Trời vào đông. Thời tiết thật biết chiều lòng người, lạnh ngọt và dịu dàng, song vẫn có cái gì ngột ngạt, ráo hoảnh.
Mẹ tôi đi làm trong tiếng trống sớm đánh vang khô khốc vọng ra từ Viện 7. Từng cột khói phức mùi thơm bốc lên từ bếp than hồng rực của mấy hàng bán quà sáng bên đường đang rục rịch mở cửa. Những cánh cửa xếp được mở ra, tiếng nan sắt xếp khít vào nhau đanh lên như vỡ toang cái ngai ngái của buổi sáng tinh mơ. 20 tháng 11, những dải băng rôn phông đỏ chữ vàng được giăng nhộn nhạo khắp các con phố và các trường học. Hôm nay là Ngày Nhà giáo Việt Nam, chẳng phải ngày dành cho mẹ tôi, xong mẹ vẫn quyết định ăn diện hơn thường ngày một chút: quệt qua thỏi son môi dùng cả năm chưa hết, mặc chiếc áo dài màu tím thêu hoa đơn giản, đi đôi giày trắng mà mẹ thường chỉ mang trong những ngày lễ Tết.
Mẹ tôi làm kế toán trưởng ở một ngôi trường Tiểu học nằm khuất trong con ngõ nhỏ. Cái danh xưng “kế toán trưởng” chỉ là để vang lên cho vui tai, gọi cho vui miệng, chứ chẳng phải oai phong lẫm liệt gì, bởi trường chỉ có duy nhất một kế toán. May mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác, mẹ tôi có phòng làm việc của riêng mình, cũng có thể coi là phòng chờ không chính thức dành cho giáo viên trong trường. Đó là căn phòng nhỏ được chia ra làm 2 gian bởi 1 chiếc kệ kim loại lớn đựng đủ thể loại tài liệu: gian trước là nơi mẹ tôi làm việc, còn gian sau, vào những dịp như 20/11 này, trở thành một khu triển lãm hoa bất đắc dĩ.
Ngay khi mở cánh cửa phòng làm việc, một mùi pha tạp của những loài hoa quen mặt ào ra ngào ngạt. Những lẵng hoa với đủ hình dáng, kích cỡ, màu sắc được xếp đầy một góc phòng. Hiển nhiên đây chẳng phải hoa của mẹ tôi, có ai lại tặng hoa cho kế toán vào ngày 20/11 bao giờ? Ấy là hoa của những bà giáo, cô giáo, họ chẳng còn nơi nào để đặt những lẵng hoa ấy, cũng chẳng thể bê chúng từ lớp này sang lớp khác, nên đành để nhờ phòng mẹ tôi cho tiện. Chẳng nán lại phòng được lâu, mẹ tôi vội vàng rời đi để làm những công việc vô hình không ai để tâm tới.
Hôm nay là ngày Nhà giáo Việt Nam, trường mẹ tôi, như mọi năm, tổ chức lễ Mít-tinh để tôn vinh đóng góp của giáo viên trong trường. Dẫu vậy, những người ngồi hàng ghế đầu lại là các quan chức của sở, của các phòng, ban đến dự. Buổi lễ bắt đầu và kết thúc với các tiết mục văn nghệ mà giáo viên đã sớm biết từ trước, chỉ còn ý nghĩa về mặt hình thức chứ chẳng còn mấy bất ngờ. Công việc của mẹ tôi trong ngày này là chuẩn bị chè nước, bàn ghế, chỗ ngồi cho đại biểu, mang cho họ những tập tài liệu xanh đỏ vuông vắn và khi ai có nhu cầu gì thì phải nhanh chóng đáp ứng. Nhưng có lẽ mệt mỏi nhất vẫn là bê lên sân khấu những tràng hoa sặc sỡ cao đến lưng người được các đại biểu chuẩn bị sẵn để chụp lại bức ảnh lưu niệm. Những hàng hoa dài xếp đầy sân khấu, chen chúc nhau không còn một chỗ thừa, sau buổi lễ thì cũng chẳng còn ai nhắc đến chúng nữa.
Sau khi ăn bữa cơm “Tri ân giáo viên” thân mật cùng giáo viên trong trường, mẹ tôi về nhà khi bóng tối nhá nhem dần chiếm trọn bầu trời. Năm nào cũng vậy, mẹ sẽ được các cô tặng cho một, hai lãng hoa mang về nhà trưng cho có màu, có mùi, có không khí. Mẹ tôi thích màu tím, thích chữ số 9, thích con cáo Tod trong câu chuyện cổ tích “Cáo và Chó săn”, nhưng tôi không biết liệu mẹ có thích hoa hay không. Mẹ tôi trở về với một lẵng hoa thơm ngào ngạt trên tay, môi mẹ nở một nụ hoa ngạt nghẽo.
Nguồn: NMC, Pinterest
Tác giả: Tuấn Anh