“Hoa thứ nhất có một mùi trinh bạch;

Xuân đầu mùa trong sạch vẻ ban sơ”

                                      (Xuân Diệu)

Nhắc tới mùa xuân, người ta thường nghĩ về sự khởi đầu, về những mầm sống đang dần trỗi dậy với bao khao khát thầm lặng tiến về phía trước. Đóa xuân xanh đầu mùa gieo vào lòng tôi niềm hạnh phúc, hy vọng và trẻ trung là chuyên Nguyễn Trãi - nơi lưu giữ những ký ức trong veo của tuổi học trò, nơi ấp ủ bao khát vọng lặng thầm trong tim, nơi chứng kiến những trưởng thành dần thế chỗ cho ngây thơ, dại khờ...

Tôi còn nhớ vào ngày hè năm ấy, khi tôi lần đầu bước chào cánh cổng trường chuyên trong cương vị của một tân học sinh, đó là ngày tôi đã mong mỏi thật nhiều và nỗ lực biết bao nhiêu trong suốt những năm học trước đó. Từng gương mặt hôm ấy đều toát lên vẻ tự tin, tươi tắn và ngập tràn hy vọng, dường như ai cũng nóng lòng chờ đợi được cầm vào “giấy báo nhập học” để một lần nữa sống dậy niềm tự hào vì đã chính thức trở thành thành viên của mái nhà chuyên Nguyễn Trãi. Cô giáo chủ nhiệm lớp tôi là cô Đoàn Nguyệt Anh - một cô giáo yêu nghề, mến trẻ và vô cùng tâm lý. Tôi vẫn thường nghe các tiền bối và bạn bè đồng trang lứa bày tỏ sự kính trọng và niềm ngưỡng mộ dành cho phong cách giảng dạy và tình yêu của cô với lũ trẻ, cũng như nghề giáo của mình. Chúng tôi mong chờ và hạnh phúc về mọi điều nơi đây, có lẽ, vì mang trong mình tâm hồn mộng mơ và tinh tế của những cô gái chuyên Văn, nên từng ánh nắng ban mai chiếu rọi sân trường tới mỗi dãy nhà, ngóc ngách, đến cặp áo sơ mi và chiếc váy nhẹ nhàng đủ khiến chúng tôi thổn thức biết bao khi mường tượng về ba năm thanh xuân thật đẹp và ấm áp.

Lớp chuyên Văn của tôi có 32 học sinh thì có tới 31 là nữ, duy nhất một “đấng nam nhi” lạc vào vườn hoa mà cô tôi vẫn thường đùa rằng đó là “báu vật của khối Văn”. 32 con người là từng ấy những tính cách và sở trường khác nhau. Là một Hồng Quân say mê với những trang sách, một Phương Mai có tài nhảy múa cùng nụ cười duyên, làm sao quên được một Khuê Nhàn luôn “pha trò” khiến cả lớp cười phá lên trong mỗi giờ học căng thẳng, Diệu Khuê “mama tổng quản” với khả năng lãnh đạo và dẫn dắt lớp trong phong trào thi đua, “nhiếp ảnh gia” Minh Châu luôn lưu giữ mọi khoảnh khắc của lớp... Ai cũng mang trong mình một tài năng đặc biệt, mỗi mảnh ghép tưởng chừng hoàn toàn tách biệt nhưng khi ghép vào lại làm nên một tổng thể hài hòa và độc nhất. Cái tên “Văn Vui Vẻ” được cô Lan Anh đặt cho lớp ngay từ ngày đầu lập nhóm lớp, hóa chăng, nhờ vậy mà mỗi ngày đi học, chúng tôi đều tìm được niềm vui từ những điều nhỏ bé nhất, hay ngay cả khi trong giờ phút căng thẳng, chúng tôi lại dựa vào nhau và cùng an ủi “mọi chuyện sẽ ổn cả thôi”.

“Đấng nam nhi” duy nhất của Văn 23-26 và những nụ cười hạnh phúc ngày Trung Thu. 

Tôi gọi những tháng ngày ở chuyên Nguyễn Trãi giống như “đóa xuân xanh đầu mùa” vì với tôi, đó là sự khởi đầu, sự tươi mới, sự ươm mầm đón chờ mùa hoa nở. Tôi còn nhớ ngay khi có danh sách trúng tuyển, một người chị cùng trường đã nhắn tôi: “sắp được thưởng thức đặc sản chuyên Nguyễn Trãi rồi đấy nhớ!”, làm tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì biết đó là kì thi cho phép mình thử sức với bộ môn yêu thích nhất, lo vì hiểu sẽ áp lực thật nhiều vì trong lớp chuyên đều là những bạn rất giỏi và chăm. Và rồi, ngày đó cũng tới, ngày mà kì thi năng khiếu lần thứ nhất diễn ra, hẳn lần đầu ai cũng giống ai (lo lắng, run rẩy nhưng cũng mong ngóng, “ước gì mình xếp thứ Nhất!”), cho tới khi ra khỏi phòng thi, vẫn là ai cũng giống ai (nhưng là ngơ ngác, “mình vừa viết gì thế nhỉ?”, “ô thế là kết thúc rồi à”, “thì ra thi năng khiếu nó như thế này!”). Lần đầu là vậy đó, nhưng tới lần hai, lần ba, rồi qua năm lần kiểm tra, chúng tôi thường đùa nhau: “Thi nhiều quá mất hết cảm giác rồi, cứ đến ngày là thi thôi chứ chẳng run gì nữa nhỉ”. Nói vui là vậy, nhưng tôi hiểu ai cũng có dự định, mơ ước, ai cũng nỗ lực hết mình để thử xem mình có cơ hội đi xa hơn không. Đằng sau những nụ cười, pha nghịch ngợm, là bao cố gắng thầm lặng miệt mài trong mỗi mùa thi, là những nỗ lực bền bỉ, là cái nồng mặn của nước mắt trong những lúc mệt mỏi, là cái ngọt lành trong những lời khuyến khích, động viên của thầy và bạn. Nếu có ai hỏi rằng “Sao học sinh Nguyễn Trãi giỏi thế nhỉ?”, tôi sẽ tự tin trả lời: “Vì nơi đây chúng tôi học hết sức, chơi hết mình, và quan trọng hơn cả, chẳng ai bị bỏ lại phía sau, một người vì mọi người, mọi người vì một người!”. Còn nhớ khi gần tới kì thi cấp tỉnh, đó là những ngày như “nằm trong đống lửa” với bao áp lực bủa vây cùng cái nóng như thiêu đốt của tiết trời sắp vào hạ, lớp chúng tôi vẫn cùng nhau đi qua một mùa thi với bao kỉ niệm trân quý. Đó là những ngày chia kiến thức ra để học rồi giảng cho nhau nghe, là những tối khi mọi người đương nghỉ ngơi thì chúng tôi lại vào lớp trực tuyến để tiếp tục tích lũy kiến thức và trau dồi kĩ năng. Cô giáo nhiệt tâm, học sinh nỗ lực. Quả nhiên, “hạnh phúc không nằm hoàn toàn ở kết quả mà chính là ở quá trình!”. Mùa xuân của tôi tại chuyên Nguyễn Trãi đã mở ra như vậy đó.

 Phần thưởng cho một năm học nỗ lực thật nhiều! 

Khác với tưởng tượng của mọi người về vẻ lãng mạn hóa của “người học Văn”, chúng tôi vẫn vui những niềm vui giản dị và buồn những thoáng đau thường tình. Tôi còn nhớ những ngày tháng 3 sôi nổi - tháng của “ngày hội chuyên Nguyễn Trãi”, khi cả trường sôi sục khí thế hưởng ứng cuộc thi kéo co, chúng tôi cũng háo hứng ngóng chờ, dồn bao tâm huyết để dành được chiến thắng. Ngay từ khi cuộc thi được phát động, cô Nguyệt Anh đã chọn ra những bạn có sức bền tốt nhất, mượn sợi dây kéo co và luyện tập kỹ năng thi đấu. Lớp tôi tranh thủ mỗi giờ ra chơi và cả giờ sinh hoạt cũng mang sợi dây đó ra ngoài hành lang tập luyện, mấy đứa trong lớp nhìn ra vừa hồi hộp vừa phì cười vì trông đứa bạn của mình lúc kéo co khác xa vẻ yểu điệu thường ngày. Tuần lễ thi đấu cũng đến, ngày đến lượt lớp tôi, chúng tôi xin 10 phút cuối tiết học để “khởi động chân tay” và không quên “tân trang” trước khi xuống sân trường. Con gái chuyên Văn mà! Lúc nào cũng phải điệu, phải đẹp chứ! Có đứa còn khôi hài “lớp mình đúng là phấn má trước phấn đấu sau, nhỉ”. Nhưng đến khi tiếng còi vang lên, những đứa thi đấu như “rũ bỏ” hết sự nữ tính mà gắng hết sức dành được sợi dây, những đứa bên ngoài thì cầm còi , cầm bảng cổ vũ hò hét, hô to “10 Văn! 10 Văn! 10 Văn!”. Chiến thắng mỉm cười với chúng tôi trong trận đấu đầu tiên, thế là đứa nào đứa nấy lại khí thế hừng hực, tin vào ngày toàn thắng tới gần.  

Chiều đông giá rét không làm nhụt chí những cô nàng chuyên Văn! 

Cô Nguyệt Anh rất tự hào về chúng tôi, nhưng hơn cả, điều mà cô hài lòng nhất là chúng tôi không hề bỏ cuộc, buông xuôi theo ý nghĩ “gái Văn liễu yếu đào tơ”. Chúng tôi đã mơ ước, đã khao khát và đã vui với thành công hôm đó. Nhưng tới trận đấu sau, may mắn đã không mỉm cười với lớp tôi, dường như chỉ còn một chút nữa thôi là chúng tôi có thể thỏa lòng mong nguyện. Tôi còn nhớ ánh mắt cụp xuống của từng thành viên, tiếng thở dài thút thít “chút nữa là thắng rồi!’. Chúng tôi có buồn vì thất bại đó nhưng có lẽ vui nhiều hơn bởi ai cũng đã thực sự sống với tâm nguyện và gắng hết tâm sức của mình. Ngày hôm ấy lớp tôi còn được cô Lương “cổ vũ” bằng những cốc sữa chua mát lạnh (mà cô Huyền vẫn hay trêu lớp tôi “Đổi tên từ chuyên Văn thành chuyên Ăn đi!”), nên nỗi buồn xua đi nhanh hơn thì phải. Kỉ niệm ấy tôi mãi không quên trong suốt tháng năm học trò, những dấu ấn đầu tiên trong trường chuyên Nguyễn Trãi.

Người ta mong mùa xuân và gắn mùa xuân với hình ảnh của sự khởi đầu, của những mầm non đang dần bừng dậy sức sống là vậy, nhưng người ta vẫn luôn luyến tiếc mùa “xuân” ngay cả khi nó còn chưa kết thúc. Tôi hiểu, ba năm học này sẽ thoảng qua như một cơn mưa rào, lượng trời nào “cho dài tuổi trẻ của nhân gian”, nhưng “chúng ta chỉ sống một lần, nhưng nếu sống đúng, thì một lần là đủ.”

*Tác giả: Lê Thị Minh Phương

Chuyên Văn, niên khoá 2023-2026

Thông tin chi tiết về cuộc thi viết "Nhắn gửi thanh xuân" nằm trong dự án Kỷ yếu "Nhắn gửi thanh xuân" và xuất bản sách nói do Hội cựu học sinh thực hiện xem TẠI ĐÂY