Tôi có thể viết gì về trường cũ? Những ý
nghĩ của tôi tản mạn, và nếu viết, phải viết một câu chuyện dài, một cuốn sách
như Tottochan đã viết về ngôi trường – đoàn tàu của cô bé.
Tôi sẽ không bao
giờ quên được cảm giác xa lạ khi đứng trước cửa lớp 10
Văn đợi giờ vào lớp lần đầu tiên. Tôi nhìn những bông hoa tím trước cửa,
cũng ngơ ngác và xa lạ. Tôi nhìn ra những cây bàng gầy nhỏ trên sân và những
cần ăngten chổng lên như bầy chuồn chuồn đính bất động trên một khoảng trời của
dân phố. Những tiếng nói làm quen hân hoan của các bạn xung quanh làm tôi thấy
mình bé nhỏ. Tôi hoàn toàn xa lạ ở nơi này. Tôi đợi một cái gì chưa rõ, có thể
chính là tôi đợi câu chuyện ấy – câu chuyện về một “Tuổi thơ im lặng” mà cô chủ nhiệm
Hoàng Hải xinh đẹp, trong bộ vest màu vàng đất, mang ra làm quà cho chúng tôi,
một món quà gặp gỡ. Đó là một hồi ức luôn làm tôi run rẩy. Vì giọng đọc của cô?
Hay vì sự xôn xao lạ lùng mà những trang sách mang lại cho tôi. Tất cả những
giờ văn sau đó đều là một sự hồi hộp lạ lùng. Sau này, tôi nghĩ lẽ ra có nhiều
cái tôi cần học nhiều hơn khi đó, và có nhiều điều chúng tôi nên bỏ qua, nhưng
những cảm xúc mà những giờ học Văn mang lại là một phần quan trọng trong kí ức
của tôi, dù tôi chắc mình chẳng còn nhớ được những tri thức học đường khi đó. Tôi
trở thành một trong những - kẻ - chìm – đắm, những kẻ bị quyến rũ và từ đó, trở
thành những kẻ say sưa tự mò mẫm phát hiện mình. Đó là cái được lớn của chúng
tôi, dù đổi lại, chúng tôi dường như đã thiếu đi nhiều sự tỉnh táo trong đầu.
Nội tâm tôi như một
cánh đồng hoang được cày vỡ, và tôi tơi nở. Tôi thấy mình giàu có sau mỗi một
lần vỡ ra, với mắt nhìn, tai nghe, và tim hồi hộp. Trong tôi đến bây giờ vẫn
đôi khi nhói lên một màu xanh biếc thiếu nữ của nụ tầm xuân trong bài giảng
“phi lý” của thầy Vĩnh mà tôi tình cờ “nghe lỏm” được, khi ngang qua giờ văn
của lớp Sử Địa – một giờ văn, và cả lớp học, hình như bởi người thầy trên bục
giảng, lúc nào cũng có vẻ thanh tĩnh như thể tôi, hay bất cứ kẻ đi ngang qua
nào, dù có nô đùa ồn ào cũng chỉ là một đám mây bay ngang qua cửa sổ lớp mà
thôi. Tôi cũng thích một lớp học như thế, tôi cũng thích học một người thầy như
thế, để tôi sẽ im lặng mà cảm nhận. Sau đó, tôi thường nhiều lần đi chậm lại
trên con ngõ nhỏ có ngôi nhà của thầy, tôi hình dung những bầy lá vàng đổ xuống
ngôi nhà. Người bạn đi cùng bảo tôi mắc bệnh hoang tưởng. Nhưng tôi còn hoang
tưởng nhiều nữa, đa mang nhiều sự nữa. Những ngày 17 tuổi viển vông ấy, tôi lao
phải đường hầm tối tăm trong những trang sách của Dostoievski. Hàng đêm trò
chuyện với Raxkonikov, và sáng ra, khi đến lớp, tôi gần như run lên khi cô Diễm
Loan bước vào. Bởi cùng thời điểm tôi mụ mị vì những trang sách ấy, cô đã nhắc
một câu trích về Dostoievski, đại ý: tôi viết vì tôi muốn được là con người. “Con
người”, một từ lớn lao, đau khổ, một từ đã khắc vào da thịt tôi khi đó, như một
hình xăm chìm. Tôi, và chắc chắn không phải chỉ có tôi, đã từng thoáng co rụt
lại khi cô bước vào lớp lần đầu, đã lo âu lẫn trông mong khi cô bước vào những
lần thứ hai thứ ba, và cả buồn rầu hốt hoảng khi lần đó, cô bước vào lớp, với
một cái bọc cứng quanh cổ để đỡ các khớp xương. Tất cả những gì mà mỗi người
phải tự chịu đựng dường như là quá sức thấu hiểu của kẻ khác. Cô cũng là một
điều bí mật không hiểu được. Tôi giữ cảm giác ấy như khi tôi cùng một người bạn
lang thang khắp các hiệu sách nghèo nàn của Hải Dương – nhưng lúc đó, chúng vẫn
là một thế giới lớn – để tìm mua một cuốn của G.Market (tôi còn nhớ đó là cuốn
“Tình yêu thời
thổ tả” ) tặng cô khi kết thúc đợt học.
Với tôi, Market vẫn là một cái tên hoang dại bí ẩn đến mãi sau này.
Bây giờ đôi khi về
thành phố Hải Dương, tôi vẫn thường đi vòng qua hiệu sách Nhân dân đường Quang Trung trước. Bao nhiêu năm, thành
phố khang trang lên từng ngày, nhưng cái hiệu sách thì vẫn cũ kĩ, và càng ngày
càng ít ỏi với chúng tôi. Thường tôi chẳng còn mua được sách gì ở đó. Nhưng ba
năm cấp III, tôi đã đứng ngẩn ngơ ở đó bao nhiêu lần, để nhìn đi nhìn lại cuốn
Fauxt của Goethe mới dịch dày cộp, và bật cười nhớ rằng cô Huyền cũng như chúng
tôi, ngẩn ngơ rất lâu và rất nhiều lần trước cuốn Thần thoại Hi Lạp trước khi
mua nó. Những cuốn sách bây giờ tôi có được dễ dàng, nhưng những giây phút để đắm
chìm như trước thì trở nên quý giá hơn. Tôi cũng thường ngang qua hồ Bạch Đằng,
và nói với người bạn rằng “đây là trường tôi”, nhưng chưa bao giờ có ý dừng lại
để vào đó. Nó là một thế giới đã được phong kín. Đó cũng là ngôi trường cuối
cùng tôi nói là “trường tôi”, vì trường đại học sau này, và có thể còn những
ngôi trường khác, không bao giờ là “trường tôi” như trước nữa. Chúng tôi không
bao giờ đòi sở hữu một ngôi trường nào nữa, vì chúng tôi đã khác, và những ngôi
trường cũng khác. Tôi đi qua, nhưng còn lại ở đó rất nhiều: những người thầy,
người cô tôi nhớ với vô vàn những câu chuyện nhỏ, những tình bạn say sưa, những
mơ mộng, cả những lời xin lỗi mà tôi chưa bao giờ nói ra. Đến tận bây giờ, tôi
vẫn chưa nói lời xin lỗi với thầy Bùi Đình Nhiễu
về việc tôi bỏ về trống rỗng vì bài viết về Xuân Diệu được 4 điểm, tôi cũng
không bao giờ nói lời xin lỗi vì những điều không tốt với những người bạn đã
cùng tôi sống những ngày 17 nhiều mộng tưởng ấy.
Lên đại học, chúng tôi biết ngôi trường đã được chuyển đi. Mọi người nói rằng bây giờ tất cả đã khác, các thầy cô cũng đã khác rồi. Các thầy cô trước đây dạy chúng tôi, tên tuổi được nhắc nhỏm nhiều ở Hà Nội với những lời khen ngợi, cảm phục. Tôi cũng không trở thành cô giáo như cô giáo chủ nhiệm từng nói, tôi đã biết tôi sẽ không bao giờ có thể trở thành một người thầy người cô như những người tôi đã học. Tôi sẽ bất ổn, và không sao bỏ được nỗi bất ổn của mình bên ngoài cửa lớp. Nhưng quan trọng là, với chúng tôi, ngôi trường đã được phong kín trong một hoài niệm đẹp đẽ. Mỗi đứa học trò chúng tôi ngày ấy giữ riêng cho mình một mảng hồi ức, mà những điều sâu nhất, chúng tôi có thể không bao giờ nói ra, hay có thể nói ra.
(Đỗ Thị Thoan, học
sinh lớp chuyên văn, khóa 2000 – 2003)