“Mười năm không gặp chắc tình đã cũ
Mây bay bao năm tưởng mình đã quên”
Mấy hôm trước, tôi có nhìn thấy ảnh cô Trang chia sẻ về đội ôn thi đại học Văn. Đó là những người em sau tôi hai khóa. Tôi bất giác cười lên một tiếng. Thế là tôi đã ra trường ngót tận mười hai năm. Vậy những người như tôi là tình cũ chôn sâu dưới năm tấc đất rồi.
Thời gian trôi thật nhanh và tàn nhẫn. Thế mà tôi cứ nghĩ mới vừa ra trường được mấy năm, vẫn còn đang tuổi trẻ phơi phới đi tìm kiếm hoài bão tương lai. Một ngày đẹp trời tỉnh dậy, chợt nhận ra kỉ niệm đã trôi xa đến cả chục năm, vậy mà đêm qua tôi còn giật mình tỉnh dậy vì sợ đi học muộn giờ. Ngày đó, người ta bị hạ hạnh kiểm vì tội trèo tường trốn học. Còn tôi bị hạ hạnh kiểm vì tội trèo tường vào đi học. Cũng là vì cái tội hay quên, lại còn hay đi học sát giờ. Chú bảo vệ bắt được tôi, biểu cảm vô cùng dữ dằn, vì tôi không những chỉ là một thằng hay đi học muộn, mà suốt ngày làm mất vé xe nữa. Tôi còn nhớ bộ dạng của tôi ngày hôm đó thật là thê thảm, người đầy mồ hôi, hớt hải vì đi học muộn, lại còn trèo tường rách cả áo nữa. Nhưng mà vẫn xui vì bị chú bảo vệ bắt sống lúc còn chưa kịp chạy vào lớp. Thế là lại thêm một bản tường trình. Năm đó là kì hai lớp Mười, tôi bị hạ hạnh kiểm vì tội vi phạm nội quy. Lúc đó tôi buồn lắm vì là năm học duy nhất trong suốt mười hai năm học, tôi thành học sinh khá. Nhưng trong cái rủi có cái may, vì những lần sau tôi trèo tường vào học, chú không còn bắt tôi nữa. Sau này tôi hiểu đó là cảm giác Bảy phần bất lực, ba phần cho qua.
Tôi vẫn nhớ buổi học đầu tiên. đó là buổi học chữ tiếng Pháp. Tôi không nhịn nổi cười, cứ phải bấm miệng cười khình khịch. Nhưng thầy Cường nhìn dữ quá, khiến tôi vừa buồn cười vừa sợ, ngồi học mà mặt căng đét, nhưng hai vai cứ rung bần bật. Chữ A đọc là A, chữ B đọc là Bê, chữ C đọc là Xê, cái đó cũng thường thôi, nhưng cái xe đạp đọc là Vê Lồ khiến tôi không thể nào tập trung được. Em xin lỗi thầy ạ, phải chăng ngày đó em nghiêm túc hơn thì bây giờ đã nói năng trôi chảy hơn bao nhiêu rồi. Chỉ có buổi học môn văn với tôi là bình yên hơn cả vì mẹ tôi cũng là giáo viên dạy văn, nên từ nhỏ tôi cũng đã trải qua cảm giác học đường môn văn từ sáng tới tối rồi. May mắn thay, cô giáo chủ nhiệm của tôi là cô Trang, xinh và hiền hơn mẹ tôi, nên cảm giác áp lực của môn Văn cũng đỡ đi phần nào.
Tôi vẫn nhớ mùa hè năm lớp Mười hai, những ngày cuối cùng trước khi thi tốt nghiệp, khóa 09-12 nắm tay nhau tạo thành vòng tròn quanh sân trường, cùng hát vang bài gì giờ tôi chẳng nhớ. Tôi chỉ biết rằng ngày hôm đó, trời mưa to, lại còn có sấm chớp nhưng vẫn không ngăn nổi chúng tôi. Cảm giác lúc ấy thật tuyệt vời, cảm giác như đang làm chủ cả thế giới, vì có anh em bạn bè kề bên. Hồi đó chúng tôi sợ cô giám thị nhất trên đời, vì chỉ một lỗi bé xíu cũng lên phòng ngồi uống nước ngay. Thế mà hôm đấy, mười mấy thằng chuyên ngữ đứng hong người sau cơn mưa, cô giám thị đi qua còn không giận dữ gì, còn bảo hong người nhanh lên để còn vào học. Chắc cô cũng biết không thể ngăn cản được nổi loạn của tuổi chưa mười tám.
Tôi vẫn còn nhớ tới em, cô bạn gái có đôi mắt to tròn, cười xinh và hay bày trò tinh nghịch trên mạng xã hội. Em học sau tôi hai khóa, cùng hội với người trong bức ảnh kỉ niệm của cô Trang. Đó là mối tình đầu sao? Không phải, đó là mối tình không đầu không cuối, cứ gọi là gà bông cũng được. Buổi gặp mặt đầu tiên là để trao đổi tài liệu học văn. Vài cái nắm tay, vài lần đi chơi, gặp nhau chỉ nói đôi ba điều bâng quơ không đầu không cuối. Thậm chí còn chưa kịp trao nhau một cái ôm tạm biệt, thế mà chưa gì đã chia tay. Ngày đã chia tay, tôi về trường dự lễ kỉ niệm, nhưng tôi chỉ tìm em trong đám đông màu xanh của nhà thể chất. Cho đến khi nhìn thấy nụ cười của em vẫn còn tươi vui bên bè bạn, lúc đó tôi mới thấy yên lòng.
Thời gian nhanh quá, năm nay tôi đã đến tuổi băm.
Thế mà vẫn giữ thói quen đi học muộn, cứ phải còn mấy phút sát giờ mới đi làm cơ. Công ty tôi ở trên tầng bốn, chờ thang máy thì tôi sẽ bị trừ lương. Thế là lại phải cuốc thang bộ. Những lúc như thế, tôi chỉ ước có thể chạy nhanh như hồi còn cấp ba, hoặc chí ít có cân nặng như hồi đó. Bây giờ cũng chẳng còn chú bảo vệ nào bắt tôi nữa, nhưng nếu tôi đi muộn, chú Nhân sự sẽ trừ lương của tôi. Ngẫm ra thì cũng như thế cả.
Mười hai năm sau, tôi không còn học tiếng Pháp nữa, không còn cười vì chiếc xe đạp, không còn cười vì Merci beaucoup. Nhiều người bạn của tôi cũng vậy, thời cuộc mà. Nhưng tôi vẫn tự hào vì tôi là một dân chuyên Pháp, tôi tự hào vì giờ có thể ngồi gảy dăm ba ngôn ngữ với mấy khách tây ba lô. Tôi vẫn “Đẹp trai có bằng B2 DELF” như ai. Giờ chỉ phấn đấu có bằng B2 dân sự nữa là đẹp luôn rồi này.
Sau một giáp niên, cái vòng tay của khóa bọn tôi ngày ấy không còn được bền chặt như trước nữa. Ai cũng phải có con đường riêng, ai cũng cần tìm cho mình vị thế. Cùng khóa của tôi, có người đã lên tivi làm Cá mập đầu tư, có người làm chuyên gia, làm bác sĩ, làm tổng tài các thứ. Thế nên tôi ít khi sử dụng mạng xã hội, vì đâu có gì đáng để khoe. Tôi thì là công nhân quèn ngành game, mỗi ngày đi lên công ty vẫn bị đồn là đi trông hàng net. Nhưng ít nhất, tôi cũng đã theo đuổi đam mê của mình, như là lần được hò hét trong cơn mưa của tuổi thanh xuân năm nào. Mỗi người mỗi việc, mỗi người mỗi suy tư. Ít nhất thì, dù có thành công hay thất bại, bạn bè còn nhớ tới nhau đã là may mắn rồi.
Mười mấy năm sau, nhiều lúc bế con, lướt mạng xã hội, vẫn nhìn thấy hình ảnh của “ bạn ấy”. Vẫn năng lượng ấy, vẫn hình dung ấy, đôi mắt vẫn long lanh, chỉ là giờ thì nhiều lo toan bộn bề nên đã trầm xuống phần nào. Lúc đó, có một nỗi buồn thoảng qua trong tâm trí tôi. Phải chi ngày đó mạnh mẽ hơn, cho ra đầu ra cuối, thế cho đỡ phải lấn cấn trong lòng. Thôi cô ơi lấy chồng đi thôi, sinh con giai đầu lòng, tôi gả con gái cho.
Tôi có một tật xấu, đấy là đi bộ toàn cúi mặt về phía trước, mải miết mà đi. Thế nên nhiều khi đi đường có người trách tôi, sao chào to mà không thấy đáp lại. Có lẽ đường đi bộ này hơi dài rồi, đến khi tôi quay đầu lại, kỉ niệm đã chảy trôi quá xa. Thoáng một cái đã đi qua hơn thập kỉ. Tôi vẫn thế, vẫn thấy mình như một học sinh chuyên Nguyễn Trãi, vừa mới bước ra cửa phòng thi ngày hôm qua thôi. Vẫn ngang bướng, cứng đầu, vẫn là “ trẻ trâu”, dù bây giờ, đã không còn trẻ, sức cũng chẳng còn “trâu”. “
Mười năm không gặp chắc tình đã cũ”, nhưng kỉ niệm mười năm cũng chưa phải đã quên. Bởi vì, kỉ niệm là thứ để ta nhớ, chứ không phải điều để quên đi. Thế nhé, Nguyễn Trãi ơi, hẹn ngày tôi trở về.
*Tác giả: Nguyễn Tùng Lâm
Chuyên Pháp, niên khoá 2009-2012
Thông tin chi tiết về cuộc thi viết "Nhắn gửi thanh xuân" nằm trong dự án Kỷ yếu "Nhắn gửi thanh xuân" và xuất bản sách nói do Hội cựu học sinh thực hiện xem TẠI ĐÂY