Trời nhập nhoạng tối, gà lên chuồng, tiếng ếch nhái kêu đầy đồng, bà con trong làng í ới gọi nhau xách đèn đi học. Từ ngày cụ Hồ cho mở những lớp bình dân học vụ, không khí thôn làng sau Cách mạng vốn đã tưng bừng phấn khởi, nay lại càng thêm náo nức, hân hoan. Người già, người trẻ, kẻ làm đồng, kẻ chăn trâu,... ai ai cũng có cơ hội ê a đọc con chữ. Trong lòng chúng tôi chỉ vui say cái khí thế đương lên của dân tộc, chỉ chăm chăm làm lụng rồi học chữ cho tròn, chứ bao nhiêu lầm than, lam lũ khi xưa tưởng chừng tan biến hết.
Chúng tôi băng qua những con đường quê thân thuộc, nghe mùi đất quyện hòa với hương lúa ngọt thơm, nghe sáo diều du dương cuối chân trời tím khói. Dọc đường đi, chúng tôi bảo nhau ôn lại cái vần “O tròn như quả trứng gà”, cái chữ M ba nét cong cong,... Tiếng côn trùng vo ve trong những bụi cây rậm rạp cũng bị tiếng nói cười của người làng tôi lấn át.
Đi qua một cánh đồng nữa, chúng tôi sang làng bên, đến lớp của thầy Mẫn. Vài làng khác cũng sang, lớp học bé tẹo mà chật kín người. Tiếng râm ran dừng hẳn khi thầy giáo bước vào lớp. Thầy ngoài ba mươi, học rộng hiểu sâu, am tường nhiều điều khiến chúng tôi nể lắm. Từ những ông bà tuổi thất tuần, đến lứa trung niên lao động như tôi, cả lũ trẻ con tíu tít thích quậy, đều kính thầy một tiếng “Thầy giáo Mẫn”.
Thầy lướt qua bên dưới một lượt. Người đến học chữ đông nghịt. Bàn ghế không đủ thì chúng tôi ngồi đất, mà ngồi đất vẫn chật thì chúng tôi tựa cửa lắng nghe. Già trẻ gái trai, đăm đăm nhìn thầy viết cái chữ trên tấm ván mộc. Mảnh trăng treo lửng lơ trên trời, chúng tôi ngồi đây học vỡ lòng trong tiếng thầy giảng nhẹ nhàng, truyền cảm.
“i”, “t”, có móc cả hai.
“i” ngắn có chấm, “t” dài có ngang;
“e”, “ê”, “l” cũng một loài.
“ê” đội nón chóp, “l” dài thân hơn…
Chúng tôi đồng thanh đọc vang cả không gian làng quê thanh tịnh. Tiếng của tri thức, tiếng của hiểu biết, tiếng của tương lai… Càng say sưa học bao nhiêu, chúng tôi càng nể trọng người đang truyền dạy cho chúng tôi bấy nhiêu. Tôi cứ nhìn thầy mãi. Ở thầy, cái khí chất, cái cốt cách, cái tâm hồn toát ra đẹp đẽ và thanh cao quá. Những người làm nghề giáo, những con người đáng nể ấy, tôi thấy ai cũng tài đức vẹn toàn, lại được cả lòng yêu nước, yêu đời và thương dân.
Tan buổi, khoảng trời ngoài kia tối thăm thẳm, nhưng ngọn đèn của thầy Mẫn vẫn còn cháy sáng trong góc nhà chật hẹp, bên cạnh tập giấy dày. Còn mình tôi nán lại đây, thế là căn phòng có thêm một ngọn đèn nữa.
- Thầy Mẫn sao không về đi thôi?
- Tôi còn ở đây xem qua quyển tập mới mượn. Anh Quốc sao không về sớm nghỉ ngơi?
Tôi nhìn người đàn ông đĩnh đạc chạc tuổi mình, đọc được cả trang viết chi chít toàn là chữ, lẫn cả tiếng Việt tiếng Tây, lòng kính nể và mơ ước vô ngần.
Chuyện trò với thầy một lúc, mới biết thì ra các nhà giáo cũng như chúng tôi đây: cũng làm lụng, cũng ruộng đồng, bỏ cây bút xuống thì họ đi gặt hái luôn. Mà sao người ta giỏi thế!
- Đồng bào ta ai cũng có tinh thần, ai cũng sáng dạ, dễ mến dễ thương. Tôi làm cái nghề này cực bao nhiêu cũng xứng đáng, cũng thấy mình được sống, được cống hiến thực sự...
Cái tâm của họ đẹp như thế ấy. Đã theo nghề giáo, là cả đời học, cả đời đi thắp lửa tri thức cho người ta. Áo quần họ mặc đâu khác ta, cấy cày họ làm lụng đủ, trước họ còn xung phong đi giết giặc bảo vệ quê nhà, mà mắt họ bao giờ cũng sáng ngời, bụng họ thấu nhiều điều hay lẽ đúng.
Đêm ấy trời trong, tôi nhớ như in ánh mắt thầy Mẫn hướng ra xa xăm, vì sao phản chiếu trong mắt thầy rọi vào màn đêm thăm thẳm, truyền cả sức sống cho ánh đèn đang cháy âm ỉ trong tôi. Tôi thấy thầy Mẫn vĩ đại chẳng kém nào những chú bộ đội vai mang súng trường. Người thầy này, và cả trăm ngàn người thầy ở những vùng miền khác, đã miệt mài tận hiến bao năm để làm giàu thêm nét đẹp cho những con người xứ sở.
Họ cao quý, họ làm một nghề cao quý. Tôi kính họ, tôi kính bằng cả tấm chân tình. Tôi chẳng biết mấy đâu, nhưng tôi đủ hiểu rằng, chừng nào tổ quốc ta vẫn mang hình chữ S, thì những nhà giáo của đất Việt ta sẽ mãi là những người đẹp nhất, những người đáng phục, đáng trọng nhất trên đời.
Nguồn: Internet
Tác giả: Chi Mai