“Dẫu vẫn biết đời người là hữu hạn

Nhưng lòng cô là vô hạn tình người...”

Nếu có ai hỏi tôi đã được học những thầy cô nào trong trường thì tôi sẽ tự tin mà kể ngay cho họ nghe, vì sao tôi lại nhớ được ư? Bởi “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, bởi những người thầy người cô trường Nguyễn Trãi ai cũng đều có trách nhiệm, giàu tình thương yêu trò và luôn tận tụy hết lòng. Nếu ví rằng “mái trường tỏa ánh sao khuê” thì những ánh sao khuê làm rực sáng mái trường chính là những người thầy, người cô ngày ngày tay phần tay thước, đón rồi tiễn từng lớp học trò bay cao bay xa... Thành công của mái trường, thành công của học trò chính từ những lời giảng thiết tha, những cử chỉ ân cần, những ngày tất tả, những đêm không yên giấc của người thầy, người cô. “Không thầy đố mày làm nên”, tôi thấm nhuần những lời ấy, và tôi luôn yêu những người giáo viên chân chính, những người có trái tim trân quý hơn hết thảy châu báu trên đời…

Ngẫu hứng vẽ hai cô tôi

Cảm ơn cuộc đời, cảm ơn mọi điều trân quý nhất vì đã cho tôi được trở thành một phần của bầu trời đầy sao, được là học trò của cô giáo Đặng Thu Hà và cô giáo Phùng Thị Hà – đôi dòng sông lấp lánh ánh sao, dòng sông ấy truyền động lực và tri thức cho chúng tôi, cho chúng tôi soi bóng mình và tự tin rằng: bản thân cũng là một vì sao riêng mình…

Yêu thương chào đón

Tiếng “Mạ” cất lên thân thương ngay từ tiết học Lịch sử Việt Nam đầu tiên với cô Đặng độ tháng tám năm ngoái. Không phân biệt, tất cả đều là con chung một mạ, mạ nói cứ gọi mạ là mạ cho thật thân tình. Chúng tôi đã quen gọi như vậy rồi, vừa thân tình lại thắm thiết, hai tiếng “Mạ ơi!” vang lên trong mỗi tiết học, như một lệ quen, như vốn dĩ đã luôn như vậy. Cô Đặng ơi, tiếng “mạ” tuy đơn giản mà trân quý biết bao, là tình cảm cô dành cho chúng con, lại là lòng chúng con gửi đến cô... Lại bốn chữ “Yêu thương chào đón” mạ viết khi vừa lần đầu bước vào lớp khi chưa nói gì mà chỉ mím môi cười, hình ảnh ấy chúng con không bao giờ quên, bốn chữ ấy chúng con lại dùng để viết trên bảng, chào mừng các em học sinh ngày tựu trường, vì con thấy, còn lời nào yêu thương hơn lời mạ từng nói với chúng con! Một nhà giáo đặc biệt một người ít khi dùng đến viên phấn, khi giảng bài chỉ cần cuốn sách và một giọng nói vang vọng khắp chốn, khi giảng bài cô đi đi lại lại, đi qua chúng tôi, với lời giảng ấy và dáng người lướt qua lướt qua, thỉnh thoảng vỗ vai rồi “lấy ví dụ” thì mắt chúng tôi đúng kiểu “mở chừng chừng”, rồi bao nhiêu tri thức về dân tộc lại truyền thụ hết cho chúng tôi. Cô cho xem rất nhiều tư liệu, nào phim nào ảnh, cho chúng tôi tiếp cận đa chiều với môn sử, môn sử dưới tay cô chạm đến trái tim của mọi người học trò, các anh chị cũng như các bạn tôi khi được học cô dù chỉ một tiết đều ngay lập tức “si mê không lối thoát”. Tôi cảm nhận được tình cảm cô dành cho tôi, một tình cảm mà tôi không bao giờ muốn vụt mất, một tình cảm trân quý mà tôi luôn xếp ở một vị trí trang trọng nơi tim mình. Có khi cô khen tôi, khi sợ tôi sinh kiêu lại ngay lập tức nhắc nhở tôi để luôn giữ phong độ cho tôi, cô khen tôi có “đạo đức học tập” khi thấy tôi thuyết giảng về một vị lãnh đạo, cô đôn đốc tôi khi tôi có dấu hiệu “suy đồi”, cô an ủi tôi khi tôi khủng hoảng nhất. Điều gì là lợi nhất, là đích thực nhất cô lại đốc thúc tôi cố gắng chuyên cần, cô biết tôi thích nghiên cứu văn hóa cô lại tìm hiểu và vẽ nên cho tôi một con đường tương lai thật phù hợp. Cô giáo ấy lúc nào cũng làm việc, làm việc và làm việc, lúc nào cô cũng ở vào tư thế “thăng hoa nhất”, những ngày cô mệt mỏi nhất vì thiếu giấc, vì chưa kịp ăn sáng, vì bệnh ốm cô vấn hăng say ngồi làm việc, nào dạy trò, nào soạn giáo án, cứ luôn tay cho đến khi kiệt sức. Tôi chưa từng thấy ai có sức làm việc như vậy, thử hỏi điều gì khiến cô có thể miệt mài như vậy, có lẽ cũng chỉ từ một chữ “yêu”. Cô yêu trò, yêu việc, yêu người và yêu Sử, một tinh thần cống hiến hết mình vì sự nghiệp trồng người. Mọi danh tiếng, danh hiệu cô không màng mà cô chỉ cần sự công nhận của học trò, phụ huynh và những người xung quanh, không cần danh hiệu gì cao sang và chính cô đã có một trái tim mực thước và cao trọng. Ở nơi cô tôi thấy hình ảnh của một nhân cách lớn của người làm nghề giáo, một nhà giáo có trái tim lửa – ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt.

Tôi và mạ Đặng

Kỷ niệm với cô, kỷ niệm với cô thì có rất nhiều, vả lại bây giờ mới là năm lớp 11, những kỷ niệm ấy tôi sẽ kể sau ba năm học dưới mái trường, khi tôi bay vào tương lai và nhớ về những người vẫn ở lại dưới mái trường. Tôi được cái “kĩ tính” nên hay “tiểu tiết”, tôi yêu từng khoảnh khắc bên cô. Những lần cô cười thật tươi với tôi, nụ cười rạng rỡ, đôi mắt đầy trìu mến, những khi tôi đi bên cạnh cô và cô khoác tay tôi đi cả một quãng dài, lúc chụp ảnh lớp lại dành cho tôi một chỗ bên cạnh cô, giơ tay cùng làm hình trái tim, hay như cái lúc cô nhờ tôi bóp vai, đấm lưng cho cô vào một giờ ra chơi, cô mệt mỏi nằm dài trên bàn... Mỗi một khoảnh khắc, dù là nhỏ nhất thì với tôi cũng rất mực trân quý và những khoảnh khắc ấy một mai kia, có nhiều tiền tôi cũng không mua lại được, vì đó là tình cảm, làm tình thầy trò và là kỷ niệm chảy trôi theo thời gian...

Đây là lời con muốn gửi đến mạ, chỉ riêng mạ mà thôi: “Con cảm ơn mạ vì mạ đã luôn tin tưởng con, luôn yêu thương và đôn đốc con, cho con cảm nhận thật rõ tình thầy trò những năm tháng thanh xuân. Cảm ơn mạ đã bao dung, dang rộng vòng tay lúc con khủng hoảng nhất. Cảm ơn mạ đã truyền lửa và xin lỗi mạ vì con đã có một bước lùi...”

Ngày sinh nhật của mạ

       ...

Ngày học đội tuyển ở trường cấp hai, cô giáo phụ trách đội tuyển của tôi thường kể về một người bạn thân thời đại học tên là Hà “Bi” dạy ở trường Nguyễn Trãi. Suốt năm lớp 9, tôi theo dõi fanpage “30 nghìn một bó bông” của các anh chị lớp Sử 20-23 (từ đây tôi biết về truyền thống lập fanpage của các lớp), ngoài mạ Đặng, tôi bắt gặp một cô giáo với phi vụ “bị giấu xe” bởi “Hội báo 12 Sử”. Cách nhắn tin hài hước, gương mặt cười trong bất lực ngay lập tức khiến tôi ấn tượng. Trong những bức ảnh, tôi thấy cô ấy có một gương mặt phúc hậu, đôi môi luôn thường trực nụ cười, đeo một cặp kính ánh tím, mái tóc thẳng và thường đeo bờm. Thì ra, cô ấy chính là cô Phùng Thị Hà – hay chính là cô Hà “Bi”, bạn thân của cô tôi. Được biết nếu đỗ vào trường, tôi sẽ có cơ may được trở thành học trò của cô thì tôi càng lấy đó là động lực, cô tôi ngày ấy lại thường kể chuyện về cô bạn thân tài năng dáng người nhỏ bé với khả năng nói thần tốc (và ngay tháng tám năm ngoái tôi đã được mục sở thị, công nhận thần tốc thật!). Thật là hữu duyên... Và rồi cũng đến tiết học đầu tiên với cô, ngay lập tức cô cho chúng tôi trải nghiệm cuốn “bách khoa toàn thư về nhân loại” của cô với tiết mục “Rap Việt” mùa 0. Nếu được đệ trình Liên Hợp Quốc để xét danh hiệu cho cô Bi thì tôi có đến hàng tá danh hiệu cho người giáo viên PPPP (phong phú phương pháp) dạy học ấy: nào thuyết trình, nào tranh biện, nào vẽ tranh, làm áp phích, trình diễn thời trang, đóng kịch,..., chính thế mà tiết học luôn muôn màu muôn vẻ, không khi nào nhàm chán. Bình chọn những điều chúng tôi yêu thích nhất ở lớp thì là được ngồi tròn 45 phút nghe cô giảng lịch sử thế giới, hàng vạn câu chuyện xung quanh lôi cuốn chúng tôi vào một thế giới khác, một thế giới xưa kia đầy điều kỳ thú. Song, tất nhiên sẽ có điều ngược lại, điều mà cô cười chúng tôi khóc, điều mà theo cô thì “cô khao khát làm giáo viên từ bé chỉ để làm vậy” – kiểm tra bài cũ. Bước vào lớp vẫn cười tươi như không có gì, nhưng khi bắt đầu an tọa, cô nhẹ “Hứm” một cái rồi nói: “Nào, kiểm tra bài cũ”, tay cô đưa đến chỗ quẻ tên rồi bốc lên những cái tên “tốt số”. Bạn nghĩ chắc cô bốc 1-2 cái quẻ rồi chúng tôi được ngồi nghe giảng ư? Bạn sai rồi! Cô bốc để chọn người theo thứ tự cho dễ thôi, chứ cô bốc bao giờ hết quẻ thì thôi... Nhưng phải thú thật, phương pháp “ấy nhầm còn hơn bỏ xót” của cô hiệu quả vượt bậc và được chứng minh trong thực tiễn bằng những thành tựu trông thấy, cụ thể là 100% chúng tôi học bài và thuộc bài…

Ngày sinh nhật má Phùng

Rồi một ngày kia, cô bất ngờ nhận chủ nhiệm lớp, hơn 200 ngày chủ nhiệm là tưng đó ngày không bao giờ quên. Tối hôm ở Sóc Sơn, tôi nhớ lắm, tôi mãi mãi nhớ cô dặn chúng tôi 11 giờ phải đi ngủ, nhưng lúc cô lên nhắc thì cô đã thức cùng chúng tôi đến đúng 3 giờ sáng. Mấy cô trò tắt hết đèn, người ngồi người nằm, người chăn người gối quây quần bên ánh đèn vàng leo lét mà tâm sự. Cô cứ ngồi nghe chúng tôi tâm tình, miệt mài, miệt mài chẳng biết thời gian mà cũng chẳng ai thấy mệt. Nào chuyện trên trời dưới đất, nào chuyện chưa từng kể với ai, nào chuyện tình yêu tình báo, không hề kiêng dè, như mẹ với con, chúng tôi dốc bầu tâm sự, và rồi tỏ lòng với cô: Chúng em yêu cô nhiều lắm, nhiều lắm, chúng em cảm ơn cô rất nhiều, rất nhiều... Đêm hôm ấy là đêm đẹp nhất, là đêm tôi muốn kéo dài mãi, cô trò chúng tôi xích lại gần nhau, tôi cảm giác lúc ấy, thực sự đó là một gia đình, và chúng tôi thực sự là những “của để dành” đích thực của cô! Và những câu chuyện đêm ấy, chỉ cô và mấy đứa chúng tôi biết mà thôi!

Bên nhau xem phim cùng má Phùng
Ánh đèn kể chuyện ở Sóc Sơn

“Cô ơi, con xin phép từ nay cũng giống mạ Đặng, chúng con xin được gọi cô là má Phùng, là má Bi, là người mẹ thân thương bậc nhất...”

Hai mẹ trong ngày sinh nhật

Hai cô vẫn luôn bao dung và tận tụy như vậy, bao dung và dang rộng vòng tay khi mà tôi cảm thấy thế giới như sụp trước mắt mình…

Gia đình tôi ngày Chào Tân Học Sinh

"Tình bạn là những viên ngọc quý”... Các bạn à, là tôi, Bí thư 10 Sử, Lớp trưởng 11 Sử của các bạn đây! Dù các cậu nghĩ gì đi chăng nữa, không người bạn nào tôi đặt lên trên như các bạn, không chỉ là bạn chung một lớp mà từ lâu tôi đã coi đây là gia đình. Hai tiếng “gia đình” thiêng liêng lắm, và các bạn biết tôi vẫn luôn “truyền thống” và “khó tính” vậy mà, tôi thực sự coi các bạn là anh chị em trong nhà, keo sơn gắn bó. Vì thế có những khi một bạn bị sự vụ gì hay gia đình mình gặp chuyện gì, tôi sẽ “xù lông nhím” để trở nên gai góc để bảo vệ gia đình mình, không để chúng ta bị bắt nạt. Dẫu từng có hiểu lầm rạn nứt, song từ rất lâu thời gian và tình yêu thương đã hàn gắn chúng, chúng ta đã hiểu nhau rất mực, để từ chỗ không cam thì khi phạm lỗi làm trừ điểm thi đua, các bạn lại đề xuất tôi “nổi cơn tam bành”, “ba máu sáu cơn” mà mắng các bạn. Đã có những ngày không đi học, những ngày nghỉ không đến lớp, tôi nhớ cái cảm giác lóc cóc xe cộ, lẽo đẽo cặp túi leo từng bậc lên lớp rồi vào lớp, thấy mỗi người một việc, rồi lúc lại xúm vào “nấu ăn”, những lúc “đồng tâm hiệp lực”, lập nên những “hội đồng tương trợ” hay nháy nhau mè nheo vì quá giờ hay quá nhiều bài tập, xin cô dời lịch kiểm tra... Mọi người cứ hỏi sao mà cứ “vác tù và hàng tổng” mãi thế, tôi không biết bạn à, chắc thâm tâm tôi muốn vậy, muốn làm vì gia đình mình! Thế mới thấy, thật đáng nhớ, nhớ lắm, tôi thực sự nhớ! Một năm qua, nói nhiều không nhiều, song nói ít thời cũng không phải, một năm qua chúng ta trải qua nhiều biến động thăng trầm, song miễn là bên nhau, chúng ta đều đã trải qua!

Ngày kết nạp Đoàn viên mới

Tôi rất nhớ những tối tập văn nghệ ở trường Tiểu học Đinh Văn Tả, bão táp khi mấy lần đổi thay mới gặp được cô biên đạo ưng ý, những buổi tối ướt đẫm mồ hôi, bụng đói meo nhưng ai cũng trách nhiệm, cũng tập thật nghiêm túc, mình thực sự cảm động. Có lúc tất cả cùng bảo vệ một người, tinh thần thật sự rất đáng hoan nghênh. Rồi đợt 26/3, bận ôn thi Học sinh giỏi Tỉnh, các bạn vẫn hiệp lực tập dân vũ, vượt lên mọi sự ngại ngùng, các bạn vẫn cố hết sức mình, đếm đến “đứt hơi”. Những lúc ấy thật gắn bó, thật đáng yêu đáng nhớ. Đội kéo co nữ của lớp chuyên cần luyện rèn, không quản nắng mưa tiến vào tận chung kết. Kết quả không quan trọng mà trong quá trình ấy, giá trị đích thực là gia đình ta luôn ở bên nhau, kể cả những bạn cổ vũ cũng hết mình, hai cô Hà, các thầy cô cổ vũ hết sức tiếp thêm động lực. Mỗi một khoảnh khắc, mỗi một nụ cười đều là liều thuốc bổ bậc nhất cho trái tim ta... Những ngày biên kịch tận tâm tận tình với video “Bản sắc lớp tôi”, đứng dưới mưa làm hình trái tim nhìn lên hai cô Hà. Và tất nhiên mình sẽ không bao giờ quên hiện thân tiêu biểu cho sự đoàn kết là mô hình STEM “Lăng Hồ Chủ Tịch – Di sản Văn hóa muôn đời”, một sự kiện “vô tiền khoáng hậu”, một lớp xã hội, một lớp Sử bằng tâm huyết của mình đã đạt giải Nhì và giải Thuyết trình ấn tượng, rồi dự thi “Ngày hội STEM cấp tỉnh” và đạt được giấy khen của tỉnh... Đó đều là thành quả của những ngày làm việc đến tối mịt, lẩn trốn bác bảo vệ, đến bị đuổi vẫn cố nấn ná,và kể cả kết quả có không như ý thì chúng ta vẫn học được nhiều điều và gần nhau thêm một chút, càng thêm thực sự là “Gia Đình”... Ngày đi chơi ở Sóc Sơn, những bạn đi còn lo cho những bạn ở nhà tủi thân, luôn nghĩ đến nhau, vui chơi hết mình, cùng tụ tập, cùng chơi hết mình, cùng bên nhau đến lúc về vẫn còn lưu luyến khôn nguôi... Nhưng thật là nếu ở bên nhau thì 2 ngày, 3 ngày thậm chí là 10 ngày cũng chẳng bao giờ là đủ…

Những tối tập văn nghệ cùng nhau
Hai cô tôi chụp cùng mô hình STEM Lăng Bác
Bản sắc lớp tôi

Tôi nhớ lời bài hát “Mong ước kỷ niệm xưa” của nhóm Tam Ca 3A: “Nếu có ước muốn trên cuộc đời này, xin hãy ước muốn cho thời gian trở lại...”. Và tôi, tôi thật muốn có một chiếc máy quay vô hạn pin, quay lại tất cả hoạt động của gia đình mình, để một mai kia, có xem xi nê chiếu bóng cũng không bằng ngồi xem lại những thước phim vô giá đó! Những lần tổ chức sinh nhật cho hai cô Hà, cô Tỉnh, cô Lan Anh, cô Tâm, rồi tặng quà cô Phương Liên, cô Thu,... Tình cảm, thật tình cảm và nồng ấm. Giữa mùa đông là ngọn đèn sưởi ấm, giữa mùa hạ là làn gió thổi mát tâm hồn…

Sinh nhật cô Vũ Tỉnh
Thiệp sinh nhật cô Lan Anh

Chính màu tím của áo lớp không chỉ là hợp mệnh mà còn biểu trưng cho sự thủy chung, như mong muốn tình cảm gia đình này mãi mãi không bao giờ phai…

Cùng mạ Đặng mặc áo lớp

Chắc cũng là chưa từng có trong lịch sử, khi đến bây giờ, lớp tôi đã có ba người chủ nhiệm: Cô Bích Liên, Cô Phùng Hà và Cô Thanh Tâm. Người cô đầu tiên, người cô có hiền từ nhất tôi từng thấy, người cô “cháy giáo án” vì những tiết học toàn những chuyện “đâu đâu ấy”. Rồi một hôm, rồi mấy hôm, chúng tôi không thấy cô lên lớp, đứa nào đứa nấy lo lắng khôn nguôi để rồi vỡ òa mừng vui khi biết thì ra, sau bao tháng ngày mong mỏi, cô đã hoài thai. Chúng tôi vẫn nói là, có lẽ là cái duyên khi cô chủ nhiệm lớp tôi thì cô nhận tin mừng ấy, chúng tôi cũng mừng cho cô lắm lắm. Một thời gian sau, cô quay lại với tư cách là giáo viên Tiếng Anh, chúng tôi đã vui sướng biết bao khi nhận tin cô sắp về dạy lớp ngoại ngữ... “Cô ơi, cô dạo này khỏe không ạ, em và Như vẫn muốn đến nhà cô và cắm một bình sen xanh cho cô ngắm theo đúng sở thích của cô ạ!”.

Cô Bích Liên

Rồi cô Thu dạy môn Công dân (nói như chương trình cũ) cũng nghỉ dưỡng thai, chúng tôi đón cô Tâm làm giáo viên môn Kinh tế-Pháp luật. Mới ngày nào buổi đầu đón cô với bông hoa tươi thắm mà mới đây chúng tôi đã trao cô chiếc áo lớp, cô chính thức nhận chủ nhiệm lớp tôi từ năm lớp 11 này. Trong môn cô, cô cho chúng tôi được chủ động trong chuẩn bị bài học, chủ động tiếp thu kiến thức, tạo điều kiện tốt nhất cho chúng tôi. Người cô cũng thường đeo chiếc ba lô, rất hay cười và yêu thương chúng tôi, ấn tượng ngay từ lần đầu gặp mặt và giờ đây là “người mẹ cả” của đại gia đình tôi... “Cô Tâm ơi! Chúng con rất vui được đồng hành cùng cô trong chặng đường tiếp theo, được làm con của mẹ dưới mái trường Nguyễn Trãi. Mong cho chặng đường sắp tới của mẹ con ta sẽ tràn đầy tiếng cười hạnh phúc!!!”...

Bức ảnh đầu tiên cùng mẹ Tâm

Một năm gắn bó với Ban chấp hành Đoàn trường, gắn bó với cô Thu Liên, cô Phương Anh và cô Hoàng Yến, các anh chị luôn dìu dắt giúp đỡ và bạn Hà đồng hành mỗi buổi sáng. Vốn tôi rất yêu công việc về thi đua nề nếp, công việc sổ sách sắp xếp và người cô tóc ngắn dáng xoăn, hay cười và đeo kính – cô Hoàng Yến. Cũng không hiểu sao, tôi luôn cảm thấy rất gắn bó với cô, dù thế nào đi nữa. Có những khi người khác hiểu lầm cô thì tôi lại muốn đứng ra bên cạnh cô và bảo vệ cô! “Cô à, em biết có những khi em chểnh mảng chưa hoàn thành công việc, nhưng cô vẫn luôn thông cảm và bao dung cho em, cô luôn giúp đỡ và dìu dắt em, em cảm ơn và xin lỗi cô thật nhiều! Sư phụ, đệ tử vẫn muốn tiếp tục đồng hành cùng sư phụ!”. Cô Liên, cô Phương Anh, và cả cô Nhung, cô Thảo, ở Đoàn trường, trong mắt tôi luôn là những người có lý tưởng, ân cần và hết mình trong công việc, tạo nên một môi trường làm việc năng động, sáng tạo và hiệu quả, cho tôi những tháng ngày ở Văn phòng Đoàn thật đáng nhớ !!!

Sinh nhật cô Hoàng Yến ở BCH Đoàn

Nào đáng nhớ, nào không thể quên, có thể bạn nghĩ đều là những lời sáo rỗng, liệu có thật không... Song việc này cũng tùy bạn đọc cảm nhận, về phần tôi, vẫn là vậy, tôi được thỏa trong cái hạnh phúc viết ra những cảm xúc như nhựa sống trong tôi.

Cùng má Phùng mặc áo lớp

Và con đường đến trường, con đường giờ đây đã là quen thuộc, con đường có chợ hôm sớm nô nức người bán kẻ mua, cảnh đường phố buổi sáng thanh bình mà vội vã, cảnh những em bé khiếm thị bám vai nhau băng đường đi tìm ánh sáng tri thức..., rồi trên con đường ấy, tôi bắt gặp những chiếc đồng phục lướt qua, những gương mặt thân thuộc, cảnh cổng trường tấp nập và nhộn nhịp, cảnh trường im lìm khi vào giờ, cảnh vồn vã lúc trống ra về..., có lặp đi lặp lại, cứ tái lại hồi, song không bao giờ là cũ, không bao giờ là chán, vì tôi cảm nhận được sự mới lạ trong mỗi người, mỗi khoảnh khắc mà tôi nâng niu trân quý từng chút một!

Muốn nhắn gửi thanh xuân, tôi muốn nhắn gửi thật nhiều, tôi cũng muốn nói thật nhiều nhưng tôi xin phép dừng lời tại đây. Trong ánh nắng mùa hạ chói chang, trong tiếng ca của dàn đồng ca mùa hạ nơi tán lá, trong những cơn mưa rào bất chợt,... tôi thấy những vì sao khuê vẫn lấp lánh dưới mái trường Chuyên Nguyễn Trãi, chặng đường phía trước sẽ càng tươi sáng, tươi sáng …

Sinh nhật tôi trên xe đi Sóc Sơn

 

Tác giả: Đoàn Trần Duy Anh

                     Chuyên Sử, niên khoá 2023-2026

 

Thông tin chi tiết về cuộc thi viết "Nhắn gửi thanh xuân" nằm trong dự án Kỷ yếu "Nhắn gửi thanh xuân" và xuất bản sách nói do Hội cựu học sinh thực hiện xem TẠI ĐÂY