Một ngày cuối tháng 6, cơn gió man mát hiếm hoi giữa hè mang theo cả hương tử đằng thoang thoảng cùng tôi thẫn thờ. Tiếng xe máy rục rịch nơi xóm nhỏ đánh thức thực tại, tôi giật mình nhìn lên màn hình laptop vẫn chiếu những thông tin về ngành Sư phạm…
Nghề giáo là ước mơ từ thuở nhỏ của tôi và giờ trước ngưỡng cửa của kì thi đại học, tôi có thể thực hiện nó ngay. Nhưng sao tôi lại ngập ngừng và phân vân thế này? Giữa thời kì hội nhập văn hóa, sư phạm không còn là ngành được ưa chuộng, chúng bạn tôi đeo đuổi ước mơ về một công việc văn phòng, lương cao trong các công ty trực thuộc quốc tế và đương nhiên trong danh sách ấy không có nghề giáo. Ai cũng khuyên tôi nên từ bỏ giấc mơ giáo viên, bởi nó là một công việc cực nhọc và chẳng người trẻ nào có thể chịu đựng môi trường quá đỗi nghiêm túc và khắt khe như thế. Chọn nghề giáo là đánh cược cả cuộc đời mình với bụi phấn trắng xóa, với những đêm dài bên sách đèn, và hơn thế là những nỗi lo cơm áo gạo tiền qua ngày… Thì thầm vào tai nhau, họ nói giáo viên là những con người hưởng mức lương bèo bọt, dăm bảy triệu một tháng đôi lúc còn chẳng bằng những người làm thuê vậy mà vẫn có những con người chạy theo nghề giáo. Nghe chua xót thật đấy nhưng biết sao được khi thực tế là vậy.
Tháng 7, tôi vẫn khao khát bến đỗ bình yên trên cung đường nghề giáo, tôi điền đơn vào tờ nguyện vọng dẫu cho bao lo âu chập chờn không thôi trong lòng. Cứ thế thời gian trôi đi, tôi trở thành một sinh viên ngành Sư phạm trong sự ngăn cản, soi xét của mọi người xung quanh. Từng cơn sóng lòng cứ cuồn cuộn, bời bời lên cùng những suy nghĩ trong khối óc tôi rằng: “Mình làm như thế liệu có đúng? Tương lai mai này ra sao liệu có như những người khác nói?”. Đến cuối cùng tình yêu với nghề giáo trong tôi vẫn phừng phực cháy. Chính tôi cũng không hiểu tại sao lại thế nữa. Phải chăng là hình ảnh những người thầy trong cuộc đời tôi đã dệt nên một niềm yêu nghề như thế nơi miền ký ức nho nhỏ của tôi. Tôi nhớ cô giáo trẻ ôm ấp tôi vào lòng trong những ngày chập chững thuở lớp mẫu giáo, cô dỗ dành và cho tôi cả dòng sữa ngọt lành như thể tôi chính là đứa con của cô. Tôi nhớ người thầy mái tóc điểm sương bạc, lưng hơi còng cùng những nét khắc khoải tuổi già vẫn run run đôi tay viết từng chữ trên nền bảng xanh. Chưa một phút giây nào thầy ngưng giảng bài, ngưng nói ra những lời dạy tâm huyết mặc cho cơn ho khan rát họng làm thầy luôn phải gằn giọng khi nói. Lần nào cũng vậy, ngồi trong lớp học tôi quen thuộc với động tác đưa tay xoa thái dương của cô thầy và rồi họ lại có thể nở nụ cười như chưa có gì xảy ra. Tôi từng hỏi cô giáo chủ nhiệm của tôi rằng: “Nghề cho chữ vất vả lắm hả cô?”, Cô chỉ cười và gật đầu: “Vất vả chứ, như thể người cầm diều trong cơn gió to. Cô phải đưa con diều của mình đi đúng hướng, bay đúng đến chỗ nó cần và tất nhiên rằng cô sẽ phải khiến cơn gió kia thành lực đẩy chứ không phải lực cản cho con diều”. Đúng thật là thế, không có thầy cô dốc sức chạy theo cơn gió đời, đưa đôi tay cần mẫn bám chắc lấy sợi dây diều là chúng ta thì có lẽ nơi bể trời mênh mông kia ta không thể vươn tới, ta mãi trôi vô định và rồi sẽ rơi rớt xuống thực tại đầy mảnh gai nhọn. Những kỉ niệm êm đềm ấy thơm ngát như ngọn gió xuân ngang qua thềm nhà ban chiều, nó chập chờn, không rõ nét nhưng vẫn luôn đủ sức trở đi trở lại trong tôi nhiều lần, nó khiến tôi ước ao, mong cầu được trở thành những người tốt đẹp như họ.
Tháng 11 của năm 2 đại học tôi trở thành giáo viên thực tập tại một trường cấp 2 dưới tỉnh. Chao ôi, cái cảm giác bồn chồn, hạnh phúc lấp đầy hết thảy hồn tôi. Những viễn tưởng đẹp đẽ bung ra trong đầu, tôi tưởng tượng cảm giác lần đầu đứng trên bục giảng, lần đầu hướng dẫn và dìu dắt học sinh… Và rồi cái gì cũng đến, ngày tôi thực tập, tôi hăng say mang tất cả sự nhiệt huyết và tình yêu để giảng bài theo cuốn giáo án tôi thức bao đêm để soạn. Chúng học sinh ngồi im lặng nghe tôi nói, một vài đứa gật gù, một vài đứa còn lại gục mặt xuống bàn như thể chúng mệt mỏi và không muốn biết những điều nhàm chán mà tôi nói. Tôi nhăn mặt, gằn giọng quát chúng. Ngay sau đó, tôi nhận ra hình ảnh của chính mình trong đám học sinh lơ là kia, và rồi tôi mới hiểu trước đây thầy cô đã bao dung với mình như thế nào. Lấy lại bình tĩnh, tôi tiếp tục giảng bài, tôi gượng gạo dạy từng chút một vì lo học sinh sẽ không hiểu, không tiếp thu được bài. Phải, lần đầu tiên đi dạy của tôi diễn ra nhàm chán như thế. Cứ như vậy một vài tuần trôi qua, tôi dần quen với công việc mới của mình. Nhưng đi cùng với đó là sự mệt mỏi, đau nhức. Tôi quen với cơn ho khan do bụi phấn, quen với cổ họng đau rát, quen với sự nhàm chán trở thành cỗ máy lặp đi lặp lại khi học sinh không thuộc bài, hơn cả là quen với những nhận xét khó nghe từ những người thầy đi trước…
Thoắt cái, đến ngày 20/11 của trường, tôi cũng được tham dự. Ngày lễ trọng đại ấy được tổ chức thật lớn. Tôi rảo bước trên khuôn viên trường mà lặng nhìn những nụ cười ngây thơ trên mặt mấy đứa nhỏ. Bất chợt một cô bé chạy đến bên tôi, nhỏ đưa tôi một bó hoa giấy bé xinh nói: “Con tự làm đấy ạ. Chúc cô 20/11 vui vẻ!”. Một sự xúc động trào lên trong tôi, à thì ra những công sức của tôi chúng đều biết và đều nhận ra được. Trong phút giây ấy, dường như mọi sự mệt mỏi bao ngày đều theo ngọn gió đầu đông mà bay đi hết. Em nói thêm với tôi rằng em cũng muốn trở thành một giáo viên trong tương lai, tôi mỉm cười cảm ơn cô nhóc ấy. Mong rằng cô bé ấy sẽ vẫn giữ được ước mơ đến sau này, tôi đưa tay vuốt nhẹ mái tóc em. Trong đôi mắt long lanh của cô học sinh ấy, tôi nhận ra chính mình của ngày xưa, của thời được cô thầy truyền lửa vào trái tim...
Nguồn: Internet
Tác giả: Lan Anh