Miền nhớ tuổi thanh xuân của mỗi người sẽ có nhiều dư vị khác nhau, nhưng cùng chung sự trong trẻo, hồn nhiên và ngọt như sương sớm. Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, cựu học sinh chuyên Văn niên khóa 1983 – 1989 xúc động khi nhớ về miền kí ức không thể nào quên ấy “dẫu cuộc đời đổi thay, dẫu sóng đời xô dạt, thì đối với những ai đã từng học Năng khiếu Hải Hưng - những năm tháng ấy sẽ mãi mãi khắc tạc vào trong tim những giá trị tinh thần vô giá”.
Đấy là khoảng những năm nửa cuối thập kỷ 80, hồi trường mang tên là Trường Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng, ở phố Nguyễn Văn Tố, nép mình khiêm nhường bên cạnh trường Ngô Gia Tự. Một khoảnh sân nhỏ với cây long não, những dãy nhà cấp 4 cũ kĩ, cái bể nước huyền thoại bên căn bếp nhỏ… Chừng ấy mà ắp đầy kỷ niệm nhớ thương.
Cuốn phim kí ức hiện lên rõ nét dần. Đây là cổng đi vào trường – cực kỳ đơn sơ bởi cổng làm bằng mấy thanh tre ghép lại, giống như bất cứ chiếc cổng nào của một ngôi nhà nơi thôn xóm. Từ chiếc cổng ấy, bọn con trai con gái bốn lớp chuyên của trường đã được đến với một thế giới tri thức vô cùng sống động và thú vị, khác hẳn thế giới bên ngoài xã hội thời bao cấp.
Thế giới ấy mở ra từ bên trong những căn nhà cấp 4 xộc xệch. Nơi ấy có cô hiệu trưởng Bạch Vân, chỉ bằng mấy tiết dạy mà khiến cho bọn chuyên Văn ngỡ ngàng sao môn Vật lý lại dễ dàng đến thế? Nơi ấy có cô Diễm Loan, không thể quên được khi cô giảng bài, chất giọng cô thật ấm và đôi mắt cô luôn sâu thẳm một nỗi buồn. Nơi ấy có thầy Đang thỉnh thoảng đưa cả nhạc Beethoven và tranh Phục hưng vào bài toán Hình, làm cho cả lớp Văn ngẩn ra vì dễ hiểu đến không ngờ! Thầy Tân hiền khô, thầy Mai dễ tính, toàn cho bài dễ để lớp Văn đạt điểm 9, 10 ngon lành! Thầy Hậu thâm trầm ấm áp, thầy Lê Bá Liên trẻ trung mà sâu sắc, tỉ mỉ, làm cho bài văn của từng đứa tròn đầy ý tứ, sắc mượt câu từ. Thầy Đạo dạy Địa, thầy Tấn dạy Sử, vừa hài hước hóm hỉnh, vừa uyên bác thâm sâu khi gửi gắm vào từng bài giảng nỗi đau đáu vấn đề Tổ quốc… Cô Hải dạy tiếng Nga kể bao nhiêu chuyện thú vị về chuyến đi của cô đến Leningrad (bây giờ là Saint Petersburg)… Với học sinh hồi ấy, mỗi thầy cô là cả một chân trời!
Rồi trường được xây thêm tòa nhà hai tầng. Không thể nào quên những chiều thứ Bảy, cả 4 lớp Toán, Lý, Văn, Nga (tức là học sinh toàn trường chưa đến 80) đi lao động. Lớp Toán Lý nhiều con trai, chịu trách nhiệm gánh gạch lành, bê gạch vỡ, dọn mặt bằng. Lớp Văn Nga nhiều con gái, cần mẫn xếp gạch thành từng kiêu ngay ngắn, đúng vị trí, sẵn sàng cho thợ xây bắt tay vào hôm sau. Các thầy dạy xong, xắn quần kéo xe bò chở sắt thép xi măng, mồ hôi như tắm mà nụ cười chỉ việc tươi thôi! Để năm sau, có một lớp được học trong những căn phòng chưa trát vữa. Là lớp mình. Phòng nồng mùi vôi, bốn bức tường được tạo hình bởi gạch đỏ gạch nâu và những khe vữa xám trắng. Cầu thang lên tầng 2 hút gió, mỗi lần bước đi là cố chậm vài nhịp chân để nghe gió thổi, nghe cả tiếng bước chân của bạn đi trước, đi sau, những bước chân có cái đói cuối trưa và có cả cái nặng nề sau lần trả bài thi tháng…
Giữa sân là cây long não, cái cây chứng kiến bao nhiêu giận hờn, bao nhiêu nước mắt và nụ cười của những thế hệ học sinh Năng khiếu Hải Hưng được học ở đây. Từ gốc lên có hai chạc lớn, đấy là chỗ để cho đứa nào nghịch ngợm, thích nổi trội trong ảnh tập thể thì trèo lên đứng vào đấy! Có mỗi cái cây, cứ tổng kết năm học là phải chụp ảnh cùng nó. Đứng vào để hò hét đã, tranh nhau chỗ đã, rồi sau đó là bùi ngùi trong hương thơm long não quyến luyến mãi không thôi. Nhất là buổi chia tay lớp 12! Long não hiền lành rủ bóng. Gốc long não lặng thầm nén lại những dòng nhựa chảy thơm tho theo tay cậu bạn trai lớp Toán Lý khắc tên bạn gái lớp Văn Nga… Tán cây long não dịu dàng, hương cây cũng dịu dàng, len lỏi đi vào, ở lại và làm thành một không gian kỷ niệm đầy màu xanh trong nỗi nhớ…
Cuối năm lớp 12. Lén rủ nhau sang ngôi chùa bên kia đường, thênh thang gió và hoa đại rơi để viết lưu bút. Lớp Văn làm nhiều thơ. Lớp Văn còn có họa sĩ vẽ chân dung bạn mình trên giấy kẻ ngang làm quà tặng. Cả Toán Lý Văn Nga cùng rủ nhau ra công viên chụp ảnh cuối buổi học chiều. Ngày chia tay, vài trái quýt, kẹo ngọt, và sô-đa rót cho nhau tràn cốc! Mở “You're My Heart, You're My Soul” của ModernTalking, dậm bước disco theo nhạc, vừa cười đấy mà khóc được ngay. Vì mai xa rồi…
Và ngày mai ấy, có khóa xa cách 30, 40 năm, tuổi đã theo mùa. Trường xưa không còn nơi cũ. Cây long não thơm tho, bể nước huyền thoại của khu nội trú, dãy nhà cấp 4 vẹo xiêu… Tất cả nằm lại trong miền nhớ.
Miền nhớ tuổi thanh xuân của mỗi người sẽ có nhiều dư vị khác nhau, nhưng cùng chung sự trong trẻo, hồn nhiên và ngọt như sương sớm. Dẫu cuộc đời đổi thay, dẫu sóng đời xô dạt, thì đối với những ai đã từng học Năng khiếu Hải Hưng - những năm tháng ấy sẽ mãi mãi khắc tạc vào trong tim những giá trị tinh thần vô giá. Giống như Ai-ma-top từng viết: “Tuổi trẻ của tôi đã để lại nơi ấy, bên cạnh chúng như một mảnh vỡ của chiếc gương thần xanh”. Mảnh vỡ của chiếc gương thần xanh ấy vừa phản chiếu hào quang trí tuệ được thầy cô ươm mầm thuở ấy, vừa tỏa rạng thứ ánh sáng nhân văn của riêng biệt mỗi người.
Ánh sáng từ trường Năng khiếu Hải Hưng – Chuyên Nguyễn Trãi trong tôi!
Tác giả: Quỳnh Trâm
Cựu học sinh chuyên Văn, niên khóa 1983 - 1989