1
Vũ Thị Ngân Giang - Chức vụ: Chủ nhiệm CLB Sự kiện

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số. Quá trình số hoá đang diễn ra ở mọi lĩnh vực trong đời sống, đương nhiên giáo dục không nằm ngoài vòng quay xoay chuyển của thời đại, thậm chí còn diễn ra với tốc độ nhanh hơn.

1
Thực trạng của ứng dụng chuyển đổi số trong xã hội

Ở trường học “kỷ nguyên số", thầy cô thời đại số, học sinh thời đại số trở thành những chủ nhân của xu hướng tất yếu đó. Đối với người học, ở đây tôi xin tập trung chính vào đối tượng là học sinh trường chuyên, câu chuyện gắn mác “mọt sách" đã trở thành xưa cũ. Ngày nay, học sinh cần phát triển toàn diện, vừa học giỏi lại vừa năng động sáng tạo, phát triển đa dạng kỹ năng mềm. Và để đạt được 2 mục tiêu cùng 1 lúc, người học thế kỷ 21 sở hữu 1 công cụ đắc lực mà thời đại số đem tới - đó chính là công nghệ và các ứng dụng của nó. Tuy nhiên những ảnh hưởng của các thiết bị và nền tảng công nghệ đến kết quả học tập và việc tham gia các phong trào ngoại khoá là điều băn khoăn trăn trở của rất nhiều học sinh, và làm thế nào để làm chủ công nghệ khi phải dùng cho cả việc học và việc tham gia hoạt động phong trào chính là điều tôi muốn trình bày trước Đại hội ngày hôm nay.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong chương trình Hội thảo Chuyển đổi số trong Giáo dục diễn ra tại Hà Nội vào ngày 20 tháng 12 năm 2022 vừa qua, toàn ngành giáo dục đã ​​​​​​xây dựng và đóng góp vào hệ thống Tri thức Việt, số hoá hơn 7000 bài giảng điện tử e-learning có chất lượng và hơn 2000 bài giảng trên truyền hình - tất cả đều là những con số biết nói về quá trình ứng dụng công nghệ vào học tập. 

2
Thực trạng của ứng dụng của chuyển đổi số trong giáo dục trong đợt dịch Covid 19

Như vậy ta có thể thấy rõ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ đã len sâu vào tế bào nhỏ nhất của quá trình dạy học, đặc biệt khi cả thế giới bước qua giai đoạn dịch bệnh bùng nổ. Thay vì lên lớp đến trường, chỉ cần một chiếc laptop, điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng có kết nối Internet, cả thế giới nằm trong tay chúng ta, cả kho tàng kiến thức đến với học sinh để chúng ta thoải mái khai thác, tìm hiểu, học hỏi. Bước qua đại dịch, xu hướng đó tiếp tục tiến triển mạnh hơn chứ không hề có xu hướng suy giảm, công nghệ tiếp tục đồng hành cùng thầy cô và học sinh. Tiện lợi, nhanh chóng, hiện đại, hứng thú - đó là 4 từ dùng để miêu tả tương đối chính xác mà các giao diện của công nghệ số đem tới trong quá trình dạy của thầy cô và quá trình học của học sinh. Với những nền tảng tương tác trực tuyến như Zoom, Google Meet ..; với những công cụ hỗ trợ học trực tuyến như Padlet, Kahoot, Quizizz…; với những trang web truy cập và tìm kiếm kiến thức hiệu quả, với những khóa học ôn luyện trực tuyến… tất cả đều là “hương thơm" vô cùng hấp dẫn mà công nghệ số đã đem cho người học.

3
Các công cụ hữu ích và phổ biến trong học tập
4
Các nền tảng trực tuyến giúp xóa bỏ khoảng cách giữa người dạy – người học

Còn về trải nghiệm phát triển các kỹ năng mềm với ứng dụng công nghệ thì sao? Rõ ràng, công nghệ với quá trình học kiến thức học thuật đã được gắn liền, nhưng đối với công tác Đoàn và phong trào ngoại khoá thì ứng dụng công nghệ hiện rõ nét. Đã không còn thấy những lá đơn đăng ký bằng bản giấy A4, phải mất cả mấy ngày mới gửi được đến người nhận; hay phải đợi chờ một thời gian rất lâu để có thể gặp mặt đầy đủ các thành viên để tổ chức 1 cuộc họp; hay các sản phẩm truyền thông không đơn thuần chỉ qua loa đài phát thanh, mà còn bằng những poster, những đồ hoạ; các cuộc thi qua app, thi tìm hiểu pháp luật, tìm hiểu lịch sử trực tuyến… Như vậy trong các hoạt động phong trào ngoại khoá, công nghệ cũng trở thành công cụ hỗ trợ tuyệt vời, đa tính năng và hiệu suất cao.

5

Ở trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi - ngôi trường chuyên hàng đầu của tỉnh nhà, xu hướng ứng dụng công nghệ vào học tập và phát triển kỹ năng cũng được chú trọng và có thể nói là có nhiều sáng tạo, và đã mang lại những hiệu quả đáng kể. Về học tập, trong công tác đào tạo HSG các cấp, việc ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu tài liệu, kết nối các lớp học liên trường, liên khu vực đã được thực hiện hiệu quả. Học sinh ở các đội tuyển HSG QG, HSG cấp Tỉnh đều có kỹ năng khai thác tốt tài nguyên học tập online qua hướng dẫn, định hướng của các thầy cô bồi dưỡng HSG, đặc biệt ở các đội tuyển của các môn tự nhiên và môn ngoại ngữ.

Đối với việc tham gia các phong trào ngoại khoá, Chuyên Nguyễn Trãi khẳng định tên tuổi của mình trên hành trình chuyển đổi số qua một loạt các hoạt động vang danh phải kể đến như: cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia cấp trường, báo tường Padlet Lời tri ân, tiktok EndCovy, chuỗi tọa đàm online về các vấn đề thanh niên, minigame giveaway tìm hiểu về Đoàn, tiktok CNT check, … Tất cả là những điểm sáng, củng cố thêm trí tuệ, sức sáng tạo không ngừng, vượt lên hoàn cảnh của CNTers, và cũng là minh chứng rõ nét về việc CNTers đã ứng dụng thành công công nghệ vào học tập và phát triển các phong trào ngoại khoá.

6

7
Những ứng dụng của chuyển đổi số trong công tác Đoàn, phát triển kĩ năng ngoại khóa tại CNT

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề phát sinh , những mặt trái của công nghệ mà chúng ta cần đối diện, không né tránh. Rõ ràng, học sinh nói chung và học sinh chuyên Nguyễn Trãi nói riêng chưa thực sự nghiêm túc khi sử dụng công nghệ trong học tập, và chưa văn minh khi sử dụng công nghệ khi tham gia các hoạt động phong trào. Trong lúc lên mạng để học, hầu hết các bạn chưa tập trung, bị sao nhãng, tab để học tập có khi chỉ để đó cho trôi qua, mở bài dạy của thầy cô ở đó còn mình thì hí hoáy xem phim, tranh thủ nhắn tin hay đơn giản là nằm ngủ. Việc lên mạng khai thác tìm tài nguyên học tập một số bộ phận nhỏ học sinh còn sai hướng, tìm kiếm những tài liệu không chính thống, dẫn đến định hướng sai cả kiến thức và cả hệ tư tưởng, lối suy nghĩ. Còn với việc tham gia các hoạt động ngoại khoá, từ khoá “văn minh" dường như bị lãng quên với một bộ phận  không nhỏ các CNTers. Những bình luận khiếm nhã, những việc lạm dụng mạng xã hội để công kích cá nhân, gây mất đoàn kết hay dẫn đến các vấn đề về tâm lý đạo đức đều là hệ quả không nhỏ của xu hướng cuồng công nghệ, cuồng mạng xã hội.

Theo cá nhân tôi, vấn đề lớn nhất nằm ở chính cá nhân mỗi người. Việc không đặt ra kỷ luật thép với chính mình, tự nuông chiều bản thân, để công nghệ điều khiển mình, biến mình vô hình trở thành nô lệ cho công nghệ đã dẫn tới việc lệ thuộc vào nó thay vì dùng nó như 1 công cụ phát triển bản thân.

Để khắc phục những vấn đề còn tồn tại, cũng như phát huy tối đa công dụng của công nghệ trong học tập và tham gia phong trào, tôi đề xuất một số các giải pháp sau:

Về phía các bạn học sinh: tất cả các biện pháp tôi đề xuất có hiệu quả hay không đều cần tính kỉ luật, ý thức của bản thân các bạn. Tự đề ra kỷ luật cho riêng cá nhân mình, tự tuân thủ chính kỷ luật mà mình đề ra, tự kiểm điểm khi bản thân vi phạm và tự tán dương bản thân khi đã nghiêm chỉnh theo đúng kỷ luật chính là xây dựng văn hoá cho chính cá nhân mình. Và tôi nghĩ rằng việc tự nhìn nhận chính mình sẽ là cách hữu hiệu nhất để mỗi chúng ta tiến bộ mỗi ngày. Đừng để công nghệ thay thế mất vị trí làm chủ.

Chúng ta cần tự tạo cho mình kế hoạch sử dụng thời gian hợp lí, cân bằng giữa học tập, tham gia hoạt động ngoại khóa và hoạt động giải trí. Theo tôi, chúng ta nên list ra những công việc, bài tập cần hoàn thành trong ngày hôm đó, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và ước chừng thời gian để hoàn thành việc đó, không để một việc chiếm quá nhiều thời gian của chính ta. Như vậy, chúng ta có thể phân bổ thời gian hợp lý và làm chủ quỹ thời gian của mình. Để làm được việc này các bạn có thể tận dụng một số ứng dụng quản lý thời gian đơn giản như google calendar, trello, notion,... Ngoài ra để đỡ nản và nhàm chán khi tự học các bạn cũng có thể vận dụng phương pháp pomodoro để phân chia thời gian: 25 phút học thật tập trung, 5 phút nghỉ sử dụng thiết bị điện tử và lặp lại như thế tới khi bạn xong bài tập. 

8

Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề văn minh trên MXH, tôi nghĩ rằng chúng ta nên suy nghĩ kĩ trước khi phát ngôn bất kì điều gì trên mạng xã hội. Trước hết, mỗi chúng ta đều nên giữ bình tĩnh trước mọi thông tin và sự kiện nổi cộm trên mạng xã hội. Tôi cũng nghĩ các bạn nên kiểm tra thật kỹ nguồn thông tin để không bị dắt mũi nhằm công kích người khác. Ngoài ra một thái độ trung lập và tôn trọng, người khác cũng rất cần thiết. Các bạn cũng nên đặt bản thân vào hoàn cảnh của người khác để biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, thông cảm hơn. Mọi lời nhận xét, bình luận phải khách quan và tế nhị, tỏ thái độ, cảm xúc phù hợp.

9
Các giải pháp hữu dụng đề xuất cho học sinh

Về phía nhà trường: tôi đề xuất  rằng nên thực hiện các biện pháp quản lý kiểm soát sử dụng và ứng dụng công nghệ một cách hợp lý và khoa học. Nhà trường có thể cho phép học sinh sử dụng điện thoại để tra cứu tài liệu, thông tin trong giờ học nếu cần thiết để tăng hiệu quả giờ học. Ngoài ra, cũng nên tổ chức giờ học trên đa dạng hình thức (thuyết trình, làm video, ….) bên cạnh những giờ dạy truyền thông, từ đó tạo cơ hội cho học sinh ứng dụng công nghệ vào việc học tập. Bên cạnh đó, việc thường xuyên tập huấn các kỹ năng chuyển đổi số cho học sinh trong học tập và các phong trào ngoại khoá nên được thực hiện thường xuyên, thiết thực. Trong các tiết sinh hoạt lớp, giáo viên cần định hướng cho học sinh những kĩ năng cơ bản trong chuyển đổi số, làm thế nào để sử dụng công nghệ trong học tập, trong phát triển ngoại khóa.

10
Các giải pháp đề xuất cho nhà trường

Về phía Đoàn trường: tôi hy vọng trong các cuộc thi phong trào có áp dụng chuyển đổi số được tổ chức và triển khai có chọn lọc; tiếp tục duy trì các hoạt động ứng dụng công nghệ số, khối các CLB  nên tăng cường hơn các hoạt động về chuyển đổi số đưa kỹ năng về sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin đến gần gũi hơn với các bạn học sinh.

11
Một số giải pháp đề xuất cho Đoàn trường

Tỷ phú người Mỹ Mark Zuckerberg đã từng nói “Rủi ro lớn nhất là khi bạn không chấp nhận sự rủi ro nào" - Đúng, công nghệ số lựa chọn chúng ta - những công dân toàn cầu thời đại số; chúng ta không thể từ chối và chúng ta phải chấp nhận những điều không hay - tôi tạm gọi là ‘rủi ro' mà công nghệ số đem lại, nhưng tôi tin chắc rằng, chúng ta sẽ tìm ra những hướng đi đúng đắn, những cách làm hiệu quả để làm chủ công nghệ, để việc đồng hành cùng sự phát triển như vũ bão với công nghệ số và đương đầu với nó mà phát triển theo chiều hướng tốt đẹp nhất.

Tác giả: Vũ Thị Ngân Giang - Chủ nhiệm CLB Sự kiện