Tiếp nối thành công của tọa đàm “Tâm lý học đường: Câu chuyện của tôi”, tối thứ 7 ngày 19/03/2022, buổi workshop chủ đề hướng nghiệp “Tương lai - Bạn là ai?” nhận được sự hưởng ứng tích cực của các bạn học sinh và sự ủng hộ nhiệt tình từ các bậc phụ huynh. Đây là buổi workshop thứ hai nằm trong chuỗi tọa đàm “TRAIL-BLAZING” (Mở đường dẫn lối), là một trong những hoạt động do Đoàn trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi kết hợp với Thành đoàn Hải Dương tổ chức để Chào mừng ngày Thành lập Đoàn 26/3, nhằm giải đáp thắc mắc của các bạn học sinh về đa dạng ngành nghề, từ đó giúp các bạn đưa ra lựa chọn đúng đắn về ngành mình muốn theo đuổi trong tương lai.

Tọa đàm “Định hướng ngành nghề: Tương lai - Bạn là ai?"

Đồng hành cùng các bạn học sinh trong buổi workshop lần này là 5 vị diễn giả - nguyên là cựu học sinh trường THPT Năng khiếu Hải Hưng, nay là trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi với nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau, cụ thể:

- Phó giáo sư - Tiến sĩ Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp tại Đại học Kinh tế Quốc dân. 

Phó giáo sư - Tiến sĩ Giang Thanh Long

- Thạc sĩ Trịnh Thị Thu Huyền - huấn luyện viên sức khỏe Tâm thần trí, Nguyên phó giám đốc trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ đối ngoại, học viện ngoại giao.

Thạc sĩ Trịnh Thị Thu Huyền

- Thạc sĩ Đinh Thu Hiền, nhà báo hiện đang công tác tại Phòng Thời sự, Báo Phụ nữ Việt Nam.

Thạc sĩ Đinh Thu Hiền

- Thạc sĩ Trần Đại Nghĩa, kiến trúc sư - Sáng lập/Giám đốc công ty TNHH Thiết kế Kiến trúc NH VILLAGE.

Thạc sĩ Trần Đại Nghĩa

- Tiến sĩ Trương Thanh Tùng, giảng viên khoa dược trường Đại học Phenikaa; Giám đốc nghiên cứu, Viện nghiên cứu tiên tiến Phenikaa.

Tiến sĩ Trương Thanh Tùng

Ngoài ra, chương trình còn được dẫn dắt bởi MC Hoàng Lâm Uyên - cựu học sinh chuyên Văn khóa 18-21, hiện đang là sinh viên năm nhất Học viện Ngoại Giao và là nhân viên sale tại Học viện xây dựng thương hiệu.

MC Hoàng Lâm Uyên

Buổi workshop diễn ra với 2 nội dung chính: “Góc đa chiều” - các diễn giả chia sẻ về hành trình nghề nghiệp của mình và “Q&A” -  các thính giả đặt câu hỏi và trao đổi trực tiếp với các diễn giả tại workshop.

Tổng quan buổi workshop
Các nhóm ngành nghề được chia sẻ trong buổi tọa đàm

Mở đầu tọa đàm là một đoạn video phóng sự của VTV về nỗi lo lựa chọn ngành nghề của các bạn học sinh: Nên chọn ngành theo đam mê hay dựa trên cơ hội nghề nghiệp? Các bạn học sinh được phỏng vấn trong video đều có lựa chọn trái với ngành mà mình thích: Bạn thích học Y nộp hồ sơ vào trường Giao Thông Vận Tải, bạn thích hội họa lại chọn trường Kinh tế Quốc dân. Điều này cho thấy sự mâu thuẫn giữa đam mê và lựa chọn thực tế của các bạn. Sự lựa chọn ngành nghề không phù hợp với thế mạnh và sở thích của bản thân dẫn đến tỉ lệ cử nhân làm trái ngành lớn, thậm chí có người còn lựa chọn học lại ngành nghề khác sau 4 năm đại học.

Hình ảnh từ video phóng sự

Tiếp đến, MC Lâm Uyên chia sẻ giải pháp của mình khi băn khoăn giữa các ngành nghề. MC Lâm Uyên đưa ra 3 hình ảnh của 3 lá bài tarot cùng với yêu cầu: “Chọn một trong ba bức ảnh để biết được ngành nghề phù hợp với bạn”, các bạn học sinh bày tỏ quan điểm bằng cách đánh số 1, 2, 3 trong phần chat. Sau khi nhận được rất nhiều ý kiến và lựa chọn từ các thính giả, MC đưa ra kết luận: “Sẽ không có một đáp án nào là đúng hay sai, cũng sẽ không có hình ảnh nào nói lên được rằng điều gì phù hợp nhất với chúng ta. Những bức ảnh vừa rồi thực chất chỉ là những lá bài tarot mang một số ý nghĩa trừu tượng. Qua đó cũng có thể thấy được các bạn học sinh của chúng ta đang thực sự gặp khó khăn trong vấn đề định hướng nghề nghiệp”.

Ba lá bài tarot mà MC Lâm Uyên đưa ra
Các bạn học sinh nhiệt tình đưa ra lựa chọn

Đến với phần thứ nhất của buổi tọa đàm - “Góc đa chiều”, lần lượt từng diễn giả đã chia sẻ về hành trình đến với nghề nghiệp hiện tại của họ, cách họ đã vượt qua từng khó khăn, thử thách trên chặng đường làm nghề và những lựa chọn, đánh đổi cần thiết để tiếp tục thăng tiến trong sự nghiệp.

Góc đa chiều - lắng nghe hành trình nghề nghiệp của các diễn giả

Đầu tiên là lời chia sẻ của Phó giáo sư - Tiến sĩ Giang Thanh Long về khối ngành nghề Kinh tế - Kinh doanh. Diễn giả chia sẻ rằng trước khi bước chân vào Đại học, bản thân từng rất trăn trở không biết nên chọn ngành gì. Anh chọn học ở Kinh tế Quốc dân bởi ngôi trường này không chỉ phù hợp với năng lực mà còn phù hợp với hoàn cảnh sống của anh. Tiến sĩ Giang Thanh Long khẳng định: “Nhiều khi những bước ngoặt tình cờ của cuộc đời không phải hoàn toàn là tình cờ, nó cũng dựa trên những bối cảnh gia đình, xã hội”. 

Hành trình nghề nghiệp của diễn giả Giang Thanh Long

Tiếp nối những chia sẻ của Phó giáo sư - Tiến sĩ Giang Thanh Long, Thạc sĩ Trịnh Thị Thu Huyền cũng có những lời tâm sự chân thành về hành trình đến với nghề nghiệp Giáo dục hiện tại của mình. Diễn giả giải thích cô lựa chọn đổi ngành từ ngoại giao sang giáo dục là bởi vì đam mê của bản thân và khẳng định chỉ khi có đam mê thì ta mới thật sự gắn bó với công việc. Cô cho rằng việc nhận được sự tín nhiệm và tin tưởng của mọi người để làm công việc này, mà đầu óc thì mải nghĩ đến một việc khác là sự ăn cắp. Thạc sĩ cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi hầu hết các chương trình giáo dục ở Việt Nam ít khi đề cập đến sự phát triển về tâm lý của con người và mong rằng ba mẹ sẽ cố gắng trò chuyện với con mình nhiều hơn, tạo cơ hội cho con cái tiếp xúc với nhiều người giỏi hơn. Đối với các bạn học sinh, các bạn nên tự trang bị cho mình những hành trang kiến thức và mối quan hệ, rèn luyện chính mình trở nên đủ bản lĩnh, đón nhận những bất ngờ của cuộc đời một cách vui vẻ, bình thản.

Diễn giả Trịnh Thị Thu Huyền chia sẻ

Tiếp theo là những chia sẻ đến từ Thạc sĩ Trần Đại Nghĩa. Nhận ra điểm chung qua câu chuyện của PGS Giang Thanh Long và Thạc sĩ Trịnh Thị Thu Huyền, diễn giả chia sẻ: “Không phải mình chọn nghề mà nghề chọn mình". Ngoài ra, anh cũng khẳng định: "Các em muốn xác định mình có làm được cái nghề này hay không thì sau 40 tuổi mới có thể nói". Câu chuyện của diễn giả chắc chắn là nguồn động lực lớn đối với những ai có mong muốn làm trong lĩnh vực Kiến trúc - Thẩm mỹ - Đồ họa.

Câu chuyện nghề nghiệp của diễn giả Trần Đại Nghĩa

Nối tiếp tọa đàm là những chia sẻ của nhà báo Đinh Thu Hiền, người đã có hơn 23 năm kinh nghiệm trong nghề báo. "Các bạn học chuyên Văn hay đam mê viết lách có thể học truyền thông bởi truyền thông không chỉ là viết báo mà còn nhiều ngành nghề khác. Có rất nhiều cánh cửa mở ra cho các bạn lựa chọn". - Nhà báo chia sẻ.

Câu chuyện của nhà báo Đinh Thu Hiền

Cuối cùng là câu chuyện của Tiến sĩ Trương Thanh Tùng, người được bình chọn là Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2021. Anh chia sẻ quan điểm của mình: "Mình chọn ngành Dược bởi mình nghĩ nếu mình học Y mình có thể cứu được một người còn nếu mình học Dược, mình có thể tìm ra thuốc cứu được rất nhiều người". Anh khuyên các bạn học sinh: "Mọi người đừng nghĩ rằng mình học ngành gì mình phải theo ngành đấy. Có rất nhiều yếu tố có thể thay đổi định hướng của các bạn trong tương lai, các bạn hoàn toàn có thể lựa chọn ngành nghề khác với ngành mà mình học, miễn là bạn có đam mê. Và hãy đưa ra những lựa chọn sáng suốt cho bản thân mình vì việc chọn nghề không phải chỉ 5 năm hay 10 năm là quyết định được và thêm nữa là xu thế của các ngành thì luôn có sự thay đổi".

Hành trình nghề nghiệp của diễn giả Trương Thanh Tùng

Đến với mục tiếp theo của “Góc đa chiều”, các diễn giả chia sẻ về xu hướng công việc trong tương lai và các nguyên tắc chọn ngành, chọn nghề. Cả năm vị khách mời đều đồng ý rằng đam mê, sự gắn bó với nghề và sức khỏe là những điều kiện cần thiết để theo đuổi bất kì ngành nghề nào, và khẳng định rằng khi mình giỏi ở một lĩnh vực nào đó thì cơ hội việc làm không bao giờ thiếu.

Những câu hỏi về ngành nghề được các diễn giả giải đáp trong Góc đa chiều

Tiến sĩ Giang Thanh Long chia sẻ rằng sự thay đổi ngành nghề trong tương lai là không lường trước được, kể cả đối với khối ngành kinh tế, điều quan trọng nhất là phải biết tự đánh giá chính xác năng lực của bản thân. Diễn giả Trịnh Thị Thu Huyền khẳng định các ngành về giáo dục và y tế sẽ luôn luôn được xã hội cần và trọng dụng, đồng thời nhấn mạnh sự liên kết giữa năng lực và sở thích của mỗi chúng ta: Cái mà chúng ta tài năng thì chắc chắn chúng ta sẽ thích, cái ta thích, ta rèn luyện nhiều sẽ thành tài năng.

Lời chia sẻ chân thành đến từ phía 5 vị diễn giả

Đối với các lĩnh vực khoa học, Tiến sĩ Trương Thanh Tùng bổ sung sự cẩn thận và tâm lý sẵn sàng học hỏi không ngừng, khả năng kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn vào danh sách những điều kiện cần thiết. Tiến sĩ cũng chia sẻ hứng thú của mình về mô hình Đại học khai phóng và sự tiếc nuối khi các định kiến về ngành nghề ngăn cản cơ hội phát triển của các bạn học sinh tại Việt Nam. 

Các bạn học sinh phản ứng tích cực khi lắng nghe các diễn giả chia sẻ

Về khối ngành Luật, Thạc sĩ Đinh Thu Hiền cho rằng cơ hội cho ngành này là rất lớn và ngày càng tăng, do người dân có thêm nhận thức và không còn e ngại những vấn đề liên quan đến pháp luật. Cuối cùng, Thạc sĩ Trần Đại Nghĩa chia sẻ rằng đối với khối ngành kiến trúc, nhu cầu và yêu cầu của khách hàng sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, mở ra nhiều hướng phát triển cho các bạn học sinh nhưng cũng đòi hỏi các bạn phải trải nghiệm nhiều và học đều, áp dụng được kiến thức của nhiều môn học khác nhau.

Các diễn giả tận tâm giải đáp thắc mắc của các bạn học sinh qua ô chat

Trong phần thứ hai của tọa đàm “Q&A: Tương lai - Bạn là ai?”, các diễn giả giải đáp những thắc mắc mà thính giả gửi về cho chương trình. Câu hỏi đầu tiên liên quan đến khối ngành Kinh tế - Kinh doanh được gửi tới diễn giả Giang Thanh Long: “Muốn theo khối ngành Kinh tế thì cần có những kỹ năng yếu tố bẩm sinh nào? Góc nhìn của diễn giả về chương trình học tại Kinh tế Quốc dân?” Diễn giả chia sẻ rằng về kỹ năng thì không có yêu cầu cụ thể, cái cần có trong mọi hoàn cảnh là thái độ với công việc. Còn chương trình học tại Kinh tế Quốc dân vẫn theo quy chuẩn của Bộ giáo dục, kèm theo một số giá trị gia tăng trong từng ngành học.

Q&A: Tương lai - Bạn là ai? - các diễn giả giải đáp thắc mắc từ thính giả

Tiếp nối chương trình là một câu hỏi khác cũng liên quan đến khối ngành Kinh tế từ một bạn chuyên Pháp. Bạn chia sẻ rằng bản thân rất thích Kinh tế Quốc dân mà trường lại không có một khoa riêng về ngôn ngữ mà bạn đang theo học. Bạn muốn duy trì 2 thứ tiếng, tiếng Pháp và tiếng Anh và nghĩ rằng việc biết đa dạng ngoại ngữ trong tương lai sẽ giúp ích cho bạn. Từ đó, bạn mong muốn diễn giả đưa ra lời khuyên cho mình. Về vấn đề này, diễn giả Giang Thanh Long có tiết lộ đến đầu tháng 4, ĐH Kinh tế Quốc dân có tổ chức một buổi online về các vấn đề liên quan đến tuyển sinh và hiện nay trường cũng rất đa dạng các ngành nghề tùy thuộc vào nhu cầu học tập của bạn. Diễn giả có nói thêm rằng: “Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, mình có thể hỗ trợ bạn chỉ ra một số con đường”.

Phó giáo sư Giang Thanh Long trả lời câu hỏi của thính giả

Câu hỏi tiếp theo liên quan đến Ngoại giao: “Làm thế nào để trở thành một nhà ngoại giao thành công? Chất giọng đặc biệt có phải là một điểm cộng hay không? Và liệu phiên dịch Tiếng Anh có trở nên lỗi thời khi một loạt thiết bị tai nghe được sản xuất để nhận diện ngôn ngữ?”. Với câu hỏi này, diễn giả Trịnh Thị Thu Huyền đã đưa ra những ví dụ về Ngoại giao. Thạc sĩ có nói rằng để trở thành một nhà Ngoại giao thành công, Tiếng Anh là yếu tố căn bản, Ngoại giao còn đòi hỏi sức khỏe và chúng ta có thể bám theo từ khóa KASH (Knowledge, Attitude, Skills, Habits). Còn về chất giọng, Thạc sĩ nói rằng mình hoàn toàn có thể sửa và có nhiều mảng về ngoại giao không có yêu cầu giọng nói. Về phiên dịch, máy móc không thể thay thế được con người, đặc biệt là trong việc đàm phán. Người phiên dịch không chỉ là người chuyển ngữ mà còn là trợ lý cho nguyên thủ hay trưởng đoàn đàm phán, việc của họ là nói thật tốt, làm thật tốt.

Thạc sĩ Trịnh Thị Thu Huyền giải đáp thắc mắc về lĩnh vực Ngoại giao

Tiếp nối phần Q&A là một câu hỏi về lĩnh vực Truyền thông được đặt ra cho nhà báo Đinh Thu Hiền: “Người làm báo chí thì bên cạnh những kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành, cần có những phẩm chất và tính cách, kỹ năng mềm cụ thể như thế nào? Mình là một người viết không được hay nhưng lại rất thích viết và rất thích những ngành liên quan đến Truyền thông. Vậy ngành học liên quan đến truyền thông có thật sự phù hợp với mình hay không?” Đáp lại câu hỏi của thính giả, nhà báo Đinh Thu Hiền khẳng định phẩm chất đầu tiên của người làm truyền thông phải là sự trung thực, theo sau đó là tính cách dũng cảm và các kỹ năng đối nhân xử thế, biết cứng biết mềm đúng lúc. Diễn giả cũng cho rằng bạn học sinh nên mạnh dạn theo đuổi ngành Truyền thông, vì ngành này bao gồm nhiều mảng riêng biệt, yêu cầu nhiều kỹ năng khác nhau chứ không chỉ là việc sáng tác báo chí và dành riêng cho những ai giỏi viết.

Lời chia sẻ của thạc sĩ Đinh Thu Hiền tới những bạn có niềm đam mê với Truyền thông

Câu hỏi tiếp theo đến từ một bạn học sinh khối chuyên Tin dành cho Thạc sĩ Trần Đại Nghĩa: “Mình được bố mẹ hướng cho theo ngành công nghệ thông tin kỹ thuật ở các trường như Bách Khoa hoặc Bưu chính Viễn thông. Tuy nhiên, mình lại cảm thấy bản thân có năng khiếu hội họa và rất hứng thú với nghề vẽ minh họa, nghệ thuật kỹ thuật số, concept Art hay vẽ 3D. Mình muốn nghe ý kiến của Thạc sĩ Trần Đại Nghĩa về việc mình có nên theo ý kiến của bố mẹ và học nghề tay trái về vẽ hoặc concept art hay không? Và cơ hội việc làm của ngành hội họa, kiến trúc hay concept Art trong tương lai sẽ như thế nào?” Thạc sĩ Trần Đại Nghĩa đưa ra câu trả lời của mình bằng việc đề xuất cho bạn cuốn sách về tiểu sử của Steve Jobs, một vĩ nhân vừa giỏi công nghệ thông tin vừa đam mê nghệ thuật. Tiếp đó, diễn giả cho rằng việc bạn vừa giỏi ngành công nghệ vừa thích thú với hội họa không hề mâu thuẫn mà còn bổ trợ cho nhau, khiến cho những sản phẩm của bạn ở cả hai ngành trở nên độc đáo hơn. Anh khẳng định rằng nếu bạn theo ngành kiến trúc và làm nghề một cách nghiêm túc thì không bao giờ sợ thiếu việc làm. Thạc sĩ cũng khuyên bạn nên tăng khả năng giao tiếp xã hội, tiếp xúc với nhiều người làm nghề lâu năm để thật sự xác định xem ngành nào cần những phẩm chất, kỹ năng gì, từ đó đưa ra lựa chọn về ngành của mình đúng đắn nhất.

Lời khuyên bổ ích tới những bạn yêu thích kiến trúc, hội họa của Thạc sĩ Trần Đại Nghĩa

Câu hỏi cuối cùng gửi tới diễn giả Trương Thanh Tùng: “Trong thời gian học Y Dược thì mình được trau dồi những kỹ năng gì? Liệu sau khi ra trường có làm được kinh doanh trong ngành Dược hay không? Học Y Dược trong và ngoài nước khác nhau như thế nào?” Diễn giả đã giải đáp câu hỏi số 2 trước. Anh chia sẻ rằng tùy thuộc vào đất nước du học mà bạn có thể học các ngôn ngữ khác nhau nhưng phần lớn các nước đều dạy bằng Tiếng Anh nên bạn phải thông thạo ngôn ngữ này. Thêm nữa đó là bạn phải giao tiếp với bệnh nhân, cái khác hẳn với việc giao tiếp với người bình thường. Bạn còn phải tự học rất nhiều. Thêm vào đó, Y Dược có rất nhiều ngành, tùy thuộc vào từng ngành mà bạn có thể được trau dồi những kỹ năng, kiến thức khác nhau, bạn sẽ có cơ hội thực tập rất nhiều. Anh gợi ý cho bạn một số ngành, thậm chí bao gồm cả mảng kinh doanh sau khi bạn ra trường và nhiều ví dụ trực quan.

Tiến sĩ Trương Thanh Tùng cùng lời giải đáp thắc mắc về ngành Y Dược

Cuối chương trình, ban tổ chức đã đăng tải một form khảo sát về các nhóm ngành nghề mà các bạn học sinh mong muốn theo đuổi, nếu đủ số lượng trên 50 đăng ký/nhóm, ban tổ chức sẽ mở tiếp tọa đàm tư vấn riêng về nhóm ngành này. Các bạn học sinh có hứng thú có thể đăng ký tại link:

https://forms.gle/vLdKzUaU1HUTz8Hg9

Workshop “Tương lai - Bạn là ai?” dần đi đến hồi kết 

Buổi workshop đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự theo dõi và ủng hộ nhiệt liệt của các thính giả. Đoàn trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi xin được gửi lời cảm ơn đến các diễn giả, ban tổ chức cùng các bậc phụ huynh, giáo viên và học sinh đã tham gia chương trình. Chuỗi tọa đàm “TRAIL-BLAZING” đang dần đi đến hồi kết với buổi workshop cuối cùng về chủ đề du học vào 20h, thứ 7 tuần sau ngày 26/03, hứa hẹn tiếp tục mang đến nhiều thông tin hữu ích cho các bạn.

Nguồn: NMC, Đoàn trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi

Tác giả: Thuỳ Linh, Thanh Hoa