Một buổi sáng đầu hè và mát mẻ. Cơn mưa đêm đã gột rửa cái oi bức, để lại cho hàng cây ngọn gió đung đưa và để cho mặt đường một vẻ mượt mà dễ chịu. Đội 8 đứa học sinh trong đội tuyển đi đến nhà thầy. Một trong số hai căn nhà tập thể, nhà cấp bốn, mái ngói đỏ đã lên rêu và bờ tường vôi ve không còn mới là nơi gia đình thầy tôi ở. Chúng tôi bước vào trong nhà, ngồi ở gian giữa, bên cạnh những giá sách với bộ ấm trà. Lúc ấy tôi nghĩ, nhà thầy hợp với phong cách của một cụ đồ Nho cổ kính! Sau này, khi xem phim tư liệu về nhà thơ Xuân Quỳnh với Lưu Quang Vũ trong căn phòng 6m2, không hiểu sao, tôi cứ nghĩ về cuộc sống đơn sơ của thầy tôi lúc đó:

                “Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi

                Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo

                Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo

                Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình”.

                                (Nhà chật - thơ Lưu Quang Vũ)

Chỉ có mấy thước vuông… nhưng thầy tôi không chỉ có hạnh phúc cho riêng mình mà còn có hạnh phúc cho bao nhiêu thế hệ học trò trường chuyên năm ấy.

Thầy trịnh trọng giở cuốn SỔ CÁI – cuốn “sổ Nam Tào” mà mỗi nhát quệt của thầy là tim chúng tôi rớt xuống hoặc rơi ra. Và thầy tuyên bố: “Cái Quynh được một điểm 2 vì tội không học bài. Bây giờ nó đi thi Quốc gia được giải Nhất, mang lại vinh dự cho nó, cho thầy, cho nhà trường, thầy thưởng cho nó một điểm khác thay thế. Điểm 9. Tương ứng với điểm thi mà nó đạt được. (18/20 – người viết chú thích)”

Tôi thấy thầy dùng bút đỏ, gạch con số 2. Thay vào đó là con số 9 đỏ như son. Mãi sau này, khi tôi đã là một giáo viên, những con số thẳng tăm tắp, đều đặn và bay bổng in trên trang giấy vẫn còn đọng lại một vệt son và con 9 bên cạnh thi thoảng vẫn trở về trong giấc mơ.

Lớp 12 Văn – “Nhị thập tam tú – xẹt” – 23 tiểu nữ cùng với thầy chủ nhiệm ngày ra trường
Lớp 12 Văn – “Nhị thập tam tú – xẹt” – 23 tiểu nữ cùng với thầy chủ nhiệm ngày ra trường.
A group of people posing for a photoDescription automatically generated
Đội tuyển Văn chụp cùng thầy ở Văn Miếu Quốc Tử giám.

Thầy tôi tên là Bùi Đình Nhiễu. Thầy có vẻ rất hạnh phúc với việc mỗi khóa học sinh lại đặt cho thầy một biệt danh dễ thương nào đó. Bọn lớp tôi – lớp chuyên văn (2001 – 2004) thì gọi thầy là “Bố”. Bố Nhiễu. Sau này, chúng tôi thấy trong lớp lưu truyền một cái tên gọi khác thời thượng hơn nhiều. Thầy “Don’t Nét” – Nét như Sony là cách người ta quảng cáo ti vi hồi bấy giờ. Còn thầy tên là Nhiễu – dẫu rằng là “nhiều điều” đấy nhưng ai bảo học trò thôi nghịch ngợm thì may ra mới không có những biệt danh không tài nào quên được như thế!

Thầy “Don’t net” rất đáng sợ. Chúng bay học hành cho hẳn hoi, đừng có mơ tưởng yêu đương vớ vẩn. Thầy là thầy “bóp chết từ trong trứng nước”. Thầy bảo thế! Không biết có phải vì lời đe dọa ấy không mà trong lớp tôi không thấy đứa nào ỏ ê chuyện yêu đương bọ xít. Hay là cũng có đấy mà uy dũng của thầy lớn quá thành ra không đứa nào dám lộ liễu.

Thầy “Don’t net” cũng rất đáng yêu. Nhất là nụ thầy cười. Bọn tôi hay cười “hôi” với thầy vì nhìn thầy cười thấy vui. Tụi nó hay đùa, lúc ấy khuôn mặt thầy giống quả táo Tàu!

12 Văn trong phòng học của lớp – Phía sau là tờ báo tường được giải đặc biệt có tên là “Hương phấn trắng”

Thầy “Don’t net” cực kì nghiêm khắc và nghiêm túc. Lớp tôi là lớp “tồ” và học kém. Lớp có ít, chỉ 23 đứa con gái, phòng học nhỏ, nép mình đoạn cuối hành lang về phía con đường trong ngõ. Cái lớp cũng rất hợp với cái lặng lẽ của người. Chúng tôi ít khi nghịch ngầm. Chính bởi vì thế nên việc học tập có lẽ nó cũng chầm chậm, khe khẽ. Và điều ấy có vẻ khiến cho thầy tôi sốt ruột và lo lắng. Khóa trước chúng tôi có những chị lớp 11 đã đi thi vượt cấp nhưng lớp tôi thầy bảo “không có đứa nào đủ tầm”. Lúc chọn đội tuyển đi thi Tỉnh để chọn vào vòng Quốc gia, thầy cũng nâng lên, đặt xuống, chấm chữa bài đến bạc tóc mà vẫn phải lăn tăn. Mãi về sau chúng tôi mới biết điều đó. Chỉ thấy đến lớp 12, bài thầy giảng say sưa hơn, giọng thúc giục hơn và thầy cũng…bực nhiều hơn. Có những bài lí luận văn học, thầy dạy mà lớp tôi “gật gù” đến quá nửa. Không phải là gật để đồng tình vì hay quá mà gật vì không hiểu gì nên ngủ gật đấy thôi. Buổi học tiếp theo, thầy gọi cái Thục lên trả bài. Mặt con bé thoắt không còn cái vẻ hớn hở như bình thường. Tim chúng tôi run lên và mặt thì cúi gằm xuống. Nó không thuộc bài… Dĩ nhiên. Và người thứ hai, là tôi. Và dĩ nhiên, 2 điểm. Về chỗ.

Tôi vẫn cứ nghĩ, giống như bao thầy cô khác yêu tôi như con, thầy tôi chỉ dọa thế thôi. Và tôi cũng quên luôn cái chuyện điểm 2. Bởi vì sau rất nhiều cân nhắc, thầy chọn tôi vào đội tuyển với một bài tâm sự dài về lí do thầy lựa chọn, về những cân nhắc thầy đã phải trải qua. Lần đầu tiên tôi thấy thầy nói chuyện với tôi nghiêm túc như với một đứa con đã lớn. Và tôi nhận ra mình cần phải thay đổi. Lúc đứng trên lan can nhìn lên bầu trời, tôi ước mình phải bay cao được như cánh chim…Thế mà điểm 2 vẫn “chờ” tôi như thế!

Tôi đoán là vào ngày chúng tôi ngồi trong phòng thi thì thầy chúng tôi cũng ngồi im lặng…ở nhà. Một mối đồng cảm lặng lẽ và không nói thành lời trong ba tiếng dài dằng dặc. Nó là con đường phía trước hoặc ngoảnh mặt về sau. Nó là Hà Nội với năm cửa ô hoặc quay về nhà đi gánh lúa – với tôi là như thế. Tôi đã cháy hết mình như một ngọn đuốc nhỏ. Và ra khỏi phòng thi thì tôi ngồi khóc như một đứa trẻ. Lạ chưa, thầy tôi thì cười. Thế là nhìn thầy cười, tôi bật khóc to hơn. Mà không biết là đang khóc hay đang cười nữa.

8 đứa đi thi. 1 Nhất, 1 Nhì, 5 giải Ba và 1 Khuyến khích. Thầy vui. Chúng tôi vui và cái lớp 12 Văn bỗng trở nên sôi động lạ kì.

Ngày tháng trôi đi, tôi vẫn muốn viết một điều gì đó về thầy. Vậy mà trong cái trí nhớ suy tàn của mình, tôi không tài nào gọi thêm ra được kỉ niệm. Hay nói đúng hơn, không biết phải diễn tả tất cả những kỉ niệm của những năm tháng cấp 3 ấy thành lời như thế nào. Hễ nhớ về thầy, tôi cứ nhớ mãi cái điểm 2 với cái vệt bút đỏ như son. Ngày ấy, nếu như thầy không cho điểm 2, có lẽ tôi đã không đứng thẳng dậy và đi như bây giờ!

 

                                                 *Tác giả: Bùi Thị Quynh

                                Chuyên Văn niên khóa 2001 – 2004

 

Thông tin chi tiết về cuộc thi viết "Nhắn gửi thanh xuân" nằm trong dự án Kỷ yếu "Nhắn gửi thanh xuân" và xuất bản sách nói do Hội cựu học sinh thực hiện xem TẠI ĐÂY