ bê môn Văn đến mức không biết cách chia sẻ và diễn đạt.
Sự bất lực và áy náy làm tôi quyết tâm cố gắng hơn trong những tiết Ngữ Văn thầy dạy trong cả năm học đó. Từ một con bé lơ là lười học chẳng bao giờ nổi tám điểm Văn, sau này tôi lại là thành viên tham dự đội tuyển thi tỉnh môn Ngữ Văn lớp Chín năm 2017. Tôi nhận ra tôi có thể viết, không biết tự bao giờ tôi trở nên thích viết hơn bất kì điều gì. Tôi biết, tất cả là nhờ thầy Tiến. Tôi chưa từng nói ra, nhưng thầy chính là người giáo viên tôi biết ơn nhất.
Mỗi lần về thăm trường vào ngày 20/11, thầy lại thủ thỉ với tôi: “Em năm đó giống như một hạt giống tốt, vì ương ngạnh mà mãi không chịu nảy mầm. Thầy đã rất xúc động khi nhìn thấy tiềm năng phát triển trong ánh mắt trong trẻo và giọng văn vụng về của em.”
Tôi và thầy cùng nhìn ra khoảng sân có cây bàng già xao xác, nắng xiên ngang tạo thành những đốm nắng đuổi nhau trên nền gạch. Tôi đã ra trường được vài năm, mùa nắng ở THCS Nguyễn Lương Bằng và những tiết học của người thầy tôi kính trọng nhất chỉ còn theo về trong những nỗi hoài niệm.
Sau này khi tôi đủ lông cánh và cầm bút chắc tay hơn nhiều so với trước, khi tôi được dạy những ngôn từ và cách diễn đạt hoa mĩ nhất cũng như thấu cảm được nhiều tác phẩm Văn học, tôi vẫn chẳng thể quên bản thân đã từng vụng dại không biết cách bày tỏ lòng mình mà nhìn theo bóng lưng khắc khổ của thầy rời đi. Tôi càng không quên tôi đã thay đổi bản thân và học cách trưởng thành dưới tán cây xanh ngắt của trường THCS Nguyễn Lương Bằng thoang thoảng mùi hoa sữa.
Cây hoa sữa ở góc sân ấy có lẽ vẫn toả hương ngào ngạt. Thầy Tiến có lẽ vẫn ngày đêm cần mẫn bên trang giáo án và soạn nên những giai điệu cho tiết học sớm mai. Còn tôi, tôi vẫn còn chặng đường thật dài chờ mình ở phía trước, còn giấc mộng chưa thành thực, còn trách nhiệm đem những gì thầy cô dạy tôi đi đóng góp cho cộng đồng.
Chỉ là mỗi lần cầm cây bút lên tay, tâm trí tôi lại vây quanh bởi hình ảnh người thầy tóc đã bạc nửa đầu, ngồi trên bục giảng say sưa bấm dây đàn ghi-ta…
Xa vời nhất không phải tia nắng cuối cùng trên tầng mây cao vút. Xa vời nhất là khi nhìn lại những ước mơ dang dở mà bản thân đã bỏ lỡ vì chưa đủ nỗ lực trong cuộc đời.
Tác giả: Nguyễn Thị Nhung, khối A1 niên khóa 2018 - 2021