Bước ngoặt nào của học sinh, Thầy cô cũng đều chứng kiến, cung bậc cảm xúc nào Thầy cô cũng trải qua, hẳn là Thầy cô sẽ có rất nhiều tâm sự về hành trình dài rộng của đời mình. Hãy cùng trải lòng với nghề cùng cô giáo Nguyễn Thị Thanh Vân – giáo viên dạy môn Vật lí, thầy Phan Trung Kiên – Tổ trưởng tổ Địa lí và thầy giáo Nguyễn Dũng – Tổ trưởng tổ Toán để một lần nữa cộng hưởng thêm niềm tin vào sự học, tình yêu với mái trường và tương lai bền vững của chuyên Nguyễn Trãi.
Trong nhiều cuốn sách hay viết về chân dung những người Thầy, bút ký “Cõi học và người thầy” của Giáo sư Hà Minh Đức là một cuốn sách quý bởi đó là một "cuốn sách của một người Thầy viết về những người Thầy”, bằng những trang hồi ký ăm ắp kỷ niệm, suy tư về nghề, về đạo nghĩa Thầy – Trò… Điều đặc biệt là tác giả của tập bút ký - GS, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức viết về những mảng kí ức với những người một thời dạy dỗ, dìu dắt mình khi ông đã 85 tuổi. Nhân đọc cuốn bút ký trên, xin trở lại câu chuyện về những người Thầy của chúng tôi, cùng bàn về mối lương duyên trong “cõi học trang nghiêm và thăm thẳm, cao quý mà bình dị” cùng những ân tình sâu nặng ở một “miền phấn trắng” mang tên chuyên Nguyễn Trãi.
Trên “cánh đồng gieo chữ” đã đi qua 37 mùa gặt ấy, có nhiều thế hệ “người gieo hạt” nối tiếp nhau, từ thế hệ những Thầy cô đã mở đầu cho sự nghiệp dạy học của trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (trước kia là trường Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng) – những cây cổ thụ cành lá xum xuê trong vườn cổ tích chuyên Nguyễn Trãi, đến thế hệ “sao sáng” là các Thầy cô đã nhiều năm công tác trong nghề với bề dày thành tích rực rỡ cho đến thế hệ các Thầy cô giáo trẻ, năng động, tài hoa đang viết tiếp giấc mơ cho khu vườn cổ tích thời hiện đại. Dù là thế hệ nào, Thầy cô cũng đã và đang cống hiến cả bầu nhiệt huyết rực cháy, đặt trọn tâm huyết, trí tuệ vào sự nghiệp trồng người để bao ước mơ của học trò được cất cánh.
Từ miền phấn trắng năm xưa, nhiều học trò chuyên Nguyễn Trãi đã cất cánh bay xa “đến với thế giới muôn sắc muôn màu”. Nếu ví học trò là những chiếc tên lửa đầy dũng khí thì Thầy cô sẽ là những bệ phóng quan trọng ở phía dưới. Bước ngoặt nào của học sinh, Thầy cô cũng đều chứng kiến, cung bậc cảm xúc nào Thầy cô cũng trải qua, hẳn là Thầy cô sẽ có rất nhiều tâm sự về hành trình dài rộng của đời mình. Hãy cùng trải lòng với nghề cùng cô giáo Nguyễn Thị Thanh Vân – giáo viên dạy môn Vật lí, thầy Phan Trung Kiên – Tổ trưởng tổ Địa lí và thầy giáo Nguyễn Dũng – Tổ trưởng tổ Toán để một lần nữa cộng hưởng thêm niềm tin vào sự học, tình yêu với mái trường và tương lai bền vững của chuyên Nguyễn Trãi.
Sau nhiều năm gắn bó với chuyên Nguyễn Trãi, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Vân – cô giáo dạy Vật lí vừa tạm biệt bục giảng để được hưởng chế độ hưu trí. Cuộc trò chuyện với Cô thật ấm áp và nồng hậu. “Người mẹ như ý” của bao học trò được gọi cô là mẹ Vân đều cảm thấy may mắn, hạnh phúc vì được một “người mẹ thông thái” yêu thương, dìu dắt trong suốt những tháng năm thanh xuân tươi đẹp. Vẫn mãi nụ cười đôn hậu, tươi sáng mà gần gũi ấy, vẫn mãi ánh mắt “biết cười” trong trẻo ấy, Cô đã mang đến hơi thở cuộc sống cho những câu chuyện về nghề giáo, đời giáo.
Em muốn cô chia sẻ một số lí do về hành trình Cô đến với nghề và gắn bó với sự nghiệp trồng người được không ạ?
Cô chọn nghề giáo vì gia đình cô là gia đình nhà giáo nên cô cũng được nuôi dưỡng tình yêu nghề từ rất sớm. Một lí do khác nữa là cô cũng yêu và thích chơi với trẻ con.
Cô hạnh phúc nhất vì điều gì và trăn trở nhất điều gì khi dạy học và thành công trong công tác chủ nhiệm nhiều năm liền tại chuyên Nguyễn Trãi ạ?
Cô hạnh phúc nhất là thấy học sinh tiến bộ, biết tin về những thành đạt của học sinh cũ hoặc nghe tin vui trong cuộc sống của học sinh. Nhận được lời nhắn, cuộc gọi của học sinh ở xa hỏi thăm mà vui mấy ngày. Có những học sinh hơn 20 năm rồi nhưng vẫn đều đặn chúc cô các ngày trong năm. Thật hạnh phúc đúng không em? Nhưng cũng có nhiều trăn trở lắm. Trăn trở là làm sao học sinh hiểu và hợp tác với mình trong công việc giáo dục, thuyết phục được cha mẹ học sinh đồng hành cùng mình, hiểu được công việc cô giáo làm là muốn học sinh đạt kết quả cao nhất trong học tập và rèn luyện.
Học sinh chuyên thông minh, năng động nhưng cũng có sự phân hóa trong trình độ và tính cách, năng lực. Vậy bí kíp của Cô trong việc xây dựng uy tín và tình yêu với hàng ngàn học sinh qua nhiều khóa học là gì ạ?
Đúng là học chuyên có phân hoá thật. Cô không có bí kíp gì đâu mà vào lớp nào cô cũng cố gắng phát hiện thế mạnh của mỗi bạn để phát huy, trao cơ hội cho các bạn ấy được chia sẻ và mở rộng kết nối để học trò được học hỏi lẫn nhau. Cô cũng dành thời gian tổ chức nhiều hoạt động nhóm với nhiều chủ đề thiết thực để tạo không khí vui vẻ trong các giờ học. Uy tín để học sinh nhớ cô Vân có lẽ là nếu học sinh nào mắc lỗi giờ của cô Vân sẽ bị phạt với nhiều hình thức nên ngại đấy. Nhưng cô nghĩ học sinh rất muốn được công bằng, có lỗi phải phê bình, có thành tích được khen thưởng đúng và kịp thời là các bạn ấy hiểu ngay. Cũng may mắn cho cô là nhiều lần tìm được tiếng nói chung của học sinh và các em rất ủng hộ.
Còn với chúng tôi, thế hệ hậu bối tuổi 8X, khi nhắc tới một “mẫu người Thầy” trong tim chắc hẳn không học sinh nào không biết đến thầy Phan Trung Kiên – tổ trưởng tổ Địa lí. Trong khu vườn cổ tích của chuyên Nguyễn Trãi, người thầy mực thước của chúng tôi không phải là một tiên ông dáng người quắc thước, râu tóc bạc phơ với cây phất trần nhiệm màu trên tay bởi ở tuổi “ngũ tuần”có lẻ, Thầy vẫn trẻ trung, lịch lãm. Nhưng ở con người ấy có một thứ “quyền năng” đặc biệt. Đó là tấm lòng bao dung, nhân hậu, nặng tình với trò, ân nghĩa với người như hình ảnh của một tiên ông trong những câu chuyện cổ tươi đẹp. Cơ hội được chuyện nghề, chuyện Trò cùng thầy thật hiếm có vì khi được ngỏ ý phỏng vấn, Thầy đã tâm sự “Thầy chỉ có vài suy nghĩ thật lòng, cũng chưa bao giờ thầy chia sẻ như thế này. Còn nhớ cách đây 10 năm, có một trò làm báo đến thăm thầy, nói chuyện và bí mật ghi âm, thầy mới biết là mình bị phỏng vấn. Sau đó, thầy thấy bài viết về mình trên báo Giáo dục thời đại... Thực ra thầy muốn ẩn mình hơn, và luôn tâm niệm bản thân cần phải không ngừng cố gắng”.
Mỗi người Thầy đều có một vài lí do đặc biệt để chọn nghề. Vậy đối với Thầy, lí do đưa Thầy đến với miền phấn trắng là gì ạ?
- Thực ra dưới thời bọn mình, những cô cậu tuổi mười tám, đôi mươi ở thập kỉ 80 thì chưa định hình được việc chọn nghề mà chủ yếu ảnh hưởng từ truyền thống gia đình, và hoàn cảnh đưa tới,..
- Và cho đến bây giờ sau hơn 30 năm theo nghề dạy học thì mình khẳng định là “nghề đã chọn mình”.
Thầy có thể chia sẻ với thế hệ trẻ chúng em những ấn tượng sâu đậm nhất của Thầy về học trò chuyên Nguyễn Trãi (CNT) nói chung và học trò chuyên khối xã hội nói riêng?
- Với 32 năm theo nghề dạy học thì đã có thời gian gắn bó với CNT là 22 năm. Ấn tượng nhất là năm học đầu tiên nhận công tác về CNT (1999); đã từng dạy học ở nhiều môi trường khác nhau nhưng khi đến với CNT Thầy đã được tiếp xúc với các trò thông minh, say học và ham hiểu biết, đặc biệt được phân công chủ nhiệm lớp chuyên Lí với 34 cô cậu học trò tinh nghịch, thông minh và giàu tình cảm đã giúp Thầy sớm hòa nhập với môi trường công tác mới với nhiều thử thách phía trước.
- Năm 2001, Thầy được Nhà trường tin tưởng giao nhận lớp chuyên đầu tiên (Khóa Sử - Địa 2001 – 2004) và được làm việc nhiều hơn với các Trò khối chuyên xã hội. Điều cảm nhận về các Trò với số đông là Trò nữ rất miệt mài, chăm chỉ đồng hành cùng Thầy để lĩnh hội tri thức.
- Đến giờ thì ấn tượng khó quên nhất là khóa chuyên đầu tiên và cũng là lớp Thầy chủ nhiệm năm cuối cấp (chuyên Sử - Địa khóa 2001 – 2004), với 27 trò (13 Địa + 14 Sử); Thầy vẫn thầm cảm ơn các Trò vì nhờ có sự ham học của Trò đã giúp Thầy yêu nghề hơn và có được những thành quả đầu tiên trong dạy chuyên và PT ĐT (tập thể Sử Địa 01 – 04 đến nay vẫn luôn đoàn kết, gắn bó).
Động lực lớn nhất giúp Thầy yêu môn chuyên và thủy chung với môn chuyên trong suốt hơn 20 năm qua là gì ạ?
- Đó chính là những thành quả sau mỗi chuyến đò, sự trưởng thành của các cô cậu học trò chuyên Địa đã vượt qua những mặc cảm về môn học (lựa chọn môn chuyên chỉ là tình thế) để cùng đồng hành với Thầy chinh phục tri thức và thành công.
Thầy có suy nghĩ gì về nghề " bụi phấn" hiện nay?
Từ tận đáy lòng, nghề dạy học “Bụi phấn dính đầy tay” Thầy vẫn luôn tự hào và trân trọng, bởi nghể mà mình đang gắn bó đã tạo ra những giá trị vô hình không đo đếm được và với sự phát triển của xã hội thì Nghề dạy học sẽ luôn có chỗ đứng và xứng đáng được tôn vinh.
Nhân ngày 20/11, Thầy có gửi gắm thông điệp gì đến thế hệ những thầy cô giáo trẻ đang tiếp nối sự nghiệp tại chuyên Nguyễn Trãi?
Các Thầy Cô giáo trẻ của chuyên Nguyễn Trãi với nguồn năng lượng, nhiệt huyết dồi dào, năng động, sáng tạo và tri thức cao có rất nhiều lợi thế để phát triển so với các thế hệ đi trước. Hãy trân quý những gì đang có, hãy “yêu mình nhiều hơn” luôn bồi đắp và nâng cao giá trị bản thân để tự tin vững bước gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp trồng người.
Với thế hệ nhà giáo trẻ, thầy giáo Nguyễn Dũng - Tổ trưởng tổ Toán là một “ngôi sao sớm”. Thầy đặc biệt vì “ngoài nhược điểm mảnh mai về hình dáng, Thầy không có nhược điểm gì về dạy học”. Đó là cảm nhận của nhiều học trò và đồng nghiệp của thầy. Được trò chuyện với một thầy giáo Toán tài hoa, thông minh, và hài hước nhưng rất đỗi giản dị, gần gũi, tốt bụng là một trải nghiệm đầy ý nghĩa và thú vị.
Thế hệ 8X chọn nghề giáo không phải là sự lựa chọn của đa số học sinh chuyên Toán. Tại sao Thầy lại chọn nghề giáo ?
Thầy nghĩ nghề giáo không quá vất vả như một số ngành nghề khác. Ngay từ thời học cấp 3, Thầy đã thấy mình có những năng lực phù hợp với nghề như năng khiếu thuyết trình, diễn thuyết. Mặt khác thầy giáo chủ nhiệm của Thầy (là thầy Phan Tuấn Cộng – nguyên Hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Trãi) mong muốn trong lớp chuyên Toán hồi ấy của thầy có một người theo nghề sư phạm để nối nghiệp các thầy. Thầy nói:“Thầy thấy Dũng phù hợp, em nên chọn sư phạm”. Đó là những lí do giúp thầy chọn nghề và đến bây giờ thầy cũng nghĩ mình đã chọn đúng nghề mình yêu thích.
Theo thầy, bí kíp để học sinh chuyên Toán yêu Toán và giữ mãi được ngọn lửa đam mê với môn học mà các em đã chọn là gì ạ?
Thầy nghĩ bí kíp nằm ở chỗ thầy cô giúp các em cảm thấy Toán học đáng yêu, Toán học không căng thẳng, không nặng nề. Thầy cô có thể chỉ cho các em cách học đi từ dễ nhất đi lên. Thứ hai là pha chút hài hước, dí dỏm trong giờ học. Và quan trọng hơn cả, Thầy cứ dạy bằng hết tâm huyết của mình, trò sẽ cảm nhận được và các em sẽ nỗ lực tương xứng.
Vậy theo thầy, làm thế nào để thành công với nghề mà mình đã lựa chọn?
Thầy nghĩ đó là một cái duyên. Mỗi thầy cô có một tinh hoa riêng, không ai giống ai. Nhưng thầy luôn tương tác với học trò, tìm hiểu phản hồi hai chiều từ học sinh, cha mẹ học sinh để thầy và trò cùng đi trên một con đường. Từ đó, thành công sẽ đến.
Nếu có thể đúc kết bằng những cụm từ ngắn gọn nhất về những yếu tố quan trọng để tạo nên thành công trong nghề dạy học, thầy có thể tổng kết bằng những cụm từ nào ạ?
Lòng đam mê, luôn đổi mới, luôn sáng tạo, không sợ khó, không sợ khổ, không sợ thất bại, luôn lắng nghe và thấu hiểu học trò.
Vậy tại sao niềm đam mê lại được Thầy nhắc đến đầu tiên và nhấn mạnh nhiều nhất khi nói về điều kiện để thành công trong nghề ạ?
Vì niềm đam mê sẽ là động lực chính thôi thúc chúng ta làm việc hăng say, vượt qua mọi khó khăn và thử thách. Nếu thiếu nó, chúng ta chẳng làm được việc gì đến nơi đến chốn, không thể chinh phục được đỉnh cao của thành công.
"Viên phấn trắng hướng cuộc đời bay bổng
Mực đỏ chấm bài là máu chảy từ tim".
“Miền phấn trắng" là một khoảng trời mênh mông của nghề giáo - một nghề nhọc nhằn nhưng nhân hậu và nặng ân tình. Ở nơi đây, trên những “cánh đồng gieo chữ”, lớp lớp thế hệ nhà giáo đã miệt mài vun xới trong suốt cuộc đời mình những "luống xanh", để có những mùa vàng cho quê hương đất nước. Kính chúc các Nhà giáo nhiều sức khỏe để giữ trọn “trái tim hồng” trong sự nghiệp trồng người cao cả.
Tác giả: Hoàng Thị Mai