Câu chuyện này không phải chỉ là lời kể của tôi.

Nó còn là lời năm tháng.

Kể về tình người, như những chiếc lá, qua bao nhiêu nắng gió, vẫn gắng giữ trọn màu xanh…

Mưu sinh

Câu chuyện tôi kể bắt đầu từ những năm 80 của thế kỉ trước.

Nhà tôi ở ngoại thị, nhà mái tranh hai mặt giáp cánh đồng. Ban ngày đứng chỗ cao là thấy những dãy núi mờ mờ, những cánh buồm trôi nhẹ trên sông, Xóm nhà tôi nghèo (không phải chỉ ngày xưa mà đến tận bây giờ vẫn thế), mỗi khi mưa phùn gió bấc, con đường về nhà lầy lội đến mắt cá chân, rét buốt thấu xương (mấy đứa bạn tôi trong phố đi không biết bấm chân là ngã xoành xoạch). Những ngày bão thì sợ hơn nhiều, gió gầm rít, nhà cửa lung lay, tốc mái, cả nhà tôi phải chui vào gầm giường trú ẩn.

Bố mẹ tôi là viên chức bình thường. Mẹ tôi làm ở xí nghiệp dược, còn bố tôi làm kế toán ở một trường dạy nghề dưới huyện, nhưng đến năm 1982 ông về nghỉ mất sức. Bố tôi nghỉ việc cũng bởi kinh tế gia đình khó khăn. Ông về để đi làm thêm và còn để gom góp, cặm cụi đóng từng viên gạch, gom đập từng viên đá mong hoàn thiện được ngôi nhà (nhà tôi xây suốt từ năm 1979 đến 1984 mà vẫn chưa hoàn thiện xong). Tôi vẫn còn nhớ làm chưa xong được phần thô thì bố mẹ tôi đã phải bán đến cả cái quạt điện con cóc; nhớ cả cái nền nhà chạt bằng xỉ than, gà chui qua cánh cửa liếp vào bới thành những cái ổ lớn nhỏ khắp nhà.

Nhà tôi nghèo, lại dồn lực vào để làm nhà nên cái ăn cũng khó. Tôi vẫn còn nhớ, có lần chị gái con nhà bác ruột tôi đưa người yêu từ Hà Nội về, định mời người yêu ăn cơm nhà chú, nhưng khi mở cái lồng bàn ra, thấy mỗi đĩa rau má luộc với bát nước muối để chấm thì xấu hổ quá, vội dắt người yêu ra ăn ở ngoài. Ăn uống như thế nên em trai tôi vốn dĩ ốm yếu chả ăn nổi, ngày vào đại học nó chỉ nặng 38 cân.

Trong bốn anh chị em, tôi là đứa khoẻ nhất nhà nhưng cũng là đứa hay lo nhất. Từ ngày học lớp 6, lớp 7, tôi đã không hay nghĩ cho mình, không bao giờ mơ ước cái quần cái áo mới cho mình mà nhường hết cho anh chị em, còn mình có gì mặc nấy. Tôi cũng lo không biết bao giờ bố mẹ mới hoàn thiện nốt được cái nhà và thương bố mẹ quần quật suốt ngày mà gia đình lúc nào cũng nghèo, cũng khổ nên sau giờ học tôi tranh thủ đan len, dán hộp, lấy rau lợn, trồng rau và theo bọn trẻ con trong xóm ra ngoài ga để bới than làm cái đun (Tàu ngày xưa chạy bằng hơi nước, những cái đầu tàu xả ra xỉ vẫn còn ít than sót lại, bọn trẻ phải lao vào như thiêu thân để bới lấy than về đun).

Bức ảnh chụp kỷ niệm trước ngày thi tốt nghiệp cấp 2.

Nhà tôi gần nhà N, tôi thường đến chơi nhà bạn, tôi hay tự hỏi vì sao bố mẹ N cũng là viên chức như bố mẹ mình mà gia đình bạn lại khá giả hơn nhiều? Và sau đó tôi nhận định chắc là nhờ mẹ N có nghề cuốn thuốc lá cuộn bán. Sau bao nhiêu ngần ngại, do dự, tôi quyết định nói thật với mẹ N. Tôi bảo hoàn cảnh nhà cháu khó khăn như thế, cô giúp mẹ cháu làm thêm cái nghề cuốn thuốc lá này với được không ạ? Không ngờ, mẹ N đồng ý. Cô bắt đầu dạy tôi từ việc mua hoạ báo Liên Xô để làm khung, chỉ chỗ mua thuốc lá nguyên liệu, mua giấy cuốn, chỉ cách làm, cách nấu hồ dán… và nhờ cả bố N đóng cho cái bàn gỗ để cuốn và đóng gói…

Chính từ nghề cuốn thuốc lá này đã  giúp gia đình tôi bớt khó khăn, bố mẹ tôi hoàn thiện được cái nhà mấy năm sau đó. Công việc đang có chiều thuận lợi thì tai hoạ gia đình ập xuống. Anh trai tôi bị sốt xuất huyết, các bạn cho uống nhầm thuốc nên bị chảy máu trong và sau đó ảnh hưởng nặng về thần kinh, phải nằm viện dài ngày. Tôi là đứa khoẻ mạnh nhất nhà, cũng được coi là nhân lực chính cuốn thuốc lá cũng bắt đầu bước vào kì ôn luyện Học sinh giỏi Quốc gia và thi đại học. Bố tôi – người vốn là sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho giáo – đã quyết định bỏ nghề cuốn thuốc lá để tôi tập trung vào việc học. Nhưng kết quả kì thi HSG Quốc gia và thi đại học năm đó của tôi không được như ý, cũng phần lớn bởi vì cái tính hay nghĩ ngợi vớ vẩn của tôi.

“Chiếc lá buổi đầu tiên"

Trường Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng – ngôi trường nhỏ nằm dưới bóng cây long não, chỉ có vài lớp học, mỗi lớp 12 người – đã để lại trong tôi những kí ức không thể nào quên.

Ở đó, chúng tôi đã học hết mình, chơi cũng vui hết nấc. Gặp những bài toán khó có khi đam mê quên  cả  thời gian, tôi có thể hàng mấy tiếng đồng hồ miệt mài với nó, khi giải được thì nhảy cẫng lên vì sung sướng. Tôi thích những bài toán khó vì khi giải quyết được nó, tôi sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khác và nhớ rất lâu, đỡ phải học nhiều, đỡ phải viết nhiều… và vì tôi còn phải tranh thủ thời gian chơi với lũ bạn thân, bao nhiêu trò chơi còn chờ đợi chúng tôi…

Ảnh lớp 10 Toán - Lý và thầy chủ nhiệm nhân ngày 20/11

Những tháng năm tươi đẹp đó cho tôi những người bạn và những kỉ niệm đẹp, đi cùng tôi suốt cả cuộc đời. Câu chuyện về người bạn đầu tiên, tôi xin được kể, là bạn ấy.

Tôi có ấn tượng và cảm tình với bạn ngay từ những ngày đầu lớp 10 chúng tôi học cùng nhau. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in nụ cười, nét mặt và cả cái áo kẻ màu mận của bạn. Lớp 10, chúng tôi ngồi cùng bàn nói cười vui vẻ, rất vô tư hồn nhiên… Nhưng rồi chẳng nhớ tôi thực sự hết hồn nhiên vô tư với bạn  từ khi nào, nhưng chắc chắn những ngày ôn thi đội tuyển HSG Quốc gia là những ngày tôi học hành tệ nhất vì trong đầu tôi toàn là hình bóng, nụ cười của bạn.

Những ngày học cuối cùng của đời học sinh và ôn thi đại học, tôi suốt ngày loay hoay với các cuốn lưu bút. Cuốn Nhật ký lưu bút ấy đối với tôi như báu vật bởi nó lưu giữ bao kỷ niệm thời học sinh của chúng tôi và còn có “những“ hai dòng chữ của bạn (đến tận bây giờ, dù đã đọc đi đọc lại tới nghìn lần hai dòng chữ đó mà tôi vẫn chẳng giải nghĩa nổi bạn muốn nói gì). Cuốn Nhật ký lưu bút đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống sau này của tôi.

Những ngày luyện thi, ngày nào tôi cũng mong được đến lớp, cũng ngóng chờ, mong nhìn thấy bạn. Nhưng bạn lại hay nghỉ học trên lớp, ở nhà nhiều hơn để tự giải bộ đề, tự học. Tôi không biết điều đó, cứ lo lắng, nghĩ ra đủ thứ trên đời, muốn đến nhà trọ tìm gặp bạn mà không dám… Có lần bạn nghỉ học liền mấy ngày, tôi không thể chấn an kìm mình được nữa, đành rủ cô bạn thân nhất đến tận nhà trọ của bạn để tìm. Không có thông tin gì, tim tôi quặn lại. Nhưng rồi bạn cũng đã về, bạn hồn nhiên nói là đi Quảng Ninh cưới chị con nhà bác ruột. Thật là trái ngược, tôi thì lo lắng đến mất ăn mất ngủ còn bạn thì vô tư như không. Càng suy nghĩ miên man, tôi càng không có lời giải đáp nào phù hợp.

Rồi ngày chia tay cũng phải tới. Tôi buồn. Nhớ vẩn vơ. Nhớ nụ cười. Nhớ những câu chuyện dí dỏm. Và nhớ nhất ánh mắt của bạn khi đứng chặn đầu xe đạp của tôi, ở đầu hồi chỗ nhà anh Thuỷ bảo vệ.

Kết quả thi đại học năm đó bạn đạt thành tích cao và được đi học ở nước ngoài, còn tôi thì thiếu nửa điểm nữa mới đủ điểm đi học nước ngoài. Thế là mỗi đứa một nơi. Suốt những năm học đại học, tôi là đứa hay tìm gặp bạn bè và giao lưu nhiều nhất. Một phần là do tính hướng ngoại thích giao du, cũng phần nữa là muốn gặp các bạn cũ để được cùng nhau nhớ lại thời học sinh, được biết thông tin về bạn hay thậm chí chỉ là được cùng các bạn nhắc đến cái tên thân yêu ấy. Rồi những chuyến tàu hai chiều Hải Dương – Hà Nội suốt những năm đại học, cứ gần đến nơi, thành thói quen là tôi nhìn ngắm nhìn những mái nhà thân quen khu nhà bạn, ngắm những cánh đồng, ruộng hoa gần đó. Tôi nhớ bạn… và ước ao… Tất cả những tâm sự thầm kín thời sinh viên ấy tôi ghi lại vào trong cuốn lưu bút tuổi học trò thân yêu và luôn giấu kín nó trong tủ quần áo. (Sau này, có người cố tình lấy nó và xem là chứng cứ để quy kết tội “ngoại tình trong tư tưởng” cho tôi).

Cứ thế suốt những tháng năm đại học tôi chờ đợi nhớ nhung. Nhớ lần đầu tiên gặp lại bạn sau khi chia tay ở Năng khiếu Hải Hưng là lần bạn sang trường tôi. Nhớ câu chuyện bức thư K viết cho bạn nhờ người quen của tôi cầm hộ sang Nga nhưng bị tụi bạn cùng phòng nội trú của tôi đọc trộm . Nhớ câu chuyện vô tình nghe kể trên tàu về bạn và người yêu bạn ấy ở nước ngoài. Nhớ lá thư năm 92 bạn gửi người cầm về cho tôi, bạn nói coi tôi mãi là người bạn thân nhất. Và nhớ chuyện chuyến đi về nhà bạn trước khi bạn trở lại nước ngoài trong lần về nước đầu tiên, tôi muốn mua hoa hồng để tặng bạn mà đi mấy cửa hàng mới chọn được một bó hoa nhưng không ưng ý. Anh bạn đi cùng tôi bực lắm nhưng tôi cứ làm thinh. Cho đến lúc tôi quyết định xuống tận những ruộng hoa gần nhà bạn, chọn từng bông để làm một bó hoa khác, mặc trời đã nhá nhem, tôi vẫn loay hoay cùng cô bán hoa đi tìm giấy gói… thì anh bạn đi cùng nổi cáu, bó hoa với bao công sức bỗng chốc bay vèo. Tôi vẫn cố kìm cơn giận và cùng anh bạn vào dự bữa cơm chia tay với gia đình bạn. Cả bữa chỉ huyên thuyên không đầu không cuối, nói chuyện chả dám nhìn thẳng. Trên đường về là một trận tranh cãi bất phân thắng bại. Và sau này anh bạn đi cùng tôi hôm ấy vẫn thường lôi chuyện này ra để chỉ trích, quy tội tôi…

Và tôi cũng nhớ, những lần từ nước ngoài về, bạn hay cùng mấy người bạn thân thời học sinh đến thăm tôi. Ngày ấy không có điện thoại, nhưng lần nào cũng thế, trước đó mấy ngày, bao giờ tôi cũng có một giấc mơ đặc biệt. Mơ hai đứa được gặp nhau…

Tình yêu tuổi học trò của tôi dừng lại ở những giấc mơ như thế. Nhưng tình bạn thì mãi mãi vẫn còn. Không chỉ với bạn ấy mà còn với nhiều người bạn khác, chúng tôi vẫn vui buồn sát cánh bên nhau.

Lời năm tháng

Thời gian trôi qua. Chớp mắt đã quá nửa đời người. Câu chuyện của tôi, hôm nay kể ở đây, thay những lời cần nói, xin được coi như lời tri ân trĩu nặng tình người.

Tôi xin được nhắc đến thầy Hãng – thầy dạy Toán và chủ nhiệm 3 năm cấp 2 của chúng tôi - người thầy nghiêm khắc nhưng vô cùng yêu thương học sinh. Thầy biết rõ hoàn cảnh gia đình học sinh - đến giờ đã 40 năm trôi qua thầy vẫn nhớ từng thành viên trong gia đình tôi và thầy rất đam mê toán. Thầy truyền cho chúng tôi cảm hứng và thích giải những bài toán khó. Cũng chính từ những bài toán khó ấy, thầy đã rèn cho tôi kỹ năng tư duy logic, rèn kỹ năng phân tích giải quyết vấn đề và đặc biệt là tránh ngộ nhận vấn đề. Những kỹ năng ấy đã giúp tôi vượt qua bao thăng trầm trong cuộc sống sau này. Tôi còn nhớ, kỳ thi Học sinh giỏi vòng 3 năm cuối cấp 2 để chọn đội tuyển thi Học sinh giỏi Quốc gia tôi làm không tốt. Trời mưa phùn gió bấc, đường làng ngõ xóm vào nhà tôi lầy lội, thầy xắn quần vác xe đạp lên vai mà đến thẳng nhà tôi và bắt tôi giải lại bài. Thầy đã giúi đầu tôi một cái thật mạnh vì tội đã bị ngộ nhận trong khi giải.

Tôi xin được nhắc đến cô Ngọc dạy văn với hình ảnh người mẹ trong bài giảng “Hạt gạo làng ta” đầy ấn tượng, đi sâu vào lòng người, lấy đi bao nước mắt của tôi hôm đó. Bài giảng của cô theo tôi qua bao thăng trầm cuộc đời và mãi in dấu trong tôi. Bây giờ nhiều lúc nghĩ lại, tôi vẫn thật sự cảm thấy may mắn và hạnh phúc vì được sống và học tập trong môi trường Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng.

Xin được nhắc và gửi lời tri ân đến những người bạn đã giúp đỡ tôi trong công việc. Đó là D, H, M và đặc biệt là người bạn ấy của tôi, bạn ấy chỉ hướng cho tôi đi, tạo điều kiện cho tôi có thể phát triển được khả năng của mình. Các bạn giúp tôi vô điều kiện bằng tình bạn trong sáng với tất cả sự chân thành. Có các bạn mới có tôi ngày hôm nay.

Khóa 1983-1989 kỷ niệm 30 năm ngày ra trường cùng các thầy cô chủ nhiệm.

Tôi cũng xin được gửi lời tri ân đến những bà mẹ luôn yêu thương và tin tưởng tôi hết mực. Đó là mẹ của N – người dạy tôi nghề cuốn thuốc lá, kiếm những đồng tiền đầu tiên bằng sức lao động của mình ngay từ ngày tôi học cấp 2. Đó là mẹ của bạn ấy – người tôi luôn coi như người mẹ thứ hai. Mẹ không chỉ cho tôi vay tiền làm vốn, vực tôi lên từ hai bàn tay trắng mà còn chỉ đường đi nước bước cho tôi, luôn quan tâm động viên khích lệ tôi – không có mẹ cũng không có tôi hôm nay. Hai bà mẹ tôi nhắc ở đây là mẹ những người bạn học cùng Năng khiếu Hải Hưng của tôi. Chỉ là mẹ của bạn học – là người dưng – nhưng các mẹ yêu thương, chắt chiu, vun đắp cho tôi như con ruột. Tôi ơn các mẹ suốt đời.

Mấy mươi năm đã trôi qua, cuộc đời tôi cũng như bao bạn bè, cũng đã trải bao buồn vui, sướng khổ. Có điều cần quên đi cho thanh thản. Có điều cần khắc cốt ghi tâm. Và trong những điều tôi khắc cốt ghi tâm ấy có tình bạn, tình thầy trò, tình người ở Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng.

“Cây lớn một ôm khởi sinh từ cái mầm nhỏ. Đài cao chín tầng bắt đầu bằng một sọt đất. Đi xa nghìn dặm bắt đầu bằng một bước chân” - lời Lão Tử - nhà triết học, tư tưởng học nổi tiếng Trung Quốc lại một lần nữa gợi trong tôi liên tưởng: Phải chăng mỗi chúng tôi là một mầm cây, được thầy cô, được bố mẹ vun trồng trong ngôi trường nhỏ dưới bóng cây long não ngày xưa. Từ nơi ấy, chúng tôi tự đắp bồi cho mình kiến thức, tự xây những đài cao trí tuệ và dẫu có đi xa ngàn dặm thì vẫn nhớ về thầy cô, nhớ bạn bè, nhớ những dấu yêu trong sáng qua bao thăng trầm vẫn mát xanh như màu lá ngày xưa.

Hà Nội – tháng 6 năm 2024

Đêm Gala kỷ niệm 30 năm ngày ra trường của khóa 1983-1989 tại Hoà Bình.

• Ghi chú:

- “Chiếc lá buổi đầu tiên”: Ý thơ của Hoàng Nhuận Cầm

- Tên các nhân vật được nhắc đến trong bài đã thay đổi để tôn trọng quyền riêng tư.

                                    * Tác giả xin được phép giấu tên

Lớp chuyên Toán – Lí, khoá 1983-1989, Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng

 

Thông tin chi tiết về cuộc thi viết "Nhắn gửi thanh xuân" nằm trong dự án Kỷ yếu "Nhắn gửi thanh xuân" và xuất bản sách nói do Hội cựu học sinh thực hiện xem TẠI ĐÂY