Hồ nước trong veo, in một bóng hình nhỏ bé đứng nhìn đăm đăm xuống mặt hồ.

Cô bé có một mái tóc đỏ quạch, bù xù. Chân tay cô đầy đất cát. Mắt cô bé đỏ mọng. Cô đang khóc. Những giọt nước mắt lã chã rơi xuống mặt hồ, tạo ra những gợn sóng lăn tăn. 

“Tại sao mình không được phép có mặt trên đời này?” Câu hỏi cũng là tiếng thở dài não nề của cô bé như khiến cả khung cảnh lặng im. Toàn thân cô bé rướn lên, hai tay vươn ra như muốn tóm lấy cái gì đó…

“Cộc, cộc,...” Tiếng bước giày kéo cô bé khỏi những suy tư của bản thân. Khẽ liếc mắt về phía sau, trước mắt cô bé là một người phụ nữ trẻ tuổi, có lẽ chỉ mới hơn 20. Cô ấy mặc áo sơ mi vàng cùng một chiếc quần đen giản dị, trên tay kéo chiếc vali nặng trịch. Lan - cô bé đứng cạnh hồ - như bị hút hồn bởi thứ cô gái cầm trên tay phải. Đó là một đoá hoa lớn, đủ các sắc màu từ xanh, đỏ, hồng, vàng, tím, trắng… “Ai vào đây mà lại mang theo cả hoa nhỉ?” Sau mấy phút phân vân, Lan lấy hết dũng khí, bước ra hỏi: 

“Dạ cháu chào cô, cô đến tìm ai ạ?” 

Cô gái ấy nhìn thấy Lan thì mỉm cười. “Cô là người đến để dạy học ở đây. Cháu đã đi học chưa?” Mặt Lan đỏ nhừ, khẽ lắc đầu. Nghe vậy, cô gái ấy lại ân cần nói: “Không sao đâu, sắp tới sẽ có lớp học tình thương mở ở chỗ này. Khi ấy, cô trò mình giúp đỡ lẫn nhau nhé!”

*             *              *

Khẽ đặt bông hồng cuối cùng vào lọ, tôi cố gắng làm sao cho từng nụ hoa trông thật sống động chứ không giống như những cánh hoa đã ngắt khỏi nguồn sống. Ở chốn đất khách quê người này, cắm hoa với tôi là thú vui duy nhất, là công cụ giúp tôi giải tỏa sau những giờ làm việc căng thẳng. Đặt lọ hoa lên bàn, tôi hãnh diện ngắm nhìn thành quả của mình. Tôi chợt nhớ về mẹ, về bàn tay gầy gò đã nắm chặt tay tôi trong những ngày tươi đẹp ấy. Trái tim tôi bỗng thổn thức, ép nước trào ra nơi khóe mắt cay. Đúng lúc ấy thì tiếng bà chủ nhà vang lên:

“Hà ơi, có học sinh đến tìm này!”

“Dạ cháu xuống ngay đây ạ!”

Lấy tay vội gạt nước mắt, tôi nhanh chóng bước xuống cầu thang. Trong đầu tôi lởn vởn một câu hỏi: Ai lại đến vào lúc giữa trưa thế này? Ra mở cửa, tôi giật mình nhận ra Lan, lớp trưởng lớp tôi chủ nhiệm. Vừa thấy tôi, nó đã hốt hoảng kêu: 

“Cô ơi, nhà bạn Hằng lại có người sang hỏi cưới!”

“Sao cơ?” Tôi thảng thốt.

“Có người hỏi cưới bạn Hằng, cha mẹ bạn ấy lại đang có ý định gả đi!”

“Em đợi cô một chút, để cô sang.” Siết chặt tay lại, tôi quay vào nhà lấy mũ đội, rồi quày quả cùng Lan bước đi.

Tôi là sinh viên mới ra trường của Đại học Sư phạm. Sau khoảng hai tháng đợi phân công, tôi được giao nhiệm vụ công tác ở một lớp học tình thương. Nơi đây là một xóm trọ nhỏ giữa lòng thủ đô, quanh năm suốt tháng chứng kiến những vất vả, gian lao của người lao động. Ngay ngày đầu tiên đến, tôi đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của Lan, một cô bé nhỏ cũng là thành viên xóm trọ. Cô bé dẫn đường cho tôi đến nhà trọ, sau đó còn đưa tôi đi chào hỏi láng giềng. Mọi người ở đây ai cũng thân thiện, coi tôi như người thân ruột thịt. Ngay hôm đầu tiên ấy, cả xóm đã mỗi người góp một ngày lương để làm một bữa tiệc chiêu đãi tôi. Khi biết được cái giá của bữa cỗ hôm ấy, tôi không khỏi xót xa. Những con người ấy sao mà lương thiện và nhân hậu đến thế!

Lớp tôi dạy có vẻn vẹn hai mươi học sinh. Đa phần chúng đều là những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Có cặp sinh đôi mất cả cha lẫn mẹ trong một tai nạn lao động khủng khiếp. Hai anh em hiện chỉ có thể sống nhờ ông bà và sự cưu mang của láng giềng hàng xóm. Cô bé tên Hằng, người mà tôi cùng Lan đang đi thăm, lại liên tục bị người ta hỏi cưới. Mỗi lần như vậy, tôi lại phải tới để thuyết phục ba mẹ cô bé. Nhưng chỉ được một thời gian, khi có người mang đồ đến xin là hai người lại đổi ý. Cả Lan cũng là một trường hợp đau lòng. Cô bé bị mẹ bỏ rơi dưới một gốc cây ven đường, rồi được một cặp vợ chồng hiếm muộn nhận nuôi. Lan ngoài học rất thông minh, sáng dạ, còn là một lớp trưởng xuất sắc. Không biết bao lần như hôm nay, nếu không có Lan thì có lẽ tôi đã đến quá muộn và để mất học sinh của mình không biết bao lần.

Lớp học ở đây thiếu thốn trăm bề, nhưng tất cả học sinh đều mang trong mình một niềm tin tưởng vào tương lai. Tôi tin, dù có bao nhiêu khó khăn về vật chất đi chăng nữa, chúng tôi cũng sẽ vượt qua. Nhưng trước hết, nhiệm vụ tôi phải vượt qua, là bảo vệ những học sinh của mình khỏi sự chèn ép của đói nghèo.

Vừa bước tới cổng nhà Hằng, tôi đã bắt gặp một người đàn ông to lớn, già dặn. Ông ta liếc mắt nhìn, khiến tôi lạnh cả sống lưng. Nhưng nghĩ đến chuyện học sinh của tôi phải khóc trong ngày cưới, trái tim tôi lại tràn đầy quyết tâm. Tôi ung dung bước vào, lướt qua người đàn ông. Lan ban đầu cũng mang một vẻ lo lắng. Nhưng rồi cô bé nhanh chóng lấy lại vẻ chững chạc của mình và bước theo tôi. Vừa đặt chân vào nhà, tôi nhận ra bố Hằng đã chờ tôi sẵn ở phòng khách. Vừa thấy tôi, ông đã nói ngay:

- Cô giáo ạ, cô cũng biết hoàn cảnh gia đình tôi rồi. Nhà tôi nghèo lắm, nếu phải nuôi con bé ăn học thêm thì cũng không được khả thi cho lắm…

Tôi bơ phờ nghe vị phụ huynh nói. Trong lúc ấy, tôi liếc mắt vào trong bếp, phát hiện mẹ cô bé đang ngồi an ủi Hằng. Cô bé úp mặt xuống bàn, nấc lên không thành tiếng. Nhìn học sinh, tôi đau lòng. Chờ bố Hằng nói hết, tôi mới khẽ mở lời:

“Tôi cũng biết gia đình mình rất khó khăn, nhưng như tôi đã nói từ trước, mọi người muốn thoát khỏi cái cảnh này không? Nếu không có học, liệu cái nghèo sẽ còn ám ảnh đến bao giờ? Hơn nữa lỡ cháu nó mà không được hạnh phúc thì chẳng phải sẽ rất đau lòng sao? Mong hai người suy nghĩ lại những lời tôi đã nói lần trước.”

Nghe đến đây, người chồng khẽ đắn đo suy tư. Người vợ vừa bước ra cũng trở nên trầm tư. Ngay lúc ấy, người đàn ông ban nãy bước vào, quát lớn:

“Này, đừng nói hai người lại đổi ý đấy nhé? Chẳng phải chúng ta đã bàn chuyện này hơn một tuần rồi à? Còn mày…” - Anh ta dí sát mặt vào tôi, nhăm nhe - “…Mày có thích lo chuyện bao đồng không? Mày có muốn ăn đòn không?”

Tôi đứng thẳng dậy, đối mặt với anh ta. Tên vũ phu thấy vậy thì hoang mang, khẽ lùi lại. 

“Anh cứ thử đi, để tôi cho anh biết, động vào học sinh tôi sẽ phải trả giá như thế nào!”

*             *              *

Lần đầu tiên tôi gặp cô Hà là vào một buổi chiều trong lành. Tôi chạy ra hồ, sau khi phải nghe những lời nhục mạ của lũ trẻ phố bên. Không biết đã bao lần, chúng nói tôi là đồ không cha mẹ, đồ mất gốc. Không chỉ trẻ con, những người lớn sống ở khu cạnh mỗi lần tôi mắc lỗi gì hay không vừa ý họ, đều mắng: “Đúng là cái đồ không cha không mẹ không dạy dỗ, chả làm được tích sự gì.” Mỗi lần nghe những cụm từ xấu xa ấy, tôi chỉ biết khóc thương chính bản thân mình. 

Nhiều lần nghĩ quẩn trong lòng, cuối cùng thì hôm ấy, những cảm xúc trong lòng tôi đã vỡ òa như một dòng suối bi thương không hồi kết. Tôi bước ra bờ sông, tâm trí chỉ nghĩ đến việc nhảy xuống để giải quyết toàn bộ những vướng mắc đau khổ bằng cái chết. Nhưng đúng lúc ấy, cô đã xuất hiện. Bó hoa trong tay cô đã thu hút toàn bộ sự chú ý của tôi. Câu chuyện về lớp học, về những ước muốn dự định trong tương lai đã làm dấy lên trong lòng tôi một thứ khát vọng không thể giải thích.

Những ngày đầu của lớp học là những ngày đầy gian khổ. Lớp chỉ vẻn vẹn 20 học sinh, nhưng chưa ngày nào đầy đủ. Tôi cùng cô đã phải mấy lần đi thăm hỏi, động viên gia đình các bạn trong lớp để họ cho con đi học. Có mấy lần đi ngăn bố mẹ Hằng cho nó đi lấy chồng, chúng tôi còn bị người hỏi cưới dọa hành hung. Lúc ấy, cô đã đứng dậy, đối diện thẳng mặt với tên lưu manh ấy. Những lời lẽ đanh thép của cô đã khiến  khiến cho hắn phải chột dạ mà thoái lui. Sau lần ấy, tôi có hỏi cô:

“Làm sao mà đối mặt với hắn ta mà cô không sợ thế ạ?”

Cô khẽ mỉm cười, đáp:

“Khi ấy, cô cũng run lắm. Nhưng nghĩ đến cảnh các em được tới trường, được học hành thì trái tim cô tự nhiên sắt lại. Mong ước của cô cũng chỉ có vậy thôi!”

Cô tôi là vậy, lúc nào cũng luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho học sinh của mình. Toàn bộ thời gian, cô không đi chơi, không mua sắm, mà cống hiến tất cả cho công việc. Chỉ thi thoảng, khi dẫn chúng tôi ra phố, cô mới có cơ hội để cảm nhận không khí đất thủ. Hà Nội đẹp lắm, chói sáng lắm, nhưng cũng có những góc tối của nó. Ước vọng của cô thật giản dị mà cũng vô cùng lớn lao: đem ánh sáng cho chúng tôi, đem ánh sáng cho xóm nhỏ này để làm nên ánh sáng chói lòa của Hà Nội, của Việt Nam. 

Sau lần ở nhà Hằng, cả xóm ai cũng nghe chuyện. Thế là, mọi người bắt đầu tin tưởng cô và để con tới học. Là lớp trưởng, tôi cũng được cô ưu ái, giúp đỡ rất nhiều. Để cho chúng tôi có điều kiện học tập tốt nhất, cô Hà đã tổ chức cho chúng tôi trang trí lại lớp học cho khang trang hơn. Buổi lao động diễn ra mệt nhọc nhưng cũng thật vui vẻ. Sáng hôm sau, tôi sững sờ vì cảnh lớp học. Không chỉ được dọn dẹp lại, mà khắp cả lớp là những lọ hoa tươi thắm đủ các sắc màu được trang trí khiến tôi mê đến ngẩn người. Những bông hoa ấy, y hệt những bông hoa đủ màu đã cuốn lấy tâm hồn tôi ngày cô đến. Cuối buổi học, tôi bước lên bàn giáo viên khẽ hỏi:

“Những lọ hoa này là cô tự cắm đấy ạ?”

“Đúng vậy, có chuyện gì sao em?”

“Chúng đẹp quá.” Tôi phấn khích đảo mắt một lần xung quanh lớp. “Em chưa từng hay biết rằng khi được sắp xếp tinh xảo thì những bông hoa còn có thể đẹp hơn nữa đấy!”

“Giống như bé con của cô vậy.” Cô mỉm cười, khẽ vuốt tóc tôi. “Em là một cô gái rất xinh đẹp, nhưng điều làm nên phần lớn vẻ đẹp của em chính là sự chăm chỉ và thông minh đấy!”

“Vậy cô dạy em cắm hoa có được không?” - Tôi khẽ nói với khuôn mặt đỏ bừng. Cô giáo tôi cũng tròn mắt ngạc nhiên, vui vẻ đáp.

“Tất nhiên là được thôi, nhưng sẽ hơi khó đấy nhé!”

Từ đợt ấy, với tôi, những kỉ niệm cô Hà còn gắn với những buổi học cắm hoa đầy thú vị. Mỗi lần tôi đến chỗ cô trọ, tôi đều nằng nặc xin cô dạy cắm. Cô chỉ dẫn tôi từng li từng tí, về những bông hoa, về cách cắm, cách phối màu sắc. Một lần, tôi hỏi cô:

“Cô ơi, ai dạy cô cách cắm hoa vậy ạ?”

“Mẹ cô đó con ạ. Bà cắm hoa khéo tay vô cùng. Tiếng lành đồn xa, cả chỗ cô sống không ai là không biết đến mẹ cô cả đấy. Có điều, bà đã mất ngay sau khi cô tốt nghiệp Đại học rồi.” Cô ngậm ngùi nói.

“Em xin lỗi, em không cố ý…”

“Không sao đâu em. Khi ấy, cả nhà cô có ba chị em, nhưng chỉ mình cô cắm hoa khéo tay được như mẹ. Lúc ấy, bà đã cổ vũ, hết lòng ủng hộ cô thực hiện ước mơ của mình là trở thành một nghệ nhân cắm hoa. Nhưng vì một số lí do thì nó đã không thể thực hiện, nên lúc nào cô cũng cảm thấy có lỗi với mẹ… Có điều, cô cũng không hối hận vì đã chọn nghề này đâu. Cô đã gặp, đã có cơ hội để giúp đỡ các em tỏa sáng hơn, bay xa hơn, cũng giống như việc làm tôn lên vẻ đẹp của những bông hoa vậy.”

Tôi ngần ngừ một lát, rồi ấp úng: “Vậy thì, em muốn trở thành một nghệ nhân cắm hoa ạ!”

“Thật sao? Nếu vậy…” Cô mỉm cười, khẽ hôn lên trán tôi. “... hãy thực hiện giúp ước mơ của mẹ con cô nhé!”

 *            *             *

“Con đã chuẩn bị đủ đồ chưa?”

“Dạ tất cả đều xong rồi ạ. Cho con qua trường chút nhé!”

“Chào cô Hà hả con? Vậy thì nhanh lên nhé!” - Bà mẹ khẽ mỉm cười.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Hôm nay đã là ngày Lan phải rời xóm trọ, cùng những học sinh đầu tiên của lớp học lòng người, để đi đến một chân trời xa hơn, học hỏi những điều lớn lao hơn. Điều đó, cũng đồng nghĩa với việc cô bé sẽ phải rời xa người giáo viên yêu quý, để lại cô cho những lớp học trò sau. Cô bé biết mình không thể ích kỉ mà bắt cô đi theo suốt cuộc đời. Nhưng trước đó, cô bé muốn để lại gì đó cho người đã mang đóa hoa rực rỡ của khát vọng, của tri thức, đóa hoa tràn đầy ánh sáng thuần khiết đến cho cuộc đời cô. 

Bước qua hành lang lớp học đã được lát đá và xây dựng khang trang hơn, cô khẽ liếc nhìn vào bên trong. Cô Hà vẫn đứng đó, say sưa giảng bài như những ngày đầu Lan học cô. Vẫn dáng đứng đó, vẫn giọng nói truyền cảm, và vẫn những đóa hoa đủ sắc màu cắm xung quanh lớp. Thấy cảnh đó, Lan mỉm cười. Cô khẽ đặt đóa hoa mà mình đã chuẩn bị ngoài cửa rồi xoay người bước đi, trong lòng tràn đầy một cảm giác mãn nguyện. 

Tiếng trống trường vang lên. Bước ra ngoài cửa, cô Hà ngạc nhiên trước thứ đang chờ đợi mình. Một bức thư kẹp giữa đóa hoa cúc lớn màu tím mơ mộng. Bức thư ấy chỉ vẻn vẹn một dòng chữ:
“Cảm ơn cô, người mang ánh sáng đến cho em và xóm nhỏ này.”

- Người sẽ thực hiện nốt những điều cô còn dang dở - 

Hoa thạch thảo, tượng trưng cho sự lưu luyến phút chia li. Nhất định em sẽ không bao giờ có thể quên được những điều mà cô đã tặng cho em.

Ánh dương mà cô đã trao, sẽ mãi soi sáng từng bước em đi trong cuộc đời.

Nguồn: Live-native

Tác giả: Gia Khánh