“Nền văn hóa của một quốc gia nằm trong trái tim và tâm hồn của nhân dân” (Mahatma Gandhi). Và “Tôn sư trọng đạo” - một truyền thống quý báu của dân tộc, được ông cha ta gây dựng và bồi đắp từ ngàn xưa đến tận hôm nay đã góp phần tạo nên nền văn hóa trường tồn mãi với thời gian, trong trái tim mọi người con đất Việt. Xuyên suốt 4000 năm lịch sử, dù trải qua biết bao khó khăn, thử thách; truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn luôn vẹn nguyên một màu thắm đỏ.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến gần. Hòa chung trong không khí vui tươi, náo nức chuẩn bị cho ngày lễ đặc biệt này; trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi chọn chủ đề “Lương sư hưng quốc” để tri ân những người lái đò tận tụy.
Giáo dục - Ánh sáng kì diệu
Quả thực, trong những giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của một quốc gia, giáo dục luôn đóng vai trò then chốt, quan trọng. Dưới thời Lê Sơ, Quốc Tử Giám được dựng lại ở kinh thành Thăng Long. Khắp nơi đều có trường công, giáo dục được phổ cập, đa số người dân đều có cơ hội đi học. Những người thầy thời bấy giờ đều là những người học rộng tài cao, đương nhiệm quan thần trong triều đình. Nhờ chính sách phát triển lấy giáo dục làm trọng ấy, người tài nhiều không kể xiết, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Ở đất nước được mệnh danh xứ sở hoa anh đào - Nhật Bản, giáo dục là quốc sách. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản chịu nhiều thiệt hại nặng nề, hoang tàn vì bom đạn. Khi mùi khói lửa, mùi đau thương và mất mát còn âm ỉ, giáo dục đã khắc phục hậu quả chiến tranh, đưa Nhật Bản thoát khỏi bế tắc và đi lên xây dựng đất nước. Từ cấp bậc tiểu học đến trung học rồi đại học, chính phủ Nhật Bản đưa ra những chính sách chậm rãi mà chắc chắn nhằm cải cách giáo dục toàn diện: hướng tới đề cao đạo đức và tư duy thay vì nặng về kiến thức. Đặc biệt, Chính phủ Nhật mời nhiều giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy, biên soạn sách. Vừa cởi mở với phong cách phương Tây hiện đại, lại giữ nguyên cốt cách mà cha ông gây dựng, nền giáo dục Nhật Bản đào tạo nên những người con tài giỏi, đưa Nhật Bản trở thành con rồng của châu Á.
Lương sư hưng quốc - xưa và nay
“Lương sư”, nghĩa là người thầy lương thiện, ngay thẳng và có kiến thức, trí tuệ uyên bác. “Hưng quốc” gợi mở về một quốc gia phát triển, hưng thịnh; người dân hạnh phúc. Như vậy, “lương sư hưng quốc” đề cao vai trò người thầy đối với sự phát triển của một quốc gia. Theo đó, những người thầy tài cao, uyên bác; tức một nền giáo dục tốt là cái nôi nuôi dưỡng nhiều hiền tài - nguyên khí quốc gia, từ đó đất nước mới phát triển, ấm no, hưng thịnh.
Nguyễn Trãi - “khai quốc công thần” chính là một nhà giáo dục như thế. Chịu ảnh hưởng từ nền giáo dục Nho giáo, Nguyễn Trãi quan niệm điều cốt yếu của giáo dục là làm cho các nho sinh, các bậc trí thức cũng như toàn xã hội thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với quốc gia. Có thể nói, với tư duy giáo dục sát sao với thực tế xã hội, đạt tới trình độ khái quát triết học sâu sắc, toàn diện; Nguyễn Trãi đã đặt nền móng xây dựng triều đại Lê sơ - triều đại hưng thịnh của chế độ phong kiến nước ta.
Không thể không kể đến thầy Chu Văn An - người thầy mang danh “vạn thế sư biểu”. Vừa có công lớn trong việc mở trường, dạy học cho nhân dân cả nước, vừa có nhân cách ngay thẳng, trong sạch, thiện lương; thầy giáo Chu Văn An trở thành hình mẫu chuẩn mực của nghề giáo muôn đời. Dù không được chấp nhận khi dâng sớ; thầy vẫn tiếp tục nghiệp dạy học nơi quê nhà sau khi từ bỏ gấm hoa. Hết mình với nghề giáo là thế nên đối với học trò, thầy nghiêm khắc lại ân cần vô cùng. “Đại Việt sử ký” viết khi học trò về thăm, ai làm điều gì chưa đúng phép, thầy vẫn răn dạy, chỉ bảo. Suốt một đời tận tụy với nghề giáo, thầy đào tạo được nhiều học trò tài giỏi như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát - hai vị quan lớn của triều Trần. Suốt một đời tận tụy với nghề giáo, thầy đã dâng hiến trọn vẹn tài năng và tấm lòng mình cho dân tộc, cho nước nhà.
Kế thừa cốt cách nghề giáo, những người giáo viên hôm nay, tiếp bước truyền thống cha ông ta từ ngàn xưa, luôn không ngừng cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Những người cần mẫn đi gieo con chữ nơi biên ải, lặn lội nơi đảo xa xôi hay băng qua những vùng núi cao cách trở. Dù cuộc sống phải chịu nhiều thiệt thòi khi điều kiện vật chất còn thiếu thốn lại xa gia đình, người thân; các thầy cô vẫn gắng sức bám trụ, ươm mầm những con chữ, những giấc mơ về ngày mai tươi sáng hơn. Những giọt mồ hôi, những sợi tóc bạc và cả những nụ cười - các nhà giáo muôn đời đáng quý như thế!
Truyền thống muôn đời
Ngay từ thời ông cha ta, người thầy luôn giữ một vai trò rất đặc biệt. Không biết bao nhiêu ca dao tục ngữ, lời ca tiếng nhạc viết về người thầy như: “Qua sông phải bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”,... Ngày nay, truyền thống ấy vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Những bài hát “Người gieo mầm xanh”, “Nhớ ơn thầy cô”, “Thầy cô cho em mùa xuân”,... mãi là tiếng ca tri ân ngọt ngào không bao giờ dứt. Có thể nói, “tôn sư trọng đạo” chính là đạo lý muôn đời của dân tộc Việt Nam.
Lời kết
Với chủ đề “Lương sư hưng quốc” năm nay, hy vọng ngày Nhà giáo Việt Nam tại trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi sẽ bùng nổ và để lại những ấn tượng sâu sắc. Chúc các thầy giáo, cô giáo luôn mạnh khỏe và thành công trong sự nghiệp giáo dục của mình.
Nguồn: Internet
Tác giả: Kim Chi