Thành công lớn của bộ phim “Về nhà đi con" năm 2019 khiến cho chúng ta có thêm niềm tin vào phim truyền hình Việt Nam. Đặc biệt hơn khi được biết rằng, biên tập cũng như biên kịch chính của bộ phim “quốc dân" này chính là cựu học sinh chuyên văn khoá 1998 - 2001 của trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi. Chị từng đoạt giải Học sinh giỏi Quốc gia môn Văn.
Ngoài ra, chị còn được mọi người gọi vui là “biên kịch vàng" của làng VFC và là một trong những người “mẹ đẻ" của các bộ phim nổi tiếng khác như: “Hoa hồng trên ngực trái", “Hướng dương ngược nắng", “Ngày ấy mình đã yêu” “Tuổi thanh xuân", “Quỳnh búp bê",....Không chỉ vậy trong “gia tài" của mình chị còn là tác giả của cuốn tiểu thuyết bán chạy: “Gái già xì tin". Đặc biệt với bộ phim “Về nhà đi con” mà chị Thủy tham gia biên kịch và biên tập đã giành giải Phim truyền hình ấn tượng VTV Awards 2019, giải “Cánh diều vàng” cho hạng mục “Phim truyền hình hay nhất” năm 2019, Giải Vàng đặc biệt hạng mục Phim truyền hình, Giải vàng biên kịch xuất sắc ở Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2019, và nhận được Bằng khen đặc biệt của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch. Gần đây “Hoa hồng trên ngực trái” cũng giành giải ở hạng mục “Phim truyền hình ấn tượng” tại VTV Awards 2020. “Hướng dương ngược nắng” là bộ phim mà chị Thủy tham gia tổ chức kịch bản, đang phát trên VTV3 cũng đang nhận được sự quan tâm lớn của khán giả.
Vậy cùng lắng nghe những chia sẻ hết sức thú vị của chị Thuỷ xung quanh câu chuyện làm biên kịch cũng như những kỉ niệm thời còn học ở Chuyên Nguyễn Trãi nhé!
Cơ duyên đến với nghề “biên kịch"
Chị Nguyễn Thu Thuỷ - hay còn được biết đến nhiều với bút danh là Thuỷ Vũ đã khiến chúng ta có một cách nhìn khác với nghề biên kịch khi nghề biên kịch ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa được coi trọng nhiều bởi người ta thường nhắc nhiều hơn đến đạo diễn và diễn viên nhiều hơn cho phần đóng góp thành công của bộ phim. Ngày nay các bạn trẻ thường chạy theo những ngành nghề “xịn" của xã hội như kinh tế, ngoại ngữ,... thì không biết rằng khoảng gần chục năm trước “với khối C, sư phạm, báo chí, khoa Văn là những lựa chọn phổ biến” và ban đầu thì chị Thuỷ chọn theo học tại khoa Văn, ĐHKHXH&NV. Chị chia sẻ rằng: “Hồi đó chị thấy mình không phù hợp với việc làm cô giáo lắm, mà ở khoa văn thì nếu thích vẫn có thể viết báo, nên đã chọn khoa văn.
Thời Đại học, chị không phải là sinh viên chăm chỉ, hầu như cũng đến lúc thi thì mới ôn tập, còn lại, đến lớp thì hay ngủ gật với làm thơ. Nên tháng ngày sinh viên, nhìn chung rất vui vẻ và lãng mạn”.
Ở chị Thuỷ luôn toả ra một nguồn năng lượng tích cực, đặc biệt là sự thoải mái cũng như có chút “mạo hiểm" theo đuổi những thứ chị yêu thích. Về quá trình đến với vị trí biên kịch này chị chia sẻ rằng: “Khi học xong đại học, chị từng đi làm ở một nhà xuất bản, nhưng cảm thấy không thực sự phù hợp, nên chị quyết định học tiếp. Trong lúc học cao học thì có khóa học về kịch bản, chị thấy khá thú vị, và hợp lí về thời gian, nên đã đăng kí, rồi bất ngờ rẽ theo con đường này luôn.
Chị chọn biên kịch như một nghề nghiệp, có lẽ vì chị thích được là một người kể chuyện. Và phim truyền hình sẽ cho chị có cơ hội là người kể những câu chuyện dài hơn, được đề cập những vấn đề mà chị quan tâm nhiều hơn.”
Không chỉ vậy, chị còn vui vẻ chia sẻ thêm rằng: “Khi còn trẻ, chị thấy đây là lĩnh vực mới mẻ, thú vị. Khi không trẻ nữa thì thấy đó là cơ duyên và may mắn. Chị nghĩ, có cơ hội thử sức trong một lĩnh vực nào đó, thì dù thất bại hay thành công, cũng đều đáng để người ta “mạo hiểm” một lần”.
““Biên kịch” là một công việc duy trì cuộc sống.
“Biên kịch" là một nghề sáng tạo….”
Khái niệm biên kịch với mọi người hẳn vẫn còn xa lạ bởi hiện tại không nhiều người chọn theo ngành này cũng như tính chất, yêu cầu rất riêng của nó cũng rất “kén" người. Hơi đặc biệt hơn so với những ngành nghề khác như nhà báo, phóng viên hay biên tập viên,... biên kịch là những người thực hiện giai đoạn “thai nghén" cho mỗi bộ phim, nhưng bộ phim đó thành hay bại lại dựa vào khán giả và tổng hoà của nhiều yếu tố khác như diễn viên, đạo diễn, đầu tư,... Bởi với chị Thuỷ thì “Kịch bản là khâu đầu tiên trong chu trình sản xuất một bộ phim và ảnh hưởng trực tiếp tới tất cả các khâu còn lại. Nếu kịch bản chậm trễ hay không đảm bảo chất lượng để sản xuất, sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng. Tôi vẫn thường nói với các biên kịch, những cộng sự của tôi rằng, hãy luôn nhớ, biên kịch là một nghề không dễ thở, đó là một công việc của tập thể mà trong đó, kỉ luật, ý thức tập thể là quan trọng nhất. Nên tôi luôn có kế hoạch cho công việc của mình và các cộng sự, và dùng kỉ luật để thực hiện đúng kế hoạch đó”. (bài phỏng vấn của chị Thuỷ với báo vannghequandoi.com.vn)
Và một bộ phim không thể thành công nếu thiếu 1 trong các yêu tố trên cũng như nếu không được khán giả ủng hộ. Chị Thuỷ tâm sự: “Mà khán giả là một biến số khó lường. Nó khiến cho công việc của chúng tôi luôn thú vị, và đầy thách thức”.
Với chị thì: “Biên kịch là nghề sáng tạo, liên quan đến tư duy ngôn ngữ và kể chuyện, cho nên, nếu có chút “trời cho” thì sẽ là may mắn và thuận lợi bước đầu. Nhưng như mọi nghề nghiệp khác, để đi đường dài, vẫn luôn cần học hỏi, luôn cần thực hành, với sự nghiêm túc, kiên trì và cầu tiến”.
Chị Thuỷ luôn coi biên kịch là công việc chính của mình vì thế mà chị cũng đặt ra những yêu cầu nhất định cho bản thân chứ không chỉ đơn giản là hứng thú lên thì viết. Trong một lần phỏng vấn với Kênh 14.vn, khi được hỏi rằng chị có lo lắng không khi viết nhiều kịch bản như vậy, viết liên tục trong nhiều năm sẽ làm mình cạn kiệt ý tưởng chị đã trả lời:
“Có chứ. Có điều, tôi xác định biên kịch là một công việc duy trì cuộc sống. Mà đã là công việc, thì phải có những kĩ năng. Khi vốn sống cạn dần, là lúc chúng ta cần đến kĩ năng mở rộng chất liệu, kĩ năng sáng tạo nên những câu chuyện mới.
Ở một khía cạnh khác thì tôi không cho rằng, viết nhiều là sẽ cạn, mà có đôi khi, việc ta rất lâu không viết mới khiến ta bị cứng tay. Còn khi ta viết nhiều rồi thì đầu óc ta sẽ có một cơ chế vận hành riêng cho nó.
Ngày nay, sản xuất phim truyền hình là một guồng máy công nghiệp, là một hệ thống vận hành gồm rất nhiều bộ phận và công đoạn. Do đó, với ngành nghề này, tôi thậm chí đánh giá cao yếu tố chuyên nghiệp và kỉ luật hơn là chất nghệ sĩ.
Nhiều người cũng bảo, sao trông chúng tôi không nghệ sĩ gì cả, hết sức bình thường, thậm chí tẻ nhạt. Nhưng với tôi, điều quan trọng là hiệu quả công việc, là chất lượng kịch bản thế nào chứ đâu quan trọng gì việc trông chúng tôi ra sao. Đôi khi bớt bị chú ý cũng sẽ là một lợi thế”.
Tham gia bộ phim “Về nhà đi con" với vị trí là biên tập, biên kịch chính, chị Thuỷ chia sẻ trên kenh14.vn rằng: “Khi tôi là biên kịch, tôi cùng các bạn trong nhóm: Khánh Hà, Thủy Tiên, Thu Trang phát huy tối đa tính sáng tạo của mình. Khi tôi là biên tập, tôi phải đặt tất cả sự sáng tạo ấy trong kiểm soát.
Khi là biên kịch, chúng tôi có sự tự do. Nhóm nội dung chúng tôi chơi rất thân nhau, thường xuyên trêu đùa đá đểu nhau, và chúng tôi "lạm quyền" khi nhét tất cả những câu đùa cợt ấy cho Thư và Dương, tái hiện một phần nào đấy đời sống của chính chúng tôi vào trong bộ phim. Câu Huệ nói với Dương: "em phải hiểu đúng điều chị nói" là câu thường xuyên tôi dùng để nói một bạn biên kịch trong nhóm. Hay câu Dương nói, "bị đánh nhiều thì nội tâm vừa mạnh mẽ vừa đàn hồi" cũng thế… Đó là một trong số rất nhiều những câu mà biên kịch hay thoại ngoài đời sống được đưa vào phim.
Nhưng khi là biên tập, tôi buộc phải tỉnh táo để xem xét, việc "lạm quyền" đó có hợp lý với mạch truyện không! Không thể vì muốn đưa cái tôi của người sáng tác vào mà ảnh hưởng tới tính nhất quán của câu chuyện”.
Cấp 3 ở Chuyên Nguyễn Trãi là những tháng ngày thanh xuân đáng nhớ!
Ngoài việc là biên kịch của các bộ phim nổi tiếng hay là tác giả của cuốn tiểu thuyết bán chạy thì được biết rằng chị Thuỷ cũng từng là cựu học sinh chuyên Văn khoá 1998 - 2001 trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi. Có lẽ, với chị Thuỷ quãng thời gian 3 năm cấp 3 là quãng thời gian vô tư nhất cũng là nơi nuôi dưỡng niềm đam mê văn chương trong chị. Chị chia sẻ rằng: “Thời đi học, chị là một trong những học sinh học lệch nhất, thậm chí có nguy cơ trượt tốt nghiệp. Nhưng chị rất biết ơn các thầy cô giáo, những người đã kiên nhẫn và bao dung với một học sinh thiếu hoàn hảo như chị; chị biết ơn thầy Vĩnh (từ cấp 2) và thầy Nhiễu (thời cấp 3), những người thầy đã trao cho chị tình yêu văn học, biết ơn cả cô giáo dạy Toán, dạy Lý, đã kiên nhẫn với học sinh dốt bền lâu như chị”.
Và mình tin rằng không chỉ với mình mà với bất kì ai khi trở thành cựu học sinh Chuyên Nguyễn Trãi thì đều cảm thấy tự hào khi kể về ngôi trường mình theo học, như cách mà chị Thuỷ mỗi khi nói về trường của mình với mọi người: “Chị đã luôn có một niềm tự hào, khi được giới thiệu với ai đó, về ngôi trường cấp 3 đã học, nơi chị đã có những tháng ngày học tập đáng nhớ, có những người bạn suốt đời và những người thầy cô có ảnh hưởng tới mình mãi về sau.
Chị tin rằng các bạn học sinh chuyên Nguyễn Trãi bây giờ, sẽ càng giỏi giang, và có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân hơn nữa, trong học tập, trong các cuộc thi. Chúc những tháng ngày của các em dưới mái trường Nguyễn Trãi luôn là những trải nghiệm đáng quí trong những tháng năm tuổi trẻ của mình nhé”.
Ngoài ra, không biết chi có thể “bật mí" thêm về những dự định hoặc dự án sắp tới của mình được không ạ?
“Hiện tại chị là biên tập, biên kịch bộ phim “Hướng dương ngược nắng” đang phát sóng trên VTV3. Còn dự án sắp tới của chị, là một phim gia đình, với vị trí trung tâm câu chuyện là một người mẹ hết lòng nuôi con cái khôn lớn trưởng thành”.
Cuối cùng, xin gửi cảm ơn đến chị Thuỷ vì đã đồng ý tham gia buổi trò chuyện này, mong rằng chị sẽ luôn vui vẻ, lạc quan, có nhiều sức khoẻ để có thể “chắp bút" cho nhiều bộ phim “quốc dân" và được mọi người yêu thích! Mong rằng, tương lai sẽ được gặp chị tại Chuyên Nguyễn Trãi, và biết đâu sẽ có một buổi chia sẻ và trò chuyện với các bạn học sinh Chuyên Nguyễn Trãi!
Tác giả: Thu Hoài