- Tiếp theo đây, chính là bài phát biểu của Nguyễn Trí Tú, thủ khoa khóa XXIII của chúng ta. 

Cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay, rồi lại chìm trong im lặng, chỉ còn vài tiếng xê dịch ghế. Tú chậm rãi bước lên sân khấu, liếc nhìn mọi người đang ngồi ở phía dưới. Tất cả đều đang chăm chú dõi theo mọi cử chỉ của cậu, nhìn cậu với ánh mắt ngưỡng mộ và thể hiện sự mong chờ vô cùng rõ ràng dành cho những gì cậu sắp trình bày. Là cảm giác được nể trọng. Không hiểu sao, nó khiến cậu nhớ lại về những cái nhìn lạnh lẽo, khinh thường và đáng sợ mà cậu từng phải chịu đựng hàng ngày mười lăm năm trước. Đấy thực sự là một quá khứ khốn khổ. Một quá khứ mà cậu vừa muốn tống khứ ra khỏi đầu, vừa không muốn quên đi. 

- Xin chào tất cả mọi người. Tôi là Nguyễn Trí Tú, rất vinh hạnh khi được là đại diện của khóa XIII để có đôi lời phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp ngày hôm nay. Thật sự thì được đứng ở đây như bây giờ, chính bản thân tôi đã phải nỗ lực và cố gắng rất nhiều, nhưng không thể không kể đến những người giáo sư, giảng viên đã luôn giúp đỡ, động viên và góp ý cho tôi. Tôi muốn bày tỏ sự kính trọng và biết ơn sâu sắc dành cho họ. 

Đấy là những gì cậu đã chuẩn bị trong tờ giấy nhớ mà cậu mang theo. Một bài văn mẫu vô vị, ấy vậy mà sao những người ở dưới kia vẫn có vẻ rất chăm chú. Hít một hơi thật sâu, cậu vò nát tờ giấy kia, rồi nhìn thẳng xuống dưới. 

- Mặc dù trước khi lên đây, tôi cũng được nhắc là chỉ nên phát biểu năm phút hay mười phút gì đó thôi, nhưng tôi rất mong rằng mọi người hãy dành cho tôi thêm chút thời gian của buổi lễ này, bởi tôi có một câu chuyện muốn chia sẻ. Đó là về người thầy đầu tiên của tôi, người đã cho tôi hi vọng và động lực để cố gắng không ngừng, để đạt được ước mơ của mình. Tôi nghĩ đây là lần đầu tiên và cũng sẽ là lần cuối cùng tôi kể ra chuyện này, nên không biết mọi người có phiền nếu phải nấn ná ở đây thêm vài phút? Có vấn đề gì không ạ, thưa giáo sư? 

Cậu nhìn quanh hội trường, ý muốn hỏi ý kiến của những người ngồi dưới, rồi lại hỏi cả trưởng khoa đứng ngay đó. Vị giáo sư già khẽ gật đầu, và cũng không có bất cứ dấu hiệu phản đối nào từ những người còn lại, cậu mới bình tĩnh kể câu chuyện của mình. 

Năm cậu lên bảy tuổi, gia đình nợ nần chồng chất, cha lại chọn cách tự vẫn, bỏ lại hai mẹ con cậu lang thang khắp nơi trên đường phố. Rồi một hôm, mẹ cậu nói rằng sẽ đi xa hơn một chút để xin đồ ăn và bảo cậu chờ ở gầm cầu đằng đấy đến khi mẹ quay lại. Cậu là một đứa trẻ rất biết nghe lời, vậy nên cậu đã ở yên đó chờ đợi, chờ đợi suốt hai năm ròng rã. Mặc kệ được người lớn xung quanh khuyên nhủ nên đi đến trại mồ côi hay trung tâm bảo trợ xã hội. Mặc kệ có đớn đau và khổ sở tới đâu. Từ khi ấy, mỗi ngày cậu đều ngủ ở chân cầu, kể cả khi mưa gió bão bùng hay những ngày đông với cái rét cắt da cắt thịt; ban ngày thì đi loanh quanh ăn xin, chỉ chờ có người đi qua thì sẽ chẳng ngần ngại lê lết dưới nền đất lạnh mà cầu xin từng đồng lẻ hay cả mẩu đồ ăn thừa. Cuộc sống như vậy, thực sự quá tàn nhẫn đối với một đứa trẻ chín tuổi. 

Một ngày như bao ngày, khi mà đang co ro nằm với cái bụng đói dưới gầm cầu, cậu bỗng nghe thấy tiếng hò hét inh ỏi, chửi bới loạn xạ, tiếng động cơ xe máy như đàn thú gầm gừ. Phải rồi, nơi này đầy những loại người lưu manh mà. Suốt hai năm ở đây, hầu như mỗi ngày cậu đều chứng kiến bao nhiêu là trận đánh nhau, nhưng tất nhiên lần nào cậu cũng trốn đi, chứ chẳng dại gì để bọn chúng nhìn thấy. Mẹ cậu trước kia luôn dặn phải tránh xa những đám người như vậy ra. Trong mắt cậu, lũ đấy còn tệ hại hơn một kẻ ăn mày. Đang ngẩn ngơ nghĩ, tự dưng ở đâu một người nhảy từ cầu xuống, tiếng “bộp” vang lên khi người ấy tiếp đất cũng đủ để biết cú ngã ấy đau thế nào. Vậy mà người kia lại nhanh chóng bật người dậy, chạy vào trong chân cầu, rồi mới khụy xuống ngay bên cạnh cậu, ôm người đau đớn nhưng lại chắc dám bật ra một kêu nào. 

- Thằng chết tiệt kia đâu rồi!? - Một giọng ồm ồm gần như hét lên phía trên cầu. 

- Nó lại chạy thoát rồi! Mẹ kiếp! Lần sau gặp lại nhất định phải đập cho ông bà già nhà nó cũng không nhận ra!

Đến khi tiếng động cơ xe máy đã không còn nghe rõ được nữa, chắc chắn đám côn đồ đã đi xa, tôi mới khẽ động vào người kia. 

- Anh gì ơi, họ đi rồi.

Người ấy không trả lời. Anh ta có mặc đồng phục, mang theo cặp sách, nên chắc vẫn là học sinh. Cậu tự hỏi là điều gì khiến một học sinh lại đi theo cái con đường như vậy. Mãi một lúc lâu sau, khi mà cậu đang quằn quại vì cơn đói, tính cố gắng lết ra ngoài xin ăn thì anh học sinh kia mới từ từ nhổm dậy. 

- Đau quá! Lũ khốn ấy!

Rồi anh mới quay sang nhìn cậu, vẻ mặt rất khó chịu. 

- Nhìn gì mà nhìn!? Mày nhìn đểu tao à? Muốn ăn đòn không?

- Em đâu có cố tình nhìn anh, em đang nằm đây xong anh từ đâu phi tới mà! - Cậu phản bác lại. 

- Chậc, phiền phức quá. 

Anh ta đứng dậy, tính rời đi. Bỗng nhớ ra gì đó, cậu chạy lại, túm lấy chân anh ta. 

- Cái quái gì vậy!? - Anh ta hét lên.

- Anh ơi, anh có đồng lẻ nào không, hay có mẩu bánh miếng xôi nào không, làm ơn làm phước cho em xin với. Em đói lắm, hai ngày nay em chưa ăn gì rồi. 

Cái câu đấy, hầu như ngày nào cậu cũng nói, nhưng kết cục vẫn là ôm cái bụng đói về chân cầu nằm. Cậu cũng chả mong chờ cái tên “vô học” này cho cậu chút tiền lẻ hay tý đồ ăn nào đâu, nhưng cũng phải thử mới biết chứ. 

Ngoài mong đợi, anh ta ngồi phịch xuống đất, mở cặp sách ra rồi lôi ra một cái bánh mì và một hộp sữa tươi, đưa cho cậu. 

- Có này, ăn đi.

- Cảm ơn anh, cảm ơn anh nhiều lắm! - Cậu dập đầu cảm ơn, rồi vội vội vàng vàng ăn. 

- Ăn từ từ thôi, chẳng ai ăn mất phần của mày đâu. 

Anh ta chống tay nhìn cậu “xử lý” chỗ bánh và sữa, ngán ngẩm thở dài. 

- Bố mẹ mày đâu?

- Bố em mất rồi, nhà em vỡ nợ nên bố em tự tử. Còn mẹ em thì đi xin đồ ăn chưa về. 

- Ủa thế mẹ mày ngày nào cũng đi xin đồ ăn mà sao lại để mày đói tận 2 ngày nay? 

- Em không biết, mẹ em đi lâu lắm, mãi chưa về, em chờ được qua hai cái Tết rồi. 

Anh ta bỗng chốc nín bặt, rồi lại lục cặp, rút ra vài đồng tiền lẻ, dúi vào tay cậu.

- Cầm lấy này, có gì đói quá chạy ra bên kia mua cái bánh mà ăn tạm. 

Cậu cảm động nhận lấy, không ngừng cảm ơn. Lâu lắm rồi mới có người cho cậu nhiều như vậy mà không buông bất cứ lời chê ghét nào, cậu vui lắm. 

Chẳng hiểu vì sao, từ lần đấy, hầu như ngày nào anh ta cũng qua cho cậu chút đồ ăn rồi đi luôn, thi thoảng còn cho thêm chút tiền. Cậu bỗng hối hận vì lần đầu gặp đã đánh giá anh ta thế này thế kia, đây mà là người xấu chắc thế giới này toàn là ác nhân mất. Một ngày như bao ngày, thay vì bỏ đi luôn thì anh ta lại ngồi lại bên cạnh chờ cậu ăn, tiện lấy một tập giấy viết viết gì đó. Thấy cậu nhìn chằm chằm vào xấp tài liệu, anh ta mới hỏi: 

- Sao? 

- Dạ không, em tò mò thôi…

- Tò mò gì? Lần đầu thấy học sinh cá biệt viết bài à?

- Dạ không… Em chỉ muốn xem thôi…

- Mày biết chữ không? - Anh ta đột nhiên hỏi. 

- Dạ!? Em… Em có, chỉ là lâu lắm rồi mới thấy lại…

- Đây là toán lớp 12, mày đọc không hiểu đâu. Anh học còn thấy không nuốt nổi nữa cơ mà. 

Cậu vẫn không thể rời mắt khỏi tập tài liệu đó. Học… bao lâu rồi cậu chưa được đi học nhỉ? Cậu chẳng thể nhớ nổi giáo viên của mình là ai, trường tiểu học của mình ở đâu. Khi gia đình gặp khó khăn, mẹ cậu đã cho cậu thôi học và bảo sẽ tự dạy cậu, nhưng thực chất bà chỉ dạy cậu làm việc nhà mà thôi. 

- Vẫn muốn đọc à? - Thấy ánh mắt mong mỏi của cậu, anh ta liền đưa tập bài cho cậu xem. 

Cậu nhận lấy, đọc đi đọc lại, dù chẳng hiểu gì nhưng vẫn có vẻ rất say mê. Thì ra đây là toán. Trước khi phải nghỉ, cậu cũng đã được học phép cộng ở trường rồi, nhưng chưa thấy cái gì phức tạp thế này. 

- Mày muốn học không? Anh dạy cho? 

- Được ấy ạ!? - Cậu reo lên

- Anh là học sinh cá biệt đâu có nghĩa là không biết tý gì về toán, chưa kể toán cấp 1 của bọn mày đơn giản mà, cần gì chuyên môn đâu mà chả dạy được. 

- Nếu được thế thì em biết ơn anh nhiều lắm! À không, phải là thầy chứ!

- Ngưng! Nghe xấu hổ chết đi được ấy. Vậy thôi, mai anh sẽ dạy mày mấy bài đầu. 

Vậy là kể từ hôm đó, anh không chỉ đến và đem cho cậu đồ ăn, nước uống, mà còn đem tới những bài học. Anh dạy cậu phép nhân, phép chia, bắt cậu học thuộc các bảng nhân, rồi dần dần hướng dẫn cậu cả về khoa học tự nhiên, xã hội cơ bản. Thậm chí, đôi lúc anh rất ra dáng một thầy giáo thực thụ, nghiêm khắc và tỉ mỉ. Anh ta, mang tiếng là học sinh cá biệt, thành phần côn đồ, nhưng không ngờ lại là người đọc rất nhiều loại sách. 

- Mày có biết tại sao anh lại ghét trường học không? Tại vì họ bắt anh phải học để thi. Học để làm bài như một cỗ máy ấy. Học nếu không để biết, để hiểu, để cảm nhận, để ý thức thì chẳng có tác dụng gì, vậy thì tại sao anh lại phải dí mông ở đấy 12 năm liền để bị đúc vào một cái khuôn mẫu nhàm chán và vô vị. Nên mày hãy nhớ nhé, sau này nếu được đi học, hãy học một cách hiệu quả, đừng có làm theo mẫu quá. 

- Anh ơi, vậy sao anh không làm thầy giáo đi? Nếu như vậy, anh có thể thay đổi được cách dạy học nhàm chán mà? 

- Nói thì dễ vậy thôi. Nghề giáo là một nghề cao quý, thực sự vô cùng cao quý. Họ là những người lái đò thầm lặng, những người ươm mầm cho tương lai đất nước. Bởi thế, để trở thành một người giáo viên đáng kính, thực sự phải đòi hỏi rất nhiều, và tất nhiên kẻ như anh mày thì ai thèm tôn trọng mà đòi làm giáo viên. 

- Không đúng! Anh đã dạy em học rất nhiều, anh giảng rất hay nữa! Với em, anh là một người thầy thực sự mà!

- A ha ha, đừng nói thế, mày làm anh có động lực thi sư phạm giờ. Nói đùa vậy chứ, anh thực sự mong nếu có thể, mày hãy trở thành một giáo viên đi. Trở thành một người dẫn lối cho mầm non đất nước, dạy chúng trở thành những người tốt, sau này còn cống hiến cho xã hội, chứ đừng để đi vào vết xe đổ của anh, trở thành một thằng nhãi cá biệt bị khinh ghét. 

Đó là lời dạy bảo mà cậu khắc cốt ghi tâm, tới tận khi trưởng thành vẫn luôn nhớ lấy, làm theo. 

Nhưng bỗng một ngày, anh biến mất. Một ngày, hai ngày, ba ngày, rồi đến hơn hai tuần nay, anh không còn đến chân cầu, đưa đồ ăn và dạy cậu học nữa. Cậu không phải lo vì sợ bị bỏ đói, anh cũng đưa cho cậu một số tiền khá lớn để có cái ăn trong vài ba tuần rồi, nhưng cậu cũng lo anh ta bị làm sao. Anh ta có thể là một người anh trai ấm áp, một người thầy tận tâm với cậu, nhưng bên ngoài cuộc sống, anh vẫn là thành phần côn đồ, chuyên môn đi gây thù chuốc oán, đánh nhau khắp nơi. Nhiều lần, anh ta lết xuống chân cầu trong bộ dạng thảm vô cùng, chân tay bầm tím, mũi không ngừng chảy máu. Bởi vậy, nỗi lo của cậu cũng chẳng phải thừa. 

Thật đau đớn làm sao, nó thực sự không hề thừa. 

Ngày hôm sau, khi đang lang thang bên ngoài, cậu nghe được cuộc hội thoại giữa hai người phụ nữ trung niên. Họ bàn đủ thứ chuyện trên trời dưới biển, trong đó có việc một cậu trai 18 tuổi mới qua đời, nguyên nhân là đánh nhau bị đập đầu vào chỗ hiểm, lại không đi bệnh viện ngay mà về nhà. Rồi sáng hôm sau gia đình thấy mãi chưa đi học thì mới phát hiện đang bất tỉnh trong nhà vệ sinh, đưa đến bệnh viện thì đã quá muộn, là do bị tụ máu não. Thật đáng thương vô cùng, chàng trai đó còn khá trẻ. Họ cũng từng thấy cậu lởn vởn ở chân cầu, chơi cùng cậu bé vô gia cư ở đó… 

- Sau ngày hôm đó, có một cặp vợ chồng tới chân cầu tìm tôi. Họ chính là cha mẹ của anh ấy. Họ biết được tới tôi qua cuốn nhật ký của anh và quyết định nhận nuôi tôi. Kể từ khi đó, tôi, thay vì để nỗi đau sang một bên, lại biến nó thành động lực để cố gắng hằng ngày. Tôi sẽ thực hiện những gì anh chưa thực hiện được, khắc cốt ghi tâm những điều anh dạy bảo. Tôi sẽ trở thành một nhà giáo, một nhà giáo được mọi người kính mến, một nhà giáo dẫn dắt những thế hệ sau đi tới bờ tri thức và không để bất cứ học trò nào bị bỏ lại phía sau. Bởi người thầy đầu tiên của tôi, người thầy mà không hề có bằng cấp hay trình độ sư phạm, nhưng lại dạy tôi biết bao điều về cuộc sống này, tạo cho tôi động lực để sống tiếp, để cố gắng, cho tôi hi vọng về một tương lai tốt đẹp mà tôi có thể có được nếu tôi kiên trì tới cùng. Tôi vẫn phải khẳng định lại, tôi được đứng ở đây ngày hôm nay, tôi được sống đầy tự tin và hãnh diện như bây giờ, là nhờ người thầy đầu tiên ấy. Vậy nên, đối với tôi, người được gọi là “thầy” không nhất thiết là một giáo viên có bằng sư phạm, có giáo án bên mình, mà chỉ cần là một người dẫn ai đó đi trên con đường đúng đắn, giúp ai đó tìm thấy được chân lý của cuộc đời, chỉ vậy thôi là đủ. Và tất nhiên, tất cả những người nhà giáo ấy đều phải nhận được một sự kính trọng to lớn. 

Tiếng vỗ tay lại vang cả hội trường. Cậu cúi chào, rồi bước xuống, tự tin ngẩng cao đầu, như thầm muốn nói rằng: “Thầy ơi, em làm được rồi.”

Nguồn: Pinterest

Tác giả: Ngọc Minh