Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành Công văn số 4606/BGDĐT-GDĐH về việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm (gọi chung là cơ sở đào tạo). Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, cơ sở đào tạo cần hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển; bảo đảm phù hợp với Chương trình GDPT 2018, đồng thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong trường phổ thông.
Nhiều cơ sở giáo dục đại học bắt đầu tính đến những thay đổi trong tuyển sinh khi có lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp theo chương trình này.
Điều chỉnh phương án tuyển sinh
Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, mùa tuyển sinh đại học 2025, nhà trường vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Với phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến giảm chỉ tiêu từ 50% xuống còn 40%; chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy sẽ tăng nhẹ.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) công bố phương hướng tuyển sinh đại học chính quy năm 2025. Theo đó, nhà trường vẫn giữ 3 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng; xét tuyển kết hợp và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Riêng với phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025, dự kiến, chỉ tiêu cho phương thức này chiếm 15% tổng chỉ tiêu và theo mã tuyển sinh. Điểm trúng tuyển theo mã tuyển sinh; không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển, không có tiêu chí phụ.
GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, nhà trường dự kiến không sử dụng các tổ hợp xét tuyển: B00 (Toán - Hóa học - Sinh học), C03 (Ngữ Văn - Toán - Lịch sử), C04 (Ngữ văn - Toán - Địa lý), D09 (Toán - Tiếng Anh - Lịch sử), D10 (Toán - Tiếng Anh - Địa lý). Thay vào đó, trường sẽ áp dụng 4 tổ hợp gồm: A00 (Toán - Vật lý - Hóa học), A01 (Toán - Vật lý - Tiếng Anh), D01 (Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh), D07 (Toán - Hóa học - Tiếng Anh).
Bên cạnh đó, nhiều trường sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá riêng để sử dụng kết quả tuyển sinh. Như Học viện Kỹ thuật Quân sự dự kiến phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội để tổ chức kỳ thi riêng theo phương thức tương tự như kỳ thi đánh giá năng lực mà Đại học Quốc gia Hà Nội đang làm. Bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào các trường quân đội gồm nội dung: Toán, Ngữ văn, Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức kỳ thi riêng và sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy năm 2025 cùng với các phương thức xét tuyển khác như: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học bạ.
Tương tự, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ tăng dần chỉ tiêu xét tuyển dành cho điểm thi đánh giá năng lực do trường tổ chức qua các năm. Như vậy, việc giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức khác, trong đó có xét điểm thi tốt nghiệp THPT là điều sẽ diễn ra theo lộ trình.
Trường Đại học Thương mại cũng dự kiến giảm chỉ tiêu đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT để tăng chỉ tiêu cho các phương thức như xét kết quả đánh giá tư duy, đánh giá năng lực.
Hiện trường chưa công bố tỷ lệ giảm. Tuy nhiên, đại diện nhà trường cho biết mức giảm sẽ vừa phải nhằm đảm bảo sự công bằng và chất lượng tuyển sinh.
Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT thay đổi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thí sinh sẽ thi 4 môn, gồm 2 môn văn, toán bắt buộc và 2 môn tự chọn trong số các môn: hóa học, vật lý, sinh học, địa lý, lịch sử, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ và ngoại ngữ.
Sự thay đổi về số môn thi dẫn tới việc tổ hợp môn thi xét tuyển đại học thay đổi theo. Các trường sẽ phải tính toán lại để cân đối các tổ hợp xét tuyển sao cho đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh.
Theo nhận định của các giáo viên bậc THPT, tỷ lệ học sinh lựa chọn các môn học thuộc tổ hợp tự nhiên truyền thống như toán - lý - hóa, toán - hóa - sinh thấp hơn so với học sinh lựa chọn các môn học xã hội hoặc tổ hợp khối D00 (toán - văn - Anh) và A01 (toán - lý - Anh). Điều nay dẫn đến hạn chế về nguồn tuyển đối với các trường đào tạo khoa học kỹ thuật. Đây là 1 trong những lý do khiến các trường tính toán giảm tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nhằm đảm bảo nguồn thí sinh đầu vào.
Chủ động bắt nhịp
Đầu tháng 8/2024, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội công bố đề thi tham khảo bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT (HSA). GS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm cho hay, đề tham khảo được thiết kế phục vụ đối tượng dự thi là học sinh theo học Chương trình GDPT 2018 tham dự các đợt thi tổ chức từ năm 2025.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, mùa tuyển sinh đại học 2025, Kỳ thi đánh giá năng lực (HAS) có nhiều điểm mới, cấu trúc đề thi tham khảo gồm 50 câu hỏi Toán học và xử lý số liệu, 50 câu hỏi thuộc lĩnh vực Văn học - Ngôn ngữ.
Ngoài ra, bài thi HAS năm 2025 cho phép thí sinh lựa chọn Khoa học hoặc tiếng Anh. Thời gian làm bài cho bài thi thứ ba là 60 phút. Thí sinh chọn 3 trong 5 chủ đề Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Mỗi chủ đề có 17 câu hỏi, gồm 1 câu thử nghiệm để hoàn thành phần thi khoa học. Phần lựa chọn tiếng Anh gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm khách quan được thiết kế để phục vụ tuyển sinh các ngành đào tạo ngoại ngữ.
Lãnh đạo Trung tâm Khảo thí (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, đề thi HSA có khoảng trên 75% là câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn. Điểm mới trong cấu trúc đề thi đánh giá năng lực năm 2025 sẽ bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả phần thi, chủ đề thi. Câu hỏi chùm gồm đầu bài chung và các câu hỏi riêng phát triển đánh giá năng lực thí sinh từ cấp độ thấp đến cao. Câu hỏi chùm sẽ khai thác nguồn dữ kiện phong phú, đánh giá tư duy học sinh theo từng lĩnh vực và xuyên lĩnh vực.
Đề thi tham khảo cung cấp dạng thức câu hỏi, cấu trúc bài thi để học sinh xây dựng kế hoạch học tập phù hợp yêu cầu của kỳ thi. Điểm bài thi được tính dựa trên tổng số câu trả lời đúng, các câu trả lời sai không bị trừ điểm.
Trong bài thi chính thức, điểm đạt được trên máy sẽ hiện ra sau khi thí sinh kết thúc phần thi. Đa phần trường đại học sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực nhận hồ sơ theo tổng số điểm bài thi. Tuy nhiên, một số trường có thể có thêm các yêu cầu về chủ đề lựa chọn ở phần thi Khoa học (phần 3).
Đặc biệt từ năm 2025, bên cạnh phần thi Khoa học, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội có thêm phần thi tiếng Anh. Phần thi này được thiết kế để đánh giá năng lực ngoại ngữ phục vụ tuyển sinh các ngành đào tạo liên quan.
Hiện, các phương thức tuyển sinh của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội khá đa dạng. TS Thân Thanh Sơn - Trưởng phòng Đào tạo nhận định, phương thức sử dụng học bạ THPT tương đối phù hợp xu hướng Chương trình GDPT 2018 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có 2 nhóm ngành là khối công nghệ, kỹ thuật; khối kinh tế, xã hội và nhân văn. Theo phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các ngành có sử dụng tổ hợp A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh) để xét tuyển, nhà trường sẽ nghiên cứu thêm.
“Với cách thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, chúng tôi sẽ khảo sát số lượng học sinh đăng ký theo tổ hợp A01 có đủ lớn hay không, bởi khi Vật lý và Tiếng Anh trở thành môn tự chọn, có thể số lượng học sinh đăng ký thi cả 2 môn này không nhiều. Khi đó, có thể sẽ bổ sung bằng việc kết hợp điểm thi với kết quả học tập ở THPT để giữ được tổ hợp này”, TS Thân Thanh Sơn trao đổi và cho biết, nhà trường tiếp tục nghiên cứu và công bố sớm để học sinh có định hướng tốt nhất ngay từ đầu lớp 12.
Những đề xuất
Để phụ huynh và các học sinh đầu tiên tham gia học chương trình mới an tâm học tập, rèn luyện, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT cùng đề tham khảo dựa trên cấu trúc và định dạng đề thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD&ĐT ban hành vào cuối năm 2023.
Ngoài ra, quy chế tuyển sinh đại học cần được quan tâm, trong đó lưu ý những trường hợp học sinh thay đổi môn học lựa chọn để đảm bảo công bằng trong tuyển sinh (nhất là tuyển sinh bằng phương thức xét điểm học bạ) cho mọi thí sinh.
Việc đưa môn Tin học và Công nghệ vào nhóm các môn học để học sinh lựa chọn, đăng ký thi tốt nghiệp THPT là bước chuyển quan trọng nhằm tạo nguồn cho các lĩnh vực đang khát nhân lực như: Khoa học cơ bản, kỹ thuật công nghệ, công nghệ thông tin – IOT – AI, ngành bán dẫn,… Tuy nhiên, cần có chính sách đồng bộ và đủ mạnh đi kèm để giải quyết dứt điểm bài toán thiếu nhân lực của một số ngành, lĩnh vực cần thiết cho sự phát triển bền vững của đất nước.
(Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Tác giả: Lan Anh tổng hợp