Tết Nguyên Đán - một dịp lễ đặc biệt của các nước phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng - là khoảng thời gian để mỗi chúng ta trở về quây quần bên gia đình, tận hưởng những ngày xuân năm mới. Và một yếu tố không thể thiếu góp phần tạo nên bầu không khí vui tươi của những ngày Tết cổ truyền chính là chương trình “Gặp nhau cuối năm” vào mỗi đêm 30. 

Gặp nhau cuối năm 2023

“Sự tích ra đời” của Táo quân 

Chương trình “Gặp nhau cuối năm” đã lên sóng được 20 năm, trở thành một biểu tượng không thể thiếu vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, “Gặp nhau cuối năm” lần đầu được Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng vào ngày Tất niên âm lịch năm 2003 với tư cách là số đặc biệt của Gặp nhau cuối tuần. Nhờ thành công vang dội của năm đầu tiên, chương trình tiếp tục được ra mắt hàng năm vào 20h ngày 30 Tết âm lịch, ngay cả khi “Gặp nhau cuối tuần” đã ngừng phát sóng từ năm 2007. 

Gặp nhau cuối năm 2003
Táo quân sau 20 năm phát sóng vẫn luôn là đề tài “nóng” vào mỗi dịp Tết 

Ban đầu, "Táo quân" chỉ là một tiểu phẩm độc lập trong chương trình "Gặp nhau cuối năm" và phải tới năm 2006, "Táo quân" mới chiếm lĩnh toàn bộ chương trình. Bởi vậy, có rất nhiều người quen gọi chương trình là “Táo quân” thay vì “Gặp nhau cuối năm”.

Nam Tào - Bắc Đẩu - hai nhân vật không thể thiếu trong Táo quân

Theo sự tích Táo quân của dân gian Việt Nam - câu chuyện “hai ông một bà”, hàng năm sẽ chỉ có ba “ông táo” bao gồm Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ có nhiệm vụ theo dõi việc nội bộ của các gia đình dưới trần gian để vào ngày 23 tháng chạp lên chầu Ngọc Hoàng tâu lại mọi điều đã xảy ra. Tuy nhiên, ê-kíp thực hiện chương trình không muốn “Gặp nhau cuối năm” chỉ là kể câu chuyện của hai ông một bà lên chầu trời và báo cáo thực trạng trong làng ngoài phố như Đài Truyền hình TPHCM đã thực hiện trước đó; mà mong muốn có thể gây dựng những nhân vật có thể diễn lâu dài, đồng thời có thể tương tác, “tung hứng” nhiều nhất có thể. Thế là hai nhân vật Nam Tào - Bắc Đẩu ra đời.

Nam Tào - Bắc Đẩu - hai nhân vật ghi dấu ấn khó phai trong suốt 20 năm của chương trình “Gặp nhau cuối năm”

Một sự thật thú vị nhất chính là hình tượng “Cô Đẩu” đanh đá, xéo xắt vô cùng quen thuộc với chúng ta chính là ý tưởng của NSND Công Lý đó! 

Làng Vũ Đại thời hội nhập - một bước lột xác của “Gặp nhau cuối năm”

Tháng 11/2019, chương trình “Táo Quân” được thông báo tạm ngừng phát sóng và được thay thế bằng phiên bản mới “Làng Vũ Đại thời hội nhập” vào năm 2020. Kết thúc hành trình 16 năm của “Táo Quân”, chương trình “Gặp nhau cuối năm” đã đem đến một format hoàn toàn mới, đem đến cho khán giả không ít những bất ngờ, thú vị cùng những tiếng cười hài hước mà vẫn không kém phần ý nghĩa. Không còn hình ảnh các Táo lên chầu trời, báo cáo tình hình kinh tế, xã hội, các vấn đề của xã hội trong năm cũ, “Làng Vũ Đại thời hội nhập” chỉ đơn thuần là những câu chuyện hài hước, dân dã. Khán giả vẫn bắt gặp những diễn viên quen thuộc của “Táo Quân”, tuy nhiên, họ không tham gia với cương vị các Táo chầu trời mà là các nhân vật quen thuộc bước ra từ các tác phẩm văn học nổi tiếng như: Lão Hạc, Thị Mầu, Nô, Thị Nở, Chí Phèo,... Mỗi nhân vật sở hữu tính cách điển hình, kể câu chuyện vừa hài hước lại vừa châm biếm sâu cay, từ đó phản ánh thực trạng đánh đổi giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc để chạy theo những giá trị kinh tế. Bên cạnh những nội dung mới mẻ, “Làng Vũ Đại thời hội nhập” cũng gắn liền với những hình thức dân ca, chèo hát, sân khấu tinh tế, đặc sắc… vốn là “đặc sản” của “Táo Quân”.

Làng Vũ Đại thời hội nhập với những nét mới mẻ, đột phá

Tuy nhiên, vào năm 2021, “Táo Quân” đã quay trở lại với khán giả Việt với những vấn đề “nóng hổi” của đất nước. Trong buổi “chầu trời” năm 2021, các Táo đã đề cập đến những vấn đề nổi bật của năm, tiêu biểu nhất là các phần trình bày về vấn đề đại dịch Covid - 19, sự nỗ lực của toàn xã hội trong việc chống dịch, chống thiên tai và vẫn đảm bảo phát triển kinh tế… Sự trở lại này của “Táo Quân” đã trở thành niềm vui, niềm hân hoan của bao người dân đất Việt khi tìm lại được “món ăn tinh thần” quen thuộc. 

Sự trở lại mạnh mẽ của táo quân 2021

Những gương mặt gạo cội của “Táo Quân”

Nhắc đến “Táo Quân” là nhắc đến những gương mặt vô cùng quen thuộc: NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Xuân Bắc, NSND Công Lý, NSƯT Chí Trung, NSND Tự Long, nghệ sĩ Vân Dung và NSƯT Quang Thắng và nhiều diễn viên khác. Đây chính là những gương mặt đã tạo ra linh hồn của “Táo Quân”. Điển hình là NSƯT Quốc Khánh gây ấn tượng với khán giả Việt trong vai Ngọc Hoàng anh minh, sáng suốt nhưng cũng không kém phần hài hước. Cùng với đó là cặp bài trùng Xuân Bắc (vai Nam Tào) - Công Lý (vai Bắc Đẩu) với những câu nói dí dỏm, thâm sâu, nhiều tầng ý nghĩa. Đặc biệt, NSND Công Lý với vai diễn Bắc Đẩu vô cùng thành công đã để lại trong lòng khán giả Việt một “Cô Đẩu” hài hước mà sâu cay, đanh đá nhưng cũng rất dân dã và gần gũi. Bên cạnh đó là các nghệ sĩ Chí Trung, Tự Long, Quang Thắng, Vân Dung trong vai các Táo chầu trời cũng có những đóng góp vô cùng quan trọng, làm nên một chương trình “Táo Quân” thành công bằng lối diễn hài hước, dí dỏm, cùng những màn báo cáo đặc sắc, khó quên. Họ chính là những gương mặt vô cùng quen thuộc đối với khán giả Việt khi nhắc đến “Táo Quân”.

Dàn diễn viên gạo cội của “Táo Quân”
NSƯT Quốc Khánh trong vai Ngọc Hoàng
Cặp bài trùng Nam Tào (Xuân Bắc) - Bắc Đẩu (Công Lý)
4 vị Táo quen thuộc trong các buổi chầu trời

Có thể nói, "Táo Quân" là “bình rượu không bao giờ cũ” của người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Chương trình "Gặp nhau cuối năm" sẽ mãi là "đặc sản" trong dịp Tết Nguyên Đán, là điều không thể thiếu trong mỗi đêm 30 Tết. Mong rằng trong tương lai, “Táo Quân” sẽ càng phát triển độc đáo hơn nữa, mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc và những ấn tượng khó phai, góp phần tạo nên một dịp Tết vui vẻ và ấm cúng. 

Nguồn: Internet

Tác giả: Nguyễn Chi, Hoàng Minh Phúc