Chuyên Nguyễn Trãi được như ngày hôm nay là cuộc chạy tiếp sức lao động miệt mài của thế hệ này nối tiếp con đường của thế hệ trước. Cô giáo Nguyễn Thanh Huyền - tổ Ngữ Văn - qua bài viết nhỏ đã gợi nhớ về những tháng năm chuyên Nguyễn Trãi còn nhiều khó khăn, vất vả - “những kí ức về một thời dường như chưa xa, dường như vừa mới đi qua và vẫn còn đâu đó”

 

Mình nhớ...

Những trận cãi nhau nảy lửa ở khu nội trú, mà căn nguyên chỉ vì... "chúng mày không gọi anh Ánh chúng ông bằng anh thì chúng ông cũng không thèm gọi chúng mày bằng chị" (lời các "bạn rai"), hoặc vì... "hôm nọ các cậu thấy tớ bê một chồng nồi xoong đi rửa mà thản nhiên bước qua không thèm đỡ giúp tớ một tay" (lời một "yểu điệu thục nữ")!

Mình nhớ...

Vụ anh Ánh chị Hồng tình yêu tình báo. Khi họ nhấm nháy rủ nhau "đi chơi" thì tụi mình cũng bí mật xuống báo thầy Thanh. Và thế là thầy rón rén đi trước, tụi mình rón rén, nín thở bước sau để... đi rình xem họ có làm gì nhau không còn kịp thời ngăn cản. Kết quả là đứng rình cả buổi chỉ thấy hai anh chị ngồi cạnh nhau (cách nhau chừng vài chục xăng-ti-mét) nói chuyện trăng sao mây gió, đến nắm tay còn không dám nắm nói gì đến chuyện "làm gì". Rồi những vụ lục trộm hòm chị Hồng để lấy "thư tình" của họ ra đọc. Hồi hộp, hí hửng không thể tả. Dù 10 bức thư thì như nhau cả 10, quanh đi quẩn lại chỉ là "anh nhớ em", "em nhớ anh", "anh ứ thèm yêu em nữa", "em ứ thèm yêu anh nữa"... Bây giờ cho bọn trẻ con đọc, chắc chúng nó cười rũ rượi với sự sến sẩm của "thời các cụ".

Mình nhớ...

Những đêm thức trắng học bài, bị bọn bạn gọi là con ma của khu nội trú (hôm qua con mụ bạn cũ lại nhắc với giọng đầy oán trách rằng "nửa đêm chúng tao tỉnh dậy định học bài thấy mày nhìn chúng tao trân trối, chúng tao sợ quá đành đi ngủ, bây giờ mới biết đó là âm mưu thâm độc của mày để chúng tao trượt đại học cho mình mày đỗ", hi hi hi). Những đêm sợ run người khi nghe tiếng mèo gào trên mái nhà nhưng cứ nghĩ đến sự trượt lại cố bịt tai vào mà ngồi học. Những đêm cơn đói, cơn sợ, cơn buồn cùng sầm sập đổ vào lòng mà chẳng có cách nào chống đỡ bởi chỉ có sự cô đơn làm bạn với mình thôi.

Góc sân và khoảng trời chuyên Nguyễn Trãi năm ấy nay không còn...
Góc sân và khoảng trời chuyên Nguyễn Trãi năm ấy...

Mình nhớ...

Chị Hồng, em Tú và ai đó nữa nhặt được một bó hương rơi ngoài đường. Thế là buổi tối mất điện, rình lúc em Hoài đi tắm liền đốt hương, trùm màn tuyn trắng toát trèo lên bể nước, vừa huơ huơ nắm hương, vừa nghiêng ngả người, vừa lầm rầm lầm rầm những tiếng đầy ma mị... Và kết quả là em Hoài đứng trong nhà tắm cứ nấc từng cơn, không khóc được ra tiếng.

Mình nhớ...

Những "bài thơ" của nàng Thủy viết về các thầy cô trong trường, rất tếu, rất hài, rất "láo toét" khiến cả lũ cười nghiêng ngả. Có nàng nào còn nhớ thầy Hợp dạy tiếng Nga không? Thầy đi như sợ đau đất. Thầy nói nhỏ nhẹ như con gái. Thầy cười thật bẽn lẽn như thiếu nữ mới về nhà chồng. Thầy có mái đầu bốc rất "sành điệu"... Và nàng Thủy tức cảnh viết bài thơ "Vịnh đầu thầy Hợp". Có nàng nào nhớ không? "Hôm nay thầy đến lớp / Mang cái đầu mới đi / Cả lớp bồng cười phì / Sao đầu thầy đểu thế / Nó chẳng giống cái rế / Cũng chẳng giống cái nồi / Khổ thân cho thày tôi / Mang trên đầu cái gáo / Ấy, các bạn nói láo / Đầu thầy rất mô đen / Mốt là mốt đầu tiên / Thầy ơi mình thầy có".

Mình nhớ...
Một hôm trời mưa tầm tã, các bạn ngoại trú không về được, thế là các bạn nội trú quyết định "xả thân" đội mưa về khu nội trú lấy áo mưa. Cứ đi ra, đi về, dầm mưa cả buổi trưa, ướt sạch quần áo. Buổi chiều học thêm môn sử của thầy Tấn, cả lũ ốm không đi học được. Vô phúc là mấy bạn ngoại trú cũng nghỉ nên lớp vắng nhiều. Thầy Tấn mách cô Loan. Cô Loan gọi "bốn cô nội trú" ra để hỏi tại sao nghỉ học. Bọn mình trình bày các loại lí do lí trấu. Cô cáu quá chửi cho một trận. Bọn mình lúc đầu sợ xanh mắt, im re. Nhưng đến đoạn cô vung tay nói "bốn cô nội trú đi ra, đi về, đi ra, đi về..." thì không biết ma xui quỷ khiến thế nào mình bật cười hi hí làm cả lũ đang sợ cũng phì cười theo. Mình thấy cô Loan quay đi, vai rung rung...

Mình nhớ...
Vụ bạn Sơn ngủ gật trong giờ học bị thầy Ân bêu trước toàn trường trong buổi chào cờ. Vụ các bạn phòng nam lấy chuôi thìa khoét bức tường ngăn giữa phòng nam và phòng nữ để moi ra hẳn một viên gạch rồi thỉnh thoảng đáp các thứ sang trêu các bạn gái làm cả khu nội trú lại ầm ĩ lên vì những tiếng cãi nhau. Vụ các bạn nam chẳng biết hứng chí sao mà một ngày đẹp giời khi bọn mình đi học về thì bị các bạn từ trên tầng hai hắt nước xuống ướt hết người. Trong khi vài bạn chửi um lên thì mình lẳng lặng đi về phòng lấy hai cái xô xuống bể múc đầy hai xô nước rồi xách lên cửa phòng các bạn ấy và tươi cười bảo "các cậu hết nước chưa tớ tiếp tế đây này". Kết quả là sau này khi nhận xét về các bạn nữ trong khu nội trú, mình bị các bạn ấy "phang" một câu "chí lí" là "lì lợm nhưng đanh đá". Hí hí!

Mình nhớ...
Ngày thi vào trường, trời mưa tầm tã. Hai mẹ con chẳng có tiền thuê nhà trọ, cũng chẳng quen ai ở thị xã. Bởi vậy, thi xong, buổi trưa mẹ trải miếng ni lon cho mình nằm nghỉ. Cô Hiệu trưởng Bạch Vân thương tình bảo hai mẹ con vào phòng nội trú nữ nghỉ nhờ. Vậy là có chỗ nghỉ, lại được ăn cơm cùng các chị học sinh khóa trên.

Mình nhớ...
Ngày vào trường Năng Khiếu, mình bé tẹo, xanh lét, ốm lay ốm lắt đến nỗi cô Hiệu trưởng Bạch Vân đã gọi mẹ mình lên, nói phải cho cháu về quê học thôi, ốm yếu thế này không theo học ở đây được đâu. Mẹ xót con, hỏi con có muốn về quê học không, mình kiên quyết lắc đầu. Dù sau đó có những trận ốm nặng đến nỗi thầy Thanh (dạy văn, phụ trách khu nội trú) phải cử anh Dũng "hộ tống" về tận nhà (Mình thật có lỗi vì đến bây giờ vẫn không biết anh Dũng ở đâu, làm gì. Chỉ nhớ nhà anh ở thị trấn Cẩm Giàng thôi). Dù sau đó mình học hành cũng lẹt đẹt, chả giỏi giang vẻ vang gì, cũng chưa bao giờ lọt vào "tầm ngắm" của cô giáo. Nhưng mình luôn tin và tin chắc rằng quyết định ở lại làm học sinh trường phổ thông Năng Khiếu là hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt. Bởi, nếu không được rèn luyện trong ngôi trường đó, với những thầy cô tuyệt vời tài năng và nhân hậu đó, sống giữa những bạn bè thông minh, giỏi giang suốt những năm tháng đó, mình cũng chẳng phải là mình của ngày hôm nay.

Ngôi trường chuyên Nguyễn Trãi xưa, số 14 đường Thanh Niên.
Ngôi trường chuyên Nguyễn Trãi xưa, số 142 đường Thanh Niên

Mình nhớ...
Cuộc sống nội trú đói khổ lắm, cơ mà vui hết biết. Đói vì thời đó dân tình đều đói, đói còn bởi lũ con gái muốn tiết kiệm nên 5 người chỉ ăn 4 suất cơm, còn 1 suất (gồm 15 000 đồng và 15 kg gạo) thì dùng để... may quần áo hoặc mua sách vở. Cái đói đi vào thành lời hát. Những câu hát bây giờ vẫn văng vẳng bên tai mình: "Cô Vân ơi, cô Phương ơi, thầy Hùng ơi, cồn cào giục giã. Ôi những ngày đêm mệt nhoài đói lả. Tay nắm tay, trông mặt buồn thiu. Mặt buồn thiu vì phải nhịn đói". Cái đói hiện hình trong những nồi bột nấu lên để húp vội cùng nhau: vài thìa bột, một chút mỡ, một chút muối, mấy thanh củi (vốn là giát giường được bẻ ra - mà cơ khổ, trong phòng mình chả có cái giát giường nào còn nguyên vẹn), thế là có một thứ "chống đói" cho cả lũ. Ngày chủ nhật, nhà bếp không nấu ăn mà phát gạo và tiền cho tụi mình "tự xử". Vậy là có thể "cải thiện" bằng món bún đậu mắm tôm - tất nhiên là tự làm. Hoặc ngày thường cũng có những nồi cháo lúc nửa đêm để chống đói lấy sức ôn thi năng khiếu. Để có củi đun, tụi mình không tha cả mấy thanh tre rào xung quanh những cây bàng mới trồng ở trường Ngô Gia Tự. Tới khi bị bắt quả tang, bị phạt làm bản kiểm điểm, người đại diện của tụi mình đã viết rằng "Vì điều kiện cơm nhà ăn quá thiếu thốn, chúng em đói quá nên trót làm bậy. Chúng em xin thầy cô tha lỗi cho chúng em...". Sau khi bản kiểm điểm được nộp với chữ kí của cả lũ, không có đứa nào bị kỉ luật hay khiển trách gì. Sau này lớn lên, hiểu biết hơn, mình đoán khi đọc bản kiểm điểm ấy, các thầy cô đã khóc. Mình đoán thế, và tin thế.

Mình nhớ...
Khu nội trú ngày đó có bao nhiêu con người là bấy nhiêu tính cách, tâm hồn và những khả năng riêng. Nhớ chị Hồng, em Tú hát hay, nhớ em Hải xinh và duyên, nhớ bạn Tú "bách khoa toàn thư" của nội trú, nhớ bạn Nghiễm có dáng đi lắt lẻo cầu tre, nhớ 4 đứa con gái lớp văn chuyên đi học muộn, cứ mỗi lần đi ngang qua lớp Toán Lý lại nghe tiếng gào "một-ngàn-không-trăm-lẻ-một"... Nhớ trò dọa ma làm chị Hồng ngất lên ngất xuống. Nhớ em Tú trùm màn đứng cầu thang để dọa những ai đi qua, xớ rớ thế nào ôm ngay phải em Thái làm thằng bé sợ quá cứ ú ớ, giãy dụa, càng giãy càng bị ôm chặt cứng (hi hi). Nhớ trò gỡ mối nối dây điện rồi nhờ các bạn phòng nam xuống sửa, càng sửa càng không được, đến khi các bạn ấy bỏ cuộc, thú nhận thất bại rồi xin lỗi ra về, đi đến đầu cầu thang thì tụi mình cho điện bừng sáng và cười rất ư là sảng khoái. Nhớ tấm thiệp chúc mừng mùng 8 tháng 3 tụi mình làm "tặng" bạn Nghiễm để chế giễu cái dáng đi lắt lẻo của bạn ấy. Nhớ vụ hồi đáp thâm thúy sâu cay của các bạn phòng nam bằng một bông cẩm chướng cắm vào quả cà chua bọc trong giấy báo được mang xuống tặng cho tụi mình ngay tối đó với ngầm ý rằng "lũ chúng mày vừa chướng lại vừa chua"...

Cô Huyền (hàng thứ ba, đứng đầu từ phải qua) chụp cùng lớp chuyên Văn niên khóa 1988 - 1991
Cô Huyền (hàng thứ ba, đứng đầu từ phải qua) chụp cùng lớp chuyên Văn niên khóa 1988 - 1991

Mình nhớ...
Lớp chuyên văn, nhưng có cơ man là những trò tai quái oái oăm. Dân nội trú thì từng theo các anh chị trèo lên mái ngói tầng 2 (ở phố Bắc Sơn - không biết giờ có ai còn nhớ?) để nhìn sang nhà hát. Thời ấy có đoàn ca nhạc Sài Gòn về HD biểu diễn, vé những 800 đồng, học sinh như tụi mình, mỗi suất ăn có 200 đồng thì biết lấy đâu ra? Trèo lên mái ngói là sáng kiến của anh Ánh lớp 12 Toán Lý. Một lũ cả con trai con gái, thay vì yểu điệu liễu yếu đào tơ với hào hoa công tử thì bò lốc nhốc trên mái nhà như lũ chuột nhắt. Phúc tổ là không có đứa nào có hứng làm lá rụng, chỉ có mái ngói đã hoai mục vì mưa nắng là không chịu nổi chúng mình nên vụn vỡ dưới chân. Kết quả là thay vì mua vé xem đàng hoàng mất 800 đồng, chúng mình phải đền mất 1600 đồng cho hàng trăm viên ngói vỡ. Lúc ấy oán lắm, nhưng sau này mới hiểu, thầy cô phạt nặng thế cho chừa, vì dù có vỡ hết ngói trên mái cũng làm sao đáng sợ bằng có một đứa học sinh nào rơi xuống từ trên đó! Rồi trò giả vờ không mang giấy bút để khỏi phải làm bài kiểm tra 15 phút Toán của thầy Tân, rồi trêu anh Hiếu con thầy Tấn dạy Sử, rồi lừa cô Phương ra khỏi lớp để trốn đến nhà thầy Thạo chụp ảnh khi cô trông thay cô Loan giờ làm bài tập huấn đội tuyển quốc gia. Rồi mua đủ thứ linh tinh vớ vẩn về ăn, thầy vào lớp rồi vẫn còn que kem đá ăn dở đặt dưới ghế, vì tiếc và sợ nó tan thành nước hết mà thỉnh thoảng lại cúi xuống cắn "cốc" một miếng khiến thầy phì cười phải đi ra ngoài cho "chúng nó" ăn nốt.

Mình nhớ...
Thầy Tân rất hiền, không bao giờ nổi cáu, càng không bao giờ mắng mỏ quát tháo. Có giận lắm thì thầy cũng chỉ đỏ mặt lên thôi. Thầy Tấn cũng hiền nên hay bị học trò "bắt nạt" - nào vòi thầy cho ăn lạc rang (thầy làm thêm bằng việc rang lạc đóng túi đổ cho các quán nước để tăng thu nhập), nào đòi thầy gả anh Hiếu cho, nào giấu quần áo, giày mũ của thầy. Thầy Đạo thì nghiêm và tinh, bất kì đứa nào in bản đồ từ sách giáo khoa đều bị thầy phát hiện. Cô Loan thì thôi rồi. Mỗi tuần một lần "tổng sỉ vả". Giờ học nào cũng căng như dây đàn. Bởi vì khi cô đặt câu hỏi, chỉ tay vào đứa nào là đứa ấy phải bật dậy trả lời ngay. Giờ của cô, tụi mình chả bao giờ dám ngồi chùng lưng. Giờ học của cô, đứa nào cũng nổi da gà, dựng tóc gáy với sự hết mình cho bài giảng. Cho đến bây giờ, sở dĩ mình có thể suy nghĩ một cách mạch lạc và tự tin cũng là nhờ có những giờ học ấy. Lại còn những bài viết nữa chứ. Thi Năng khiếu, bài viết ba tiết, một tiết, 15 phút... Không tuần nào không viết bài, không ngày nào không kiểm tra, không giờ nào không phải đứng lên trả lời câu hỏi. Điểm hệ số 1 không nói (vì cô cho cũng cao), điểm hệ số 2, số 3 và số 6 (bài Năng khiếu) thì chỉ cần được... 6,5 thôi đã là rực rỡ. Cả ba năm học cô, mình được đúng ba điểm 7, và điểm 7 cuối cùng lại là ở bài thi chọn đội tuyển quốc gia.

Mình nhớ...
Hôm chia tay đời học sinh, sau khi lên hoan ở trường, tụi mình muốn có một đêm kỉ niệm tại chính các lớp học. Nhưng vì sợ tụi mình thức đêm sẽ ốm, không thi tốt nghiệp được nên thầy Ân "sắm" một vẻ mặt lạnh lùng, thầy Tuyên "diễn" một vai ác đi đuổi hết tụi mình ra khỏi trường, đuổi không được thầy đi dập cầu dao điện để tụi mình nóng không chịu được phải về. Kết quả là khu nội trú đêm ấy đông chưa từng có. Bao nhiêu chiếu được huy động để trải dưới sân. Đứa đàn, đứa hát, đứa khóc, đứa cười, đứa nói huyên thuyên không đầu không cuối...

Mình nhớ...
Mình nhớ...
Mình rất nhớ...
Những kí ức không cũ, luôn tươi mới, luôn nhoi nhói trong lòng.
Những kí ức về một thời dường như chưa xa, dường như vừa mới đi qua và vẫn còn đâu đó.
Mình nhớ...
Và mình biết, nếu không còn nỗi nhớ đó nữa, cũng coi như mình đánh mất một quãng đời đẹp nhất.
Và bạn bè của tôi ơi, có ai còn nhớ?
Dù năm tháng và những vật lộn mưu sinh có thể làm cho ta có lúc nhãng quên đi, thì ta sẽ làm đầy cho nhau bằng kí ức của mỗi người...

Cô giáo Nguyễn Thanh Huyền, chuyên Văn khóa 1988 - 1991
Cô giáo Nguyễn Thanh Huyền, chuyên Văn khóa 1988 - 1991 (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Năm 2014

Tác giả: Cô giáo Nguyễn Thanh Huyền - Tổ Ngữ Văn

Để chia sẻ những câu chuyện, kỉ niệm về một thời áo trắng tại mái trường PTNK Hải Hưng (xưa), THPT chuyên Nguyễn Trãi (nay), mời độc gia tham gia cuộc thi viết "Chuyên Nguyễn Trãi trong tôi" lần II, thông tin chi tiết truy cập đường link https://chuyennguyentrai.edu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-chuyen-nguyen-trai-trong-toi-lan-thu-ii-tin1173