Một tối trở về nhà, tôi nhận được một cuộc gọi từ người bạn cùng lớp.

“Này, sắp 20/11 rồi, cậu có về thăm cô được không? Năm năm rồi chưa gặp, cô nói nhớ cậu lắm đó”.

“Ừ, tớ sẽ sắp xếp”. Tôi trả lời qua loa rồi tắt máy.

Tôi báo nghỉ làm, sắp xếp đồ đạc, đặt vé máy bay rồi đi ngủ. Lâu rồi chưa được nghỉ ngơi hẳn hoi, chắc lần này về thăm cô phải tận dụng thật nhiều thời gian.

...

Ngày 20, tôi cùng mấy đứa bạn kéo nhau về trường. 

Khi đến nơi, trường vẫn còn đang làm lễ mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Không có gì làm, tôi đi loanh quanh trường ngắm nghía.

Mấy năm không về, vậy mà ở đây cũng không có thay đổi gì nhiều. Có chăng cũng chỉ là cơ sở vật chất ngày một tốt lên, thêm nhiều khu nhà được mở rộng hoặc xây thêm. Nhưng quanh quẩn lại vẫn là cái hồn của ngày ấy, của những ngày tôi còn đi học.

Dưới gốc cây bàng vậy mà lại thêm mấy hàng ghế đá. Ngày xưa nghe cô kể chuyện, cái cây này vậy mà cũng hơn chục năm tuổi rồi. Nó sống trường tồn với thời gian như thế, mỗi năm lại mở tung ngọn cây để che nắng cho mấy đứa nhóc chúng tôi nghịch ngợm hoặc ngồi chơi. Tôi vẫn nhớ, mấy hôm mẹ đón muộn, cô cũng chưa về, hai cô trò lại ngồi dưới gốc cây ôn bài cũ hoặc trò chuyện. Lâu dần, đi xa rồi, cũng chẳng nhớ rằng mình đã từng có một thời ngây ngô gắn bó với gốc bàng này như vậy.

A large empty room

Description automatically generated

 

Tôi đến phòng học của tôi ngày xưa. Vẫn những dãy bàn xếp ngay ngắn, màu gỗ vàng nâu ấm áp. V cái khung cửa sổ cũ treo mấy cái chậu hoa nhỏ. Vẫn cái bục giảng ấy, nơi gắn với hình bóng của cô. Ước gì, tôi có thể được một lần quay về ngày ấy, trở thành đứa học trò bé bỏng của cô, được nghe cô giảng bài, được cô an ủi mỗi khi mệt mỏi.

 

“An, phải An đó không?”. Một giọng nói kéo tôi ra khỏi vòng suy nghĩ luẩn quẩn, giọng nói chẳng thể nào quen thuộc hơn.

Cô bước về phía tôi, vẫn sự bình tĩnh, điềm đạm trong sắc thái của cô như ngày nào. Vẫn nụ cười hiền dịu khiến mọi lo âu của tôi tan biến. Cô trong chiếc áo dài màu tím làm tôi nhớ đến ngày 20/11 của nhiều năm về trước, cô cũng mặc một chiếc áo màu tím như thế này, tươi cười đứng giữa lũ chúng tôi chụp một tấm ảnh. Tôi bất giác nhớ đến tấm ảnh ấy, vẫn luôn nằm trong ví của tôi.

Cô ôm chầm lấy tôi, và nói nhớ tôi rất nhiều. Tôi ngậm ngùi, rồi lại tự trách bản thân đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để được gặp cô. 

Chúng tôi trò chuyện rất lâu dưới tán cây bàng ngày nào. Sang đến đầu đông, lá cũng chẳng còn sum suê như ngày hạ. Nhưng dường như nó hiểu, hiểu rằng tôi nhớ ngày xưa như thế nào, nên vẫn cố tạo nên một khung cảnh hệt như nhiều năm trước, khi tôi cùng cô trò chuyện những buổi chiều muộn.

Tôi thấy mắt cô đỏ hoe. Cô nói, cô nhớ chúng tôi lắm. Là lớp đầu tiên cô chủ nhiệm, chúng tôi để lại cho cô nhiều kí ức hạnh phúc mà cô chẳng bao giờ dám quên đi. Cô sợ mấy đứa chúng tôi lớn cả rồi, đi cả rồi, còn mỗi mình cô ở lại. Cô sợ gặp chúng tôi rồi chẳng dứt ra được, cứ nhớ mãi hình ảnh mấy đứa thiếu niên nhưng vẫn còn quấn lấy cô. Nhớ mãi những giọt nước mắt của cô và cả của chúng nó, nhớ cả những nụ cười, hay mấy câu đùa cợt của mấy đứa bàn cuối. 

Diagram

Description automatically generated

 

Cô nói, “Là giáo viên, học trò có đi xa đến đâu thì mình cũng vẫn nhớ đến. Nhìn chúng nó trong bộ dạng của những người trưởng thành mà vẫn nhớ đến mấy đứa loắt choắt ngày xưa. Lắm lúc cũng ước mấy đứa quay trở lại làm trẻ con, để cô lại được nhìn mấy đứa lớn lên thêm một lần nữa”.

Suy cho cùng, cô thầy dìu dắt từng lớp, từng lớp học sinh, rồi đến một thời điểm nào đó, khi đã đủ chín chắn, đủ khôn lớn, học trò lại như đàn chim vỗ cánh bay lên khám phá vòm trời cao rộng. Chỉ còn thầy, còn cô ở đây, là người mẹ, người cha ngước lên, dõi theo đôi cánh của con.

Vẫn mong một ngày 20/11 nào đó của nhiều năm về sau, tôi có thể một lần nữa ngồi dưới gốc bàng này cùng cô, ôn lại kỉ niệm xưa. Tôi sẽ trở về cùng kí ức của những ngày còn đi học, để luôn nhớ trong lòng rằng, đã có những ngày tháng đẹp như thế.

Những ký ức đẹp đẽ ấy sẽ luôn hiện mãi trong đầu tôi...

                                                                        

 

Nguồn: NMC, Pinterest

Tác giả: Cát Dương