Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi Hải Dương sắp
đến. Tôi tin chắc rằng, những ngày tháng này, mỗi giáo viên trong trường đều có
những cảm xúc rất riêng. Với tôi, thật khó mà nói thành lời, nhưng có một cái gì
đó thật khác lạ, thiêng liêng, nó giống như một niềm vui được nhân đôi, nhân
ba, thậm chí còn nhiều hơn thế nữa, bởi không chỉ đang là giáo viên, mà nhiều năm
trước đây, tôi đã từng là học sinh của ngôi trường thân yêu này. Dưới mái trường
này, tôi đã được học tập, rèn giũa để thành Người, vững bước vào đời và giờ đây,
lại trở về và đứng trên bục giảng , tiếp tục sự nghiệp trồng Người của các thầy
cô giáo năm xưa.
Năm 1986, tôi bắt đầu bước chân vào cổng Trường
Chuyên Nguyễn Trãi, khi đó vẫn đang là Trường phổ thông Năng khiếu Hải Hưng và Trường
cũng vừa mới bước vào tuổi thứ ba. Cơ sở vật chất của Trường lúc ấy còn tuềnh
toàng lắm, được xây dựng trên một góc khu đất của Trường Ngô Gia Tự, một trường
chuyên của Thị xã Hải Dương.
Vì việc xây dựng còn chưa kết thúc, nên các lớp học
thậm chí còn chưa được lát nền, tường cũng chưa được trát vữa hay quét vôi gì cả.
Vôi vữa ngổn ngang. Cổng trường chỉ là những chiếc cọc tre xiêu vẹo được buộc
chằng lấy nhau. Vậy mà tôi đã tự hào khôn xiết về ngôi trường của mình. Tôi biết,
không phải học sinh nào cũng có cơ hội để trở thành học sinh của một trường
chuyên của tỉnh.
Phòng học của chúng tôi nằm dưới gầm cầu thang nên
vừa thiếu ánh sáng, vừa thiếu không khí. Nhưng từ phòng học chật hẹp này, ánh sáng
từ cái TÂM của các thầy cô đã thổi bùng lên trong chúng tôi ngọn lửa của tri thức.
Tôi nhớ mãi giọng giảng bài trầm ấm của cô Diễm
Loan trong những giờ Văn đầy lôi cuốn. Tôi cũng không quên vẻ dịu dàng của cô
Nguyễn Thị Đông, cô Hàn Thu Thủy... trong những giờ Toán - Lý...
Cũng do thiếu giáo viên và phòng học, nên chỉ những
môn chuyên chúng tôi mới học riêng, tất cả các môn còn lại, chúng tôi phải học
chung với lớp Toán. Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại phải khiêng bàn ghế sang lớp
Toán ngay bên cạnh. Lớp 8 Toán khi ấy có nhiều bạn học rất giỏi, như bạn Nguyễn
Anh Linh, Bùi Thiện Cảnh, Nguyễn Việt Anh... Sau này, các bạn đều rất thành đạt.
Còn lớp 8 Văn của tôi có 10 bạn. Giờ đây tuy công
tác ở nhiều vị trí khác nhau, nhưng mỗi khi có dịp sum họp, chúng tôi vẫn khôn
nguôi nhớ về mái trường xưa với
những thầy
cô yêu dấu. Cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Hải, Tổ phó tổ Văn - Nguyên là học sinh cũ của trường
(Ảnh chụp trên đỉnh đèo Hải Vân - 7/2009)
Tôi nhớ như in những giờ học đầy cảm xúc. Cả những giờ
ra chơi, lũ học sinh hiếu động chúng tôi ùa ra cái sân trường nhỏ bé, được quây
xung quanh bởi các gian nhà tập thể của các thầy cô giáo, bể nước, khu vệ sinh
chung của toàn trường, gian bếp ăn chật chội, cùng khu nội trú của học sinh.. Và
những ai đã từng là học sinh của Trường những năm ấy chắc không thể nào quên cây
long não cổ thụ tỏa bóng mát che kín cả sân trường nhỏ bé. Nhưng cũng chính từ
góc sân và khoảng trời ấy, bao ước mơ đã được chắp cánh bay lên.
Theo thời gian, cùng với sự chăm sóc ân cần của các
thầy, cô, chúng tôi lớn lên từng ngày. Thấm thoắt đã đến kỳ thi tốt nghiệp cấp
II đầy căng thẳng. Chúng tôi miệt mài vùi đầu vào bài vở. Kết quả kỳ thi tốt
nghiệp, các bạn lớp tôi đều đạt loại khá, giỏi. Còn tôi được điểm tối đa, 40/40
điểm. Cảm giác khi biết điểm thật là sung sướng, thật là tự hào vì mình đã đền đáp
được phần nào công sức của thầy cô.
Bước vào cấp III, lớp chuyên Văn của chúng tôi tăng
sĩ số, lên tới... 12 bạn.. Hầu hết các môn chung, chúng tôi học ghép với lớp
chuyên Nga. Thậm chí, vẫn có những môn vẫn phải học với lớp Toán - Lý. Hồi đó, Trường
không có đủ lớp học nên một số lớp phải học nhờ địa điểm bên Trường Hồng Quang,
cách Trường Năng khiếu chừng hơn 1 km. Nhiều khi, sau khi học hai tiết bên Năng
khiếu, chúng tôi phải rồng rắn kéo nhau sang bên Hồng Quang học chung. Tiết 5,
lại quay về với trường học cổng tre của mình. Trời nắng gắt, chúng tôi tất tả
ngược xuôi, mồ hôi nhễ nhại nhưng những chuyến “hành quân” ấy thường đầy ắp tiếng
cười
Sang cấp III, kiến thức nhiều hơn, học hành vất vả
hơn. Chúng tôi lại ngày đêm bên sách vở. Khi đó, hàng tháng, Trường đều tổ
chức các cuộc thi Tháng cho môn chuyên ( Sau này gọi là thi Năng khiếu ). Bạn nào
đứng thứ nhất của kỳ thi Tháng sẽ được tuyên dương dưới cờ, được ghi tên trên bảng
danh dự, nên ai nấy đều chăm chỉ, phấn chấn và ganh đua nhau trong học tập. Các
bạn lớp tôi ai cũng hăng hái đi thư viện, tự tìm tài liệu đọc để cố gắng được tuyên
dương trước toàn trường.
Khi đó, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn. Hiện tượng
phổ biến trong xã hội lúc ấy là “nhà nhà làm thêm, người người làm thêm”. Các
thầy cô của chúng tôi cũng không phải là ngoại lệ. Với đồng lương giáo viên ít ỏi,
các thầy cô đã vất vả biết bao, khi vừa phải đánh vật cùng gánh nặng cơm áo, vừa
lo lắng dạy dỗ chúng tôi nên người. Điều kỳ diệu là trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy,
chúng tôi vẫn được học những thầy cô giỏi giang và tâm huyết nhất.
Cô Bạch Vân khi ấy là Hiệu trưởng, chỉ dạy thay một
vài giờ Vật lý, mà làm chúng tôi nhớ mãi. Đó là một cô giáo rất giản dị, đồng
thời là một nhà sư phạm mẫu mực. Những thầy cô của chúng tôi thời đó nghiêm khắc
nhưng cũng rất thương yêu và tận tâm với lũ học trò nghịch ngợm. Thầy Đào Minh
Tân dạy môn Toán thật dễ hiểu. Tôi rất thích nét chữ rõ ràng và cách trình bày
mạch lạc của thầy, tới mức sau này, tôi tâm niệm rằng “nay ở trong Văn nên có
Toán”. Thầy Phan Kế Tấn dạy Sử, thầy Nguyễn Hoàng Đạo dạy Địa... cũng đã tận tình
giúp chúng tôi suốt 3 năm học.
Thầy chủ nhiệm đồng thời là thầy giáo dạy Văn của lớp
tôi 3 năm cấp III là thầy Lê Văn Thanh. Trong sự trưởng thành ngày hôm nay, chúng
tôi biết ơn thầy nhiều lắm. Chúng tôi ít có cơ hội gặp lại thầy, nhưng sẽ nhớ mãi
những năm tháng được là học trò của thầy.
Những năm cấp III này, có một thời gian ngắn chúng
tôi được học thầy Nguyễn Vinh Hiển (hiện là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Thầy dạy môn Sinh vật rất hay, nhưng cũng thật nghiêm khắc. Chúng tôi đứa nào đứa
nấy đều tự giác chấp hành kỷ luật trong giờ kiểm tra của thầy. Mãi đến những năm
gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới phát động phong trào “Nói không với tiêu cực
trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, nhưng thầy cô của chúng tôi đã
làm công việc này cách đây hơn 20 năm.
Tôi tốt nghiệp phổ thông trung học vào năm 1990. Năm
ấy, Bộ cho phép học sinh thi vào nhiều trường đại học. Tuy là học sinh tỉnh lẻ,
lần đầu bỡ ngỡ lên Thủ đô đọ sức, nhưng có lẽ vì được trang bị kiến thức kỹ lưỡng
nên học sinh Năng khiếu Hải Hưng rất tự tin. Giống như nhiều bạn bè tôi năm ấy,
cùng một lúc tôi nhận được giấy báo trúng tuyển của Đại học Luật, Đại học Tổng
hợp và Đại học Sư phạm I Hà Nội.
Cổng trường đại học rộng mở thênh thang, nhưng chọn
trường nào là cả một vấn đề với tôi. Tôi đã đem nỗi băn khoăn này bày tỏ với cô
Diễm Loan. Cô khuyên tôi nên vào Sư phạm. Đó có lẽ là lời khuyên chính xác nhất
đối với tôi và tôi luôn biết ơn cô vì điều đó.
Khi đã trở thành sinh viên khoa Văn Trường đại học Sư
phạm I Hà Nội, tôi mới thấy rằng, những kiến thức ở bậc phổ thông đã giúp chúng
tôi tiếp nhận kiến thúc mới tốt hơn rất nhiều. Bốn năm học ở ngôi trường này là
thời kỳ kinh tế đất nước còn hết sức khó khăn, đời sống sinh viên nhiều thiếu
thốn. Nhưng vẫn giữ được nếp cũ trường xưa, học sinh Năng khiếu Hải Hưng rất chịu
khó, kết quả học tập không thua kém học sinh các trường chuyên nổi tiếng cả nước
khi ấy, như Trần Phú (Hải Phòng), Lam Sơn ( Thanh Hoá), Phan Bội Châu (Nghệ
An)...
Hai bạn Hà và Thanh học cùng lớp chuyên Văn cùng học
với tôi ở khoa Văn Trường đại học Sư phạm. Một số bạn khác thì học Đại học Luật.
Và cả ở trường cao đẳng Sư phạm của tỉnh. Cũng có bạn không có điều kiện để tiếp
tục theo học đại học. Chúng tôi vẫn thân thiết như xưa. Và tất cả chúng tôi, dù
ở vị trí nào cũng đều cố gắng vươn lên để
khẳng định mình trên con đường sự nghiệp sau này.
Năm 1994, tôi tốt nghiệp Đại học với tấm bằng thủ
khoa. Trở lại Trường Năng khiếu xưa, nay đã được chuyển sang địa điểm mới, to đẹp,
khang trang hơn trước nhiều lắm. Nhưng thầy cô cũ vẫn còn đây. Mái tóc các thầy,
các cô đã bắt đầu điểm bạc, nhưng ánh mắt thì vẫn chứa chan trìu mến. Các thầy
cô của tôi năm nào, thầy Tân, thầy Tấn, thầy Đạo, thầy Đang, cô Tâm, cô Xuyên,
cô Diễm Loan... đã dang rộng vòng tay, đón nhận cô học trò cũ về với mái nhà xưa.
Những thầy, cô tôi chưa từng được học, như thầy Hiệu
trưởng Đặng Tự Ân, cô Nguyễn Bạch Ngọc, cô Vũ Thị Hồng, thầy Chu Thừa Tuyên... cũng
đã tạo điều kiện, giúp đỡ tôi rất nhiều.
Thật may mắn vì vừa tốt nghiệp, ra trường nhận công
tác, tôi lại được về dạy ở một ngôi trường đang là niềm mơ ước của biết bao giáo
viên khi đó. Thế là bắt đầu những ngày được nối nghiệp thầy cô của mình.
Học sinh trường chuyên đa phần ngoan ngoãn, thông
minh, lại rất tình cảm với thầy cô. Nhưng ai đó nói rằng “nhất quỉ, nhì ma...”,
quả không sai. Ma không thấy, quỷ không có, chỉ có học trò với những kiểu nghịch
ngợm riêng của các em. Những ngày đầu bỡ ngỡ trên bục giảng, không ít lần tôi lúng
túng trước đám học trò lớp Toán - Lý tinh nghịch. Tôi thấy rằng, cùng với việc
chuẩn bị kiến thức, với người thầy, những kỹ năng sư phạm cũng vô cùng cần thiết.
Có những bài học sách vở không dạy mà thực tế sẽ dạy.
Khi đã đứng trên bục giảng, tôi mới hiểu hơn nỗi vất
vả cũng như tấm lòng các thầy cô mình năm
xưa. Một bạn đồng nghiệp đã nói với tôi một câu mà càng gắn bó với nghề dạy học
lâu năm, tôi càng thấy thấm thía: “Muốn học trò yêu quý mình, thì trước tiên mình
phải thật lòng thương yêu chúng”.
Bên cạnh những thầy cô lớp trước đang khích lệ, trước
ánh mắt đầy tin cậy của các em, tôi đã từng bước trưởng thành. Năm 1997, cùng với
sự kiện Hải Hưng tách thành hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, Trường phổ thông Năng
khiếu Hải Hưng được đổi tên thành Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi.
Khoá chuyên Văn đầu tiên tôi chủ nhiệm có 23 em nữ.
Dạy đội tuyển thi Quốc gia năm ấy là một thử thách lớn với tôi. Nhưng trong khó
khăn, các thầy cô luôn ở bên cạnh hỗ trợ, động viên tôi. Cô giáo cũ của tôi, cô
Diễm Loan, đã “đồng cam cộng khổ” với tôi trong kỳ thi ấy. Các giáo viên khác trong
tổ Văn cũng giúp sức rất nhiều. Thật hạnh phúc, đội tuyển 12 Văn năm học
1997-1998 đã có 7/8 học sinh đoạt giải Quốc gia với 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 1
giải Khuyến khích. Trong thành tích chung của nhà trường và của nhiều thầy cô
giáo tổ Văn, đó chỉ là một thành công nhỏ bé. Nhưng đối với tôi, đó là niềm động
viên rất lớn để tôi vững tin vào con đường
mình đã chọn.
Những năm tháng sau này, bên tôi luôn có những đồng
nghiệp giỏi giang và tận tình, như thầy Bùi Đình Nhiễu, cô Lý Thị Thu Hằng, cô
Nguyễn Thanh Huyền, cô Nguyễn Thị Thu Trang... Họ đã sát cánh chung vai, giúp tôi
hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Chính các em học sinh cũng là những người đã giúp tôi
ngày càng hoàn thiện hơn các kỹ năng sư phạm của mình. Học sinh của Trường Chuyên
Nguyễn Trãi được tuyển chọn kỹ càng ngay từ đầu vào, lại được được chăm sóc
trong một môi trường giáo dục tuyệt vời, nên phần lớn rất tự tin, năng động. Tài năng và nhân cách của các
em cũng dần được khẳng định. Vì thế, tôi luôn hiểu rằng, mặc dù mình đã rất hạnh
phúc khi được dạy những học sinh giỏi, nhưng thử thách cũng là không nhỏ. Ngay
cả khi đã vững vàng trên bục giảng, người thầy cũng phải không ngừng học tập.
Hiệu trưởng nhà trường khi ấy là cô Nguyễn Lan Phương
đã nhiệt tình tạo mọi điều kiện cho những giáo viên trẻ đi học để tiếp tục nâng
cao trình độ. Năm 2007, tôi cùng một số
giáo viên trong Trường được nhận bằng Thạc sĩ. Đây cũng là thời điểm Trường được
chuyển ra cơ sở mới ở đường Ngô Quyền, với phương châm vừa dạy, vừa học, vừa tiếp
tục hoàn thiện.
Trường Chuyên Nguyễn Trãi giờ đây đã khang trang, bề
thế hơn xưa. Những cây non ngày nào giờ đã lên cao quá đầu người. Khoảng sân đầy
vôi vữa giờ đã trải bê tông sạch sẽ. Thảm cỏ xanh đã bắt đầu điểm những bông hoa...
Đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường cũng không ngừng lớn mạnh. Bên cạnh rất
nhiều thầy cô dạy giỏi, nhiều kinh nghiệm và tận tâm với nghề, ngày hôm nay,
nhà trường còn có thêm những thế hệ học trò xuất sắc, theo bước các thầy cô của
mình, đang nối tiếp sự nghiệp trồng Người. Với một Ban giám hiệu đầy tài năng và
tâm huyết như thầy Phan Tuấn Cộng, thầy Đỗ Mạnh Hưng, cô Nguyễn Thị Nhị, thầy
Trịnh Ngọc Tùng... cùng một tập thể sư phạm vững mạnh và những lớp học sinh ưu tú,
Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi đang hứa hẹn một thời kỳ khởi sắc mới.
Trước thầy cô, tôi luôn thấy mình bé nhỏ. Nhìn các
em, tôi thấy lại tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của mình. Từng năm học cứ qua đi, mái
trường xưa đã khác trước, nhiều thầy cô giáo của tôi đã nghỉ hưu, bao nhiêu thế
hệ học sinh nối tiếp nhau trưởng thành. Các thế hệ học sinh sau này thông minh,
năng động hơn thế hệ chúng tôi rất nhiều. Những điều thời chúng tôi chỉ dám ước
mơ, thì các em đã thực hiện được. Nhưng những kỷ niệm về ngôi trường thân yêu vẫn
còn nguyên vẹn trong ký ức. Đó là tình yêu và nỗi nhớ. Và tôi tin rằng, cuộc ra
đi nào cũng hẹn ngày trở lại.
Nguyễn Thị Hoàng Hải