Các cô dạy văn tôi thường nhận xét rằng trong văn tôi viết luôn dạt dào cảm xúc hơn là trúng ý trúng từ, và tôi thì luôn cảm thấy hạnh phúc trong những xúc cảm ấy của mình. Tôi rất thích viết vì thường có những điều tôi nói ra không hết ý, khi viết tôi lại được giải phóng những xúc cảm như nhựa sống đương độ dâng trào, tôi được cười thật thỏa trong niềm vui viết xuống, lại được khóc thật lớn trong nỗi buồn riêng tôi. Tôi đã trong những áp lực vô hình, những công việc chất chồng của một kẻ “vác tù và hàng tổng”, tôi đã mím chặt môi bật khóc, cười trừ trong dòng lệ khi tôi không đạt được kì vọng. Thực lòng lúc ấy, tôi định buông tay, tôi định không viết nữa... Nhưng nghĩ lại, sao mình lại muốn viết, sao đã có đêm mình thức đến khi thiếp đi trên bàn để nghĩ ý tưởng, mình muốn viết để giãi bày, để tâm sự, để mỗi con chữ đều giúp bạn đọc thấy mình và hiểu mình. Câu chuyện của tôi là của riêng tôi, cũng chỉ mong góp câu chuyện nhỏ của bản thân vào giữa bao câu chuyện của mọi người, chắc mẩm cũng được góp chút vui tao nhã khi thư giãn của bạn đọc... Đây là câu chuyện về tôi, gia đình tôi với trường Nguyễn Trãi, là câu chuyện của tôi với thầy cô, hai cô Hà và bạn bè dưới mái trường dấu yêu gắn bó đã độ hơn một năm, có lẽ là một câu chuyện với hai phần...
Thường thấy mọi người có anh, chị, có em ngày nào cũng cùng đi học, cùng chí chóe và tâm sự thường xuyên mà tôi cũng thấy ganh tị. Dạo này cũng thường thấy những bài về anh chị và em cùng dưới một mái trường thì gợi cho tôi thật nhiều kỉ niệm của chính mình. Chị gái tôi, chị ấy cách tôi vừa tròn 18 tuổi, năm cuối chị học ở Nguyễn Trãi và thi tốt nghiệp là năm tôi cất tiếng khóc chào đời, bởi thế mà giờ đây khi tôi còn đi học thì chị đã là một bà chị trung niên công chức bàn giấy, có chồng và sắp ba đứa con và chị em tôi cũng ít thời gian tâm sự và chí chóe. À, đúng rồi, chị tôi là cựu học sinh lớp chuyên Sinh khóa 2005-2008 của cô Kim Giang – nay cô cũng đã về hưu. Sở dĩ tôi kể chuyện này vì gia đình tôi, chị tôi và chính tôi thời thơ ấu đã gắn bó mật thiết với trường Nguyễn Trãi. Theo lời kể và những bức ảnh cũ đã nhòe, tôi biết ngày mà tôi chưa ra đời, nhà tôi nghèo lắm, bố mẹ hết việc công xưởng thì việc lam lũ cày cấy, gắn bó với ngôi nhà bên dòng sông Mè nơi quê hương xứ sở, chị tôi từ ấy mà từ bé nuôi chí gắng học, chăm chỉ miệt mài, từ chỗ đạp xe mấy chục cây số lên trường cấp hai của huyện đến cô gái quê bỡ ngỡ lên học Nguyễn Trãi. Chí thực, bấy giờ chị tôi cũng lưỡng lự khi quyết chí lên thị thành hay ở nhà học trường huyện đỡ đần bố mẹ tôi, cuối cùng bố mẹ tôi đã động viên chị thực hiện ước mơ và chị đã rời nhà và gắn bó với ký túc xá ngày ấy. Năm 2005, trường vẫn còn ở mạn phố Canh Nông, đối diện hồ Bạch Đằng khoáng đạt thơ mộng, và ngôi trường ấy, ký túc xá ấy thực sự có ý nghĩa với gia đình tôi…
Chị tôi từ ngày xa gia đình lên học Nguyễn Trãi luôn cố gắng hết sức để bố mẹ tôi yên tâm. Cô Kim Giang – cô giáo của chị tôi, mỗi lần họp phụ huynh lại gặp mẹ tôi – người phụ nữ thôn quê với vẻ mặt in hằn nỗi nhọc nhằn (hình ảnh này tôi được thấy trong một bức ảnh mẹ chụp với chị ở ký túc xá), lại hết lời khen chị, động viên mẹ tôi, cổ vũ chị tôi trong những tháng ngày gian khó nhất. Mẹ tôi và chị luôn nhớ đến cô Giang, nhớ những dịu dàng và những lời động viên của cô... Năm ngoái, kỷ niệm 15 năm ra trường của chị, chị gặp lại cô Giang và tôi nhớ hôm đó, chị đã rất vui và kể cho tôi nghe về cô thật nhiều. Dù chưa từng nói chuyện lần nào, chưa từng gặp cô trực tiếp nhưng tôi cũng biết ơn cô, biết ơn cô đã đùm bọc, luôn giúp đỡ chị tôi ở nơi phố thị lạ lẫm, đã động viên mẹ tôi và cho tôi những ấn tượng đầu tiên về người thấy trường Nguyễn Trãi – những người thầy chuyên môn cao và giàu tình yêu thương, quan tâm học trò như những “của để dành” của mình... Và tôi bây giờ cũng có những người thầy như thế mà tôi sẽ khắc họa phần sau…
Một việc luôn in sâu trong tâm trí tôi, là động lực to lớn để tôi quyết tâm kế tiếp chị tôi trở thành học sinh của trường... Ngày ấy, mẹ làm công nhân ở mạn cuối thành phố, nay là Tứ Minh, chỉ khi lĩnh lương mới dám mua thịt làm ruốc ăn dè, khi đói quá mới dám chi ra chút đỉnh ăn lưng bát chè lấy sức. Hôm kia, mẹ tranh thủ nghỉ trưa vào ký túc thăm chị và mang ruốc cho chị, thấy chị hai mắt thâm quầng, độ gầy hơn trước, mẹ thương mà nén nước mắt, mẹ nghĩ vì mình nghèo mà không lo cho con đủ đầy như người ta được, có ít ruốc mà chị và mẹ đẩy qua đẩy lại, chị không nỡ vì biết ở quê bố mẹ không có mà ăn, mẹ thì thương chị vất vả đèn sách, rồi hai người phụ nữ, hai mẹ con ấy ôm lấy nhau mà khóc cho thỏa nỗi niềm... Chính trường Nguyễn Trãi đã mở lối tương lai không những cho chị mà còn cho cả ngôi gia tôi, là động lực cố gắng tăng ca của mẹ, là động lực làm thêm chút nữa của bố đến độ tối mịt, là những đầu tiên cho tôi động lực quyết tâm và có cuộc sống “trông lên không bằng ai” mà no ấm như bây giờ.
Từ cái ngày sinh ra, chị tôi đã tốt nghiệp cấp ba, lên Hà Nội học đại học, tôi bé xíu rồi dần lớn, đi học mầm non và sợ chị - bà chị khó tính hơi mắng tôi. Ngày đấy tôi rất ghét đi mẫu giáo, tôi thích ở nhà xem vô tuyến thay vì ra lớp ăn ở một cách quy củ đến phát hãi và rồi chị đã cho tôi động lực đến lớp. Mỗi lần chị về nhà khi được nghỉ học trên trường, tôi vẫn nhớ khi có việc ra ngoài, chị lại vơ cái áo đồng phục kẻ xanh kẻ trắng trên cọc, mặc vào rồi ra ngoài, khi ấy tôi độ lớp 1-2, tôi chỉ thấy cái áo cũng giống áo của mình, chắc chị thích nên mặc áo đó. Rồi thắc mắc quá, tôi mở lời hỏi ngây thơ: “Áo chị mặc là áo trường Nguyễn Trãi gì gì mẹ hay nhắc đúng không? Học ở đấy có vui không chị? Chắc thích hơn cái trường tiểu học của em nhỉ...”, rồi chị lấy ra một quyển gì đó màu xanh, có mấy hình viên kẹo, bông hoa,... rất mực ngộ nghĩnh rồi mở ra cho tôi xem (bây giờ thì tôi biết quyển đấy gọi là Album). Trong đó có rất nhiều ảnh, chủ yếu tôi thấy chị mặc áo dài trắng và đứng trong một khuôn viên lạ lẫm, thì ra đó là trường Nguyễn Trãi mới – trường bây giờ, năm cuối học ở trường chị mới được ra học ở trường mới trên đường Nguyễn Văn Linh, trường hiện lên với mấy tòa nhà lớn màu vàng, mấy cái cây xanh rờn, khoảng sân rộng màu xi măng rất thoáng, những hành lang mới tinh dài tít tắp,... rồi chị chỉ cho tôi và kể về những kỷ niệm của chị hồi học ở mái trường mới này, thật cuốn hút và mê mẩn, chị thì được cái “chất khoa học”, đâm câu chuyện cũng chẳng bay bổng và lãng mạn đâu, mà lại rất xúc tích, mà lạ thay, “người trên mây” như tôi lại xác lập niềm yêu với mái trường ấy... Không biết tự bao giờ, vô tình hay hữu ý, trong tôi, trường Nguyễn Trãi hiện lên như một vương quốc thần tiên, một xứ sở trong mơ nơi cổ tích...
Tôi cũng có một người chị nữa, nay đã vắng số... Chị ấy đã đỗ lớp chuyên Văn, bài văn của chị được nhận xét là một trong những bài văn hay nhất hồi ấy, song thay vì thực hiện ước mơ đi học Nguyễn Trãi, chị đã lựa chọn ở nhà đỡ đần bố mẹ và trông tôi khi mới sinh. Dù sao thì tôi cũng áy này phần nào, và sự ấy đã thêm lửa cho tôi, cho tôi quyết tâm thực hiện ước mơ dang dở ngày ấy của chị. Những cố gắng của tôi bây giờ, tôi tin ở một nơi xa, chị vẫn luôn dõi theo và mỉm cười với tôi như ngày chị còn ở với tôi...
Rồi một hôm nọ, xin được của mẹ tấm bìa cứng, tôi liền lấy cái bút dạ rồi viết lên mấy chữ lớn: ƯỚC MƠ LÀ ĐỖ TRƯỜNG NGUYỄN TRÃI, rồi cất lên góc cao của bàn học – năm ấy tôi độ lớp 3-4... Dường như nghe như chuyện đùa vậy, nhưng tôi đã làm như vậy thật, “ông cụ non” tôi đã xác định con đường đi cho mình, một con đường dài không thấy gì rõ ràng với tôi lúc bấy giờ. Để xua tan những sương mờ trên con đường đến nơi vườn địa đàng ấy, tôi cứ vậy, rồi cấp 1, rồi cấp 2, cố gắng mà học mà hành, qua tháng qua năm, vẻ chừng ánh sáng ngày một ló rạng chiếu con đường thêm tường minh...
...
Thời gian như dòng nước, cứ chảy trôi mặc ai trông ai đợi, ngoái đầu nhìn lại đã độ một năm rồi, một năm tôi chính thức khoác lên chiếc áo đồng phục của riêng mình, chiếc áo có biểu trưng của ngôi trường tôi hằng mơ ước. Ngày tôi đi đến đích của con đường trước kia sương giăng phủ lối, ban chiều ánh nắng chói chang rực rỡ như cách tôi cười tươi hạnh phúc, trăng lên trời đổ mưa như tôi trút bỏ những gánh nặng trên vai. Quãng đường dài để tôi đến được trường Nguyễn Trãi, quãng đường của sự nỗ lực không quản ngày đêm, những ân cần của bố mẹ, của chị, của những người thân yêu luôn ở bên, của thầy cô tôi ở cấp 2, của người kèm cặp tôi giữa bộn bề công việc, chặng đường dẫu nhọc nhằn mà tôi không bao giờ dám quên... Nếu trong tôi, trường là một vườn cổ tích nhiệm màu thì chặng đường đến khu vườn ấy càng kỳ diệu hơn, tôi khi tưởng tượng về con đường ấy, tôi thấy hình ảnh của tôi, đôi mắt thâm quầng tâm trạng, chẳng cười tươi được, thân thể hốc hác, tôi lại thấy những người thân yêu xung quanh ở mỗi bên đường, dõi theo tôi đi hết con đường, ngôi trường rực sáng dưới nắng ban mai, rất mực trân quý…
Mới ngày nào, hồi còn ròng rã, lẽo đẽo đi học ở tít cuối thành phố, tôi đều đi con đường đi qua trường, được nhìn thấy trường mà tiếp thêm động lực. Mà giờ đây, diệu kỳ thay, không chỉ đi qua, tôi được đèn sách trong trường, và tôi trân quý từng khoảnh khắc gắn bó với mái trường này. Chỉ một năm thôi, tôi ấn tượng với mọi thứ của trường, từng điều, từng điều đều thật yêu thương biết bao!
Trường Chuyên Nguyễn Trãi, cổng trường hình một cuốn sách đang mở mà tôi thường thấy như hình một dấu căn bậc hai, những vườn cây và hoa bốn mùa xuân hạ thu đông tỏa sắc, tạo nên một không gian tươi mát, tòa nhà A ở trung tâm danh giá với biểu trưng treo cao, đã bao lâu là hình ảnh đại diện của nhà trường, những dãy nhà học sơn vàng, những phòng học nét hoài niệm một thời, sân cờ độc đáo khoáng đạt, những dãy nhà xe đầy kỷ niệm... tất cả dù thế nào vẫn là mãi là một phần trong ký ức của tôi, vẫn mãi đẹp và thơ như thế. Tôi chưa từng thấy một nơi đâu mang đến cho học trò chúng tôi nhiều cơ hội như nơi đây, vừa học vừa chơi, chơi hết sức mà học hết mình, danh chiếm bảng vàng mà vẫn sôi nổi hoạt động. Những sự kiện được tổ chức đáng nhớ, ngày hội Chào Tân học sinh, ngày Lễ kỷ niệm 20/11, ngày hội Chuyên Nguyễn Trãi, ngày lễ Tri ân và Trưởng thành,... mỗi một ngày dù trôi đi thật nhanh, song dư âm để lại sẽ còn là dường như mãi về sau…
Từ thuở thơ ấu, đến khi mang theo những hoài bão trong mình, mãi trường ấy vẫn luôn chiếm trong tim tôi một vị trí đặc biệt. Nói về mái trường thì tôi nghĩ một bài, hai bài hay kể là mười bài văn cũng không hết được, vì đó là tình cảm, một thứ tình cảm khó mà gọi tên. Bằng tất cả những niềm trân quý của bản thân, từ tận đáy lòng, tôi chỉ muốn nói một tiếng chân thành nhất với “Mái trường tỏa ánh sao Khuê”: Rồi mai đây, đi đến muôn nơi, em vẫn tự hào khi nói mình là cựu học sinh trường Nguyễn Trãi, rằng tôi đã yêu trường từ tấm bé như thế nào…
Tôi viết dài dòng, kể lể, chỉ mong truyền đạt hết ý hết tình, tôi dừng lời phần một tại đây, song câu chuyện của tôi chưa hề hết vì dưới mái trường, có những vì sao Khuê thực sự…
*Tác giả: Đoàn Trần Duy Anh
Chuyên Sử, niên khoá 2023-2026
Thông tin chi tiết về cuộc thi viết "Nhắn gửi thanh xuân" nằm trong dự án Kỷ yếu "Nhắn gửi thanh xuân" và xuất bản sách nói do Hội cựu học sinh thực hiện xem TẠI ĐÂY