(Kính tặng thầy Phạm Phan Chẩn, nguyên Tổ trưởng tổ Văn, trường Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng)

Một trưa cuối tháng 10/2009, thầy điện cho tôi: “Mai con có bận gì không? Nếu không, hai vợ chồng với bọn trẻ con đến thầy nhé, tiếp khách giúp thầy.”

Tôi đoán, có lẽ khách là học trò cũ của thầy, nhưng vẫn hỏi thêm. Thầy cười: “Có mấy anh chị học sinh khóa đầu tiên thầy dạy, ở trường cấp III Phù Cừ Hưng Yên. Ra trường bốn mươi năm rồi. Mai, các anh chị ấy về chơi!”

Chồng tôi bảo: “Thầy Chẩn gọi, thì việc gì cũng phải gác lại em ạ!” Lấy nhau gần 10 năm, với anh, thầy đã trở thành người thầy đáng kính nhất, người cha già mẫu mực, để thỉnh thoảng anh lại nhắc tôi: “Lâu lâu vợ chồng mình không đến thăm thầy rồi đấy!” Với các con tôi, "ông Chẩn" là người chúng ngưỡng mộ vô cùng. "Ông Chẩn hiền như ông tiên ấy", con trai lớn của tôi bảo vậy. Còn nhỏ, cháu chưa hiểu nhiều về con người và cuộc sống, nhưng qua những tình cảm và sự yêu kính của bố mẹ đối với "ông Chẩn", cháu biết ông là người có vị trí quan trọng vô cùng trong cuộc sống tinh thần của vợ chồng tôi.

Chúc mừng sinh nhật thầy Chẩn - 02/09/1998

Có lẽ, thầy Chẩn là người thầy đặc biệt nhất trong cả cuộc đời tôi. Đặc biệt vì thầy không dạy tôi bất cứ lớp nào, giờ nào. Khi tôi học chuyên Văn tại trường Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng, thầy là tổ trưởng tổ Văn, nhưng dạy và chủ nhiệm lớp khác. Suốt ba năm tôi học tại trường, chưa lần nào được nghe thầy giảng. Nhưng thầy cũng là một thầy giáo có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến cuộc sống của tôi. Giờ nghĩ lại, chẳng thể nhớ tôi bắt đầu "thân" với thầy từ khi nào nữa. Chỉ biết, bạn bè từng kể cho tôi nghe,  ngôi nhà nhỏ xíu của thầy nơi cuối phố Chương Dương đã từng cưu mang bao đứa học trò nghèo khó. Nhà chật nhưng tấm lòng không chật. Học trò ở xa, thầy cho ở trọ tại nhà mình, nuôi ăn ở, rèn từng lời ăn tiếng nói, luyện từng nét chữ câu văn. Học trò ở gần, thầy dạy chẳng tính công, còn liên hệ với các thầy cô môn khác, miễn hoàn toàn học phí, dẫu cuộc sống riêng của thầy còn không ít gieo neo. 

Một giờ giảng "Truyện Kiều" của thầy Phạm Phan Chẩn (09/1999)
Một buổi sinh hoạt CLB Thơ văn Hoa mùa đông do thầy Phạm Phan Chẩn - tổ trưởng tổ Ngữ Văn chủ trì.

Thầy bao dung như cha, lại gần gũi như bè bạn. Thầy có thể ngồi lắng nghe những tâm sự của học trò hàng buổi, hàng ngày. Ở cái tuổi mười lăm mười bảy ẩm ương, lũ con trai nhiều khi bướng bỉnh và quậy phá như một cách thể hiện mình, lũ con gái mộng mơ và nông nổi. Những trò nghịch ngợm hay những lời dại dột của học trò, thầy không trách mắng hay cáu giận. Thầy ân cần chỉ dẫn từng tí một. Đâu là dở, đâu là hay, lời thầy luôn nhẹ nhàng mà thấm thía. Để rồi, bất kể chuyện gì, dù lớn dù nhỏ, học trò đều tìm đến thầy để tâm sự, sẻ chia. Thầy không bao giờ to tiếng với ai, càng không khi nào cáu kỉnh với học trò. Lòng thầy luôn bao dung và chan chứa yêu thương. Bài học lớn nhất mà lớp lớp học sinh nhận được từ thầy là bài học biết sống thẳng ngay và nhân ái. Hễ làm được việc gì cho học trò là thầy gắng sức. Đồng lương giáo viên bé nhỏ, nhưng có lẽ chẳng tháng nào thầy cầm được vẹn nguyên. Biết bao học trò đã được thầy đùm bọc trong những tháng ngày gieo neo nhất, để đường đến trường không bị ngắt đoạn giữa chừng...Những Phương, Xuân, Lương Huyền... đã từng được thầy cưu mang như con đẻ chắc cả cuộc đời không thể nào quên.

Chúc mừng sinh nhật Thầy Chẩn tuổi 65 - 02/09/2000
Mừng sinh nhật Thầy tuổi 65 - 02/09/2000

Còn nhớ khi tôi vào đại học, câu chuyện đầu tiên, câu chuyện dài xúc động nhất mà tôi kể với bạn bè là câu chuyện về thầy. Đến nỗi, một chủ nhật, thầy lên ký túc xá trường Đại học Sư phạm thăm tôi, tôi đi vắng, bạn bè trong phòng vừa nhìn thấy thầy đã hỏi: "Bác ơi! Bác là thầy Chẩn phải không?" Trong tất cả những chặng đường đời, đường học của tôi luôn có bóng dáng thầy, luôn có sự động viên, an ủi và góp ý của thầy: học phổ thông, học đại học, học cao học, rồi nghiên cứu sinh... Lấy chồng, sinh con, chuyển công tác... Lúc nào thầy cũng là một người cha tinh thần gần gũi nhất, yêu thương nhất.

Thầy có một kho "bảo bối" là những kỷ vật của học trò. Bốn mươi năm đứng trên bục giảng, thầy có biết bao học trò khắp mọi miền đất nước. Điều kỳ lạ là thầy nhớ như in từng lớp học trò. Bao nhiêu kỷ vật thầy gìn giữ hết, từ một mẩu thư nguệch ngoạc, một tấm ảnh, chiếc mùi xoa, tấm thiệp mời đám cưới từ những năm 70 của thế kỷ trước hay cây bút, cuốn sổ học trò tặng... Học trò cũ đến chơi, thầy có thể lấy ngay ra kỷ niệm liên quan đến từng người, nhắc lại từng "giai thoại", kể những câu chuyện ngộ nghĩnh ngày xưa... Không những có trí nhớ tuyệt vời mà thầy còn có tình yêu bao la với lớp lớp học trò. Chỉ trong tình yêu thương, những kỷ niệm mới "sống lâu" đến vậy, mới tươi rói như vừa hôm qua. Không ít học trò xin lại được từ thầy những kỷ vật quý giá từ tuổi ô mai. Chúng tôi gọi thầy là "giám đốc bảo tàng" vì như vậy.

Học trò quây quần bên thầy nhân dịp 20/11/1999

Trưa tháng mười, nắng vàng như rót mật. Những học trò cũ khóa đầu tiên thầy dạy về tề tựu bên thầy. Mái tóc ai cũng đã hoa râm. Thầy lại run run lật từng chồng kỷ niệm. "Đây là bài thơ anh viết tặng thầy, đã bốn mươi năm rồi, còn nhớ không?" "Đây là tấm ảnh ngày xưa, các anh chị có nhận ra ai đang đứng ngoài cùng, cười rất tươi kia không?". Những kỷ niệm ào ạt kéo về... Từng người một rưng rưng nhắc về những tháng năm áo trắng, về thời học trò nhất quỷ nhì ma được sống trong vòng tay yêu thương, nhân ái của thầy. Về những bài văn thầy giảng, những lời thầy căn dặn đã đi theo gần hết cuộc đời. Mới đấy đã bốn mươi năm! Tóc thầy đã như mây trắng. Mắt thầy đã như có khói sương bao phủ. Sau lưng thầy là những kỷ niệm đẹp lung linh gắn với sự nghiệp trồng người. Thầy vẫn bồi hồi nhắc lại với từng lớp học trò những tháng ngày là học viên khóa đầu tiên khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc); hai lần được gặp Bác Hồ nghẹn ngào xúc động, lời Bác căn dặn theo thầy suốt những tháng năm đứng trên bục giảng, suốt cuộc đời bình dị, đơn sơ; những ngày trong đoàn giáo viên miền xuôi khóa đầu tiên lên đất Điện Biên, Lai Châu dạy học, đưa ánh sáng văn hóa của Đảng, của Bác đến với đồng bào miền núi xa xôi... 

Học trò của thầy, dù thành đạt hay không thành đạt, đều là những con người chân chính, đều là những con người tốt đẹp, vì bài học quan trọng nhất thầy dạy chính là bài học làm người. Tôi, lớp học trò "hậu sinh" ngồi lặng nghe  những lời gan ruột của các anh chị với thầy, thấy mắt mình nhòa đi tự lúc nào. Trên bàn, những bông hồng đỏ lặng lẽ tỏa hương. Những bông hoa không nói. Chỉ làn hương đã nói được bao điều. "Thầy ơi! Năm nay thầy bảy lăm rồi... Thời gian nhanh quá! Mới ngày nào chúng em còn nhỏ dại, mà nay...", lời một anh nghẹn lại. Tất cả lặng im! Mái tóc trắng của thầy rung nhè nhẹ. Nào ai chống lại được quy luật nghiệt ngã của thời gian! Thời gian có thể hủy hoại mọi kết cấu vật chất bền vững nhất, nhưng những điều tốt đẹp thì chẳng bao giờ mất đi phải không thầy?

Căn phòng nhỏ vẫn ngát hương hoa hồng. Một người thắc mắc "Sao lần trước chúng em đến thăm thầy chỗ khác, nay thầy đã chuyển đến đây rồi?". Thầy chỉ cười, bảo: "Thay đổi chỗ ở là chuyện thường thôi mà". Các anh chị không biết, căn nhà ở mặt tiền phố chính ấy, thầy đã cho một học trò cũ mượn, để mở công ty, bước đầu lập nghiệp. Thầy cùng gia đình chuyển đến ở nhà con gái lớn của thầy. Chật chội hơn, bất tiện hơn, nhưng giúp được học trò thì thầy nào có sá. Nghe tiếng thầy ho nghèn nghẹn, tự dưng tôi thấy nhói lòng. Thầy ơi! Chúng con mong có thầy mãi mãi! Chúng con mong thời gian chầm chậm lại...Những bông hoa trên bàn vẫn lặng lẽ tỏa hương…

* Tác giả: Nguyễn Thị Việt Nga 

Cựu học sinh chuyên Văn, khóa 1991-1994, PTNK Hải Hưng.

Nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương.

Nguyên Giám đốc Sở Văn hoá thể thao du lịch Hải Dương

Đại biểu quốc hội khoá XIV, XV.

Hiện đang là Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương.

Tác giả Nguyễn Thị Việt Nga

Thông tin chi tiết về cuộc thi viết "Nhắn gửi thanh xuân" nằm trong dự án Kỷ yếu "Nhắn gửi thanh xuân" và xuất bản sách nói do Hội cựu học sinh thực hiện xem TẠI ĐÂY