Tiếp nối thành công ngoài mong đợi của hai buổi workshop trước, vào 20h thứ 7 ngày 26/03/2022, buổi tọa đàm chủ đề "Ngã rẽ - Du học hay trường quốc tế?" đã diễn ra tốt đẹp với sự hưởng ứng tích cực của cả các bạn học sinh cũng như các bậc phụ huynh. Buổi workshop đã khép lại chuỗi tọa đàm “TRAIL - BLAZING” chào mừng ngày Thành lập Đoàn 26/3 (Mở đường dẫn lối) do Đoàn trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi kết hợp với Thành đoàn Hải Dương tổ chức , góp phần giải đáp tất cả thắc mắc của bạn học sinh về việc lựa chọn du học hay chọn trường quốc tế, từ đó giúp các bạn đưa ra được lựa chọn đúng đắn về môi trường học tập mình mong muốn trong tương lai. 

Tọa đàm: "Ngã rẽ - Du học hay trường quốc tế?"

Đồng hành với các bạn học sinh trong buổi tọa đàm này là 6 vị diễn giả - những cựu học sinh ưu tú trường THPT Năng khiếu Hải Hưng, nay là trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi với nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề liên quan đến du học và trường quốc tế, cụ thể: 

- Cô Lê Thị Thanh Thuỷ - Giám đốc Công ty Phát triển Giáo dục Chìa Khoá Vàng (Golden Key Education)

Cô Lê Thị Thanh Thuỷ

- Bạn Phạm Vĩnh Tiến - Sinh viên ngành Quan hệ công chúng, trường Đại học Mount Saint Vincent, Canada

Bạn Phạm Vĩnh Tiến

- Bạn Nguyễn Thuỷ Tiên - Social Media Manager - quản lý truyền thông mạng xã hội tại Pointdot - Agency Truyền thông

Bạn Nguyễn Thuỷ Tiên

 - Bạn Phạm Thu Hiền - Sinh viên Đại học VinUni

Bạn Phạm Thu Hiền

- Bạn Nguyễn Thị Ngọc Hà - Sinh viên Đại học Fulbright Việt Nam

Bạn Nguyễn Thị Ngọc Hà

- Bạn Nguyễn Hồng Oanh - Sinh viên ngành Kinh doanh (Quản lý Chuỗi cung ứng & Logistics), Đại học RMIT Việt Nam

Nguyễn Hồng Oanh

Chương trình còn được dẫn dắt bởi Lưu Thu Hoài - cựu học sinh chuyên Văn khóa 18-21, hiện đang là sinh viên Học viện Ngoại Giao, người có nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động ngoại khoá.

MC Lưu Thu Hoài

Buổi tọa đàm diễn ra với 2 nội dung chính: “Du học” và “Trường quốc tế”, với mỗi phần gồm 2 mục là: “Chia sẻ” - các diễn giả sẽ nói về trải nghiệm của bản thân cũng như đưa ra những kinh nghiệm và lời khuyên bổ ích về các vấn đề liên quan tới du học và trường quốc tế, đồng thời trả lời những  câu hỏi mà được các bạn học sinh đặt ra trong form đăng ký tham dự toạ đàm; và  “Q&A” - các thính giả có thể đặt câu hỏi và tương tác trực tiếp với các diễn giả. 

Nội dung chính của buổi workshop
Timeline của tọa đàm

 Du học - Cất bước để chạm tới đam mê

Mở đầu chương trình là phần “Du học”, MC Thu Hoài đã đưa ra câu hỏi “Có bao nhiêu bạn ở đây muốn đi du học và đất nước bạn muốn đến là gì?” Các bạn học sinh tích cực bày tỏ quan điểm ở phần chat, có bạn thì muốn đến Úc, có bạn thì mong muốn tớ được Mỹ, có bạn thì có nguyện vọng du học Bỉ, Nhật Bản,...

Các bạn học sinh đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau về nguyện vọng du học

Qua đây có thể thấy, có rất nhiều bạn học sinh có dự định đi du học ở nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các bạn đều không thực sự biết để đến học tập và sinh sống ở một quốc gia khác thì cần chuẩn bị những gì, nên bắt đầu từ đâu, chọn trường, chọn ngành như thế nào hay bao giờ là thời điểm “vàng” để bắt đầu chuẩn bị hồ sơ. Mọi vấn đề ấy đều được giải đáp qua phần chia sẻ của cô Lê Thị Thanh Thuỷ - Giám đốc Công ty Phát triển Giáo dục Chìa Khoá Vàng (Golden Key Education) - người có 20 năm kinh nghiệm trong tư vấn du học. Cô Thuỷ chia sẻ rằng, là một người đã từng tìm hiểu về du học, và hiện nay cũng là một phụ huynh có con chuẩn bị đi du học, cùng với kinh nghiệm lâu năm, cô tự tin có thể giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn, tổng quát hơn về việc đi du học cũng như có một sự chuẩn bị tốt hơn trong tương lai.

Cô Lê Thị Thanh Thuỷ với 20 năm kinh nghiệm tư vấn du học

Những thắc mắc thường thấy của các bạn học sinh chuẩn bị đi du học

Cô Thuỷ khẳng định: “Để đi du học, ngoại ngữ chính là chìa khóa quan trọng nhất. Bên cạnh đó, điểm trung bình môn trong nước và hoạt động ngoại khoá cũng đóng vai trò vô cùng lớn, nên chúng ta cần phải để tâm tới.” Giải đáp thắc mắc về vấn đề tài chính khi đi du học, cô cũng cho rằng phải xác định điều kiện gia đình mình có thực sự phù hợp với đất nước mình muốn tới học hay không trước khi quyết định. “Khi sang bên đấy, các bạn có thể làm thêm để tích luỹ kinh nghiệm và giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình, nhưng không phải kiếm tiền bằng mọi giá và mọi công việc mà cần có sự chọn lọc hợp lý”.

Tiếp theo đó, bạn Phạm Vĩnh Tiến, cựu học sinh lớp A1 khoá 17 - 20 của trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, hiện đang là du học sinh ở Canada, đã chia sẻ về câu chuyện ở đất nước mà mình đang sinh sống và học tập cũng như những điểm đặc biệt về ngành học mà của anh.  

Bạn Vĩnh Tiến cùng câu chuyện xoay quanh cuộc sống của du học sinh Canada

Bạn chia sẻ: “Nhiều năm gần đây, Canada đã nổi lên là một đất nước lý tưởng cho du học sinh vì có nhiều thuận lợi. Nhưng sau khi sang đây, mình mới nhận ra có rất nhiều vấn đề xoay quanh việc du học Canada”. Bạn cũng cho rằng Canada thực sự bị “màu hồng hoá” và chúng ta cần có cái nhìn thực tế hơn về đất nước này trước khi lựa chọn đến đây du học để không bị “sốc”

Du học Canada không hề “hoàn hảo” như tưởng tượng của nhiều bạn học sinh
Chia sẻ của Tiến về ngành Quan hệ công chúng mà anh đang theo học

Tiến cũng khẳng định rằng Canada là một đất nước lớn với nhiều điều thú vị xung quanh, mặc dù sẽ có vài khó khăn nhưng việc đi du học Canada là “đáng”, nếu các bạn có cơ hội thì hãy tự tin nắm lấy. 

Những điều khiến Canada trở thành một nơi đáng để đến học tập

Sau phần chia sẻ của Vĩnh Tiến, bạn Nguyễn Thuỷ Tiên, cựu học sinh khoá chuyên Anh 15 - 18, một du học sinh ngành Quan hệ công chúng ở Úc và đã tốt nghiệp đại học năm 20 tuổi, sẽ có những tâm sự để chúng ta có cái nhìn rõ hơn về bức tranh du học. 

Nguyễn Thuỷ Tiên - du học sinh bên Úc

Thuỷ Tiên chia sẻ: “Hồi trước bố mẹ không ủng hộ chuyện mình đi du học bởi họ nghĩ việc đó không cần thiết, mình cũng có thể học những kiến thức tương tự ở Việt Nam. Nhưng vì mình rất muốn sống tự lập và trải nghiệm văn hoá, mình đã thuyết phục bố mẹ và chứng tỏ với họ rằng mình đủ trưởng thành để đưa ra quyết định riêng của mình”. Tiên cũng nói thêm lý do bạn chọn nước Úc là bởi đây là một quốc gia cực kì đa văn hoá, một nơi lý tưởng cho mong muốn của bản thân. 

Những lý do Thuỷ Tiên chọn du học Úc
 Thuỷ Tiên chia sẻ về trường đại học của mình
Những công việc Thuỷ Tiên từng lại khi đến Úc

Tiên cũng tâm sự rằng khi du học Úc, bản thân bạn đã học được nhiều điều mới mẻ: “Mình đã phải tự lập từ khi mình đi du học tức là năm 17 tuổi nên tất nhiên mình phải bao quát mọi thứ, từ việc chi tiêu thế nào cho hợp lý, lo các khoản tiền điện tiền nước, rồi tới cả việc tự nấu ăn cho bản thân, dù ở nhà mình từng rất lười vào bếp”. 

Những điều Thuỷ Tiên học được sau thời gian du học ở xứ sở chuột túi

Khép lại phần “Du học” chính là mục “Q&A”, giải đáp các thắc mắc của thính giả tham gia toạ đàm. Với câu hỏi “Nên chuẩn bị để du học từ bao giờ?”, bạn Lưu Thu Hoài - MC của chương trình ngày hôm nay, đồng thời cũng là người có kinh nghiệm làm việc với lãnh đạo cấp cao của Crimson Education - tổ chức tư vấn du học hàng đầu, đã chia sẻ: “Theo những gì mình tìm hiểu và quan sát được thì nếu có thể, các bạn nên chuẩn bị từ năm lớp 10, hoặc là 2 năm trước khi bạn đi du học, bởi vì đây là thời điểm “vàng” để các bạn có đủ thời gian đạt chứng chỉ ngoại ngữ, tham gia hoạt động ngoại khoá, tìm hiểu về đất nước, ngôi trường và ngành mà các bạn dự tính theo học”.

Hoài trả lời thắc mắc của các bạn học sinh

Giải đáp thắc mắc của một bạn học sinh về việc học trong bao lâu thì đạt được IELTS 8.0, Thuỷ Tiên nói rằng: “Bởi vì mình là một cựu học sinh chuyên Anh nên mình phải nhấn mạnh là kiến thức nền của mình rất vững rồi, vậy nên mình chỉ mất 3 tháng ôn thi IELTS. Nhưng theo mình thì trước khi ôn thi IELTS, các bạn nên nắm vững kiến thức cơ bản ở trên lớp, như vậy là đã đủ để đạt được 6.0 rồi.”

Thuỷ Tiên chia sẻ về cách học IELTS

Một bạn thính giả khác có dành câu hỏi cho Vĩnh Tiến rằng: “Liệu sang Canada có sợ phân biệt chủng tộc không?” Bạn Tiến cho rằng: “Về vấn đề phân biệt chủng tộc ở Canada thì mình phải nói là có, nhưng nó sẽ nhẹ hơn Mỹ hay một vài quốc gia khác nhiều vì người dân ở đây ít có quan điểm chính trị hay tư duy bảo thủ. Một điều nữa chính là ở Canada đặc biệt ở chỗ người da trắng bản xứ còn ít hơn dân nhập cư, vậy nên vấn đề phân biệt chủng tộc ở đây cũng không quá nổi trội, vậy nên các bạn đừng lo lắng quá”.

Bạn Tiến chia sẻ về vấn đề phân biệt chủng tộc ở Canada

Trường quốc tế - Con đường thành công nơi nước nhà

Sau phần chia sẻ của các diễn giả về con đường Du học, buổi tọa đàm tiếp tục giải đáp những thắc mắc của các bạn học sinh về việc chọn  trường Quốc tế ở Việt Nam. Bày tỏ suy nghĩ của mình, MC Thu Hoài cho rằng: “Trường Quốc tế hiện nay là một lựa chọn không tồi khi tình hình dịch bệnh đang diễn ra khá căng thẳng và ở Việt Nam cũng có rất nhiều ngôi trường Quốc tế chất lượng như RMIT, Vin Uni, BUV,...”.

Để hiểu rõ hơn về những trải nghiệm, điều kiện thuận lợi khi học trường Quốc tế, ta sẽ đến với phần chia sẻ của Phạm Thu Hiền học sinh Chuyên Tin khóa 2017-2020, hiện theo học tại Vin Uni ngành Quản trị kinh doanh với hỗ trợ tài chính lên đến 80%. 

Phạm Thu Hiền sinh viên năm 2 trường Vin Uni

Hiểu được mong muốn tìm kiếm các nguồn thông tin, kiến thức về Nhà trường, ngành học của các bạn học sinh, Thu Hiền đã đưa hình ảnh của hai chiếc mã QR về trang web chính thức của Vin Uni cho các bạn tham khảo. Vì lượng thông trên các trang truyền thông của trường đã khá đầy đủ nên diễn giả Thu Hiền mong muốn được chia sẻ về những trải nghiệm của bản thân khi đang là sinh viên năm 2 của Vin Uni.

Những điều kiện đặc biệt khi học tại VINUNI

Bạn Phạm Thu Hiền thích thú khi kể về câu chuyện của mình: “Khi lên Đại học mình rất bất ngờ với sự năng nổ, sôi nổi của các bạn sinh viên khi tham gia các chương trình Ngoại khóa của trường khi VINUNI có đến hơn 20 câu lạc bộ. Ai cũng cố gắng hết sức để theo kịp với tiến độ học tập trên lớp và các hoạt động Ngoại khóa. Ngoài ra, điều mình thích ở ngôi trường này chính là chương trình vừa học vừa làm. Các bạn sinh viên sẽ được nhà trường, thầy cô hỗ trợ nhiệt tình nếu có ý định, kế hoạch khởi nghiệp. Ngoài ra, trường cũng tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội việc làm ngay trong trường khi mở các văn phòng như phòng Marketing và Tuyển sinh, phòng Tài chính - Kế toán, phòng Thư viện… Mình đã từng theo học 3 mùa tại phòng Thư viện và Marketing và hiện tại mình đang là trợ lý dự án của cô cựu Viện phó. Xuyên suốt quá trình vừa làm như thế các bạn sẽ được tiếp xúc, gặp gỡ rất nhiều con người “xịn sò” và tiếp thu rất nhiều kiến thức thực tế bổ ích”.

Nói về những trải nghiệm đắt giá mà VINUNI đã mang tới, bạn Thu Hiền chia sẻ: “Khi được tham gia các hoạt động tại trường, mình thấy chúng rất thú vị và bổ ích. Tiêu biểu như chương trình “Mentorship”, “FIELD TRIP”, “5 IN 5” được tổ chức hằng năm với những anh chị có kinh nghiệm, các công ty lớn trong các ngành nghề khác nhau đến để kết nối với sinh viên như trao đổi kiến thức ngành, sửa CV, giới thiệu cho sinh viên việc làm, vị trí thực tập ở các khách sạn, tập đoàn lớn. Đương nhiên, để được thực tập tại các tập đoàn nổi tiếng thì các bạn sẽ phải cạnh tranh rất nhiều, rất gắt gao tuy nhiên quá trình này sẽ mang lại cho bạn rất nhiều kiến thức và niềm vui, sự tự hào. Điều đặc biệt mà mình thấy ở VINUNI, là chúng mình được trở thành Nghiên cứu sinh với các thầy cô từ rất sớm trong khi sinh viên của các trường khác thường phải đến năm 3, năm 4 hoặc khi ra trường mới có cơ hội”.

Một điều kiện thuận lợi cho các sinh viên VINUNI phát triển đó là sự kết nối giữa giảng viên với sinh viên. Theo Hiền, đây là một điều rất ấn tượng trong môi trường học tập, khi mà sinh viên luôn nhận được sự hỗ trợ hết sức nhiệt tình của thầy cô. Ngoài ra Hiền còn chia sẻ: “Mỗi khi gặp thầy Hiệu trưởng và cô Chủ tịch ở trường, thầy cô luôn quan tâm, hỏi han về tình hình học tập của sinh viên hay hỏi mình có khó khăn nào trong việc học hay không. Đây là điều mà mình thấy rất ấn tượng ở thầy cô trường mình”.

Ngoài những quyền lợi đặc quyền mà chỉ sinh viên VINUNI mới có thì cũng có những khó khăn khi bạn trở thành sinh viên của trường.

Những cái thiệt của sinh viên VINUNI

Thu Hiền bày tỏ về những khó khăn của mình: “Trường mình học theo hệ Mỹ, tức là chúng ta có 4 năm học với lượng kiến thức khổng lồ và yêu cầu cao mình đã rất khó để bắt nhịp và cân bằng thời gian trong suốt học kì 1 năm nhất. Gần như mình không có thời gian dành cho bản thân nếu muốn giữ vững kết quả học tập. Hơn nữa tính cạnh tranh trong trường cũng rất cao, một vấn đề mà hầu hết các sinh viên gặp phải là áp lực đồng trang lứa khi mọi người đều rất giỏi và rất cố gắng. Thế nhưng VINUNI đã mang đến cho mình những trải nghiệm tuyệt vời nên nếu được chọn lại, mình vẫn sẽ chọn VIUNI”.

Sau phần giải đáp những thắc mắc về ngôi trường VINUNI của diễn giả Phạm Thu Hiền, bạn Nguyễn Hồng Oanh cựu học sinh Chuyên Anh khóa 2016-2019 sẽ có đôi lời tâm sự về ngôi trường RMIT, ngôi trường hết sức nổi tiếng ở miền Nam.

Bạn Nguyễn Hồng Oanh cựu sinh viên chuyên ngành quản lý chuỗi cung ứng và logistics trường Đại học RMIT

Lý giải vấn đề tại sao lại chọn RMIT, Hồng Oanh cho biết: “Nhà trường cực kì đầu tư, chú trọng cho sự phát triển, học tập của sinh viên từ vật chất đến cơ sở hạ tầng như là các văn phòng thiết bị, thư viện với nguồn tài liệu chuẩn và phong phú. Ngoài ra, RMIT giúp mình có thể ở gần bố mẹ, hiểu rõ hơn về thị trường Việt Nam, phù hợp với định hướng tương lai của mình. Cuối cùng, RMIT có cả những dịch vụ, đãi ngộ cho cả cựu sinh viên như vận chuyển sách từ thư viện đến tận nhà, dịch vụ cung cấp CV, công việc… Nó khiến mình cảm thấy số tiền mình bỏ ra trong ba năm học ở trường là rất xứng đáng”.

 

Lý Do Hồng Oanh chọn RMIT

Nói thêm về việc này, Hồng Oanh bày tỏ: “Theo mình thấy, các trường Quốc tế đi học trên lớp khá ít khi mỗi kì chỉ có 3 tháng với 3 môn học và 1 tuần sinh viên RMIT chỉ cần lên lớp khoảng 9 tiếng. Thời gian năm đầu các bạn sẽ phải học các môn cơ sở, bổ trợ trước sau đó vào năm 2,3 mới được học các môn chuyên ngành. Để biết thêm về bố cục giáo trình ở từng ngành các bạn có thể lên trang web của RMIT để tham khảo”.

Chuyện đi học của bạn Nguyễn Hồng Oanh
Mã QR và đường link các trang web chính thức của RMIT do bạn Hồng Oanh cung cấp

Ngoài ra, chuyện đi làm và đi chơi của diễn giả Hồng Oanh ở trường cũng được bạn nhắc tới: “RMIT cung cấp việc làm cho sinh viên với mức lương theo mình là khá hậu hĩnh. Mình đã từng làm công việc gia sư tại trường. Ngoài việc học, thì trường mình cũng khá chú trọng đến các hoạt động ngoại khóa, tổ chức các trò chơi cùng những phần quà rất thú vị, đặc biệt. Mình đã từng giành chiến thắng cuộc thi làm thiệp giáng sinh “DIY Christmas cards” và nhận được chú gấu RMIT rất xinh”.

Câu chuyện về cách sinh hoạt ở RMIT

Sau 3 năm học tại RMIT Hồng Oanh đã rút ra được một số kinh nghiệm quý báu: “Các bạn hãy tận dụng tốt giảng viên, họ sẽ không chỉ giúp chúng ta về kiến thức trên trường mà còn có giúp chúng ta tìm được công việc phù hợp sau khi ra trường. Đồng thời, vì 3 năm Đại học trôi qua rất nhanh nên hãy làm theo lời khuyên của Nhà trường ngay từ năm nhất để tích những kinh nghiệm từ sớm. Cuối cùng lời khuyên mình đưa ra là các bạn hãy cân bằng quỹ thời gian để vừa học, vừa chơi, vừa đi làm”.

Một số tips nhỏ mà Hồng Oanh chia sẻ

Tiếp nối phần chia sẻ về trường RMIT sẽ là phần tâm sự của diễn giả Nguyễn Thị Ngọc Hà về ngôi trường khai phóng đầu tiên tại Việt Nam - Fulbright.

Bạn Nguyễn Thị Ngọc Hà cựu học sinh khóa chuyên Anh 18-21, hiện là sinh viên năm nhất Đại học Fulbright

Chia sẻ về cơ duyên và lý do chọn Fulbright Hà nói: “Thực chất Fulbright không hẳn là một ngôi trường Quốc tế mà nó là trường tư thục phi lợi nhuận với chương trình giảng dạy khai phóng, một mô hình dạy học phổ biến tại Mỹ. Mình chọn Fulbright vì trường có thể lắng nghe những nguyện vọng của mình, không chú trọng quá nhiều vào từng yếu tố mà đánh giá học sinh một cách toàn diện ở mọi kĩ năng, xem định hướng về giá trị sống mà sinh viên theo đuổi có phù hợp với tiêu chí của trường hay không. Mình cho rằng Fulbright với mình chính là cơ hội “đúng người đúng thời điểm”.

Tại sao Ngọc Hà lại chọn Fulbright

Sau 1 kỳ học tại Fulbright, Hà đã có được những cảm nhận đầu tiên rằng: “Vì là môi trường giáo dục khai phóng nên việc học tập rất thoải mái. Nhà trường chú trọng nhiều hơn đến các công việc, việc làm thực tiễn nên Fulbright đã cung cấp cho sinh viên rất nhiều cơ hội việc làm ngay khi mới vào trường. Điều đặc biệt ở Fulbright mà các trường Đại học khác ít có được đó chính là cho sinh viên một cuộc sống nội trú, nơi mà các bạn coi nhau là gia đình thứ hai và học hỏi nhiều điều từ mọi người và giúp mình trưởng thành hơn rất nhiều. Nói thêm về đời sống xã hội của mình thì mình thấy khá buồn khi phải xa gia đình và đến một nơi xa lạ nhưng bù lại thì Hồ Chí Minh là một phố nhiệt huyết và sôi động cực kì thích hợp với tuổi trẻ của chúng mình”.

Câu chuyện học tập xa nhà của Ngọc Hà

Kết thúc buổi workshop bạn Hà còn đưa ra là lời khuyên rằng: “Trước hết để xác định muốn học tại môi trường nào dù là Quốc tế hay Du học chúng ta cũng cần phải lắng nghe bản mình, xem mình cần gì và muốn gì. Khi mình hiểu bản thân thì môi trường học tập nào cũng sẽ cho ta nhiều thứ ý nghĩa”.

Lời khuyên Diễn giả Ngọc Hà dành cho các bạn học sinh

Khép lại phần “Chọn trường Quốc tế” sẽ là mục “Q&A” giải đáp các khúc mắc của thính giả. Với câu hỏi: “Mức học phí ở RMIT là bao nhiêu?” Diễn giả Hồng Oanh cho biết một năm mức học phí trung bình khoảng 300 triệu nhưng bù lại RMIT có rất nhiều chương trình apply học bổng và mọi người có thể trang web trường để tham khảo thêm. Một lưu ý là nếu các bạn muốn apply học bổng 100% thì nên chuẩn bị từ sớm. Có bạn hỏi Hồng Oanh rằng mức lương khi mới ra trường của sinh viên RMIT là bao nhiêu. Bạn đã trả lời: “Sẽ không nhiều nhưng cơ hội thăng tiến rất nhiều và rất nhanh”.

Q&A cùng bạn Hồng Oanh về ngành Logistics

Buổi workshop cuối cùng đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự theo dõi và ủng hộ nhiệt liệt của các thính giả. Đoàn trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi xin được gửi lời cảm ơn đến các diễn giả, ban tổ chức cùng các bậc phụ huynh, giáo viên và học sinh đã tham gia chương trình. Mong rằng với chuỗi tọa đàm “TRAIL - BLAZING” sẽ có thể giúp các bạn học sinh và gia đình có thêm những thông tin hữu ích để chuẩn bị cho con đường tiếp theo mà các bạn lựa chọn.

Nguồn: NMC, Đoàn trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi

Tác giả: Ngọc Minh, Hoàng Lan Anh