Tiếp nối series chia sẻ về bí kíp cho chặng đường Đại học đáng nhớ, hôm nay Hội Cựu sẽ mang đến cho các bạn đọc, đặc biệt là các bạn tân sinh viên về nhóm ngành đã "hot" từ rất lâu: Nhóm ngành Kinh doanh, Kinh tế & Quản trị.

Hãy cùng theo chân Hội Cựu HS kết nối và giao lưu với một số sinh viên tiêu biểu để khám phá những bí kíp rèn luyện kĩ năng, kiến thức và chinh phục những cơ hội việc làm đáng mơ ước của nhóm ngành hot này nhé!

ANH1

1. Phạm Thu Hiền (Sinh viên năm 3 - Đại học VinUni): Thực tập sớm để ôm trải nghiệm, tìm bản thân

ANH2

Thành tích nổi bật:

- Học bổng 80% của Đại học VinUni

- Case Studies xuất bản trên KCI và AAB Journal

- Top 20 cuộc thi VinUni Global Case Competition

- Honourable Mentions Award cuộc thi World Asian Case 

- Cựu chủ tịch câu lạc bộ VinVivid - Đại học VinUni

- Thực tập sinh Marketing Communications tại Vinhomes JSC

- Thực tập sinh Account tại The Trainee Club - Employer Branding Solutions | Channels Growth

- Thực tập sinh/ trợ lý dự án tại phòng phó viện trưởng viện Quản trị Kinh Doanh - Đại học VinUni

Phạm Thu Hiền là cựu học sinh chuyên Tin niên khóa 2017-2020. Ngay từ những năm tháng học tập dưới mái trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, Hiền đã sưu tập cho mình một bề dày thành tích đáng nể, có thể kể đến như chủ nhiệm CLB Tiếng Anh. Bằng ý chí quyết tâm cao độ và nguồn năng lượng dồi dào, cô gái này đã tiếp tục bứt phá hơn nữa trên chặng đường đại học.

Là một người đi thực tập từ sớm và gặt hái được những thành tích nhất định, Hiền chia sẻ: “Mình nghĩ thực tập sớm là một trong những trải nghiệm bất ngờ và hữu ích cho các bạn sinh viên như mình. Bản thân mình có bắt đầu thực tập ngắn ngày từ năm nhất, sau đó thực tập bán thời gian trong năm học và toàn thời gian trong hè. Với mình, đây là dịp để sinh viên tụi mình học thêm kiến thức, được tiếp cận gần hơn với các anh chị quản lý trong ngành. Từ đó học hỏi thêm về kỹ năng, tiểu tiết, những điều không có trong sách vở. Và hơn thế nữa, đây chính là cơ hội để bản thân có thể nhìn rõ hơn về công việc, ngành, thị trường và tìm ra đâu là mảng mình yêu thích”.

Bên cạnh đó, Hiền cho biết thêm rằng hiện nay cơ hội thực tập rất lớn. Bản thân Hiền được biết đến và tìm hiểu các cơ hội đó từ trường đại học, từ các giáo sư, mentors đi trước hay thậm chí cả bạn bè. Một số nền tảng mạng xã hội cũng giúp cho việc tìm kiếm cơ hội thực tập trở nên dễ dàng hơn như: AngelList Talent, Linkedin, các group cộng đồng về ngành học, công việc sau này. 

Trên con đường thành công luôn đầy rẫy những thử thách. Hiền cũng không phải là ngoại lệ, cô gái ấy cũng đã gặp phải những khó khăn trong những ngày đầu đi thực tập. Bắt nguồn từ việc do mới là sinh viên năm nhất, năm 2 đi thực tập nên chưa có nhiều kinh nghiệm. Và cũng chính điều đó đôi lúc sẽ khiến Hiền cảm thấy ngợp và có chút áp lực, lo lắng liệu mình có học đủ nhanh, đi đúng hướng hay việc làm cả ngày, cả tháng đến lúc mệt nhoài rồi tự hỏi đây có phải cuộc sống mình mơ tới hay không. Nhưng bằng sự bản lĩnh và kiên trì của mình, Hiền đã vượt qua khoảng thời gian đó, suy nghĩ tích cực, tìm được mục tiêu cá nhân và tiếp tục gặt hái được nhiều trái ngọt hơn.

Thông qua series bài viết dành cho các newbie, đặc biệt là các bạn tân SV thuộc nhóm ngành Kinh doanh, Kinh tế và Quản trị, Hiền mong muốn gửi gắm những lời chúc tốt đẹp nhất:“Mình nghĩ một trong những mục đích lớn nhất của việc đi thực tập là để học thực tế. Vậy bài học của mình là ưu tiên sự lắng nghe, quan sát và không ngại hỏi để có thể học một cách tối ưu nhất. Và quan trọng nhất với mình là bớt đi những suy nghĩ lo lắng lạc đề, hãy hành động và trau dồi nhiều hơn nữa. Chắc chắn rằng sau kì thực tập, bạn sẽ trưởng thành hơn rất nhiều”.

2. Nguyễn Thị Bảo Trâm (Sinh viên năm 3 - Đại học Ngoại thương Hà Nội): Không ngừng trau dồi bản thân để thành công trên con đường đã chọn

ANH3

Thành tích nổi bật:

- Học bổng FTU dành cho sinh viên có kết quả học tập xuất sắc trong 03 học kỳ 

- Top 5 Business Hackathon (CLB Nhà doanh nghiệp tương lai, FTU) 

- Fast Growing Newbie in Striving for Excellence Award (AIESEC tại FTU Hà Nội)

- Thực tập sinh tại Công ty phát triển phần mềm SAVVYCOM

- Trưởng nhóm Market Penetration | Senior Account Executive, AIESEC tại FTU Hà Nội

- Thành viên Exchange Consultancy  | Account Executive, AIESEC tại FTU Hà Nội

Xuất thân là cựu học sinh chuyên Anh niên khóa 2017-2020, Trâm cũng giống như những người bạn đồng trang lứa quyết định chọn ngành Kinh tế, cụ thể là chuyên ngành Kinh tế đối ngoại chất lượng cao của Đại học Ngoại thương. Đây sẽ trở thành nơi dừng chân cho chặng đường sắp tới giúp Trâm có thể phát huy được thế mạnh của bản thân và phát triển trong tương lai.

Lúc bước chân vào cánh cửa đại học, Trâm vốn không có một chút kiến thức về việc hiện tại những ngành nghề nào đang mở rộng đối với sinh viên kinh tế cả. Cho đến khi trúng tuyển vào tổ chức sinh viên quốc tế AIESEC và được phân công vào phòng sale, Trâm đã bắt đầu một cách vô thức bước vào ngành nghề nhiều áp lực và cạnh tranh này. Trải qua quá trình rèn luyện, cảm thấy bản thân mình phù hợp nên Trâm tiếp tục theo đuổi con đường ấy.

Chia sẻ về công việc, Trâm nói: “Nếu như bạn đủ giỏi và phù hợp thì công ty sẽ giữ bạn lại. Bởi bất kì công ty nào cũng cần có doanh thu, mà muốn có doanh thu thì phải bán sản phẩm bán dịch vụ, phải có sale để phân tích số liệu giúp cải thiện điều đó. Tuy nhiên sale là ngành dễ vào nhưng khó trụ lại được lâu, tỉ lệ đào thải rất lớn bởi có rất nhiều áp lực đè nặng lên vai của một người làm sale, đặc biệt là áp lực kiếm ra doanh thu. Hơn nữa, tất cả những sự nỗ lực, công sức sẽ được định danh bằng con số rõ ràng nên đôi khi khó có thể tránh khỏi những rủi ro rất lớn. Ngoài ra, làm sale còn phụ thuộc vào cái duyên nữa. Ví dụ một người làm sale rất thuận lợi, trong khi người khác lại khó khăn và không thể bán được đơn hàng nào.”

Qua đôi dòng tâm sự ấy, chúng ta có thể nhận thấy rằng, muốn trở thành một người làm sale giỏi không phải điều dễ dàng. Theo Trâm, ngoài những kỹ năng cơ bản như kỹ năng giao tiếp, cách đọc hiểu cảm xúc, kỹ năng xử lý tình huống, tư duy phản biện, biết phân tích dữ liệu và lên kế hoạch để cải thiện doanh số thì dù ở trong bất cứ môi trường nào hãy luôn giữ sự cầu tiến. Không chỉ vậy, bạn còn phải là một người bản lĩnh, chịu được áp lực, dám đương đầu thử thách, linh hoạt và đổi mới. Để làm được điều đó, Trâm đã luôn tự đặt ra những mục tiêu dài hạn và ngắn hạn, cố gắng rèn luyện thêm qua các chứng chỉ để bản thân ngày càng tiến bộ hơn, ví dụ như: Đạt loại Xuất sắc cho chứng chỉ của khóa học Case Mastery trao bởi Học viện Tomorrow Marketers (2022).

Và cuối cùng, khi được hỏi về lời khuyên dành cho các bạn tân sinh viên, Trâm có đôi lời muốn nhắn nhủ: “18 tuổi, đánh dấu sự trưởng thành, hãy có trách nhiệm với bản thân. Bước chân vào môi trường mới, điểm khởi đầu mới, hãy tập trung vào bản thân, hãy bỏ qua những giới hạn và những áp lực vô hình. Bên cạnh đó, chương trình đại học sẽ giúp cho vòng tròn các mối quan hệ của bạn mở rộng. Được gặp gỡ những người khác sẽ là cơ hội để phát triển bản thân cả về kiến thức, kỹ năng và nghề nghiệp sau này. Còn về phương pháp học tập, hãy tối ưu hóa thời gian học bằng cách trên lớp cố gắng tập trung 200% và cố gắng duy trì vài thói quen nhỏ như thiền, tập yoga, đọc sách. Tuy chỉ 5 phút nhưng cũng đủ để mỗi ngày bạn cảm thấy thư giãn và tốt hơn”.

3. Trần Minh Huyền (Sinh viên năm 2 - Đại học Kinh tế quốc dân): Bỏ túi kinh nghiệm trở thành người lãnh đạo đáng tin cậy

ANH4

Thành tích nổi bật:

- Giám đốc điều hành tại Ngước - một tổ chức về giáo dục, sáng tạo cho người trẻ

- L&D (Learn & Development) tại Brighton investments

- Thành viên Ban Đối ngoại - CLB Thương mại điện tử NEU

- Thực tập sinh chăm sóc khách hàng tại Esoft Vietnam

- Sản xuất nội dung tại Dự án EFC - English for Community

- Trưởng ban Nhân sự tại SVS - Salty Vietnamese Society

- Trưởng nhóm Student Hero tại Student Life Care (Dịch vụ hỗ trợ trước khi du học)

Trần Minh Huyền từng là học sinh chuyên Anh, niên khóa 2018-2021. Cơ duyên đưa Huyền đến với vị trí leader khá tình cờ, nói vui có thể gọi là cuộc đời đưa đẩy. Huyền vốn là một người khá rụt rè, không nhất quán và thậm chí còn giao tiếp khá kém nữa. Nhưng bằng tài năng và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, bạn đã dần khẳng định được vị thế của mình trên cương vị một leader.

Với Huyền, kỹ năng lãnh đạo bắt đầu từ chính bản thân: Một người cần biết tự kiểm soát, quản lý và tự trau dồi bản thân nhiều trước khi họ có thể bước ra và lãnh đạo người khác. Khi hiểu được bản thân, điểm mạnh - điểm yếu của mình thì mới có thể biết cảm thông cho người khác và dẫn dắt được họ. Từ “lãnh đạo” không nhất thiết phải là vị trí, chức danh mà quan trọng hơn là bạn phải có tinh thần lãnh đạo, chủ động, cầu tiến trong công việc và quản lý tốt bản thân mình. 

Kể về kỉ niệm đáng nhớ trong hành trình làm leader của mình, Huyền chia sẻ: “Một trong những trải nghiệm không thể nào quên của mình với vai trò leader là khoảng thời gian đầu năm 2021, khi đang ở kỳ 2 của lớp 12, mình được cử làm Event Manager của cuộc thi Moment of Development: Khoảnh khắc ta trưởng thành. Vì một số thay đổi trong nhân sự và sau cuộc gọi lúc 11h đêm, mình đã trở thành Manager của khoảng gần 50 nhân sự và hơn 200 cộng tác viên khi team đã hoạt động được ⅓ chặng đường. Không chỉ vậy, tình hình của sự kiện cũng đang không được khả quan lắm và bọn mình còn rất ít thời gian để đạt được KPI đề ra. Mình đã dành toàn bộ thời gian, tâm sức để cùng team chiến đấu tới cuối cuộc thi. Gần như mình đã phải lập lại dàn core mới và may mắn thay, các bạn cũng đã cháy hết mình. Kết thúc sự kiện thì team đã đạt được hơn 4500 bài dự thi, một con số khá đáng tự hào cùng với đội ngũ hơn 500 CTV”.

“Give and take” (Cho đi, nhận lại) và “Where there's a will, there's a way” (Nơi nào có ý chí, nơi nó có con đường) chính là hai điều mà Huyền luôn tự nhắc bản thân và cũng luôn truyền đạt cho các bạn trong team. Bởi lẽ đối với Huyền “... “Cho đi và nhận lại” nghĩa là khi mình được nhận một quyền lợi/sự tin tưởng/cơ hội/… thì mình cần có trách nhiệm nỗ lực để đáp lại điều tốt đẹp đó. Bên cạnh đó, câu “Muốn thì tìm cách, không muốn thì tìm lý do” có vẻ đã được nói ở nhiều nơi và thoạt nghe sẽ cảm thấy không được tích cực lắm. Dù vậy, với mình thì nó đúng. Mình luôn khuyến khích các thành viên chủ động và cầu tiến trong công việc. Thay vì thuần nêu lên vấn đề, bạn hãy đưa ra vấn đề kèm giải pháp gợi ý. Vậy nên, chỉ cần có chữ “muốn”, thì vấn đề nào cũng có thể có cách giải quyết phù hợp”.

Cuối cùng, Huyền muốn dành cho các bạn tân sinh viên vài lời khuyên nho nhỏ: “Khi cơ hội đến, hãy cứ đón nhận nó và hành động thay vì cân nhắc phân vân quá nhiều. Hãy cứ thử hết đi, cơ hội không tới hai lần nên hãy biết trân trọng khi nó xảy đến với bạn. Dĩ nhiên, điều gì quá cũng không tốt, các em vẫn cần kết hợp lời khuyên từ các anh chị trước, đừng “thử” mỗi cái một ít rồi không cái nào ra cái nào thì không được nha”.

Mong rằng thông qua đôi dòng chia sẻ của các sinh viên tiêu biểu của nhóm ngành Kinh doanh, Kinh tế & Quản trị sẽ giúp các bạn tân sinh viên có thêm những bí kíp, động lực cho bản thân và phát triển hơn nữa trong thời gian sắp tới.

Đừng bỏ lỡ các bài viết chia sẻ tiếp theo của Hội cựu nhé!

 

Tác giả: Nguyễn Minh Thu