5.9.2021: Đây là lần đầu tiên cô và tớ phải trải nghiệm một lễ khai giảng năm học mới dưới hình thức online. Tớ bắt gặp nỗi buồn, sự hụt hẫng ở đôi mắt mà hàng ngày vẫn rạng rỡ với chúng tớ, nỗi buồn mà lâu lắm rồi, tớ mới lại nhìn thấy.
8.11.2021: Sở Giáo dục và Đào tạo ra quyết định học sinh trên toàn thành phố quay trở về học trực tuyến. Một lần nữa, tớ thấy thoang thoáng nỗi sợ và sự thất vọng trên gương mặt cô.
Bản thân là một gen Z, công nghệ đã là một phần gắn liền cùng cuộc sống của tớ ngay từ khi còn rất nhỏ. Thế nên, việc học online dù lúc đầu có những bỡ ngỡ, nhưng chỉ thoáng sau đã chẳng còn chút nề hà. Nhưng với cô, máy tính, màn hình, app học trực tuyến lại là thứ gì đó chẳng mấy quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Cái cảm giác xa lạ, khó khăn và thậm chí là lo sợ vì thế cứ quấn lấy cô suốt thời gian đầu làm quen với những thứ công nghệ kia.
- Mở cam giúp mẹ với!
- Làm thế nào để share màn hình con nhỉ?
…
Cả tuần đầu tiên, những câu nói ấy cứ vọng ra từ màn hình chiếc máy tính, mỗi lần vang lên lại kéo theo một chút bất lực, cả cô và tớ. Cô bất lực bởi chẳng thể nhớ nổi những thao tác, còn chúng tớ vừa bất lực vừa buồn vì chứng kiến những vất vả trong tiết học. Khó khăn dường như cứ đua nhau tìm đến với cô và trò, sự cố kỹ thuật trong giờ hay các tạp âm đáng ghét chẳng thể tránh khỏi,... việc học của chúng tớ gian nan như vậy đấy! Câu “người nói phải có người nghe” dường như lúc này chẳng còn đúng nữa. Cô bọn tớ vẫn nhiệt huyết, vẫn hăng say với bài giảng của mình mặc kệ những trở ngại, nhưng có điều, cô chẳng thể biết liệu những lời giảng ấy đã đến được với học trò của mình chưa, hay nó đã vọng vào không gian, tan vào không khí, chẳng vượt qua nổi bức tường đen kịt không cam không mic, không chút âm thanh ngay trước mắt. Những câu hỏi “Các em ghi kịp bài không? Các em có hiểu được chưa?”..., lặp đi lặp lại liên tiếp như một cách cô cố gắng giao tiếp với chúng tớ.
Hai năm kể từ khi đại dịch Covid 19 xuất hiện - hai năm cô cùng học sinh trải nghiệm việc dạy và học trực tuyến.
Có lóng ngóng và vụng về trong lần đầu tiếp xúc. Có lo lắng trong lần đầu dạy thử. Có sự thất vọng khi phải ngồi trước màn hình đối diện với những ô vuông vô cảm, thậm chí cả những khi bất lực bởi đường truyền kém, học sinh thiếu đi sự tương tác. Đôi khi càng buồn vì niềm mong ngóng sẽ sớm được trở lại trường, mà chữ “sớm” kia cứ kéo dài, kéo dài mãi.
Richelle E. Goodrich từng chia sẻ trong một cuốn sách của mình rằng: “Đừng ngần ngại mà hãy dấn bước cùng tôi, khi ấy, ta sẽ trở thành một phần trong nhau.” Thật thế, qua khó khăn, tớ càng thấm thía tấm lòng của thầy cô. Ai bảo nghề giáo chỉ nói nói lại lại một bài suốt mấy mươi năm, có lẽ chưa từng nhìn thấy cảnh giáo viên ngồi soạn giáo án đến quá nửa đêm, cặm cụi ngồi thiết kế từng slide cho bài giảng thêm sinh động. Ai cho nghề giáo là nghề an nhàn có lẽ chẳng bao giờ biết đến những đêm thức khuya chấm đủ bài kiểm tra cho kịp mai trả, những đêm không ngủ được vì lo lắng cho học trò. Covid 19 lấy của chúng mình nhiều, nhưng nó cũng mở ra một cửa sổ be bé, cho chúng mình thấy thầy cô chúng mình đã vất vả đến thế nào để đổi mới, để thích nghi, để vẫn chuyên nghiệp trong một môi trường vô cùng thiếu chuyên nghiệp, để vẫn giữ được cái nhiệt, vẫn truyền cảm hứng cho học sinh bất chấp khoảng cách lạnh lẽo, và điều ấy làm tớ thêm yêu, thêm thương và thêm trân trọng thầy cô nhiều lắm!
Một mùa tri ân nữa lại đến, một mùa tri ân khác hẳn mọi năm, và những lời chúc có lẽ sẽ chẳng giúp chúng em bày tỏ hết sự biết ơn, niềm xúc động trong lòng ngay lúc này. Chúng em - các CNTers chỉ muốn nói rằng, chúng em yêu thầy cô rất nhiều, cảm ơn thầy cô vì đã luôn ở bên, cùng chúng em bước qua những ngày khó khăn nhất, cảm ơn thầy cô vì tất cả.
Nguồn: Anh Minh Hoàng
Tác giả: Quỳnh Hương, Trung Thành, Huyền Diệu