Có lẽ rất lâu về trước rồi, cách  đây khoảng 1 thập kỷ có một lớp chuyên Toán 1 niên khoá 2007 – 2010 do cô Lý Thị Thu Hằng chủ nhiệm và đứng lớp, có 1 bạn học sinh đặc biệt tên Nguyễn Đình Đạo. Hiện nay anh đang là nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Queensland, Úc, chuyên ngành Kinh tế sức khỏe. Trước khi tới Úc học tập, anh làm việc với vai trò nghiên cứu viên định lượng tại Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp, Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (CAP-IPSARD), Bộ Nông nghiệp. Thật may mắn khi hôm nay mình được ngồi trò chuyện với anh - giữa những thế hệ học sinh của Chuyên Nguyễn Trãi với nhau, vừa là kể về quá trình anh đã đi, vừa là để ôn lại kỉ niệm về mái trường xưa. Mong những chia sẻ này của anh Đạo có thể giúp ích cho các bạn học sinh có mong muốn đi du học hoặc theo học ngành Kinh tế.

Anh Đạo chia sẻ về công việc của mình: “Công việc của mình chủ yếu là nghiên cứu về các vấn đề trong kinh tế nông nghiệp, đời sống của các hộ gia đình, đặc biệt là trong bối cảnh tác động của sự gia nhập vào các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương của Việt Nam, tác động của biến đổi khí hậu và nghèo đói. Mình có thể nói, đây là công việc bên cạnh sự “nhàm chán” với các con số, các chính sách và phương pháp toán, thì nó cho mình khá nhiều trải nghiệm thích thú qua các chuyến thực địa ở nhiều địa phương trên toàn quốc. Bản thân mình cũng xuất thân từ gia đình nông dân, nên mình rất hiểu những khó khăn mà người nông dân gặp phải. Mình hi vọng những gì mình làm và sẽ làm trong tương lai sẽ có ảnh hưởng tích cực, dù chỉ là một chút, tới đời sống của người nông dân”.

Anh Nguyễn Đăng Đạo trong lễ tốt nghiệp tại trường Trường Đại học Australian National University .

Chàng trai tưởng “không có gì trong tay ấy” lại là chủ nhân của hàng loạt học bổng toàn các trường thuộc G8* nước Úc. “Có thể nói, mình ra đi với 2 bàn tay trắng để ôm cả đống thứ ở đất nước họ”.

*8 trường hàng đầu nước Úc

Mặc dù đến khi học Đại học anh mới bắt đầu nghiêm túc với việc học tập và nghiên cứu cũng như biết đến các chương trình học bổng nhưng các thành tích của anh khiến mọi người phải kinh ngạc. Khi được hỏi có thể chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình lấy học bổng toàn phần, học bổng trao đổi thì anh đùa trêu rằng đây là “khoe thành tích 1 chút nhỉ”, nhưng những chia sẻ của anh cũng là điều mà các bạn học sinh hiện nay đang tìm kiếm:

“Năm 2017, mình là 1 trong 50 ứng viên của Việt Nam nhận Học bổng Chính phủ Úc, AAS Scholarship, và theo học chương trình Thạc sĩ Kinh tế tại trường Đại học Quốc gia Úc. Tháng 9/2019, mình nhận được học bổng cho chương trình ngắn hạn về An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu của trường Đại học Wageningen, Hà Lan theo chương trình Học bổng chính phủ Hà Lan, OKP Scholarship. Tháng 10/2020 thì mình chính thức sang Đại học Queensland, Úc để theo học chương trình Tiến sĩ Kinh tế, dưới tài trợ toàn phần của Quỹ học bổng trường. Ở cả 2 học bổng Thạc sĩ và Tiến Sĩ, mình không chỉ được tài trợ tiền học phí mà bao gồm cả bảo hiểm và chi phí sinh hoạt tại Úc. Có thể nói, mình ra đi với 2 bàn tay trắng để ôm cả đống thứ ở đất nước họ.

Còn làm thế nào để có thể lấy được học bổng toàn phần của Chính phủ thì bên cạnh sự nỗ lực, yếu tố may mắn, mình khuyên các bạn cần phải hiểu rõ được mục tiêu của học bổng đó. Không phải học bổng nào cũng tìm kiếm sự tài năng của ứng viên với các thành tích xuất sắc. Ví dụ như học bổng chính phủ Úc, họ tìm kiếm ứng viên có khả năng lập kế hoạch cho bản thân trong tương lai với mục tiêu trở về Việt Nam để phát triển quốc gia. Đối với các học bổng trường, họ lại yêu cầu cao hơn về thành tích học tập và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh mục tiêu của học bổng, nắm rõ quy trình tuyển sinh là điều rất quan trọng để các bạn có đủ thời gian trong việc chuẩn bị các giấy tờ và các bài luận một cách chuẩn chỉnh và không vội vàng. Thứ gì vội vàng cũng đều tiềm ẩn rủi ro. Lời khuyên cuối cùng của mình, tự tin vào bản thân mình. Không phải cơ hội chỉ dành cho những người xuất sắc, mà còn dành cho cả những người cố gắng, dám nghĩ và dám bước ra khỏi cái vỏ bọc của bản thân”.

Với anh Đạo, du học không chỉ dành cho nhà giàu hay phải có tiền tỉ mới đi du học được. Du học là cơ hội công bằng với tất cả các bạn, đặc biệt anh luôn khuyến khích các bạn học sinh, nhất là những bạn có hoàn cảnh khó khăn có thể lấy học bổng thì có thêm cơ hội ra nước ngoài để mở rộng sự hiểu biết và tầm nhìn của mình. Đây cũng là một cơ hội để bản thân có thể giúp đỡ gia đình. Anh còn chia sẻ thêm: “Là học sinh chuyên Nguyễn Trãi có lẽ cũng có một điểm cộng với các trường Đại học ở Úc, bởi lẽ danh tiếng của các trường chuyên ở Việt Nam cũng đã thu hút được sự chú ý của họ. Bên cạnh đó, khá nhiều anh chị du học sinh chuyên Nguyễn Trãi theo học bên Úc và đều đạt được những thành công nhất định”.

Ảnh chụp các ứng viên Quốc tế nhận học bổng Chính phủ Úc, đang học tập tại Canberra, thủ đô nước Úc. 

Từng nhận giấy khen Nghiên cứu viên trẻ xuất sắc, trao bởi IPSARD, nhưng cũng từng phải “chật vật” với cuộc sống ở Hà Nội vì “làm nghiên cứu rất... “nghèo””.

Điều khiến mình ấn tượng ở anh Đạo đó là niềm đam mê với nghiên cứu khoa học với những giải thưởng ngay từ khi còn theo học tại Đại học và đến hiện tại thì đã có 1 số nghiên cứu được xuất bản trong nước và quốc tế, chủ đề thường xoay quanh về Kinh tế phát triển, Kinh tế nông nghiệp, Nghèo đói, Biến đổi khí hậu và Bình đẳng giới.

Như anh nói yếu tố nghiên cứu khoa học cũng là một điểm cộng để anh xin được các học bổng quốc tế, anh có thể chia sẻ về kinh nghiệm bản thân về vấn đề này được không ạ?

“Đúng quả thực, nghiên cứu khoa học là một yếu tố khá quan trọng trong xin học bổng quốc tế, đặc biệt là sau Đại học. Khi xin đến bậc Tiến sĩ, gần như các học bổng đều yêu cầu về kinh nghiệm làm việc trong nghiên cứu khoa học hoặc xuất bản quốc tế.

Tại thời điểm học tập tại trường Đại học Kinh tế quốc dân, mình đã tham gia vào nghiên cứu khoa học cấp trường. Đề tài đầu tiên là “Nghiên cứu về lựa chọn nghề nghiệp của học sinh THPT” và đối tượng nghiên cứu của mình cũng có bao gồm các học sinh lớp 12 tại trường THPT chuyên Nguyễn Trãi. Năm đó, với sự giúp đỡ của Thầy Bùi Hữu Hải, mình đã quay lại trường và khảo sát rất nhiều bạn học sinh về mong muốn của họ sau tốt nghiệp. Quá trình làm nghiên cứu khoa học tại ĐH Kinh tế quốc dân không chỉ giúp mình có suy nghĩ logic hơn cho một vấn đề trong cuộc sống, giải quyết chúng như thế nào dưới các công thức toán học, thống kê, kinh tế lượng, mà còn cải thiện khả năng viết, khả năng thuyết trình và khả năng trình bày khoa học.

Sau đó trong quá trình làm việc tại CAP-IPSARD, mình đã tham gia vào nhiều dự án cấp quốc gia và quốc tế trong nghiên cứu về đói nghèo, biến đổi khí hậu và sinh kế hộ nông dân. Những nghiên cứu này có vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các nhà hoạch định chính sách có các bằng chứng khoa học đi từ những câu chuyện của người nông dân để có được các chính sách hiệu quả hơn trong cuộc sống thực tế. Tuy nhiên, làm nghiên cứu khoa học rất... “nghèo”, đó là lý do chính mà nhiều bạn trẻ không lựa chọn sau khi tốt nghiệp Đại học. Nếu như không thực sự đam mê và gắn bó với nó, phần lớn sẽ từ bỏ chỉ sau vài tháng theo đuổi, vì tiền lương không đủ cho cuộc sống ở Hà Nội. Bản thân mình đã phải tự động viên rất nhiều để tiếp tục với công việc đó và may mắn nhờ vậy đã có được học bổng để đi du học.

Quá trình học tập tại Úc, đặc biệt là sau Đại học, sinh viên sẽ tiếp tục được trang bị sâu hơn về khía cạnh học thuật. Với nền của mình ở Việt Nam, mình đã khá nhanh chóng tiếp nhận được kiến thức và kỹ năng được đào tạo của trường Đại học Quốc gia Úc và đã có một số xuất bản trên một số tạp chí uy tín. Nghiên cứu mới nhất của mình với tiêu đề “The gender wage gap and the presence of foreign firms in Vietnam: Evidence from Unconditional quantile regression decomposition” đã được chấp nhận xuất bản bởi tạp chí Journal of Economic Studies. Đây là một tạp chí quốc tế danh tiếng, được xếp hạng Q2 theo tiêu chí của SCOPUS, xếp hạng B của xếp hạng ABDC của Úc, và thang điểm 2 theo xếp hạng ABS. Khi bạn có một nghiên cứu được xuất bản quốc tế, nó không chỉ thể hiện khả năng nghiên cứu khoa học của bản thân đã tốt lên, mà còn được công nhận bởi các chuyên gia quốc tế rằng, nghiên cứu của bạn có thể có những đóng góp vào khoa học và cuộc sống thực tiễn”.

Buổi gặp mặt của DFAT (Bộ ngoại vụ và thương mại Úc) với sinh viên quốc tế nhận học bổng chính phủ Úc tại thủ đô Canberra.

Những câu chuyện đặc biệt chỉ có ở chuyên Nguyễn Trãi.

 Và lời cảm ơn gửi đến “người thầy đặc biệt".

Là chủ nhân của các bài báo được đăng trên tạp chí Quốc tế nhưng mấy ai biết anh Đạo từng “đội sổ”, và bị thầy bắt gặp khi đi chơi điện tử... Có lẽ cấp 3 tại chuyên Nguyễn Trãi của anh không phải là một câu chuyện đẹp với những thành tích ghi danh bảng vàng nhưng ở tại đây anh gặp được những người thầy người cô đã giúp đỡ anh rất nhiều và đặc biệt là sự biết ơn với thầy Nghị - người khiến anh học được nhiều thứ hơn cả kiến thức đó là sự nỗ lực.

Anh tâm sự về quãng thời gian cấp 3 bồng bột ấy: “Một sự thật là mình đã trượt Chuyên Nguyễn Trãi. Lúc đầu, mình khá hụt hẫng và gia đình cũng khá căng thẳng vì mình thậm chí không vào được lớp chọn của trường THPT Tứ Kỳ. Nhưng sau đó, mình được gọi bổ sung vào lớp chuyên Toán. Điều đó phần nào cũng giúp các bạn hiểu, so với các bạn cùng lớp thì mình không quá xuất sắc, thậm chí luôn luôn đội sổ. Thực ra, thời điểm đó lựa chọn chuyên Nguyễn Trãi phần lớn do cảm xúc háo thắng của tuổi trẻ. Với một đứa ở nông thôn, việc được vào Nguyễn Trãi là điều gì đó rất tự hào. Tuy nhiên, trở thành thành viên của lớp Toán 1, mình lại không có định hướng và cũng không đủ năng lực như các bạn khác để tham gia vào các đội tuyển cấp tỉnh, quốc gia hay quốc tế. Trong 3 năm học THPT, mình thường là ngưỡng mộ về sự thông minh và thành tích của các bạn trong lớp. Và thú thực đến giờ, mình vẫn ngưỡng mộ về sự thành công trong sự nghiệp và cuộc sống của họ. Có thể nói, 3 năm cấp ba là quãng thời gian cũng khá áp lực với một đứa có sức học khá đuối như mình.

Áp lực, nhưng thú thực, các thầy cô tại Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi không chỉ là người thầy trong học tập mà cả trong cuộc sống đối với mình. Đến giờ mình vẫn rất muốn gửi lời cảm ơn đến thầy Mạc Đăng Nghị, một người chuyên bắt gặp được mình đi chơi điện tử một cách rất tình cờ. Và cũng là người giúp đỡ mình rất nhiều về học phí học tập cũng như cho mình rất nhiều lời khuyên về cuộc sống. Mình nhớ rất rõ những câu chuyện về cuộc sống khó khăn của Thầy thời cấp 3 và Đại học, và sự cố gắng không ngừng nghỉ để có được những thành công sau đó của Thầy. Thầy luôn động viên mình cố gắng và phải biết nghĩ về khó khăn của gia đình để làm động lực. Thời điểm THPT là thời điểm mình khá trẻ con, và mình gần như không thể hiểu những gì Thầy chia sẻ. Đến năm 2 Đại học, khi một số biến cố xảy ra với gia đình, lúc đó mình mới thấm và bắt đầu có sự thay đổi về một cuộc sống có mục tiêu hơn.

Nói về chuyên Nguyễn Trãi, mình cũng không thể quên cuộc sống tại khu Kí túc xá của trường, không thể quên được bác Tuấn - bảo vệ của khu Kí túc xá, và cô Hương phòng y tế.”

Vậy, sắp tới anh có dự định gì không ạ? Anh có điều gì muốn nhắn gửi đến các bạn học sinh chuyên Nguyễn Trãi không ạ?

“Trước hết là mình sẽ hoàn thành chương trình Tiến sĩ, sau đó mình sẽ trở về Việt Nam để tiếp tục làm việc và cống hiến”.

“Như mình đã nói ở trên, tự tin, dám nghĩ, và dám bước ra khỏi vỏ bọc của bản thân là điều đầu tiên chúng ta cần nghĩ tới. Còn với các bạn học sinh của THPT chuyên Nguyễn Trãi, mình cũng khuyên các bạn nên có định hướng rõ ràng hơn về bản thân trong tương lai: Mình muốn là ai, muốn đi đâu và muốn làm gì. Khi các bạn có định hướng rõ ràng với mong muốn của bản thân, các bạn sẽ dễ dàng đi tới thành công hơn. Thành công ở đây không phải là thành công ở sự nghiệp trong tương lai, mà là sự cân bằng của sự nghiệp, gia đình, và cảm xúc. Mình biết sẽ có một số bạn có thành tích học tập kém, và tự ti vào bản thân của mình khi xung quanh có thể nói toàn thần đồng. Áp lực đó ở trường chuyên là điều rất bình thường. Bản thân mình từng đỗ vớt vào chuyên Nguyễn Trãi, từng “đỗ vớt” vào Đại học Kinh tế quốc dân, nên mình rất hiểu cảm xúc đó. Thế nhưng, không ai sống cho mình, nếu không cố gắng, không có mục tiêu, mình sẽ mãi ở vũng lầy đó mà không thể bay ra ngoài để biết giới hạn của mình ở đâu. Hãy cố gắng nhé!”

Tuy buổi nói chuyện không dài nhưng mình thấy được hình ảnh của một học sinh Chuyên Nguyễn Trãi trong anh và cả những kỉ niệm với thầy cô và bạn bè ở đây. Hơn cả đó là sự khiêm tốn, sự khiêm tốn khi mỗi lần nhắc tới thành tích của mình, anh Đạo đều nói rằng: “Anh cảm thấy nó thật nhỏ bé, chưa là gì so với cái mọi người làm hay các anh chị đi trước đã đạt được”, bởi chính bản thân anh cũng biết rằng mình cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Bắt đầu muộn không có nghĩa là thất bại, nên tin chắc rằng anh Đạo vẫn sẽ tiếp tục tạo ra những “điều kì diệu” của riêng bản thân mình trong chặng đường sau này.

Chúc anh có thật nhiều sức khoẻ, luôn vui vẻ hạnh phúc ở 1 đất nước mới và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai!

Hẹn anh tại chuyên Nguyễn Trãi một ngày gần nhất!

Nếu muốn tìm hiểu các loại học bổng hoặc hỏi về việc du học trao đổi ngắn hạn thì có thể liên lạc với anh qua email: daond92@gmail.com hoặc facebook: Đạo Nguyễn Đình.

 

Tác giả: Thu Hoài