Từ ngày 10/10/2022, Đoàn trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi đã triển khai phong trào "Thu gom pin cũ - Vì môi trường tương lai" năm 2022 do Thành Đoàn Hải Dương phát động đến 36 tập thể chi đoàn. Chiến dịch nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các đoàn viên thanh niên.
Mỗi chi đoàn chuẩn bị một hộp bằng chất liệu nhựa, thuỷ tinh, giấy hoặc bìa cát tông, để trên góc bàn giáo viên, in poster theo mẫu mà Đoàn trường cung cấp và dán lên hộp. Toàn bộ pin đã qua sử dụng của lớp sẽ được cho vào hộp và định kì 2 tháng một lần, các chi đoàn sẽ đưa số pin đã thu gom được vào thùng pin chung của Đoàn trường để nộp về điểm tập kết của thành phố. Sau đó, Thành đoàn sẽ chuyển pin về điểm tiêu huỷ để tiến hành xử lý theo đúng quy trình đối với chất thải nguy hại.
Mặc dù chưa đầy một tuần kể từ khi Đoàn trường phát động phong trào, hầu hết các chi đoàn đều đã có được những hộp thu pin đạt yêu cầu. Đặc biệt, các CNT-ers còn tận dụng những hộp khẩu trang cũ, giỏ tre, hay những hộp đựng với chất liệu thân thiện với môi trường để làm hòm thu gom.
Bạn Nguyễn Văn Hiếu - học sinh lớp 11 Anh chia sẻ cảm nghĩ về phong trào thu gom pin tại trường học: “Mình nghĩ đây là một chiến dịch rất thiết thực và hiệu quả. Trước kia, mỗi lần thay pin ở mic, bọn mình đều không biết làm thế nào với chỗ pin cũ, vứt vào thùng rác thì không ổn mà để chúng lăn lóc trong ngăn kéo lớp cũng chẳng được. Nhưng mà bây giờ bọn mình đều có những hộp đựng pin cũ ngay trong lớp, và số pin cũ này sẽ được bọn mình nộp lại cho Đoàn trường định kì để xử lý theo đúng quy trình nên mình cũng thấy yên tâm hơn rất nhiều.”
Với chức năng lưu trữ, cung cấp điện năng, pin là một thiết bị được dùng phổ biến trong cuộc sống. Địa điểm nào có điều khiển, đồng hồ, đồ chơi, các thiết bị chạy pin,… là nơi đó có pin. Nhưng khi được hỏi về cách xử lý pin không sử dụng, hầu hết mọi người đều đưa ra câu trả lời là vứt vào thùng rác. Tuy nhiên, chúng ta không hề hay biết mình đã làm một hành động vô cùng nguy hại với môi trường. Bởi nếu vứt pin cũ vào thùng rác thì sau khi rác được thu gom bị chôn lấp, các kim loại nặng như chì, kẽm, niken và thủy ngân có trong pin sẽ thấm vào đất, nguồn nước ngầm và gây ô nhiễm nguồn nước. Hoặc khi đốt, các thành phần nguy hại trong pin sẽ bốc lên thành khói độc, hay chất độc của pin đọng lại trong tro gây ô nhiễm không khí. Lượng thủy ngân có trong một cục pin cũng có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong vòng 50 năm.
Nhằm mục tiêu bồi dưỡng kiến thức cho đoàn viên, thanh thiếu nhi, học sinh về tác hại của việc xử lý pin cũ không đúng cách; nâng cao ý thức bảo vệ sức khoẻ cho con người và đảm bảo an toàn cho môi trường, hệ sinh thái, cũng như đa dạng hoá nội dung, hình thức các hoạt động bảo vệ môi trường; ban Thường vụ Thành Đoàn Hải Dương tiếp tục triển khai phong trào "Thu gom pin cũ - Vì môi trường tương lai" kéo dài từ tháng 10 năm 2022 đến tháng 10 năm 2023. Tại THPT Chuyên Nguyễn Trãi, chiến dịch được các đoàn viên thanh niên tham gia nhiệt tình, sáng tạo và hiệu quả.
Nguồn: NMC
Tác giả: Ngọc Minh