Mây vần vũ dần tan biến theo lời vẫy gọi của nắng hè. Sự dịu mát pha chút khô nỏ mơn man trên từng đầu ngón tay. Tôi chợt nhận ra mùa thu đã đến, và một dịp lễ đặc biệt sắp diễn ra. Đó là ngày 20 tháng 11 – ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam. Nhìn những gánh hoa xinh xắn xuất hiện trên hè phố, tôi xôn xao nghĩ về những con người mang danh xưng cao quý ấy.
Tôi đã ý thức về nghề giáo từ khi còn rất nhỏ, bởi đó là nghề nghiệp của hầu hết người thân trong gia đình. Bóng lưng khi soạn giáo án của bố, chồng học bạ mẹ nắn nót viết, các cô chú học sinh cũ về thăm ông,... đều là những hình ảnh quá đỗi quen thuộc, đã sớm gắn bó với đời tôi từ những kí ức đầu tiên. Nhưng ấn tượng mãnh liệt nhất phải kể đến dịp tôi được bà ngoại kể cho nghe chuyện của mẹ. Vượt qua nhiều rào cản, mẹ đã trở thành sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, là niềm tự hào của tất cả mọi người, bởi với quê tôi thuở ấy (và có lẽ cả bây giờ), đó là điều gần như không thể. Tôi không giấu nổi sự phấn khích và tự hào, vừa nghe vừa lật giở cuốn album gia đình - nơi vẫn lưu giữ thật nhiều khoảnh khắc ngày mẹ tôi “học làm cô giáo”. Trong ảnh, mẹ luôn cười thật tươi - nụ cười của người được theo đuổi điều mình mong ước. Ngày trước, “giáo viên” - hay gần gũi hơn là “thầy cô” - với tôi chỉ là tiếng gọi chiếu lệ - nằm lòng, quen miệng nhưng bản chất ra sao thì không rõ. Nhưng lúc đó, ít nhất tôi đã hiểu: đó là một quyết định có thể đem đến cho cuộc đời những điều lâu dài, dù đôi khi chỉ là một hồi ức đã xa, một niềm vui đã xưa cũ. Giờ đây, khi đã lớn khôn, hai chữ giáo viên trong tôi dần thấm đượm cả tình yêu dành cho đấng sinh thành và sự ngưỡng mộ thuần túy của một con người. Tiếng gọi ấy thanh cao và kính cẩn, vọng về một thế giới linh thiêng của tri thức và tình yêu thương.
Thật nông cạn khi thần thánh hóa bất kỳ ai. Nhưng với tôi, khi cả công sức và tâm lực hòa quyện được làm một, con người mang một vẻ đẹp rất gần với định nghĩa phi thực. Ngắm nhìn người giáo viên đang say mê thao giảng, tôi lại càng thấm thía câu hát “Trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ” của cố nhạc sĩ Hoàng Vân - đó là một sức sống màu đỏ đang rực cháy. Từ trang giáo án mực thước, từ cuốn giáo khoa tĩnh tại, họ đã khiến tri thức sống dậy, khiến sự lĩnh hội được trôi chảy. Điều tôi khâm phục nhất là dù nhiều bài học thầy cô đã chỉ dạy cho học trò đến thành quen, kinh nghiệm có thể đong đếm bằng những khoảng dài năm tháng, nhưng nhiệt huyết vẫn như ở “thì hiện tại”, tức là tươi mới, thậm chí sẵn sàng cập nhật và bổ khuyết - điều đó có thể xem như một kỹ nghệ riêng rất nhân văn của nghề giáo. Nhiệt huyết đã tạo nên những dáng đứng vươn mình đầy kiêu hãnh, những giờ học phát triển trọn vẹn nhận thức và nhân cách. Lời nói hay cử chỉ, ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ đã không còn ranh giới rạch ròi nữa. Tất cả hài hoà trong một công cuộc vĩ đại mà điểm đích chính là giáo dục con người. “Bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra” – đó là lời người mẹ căn dặn, trước khi con tiến vào ngưỡng cửa của giáo dục. “Thế giới kì diệu” ấy trong trang văn Lý Lan còn có thể tạo dựng từ điều gì khác nếu gốc rễ không phải là tấm lòng nhiệt thành bền bỉ của thầy cô, là tình nghĩa sư đồ dân tộc ta ca ngợi bao đời?
Vẻ đẹp của người giáo viên trên bục giảng đã trở thành tượng đài huyền thoại. Nhưng nếu chỉ vậy thôi thì chưa đủ. Tôi hiểu được rằng hóa ra cái đẹp gần với hoàn hảo của con người nói chung lại rất đáng quý và có tính nhân bản mạnh mẽ. Vì vậy, ngoài kính trọng, tôi còn có cảm giác thân thương vô cùng khi tiếp xúc với các thầy cô. Một ngày làm việc dài trôi qua, họ trở về với cuộc sống của riêng mình. Họ vừa là giáo viên với những phẩm chất cao cả của nghề, cũng vừa là con người với những nhu cầu và cảm xúc rất đỗi bình thường. Đức Phật, Chúa trời hay các vị thần luôn khiến nhân loại ngưỡng vọng bởi sức mạnh siêu việt. Nhưng không mấy ai lại thắc mắc về sắc đẹp của thần Vệ Nữ, hay tấm lòng từ bi vô hạn của Đức Phật, bởi đó là sản phẩm đi ra từ tín ngưỡng và trí tưởng tượng. Chính vì giáo viên không phải là thần thánh, những khía cạnh trong đời sống thường nhật ấy càng tôn vinh họ. Hình tượng chẳng những không bị lung lay, ngược lại còn sáng đẹp hơn, đáng ngưỡng mộ hơn khi họ có thể đứng giữa công và tư, điều tiết nhịp nhàng như một nhạc trưởng tài hoa giữa bản giao hưởng cuộc đời. Điều đó khiến trái tim tôi ấm áp, và dành một khoảng trống cho niềm yêu mến những điều gần gũi ấy của thầy cô.
Với tôi, một ngày lễ ngắn ngủi chỉ đơn thuần khơi dậy những cảm nghĩ đã ấp ủ suốt chiều dài thời gian, cho tôi cơ hội được bộc lộ chúng một cách chính thức hơn mọi thường. Cuộc đời tựu trung là một tiến trình học tập dài hạn. Vậy nên, chừng nào sự học chưa dừng bước, chừng đó tôi sẽ vẫn còn dành bao kính yêu đến những người có công làm tri thức hóa nhiệm màu. Giáo dục sẽ luôn là sứ mệnh vĩ đại của loài người. Giáo viên không chỉ là một nghề nghiệp, và nhà giáo không chỉ là người lao động bình phàm. Họ chính là những người đứng bên kia cánh cổng trường, thay mẹ cha đón lấy những bàn tay.
*Tác giả: Phạm Dương Thuỳ Trang
Chuyên Văn, niên khoá 2022-2025